Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam
TCCS - Ngày 20-4-2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”.
Dự hội thảo có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Lương Tam Quang, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh…, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhà khoa học, các tướng lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, sau Hiệp định Pa-ri, trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là những âm mưu và hành động chiến tranh mới của địch ở miền Nam, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III nhấn mạnh: Bất kể tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng cũng là sử dụng bạo lực cách mạng. Do đó, phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh giành toàn thắng. Thực hiện quyết nghị của Trung ương, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tham mưu đã nghiên cứu trình Bộ Chính trị kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, được Bộ Chính trị thông qua vào ngày 8-1-1975. Tuy nhiên, thắng lợi của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long phản ánh khả năng Mỹ rất khó can thiệp trở lại và quân ngụy Sài Gòn không đủ sức để phản kích lấy lại khu vực đã mất. Đó là cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo kế hoạch đã định; đồng thời dự kiến “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, lập tức giải phóng miền Nam vào năm 1975”.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết liệt triển khai kế hoạch, chỉ đạo quân dân ta đẩy mạnh tiến công, liên tiếp giành chiến thắng trong các Chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, làm thay đổi căn bản về tương quan lực lượng, thế trận có lợi cho ta; là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định điều chỉnh kế hoạch và thời gian mở trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn trong tháng 4-1975.
Chấp hành mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, quân và dân cả nước đã dồn mọi nỗ lực, quyết tâm cao nhất, chuyển hóa thời cơ chiến lược thành sức mạnh to lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch chính thức mở màn. Bằng sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân ta tiến công tiêu diệt, làm tan rã từng sư đoàn, quân đoàn chủ lực của địch, đập vỡ từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng, nhanh chóng thọc sâu tiêu diệt các mục tiêu chủ yếu trong nội đô Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phát huy các giá trị tinh thần của Đại thắng Mùa Xuân 1975 và làm tròn sứ mệnh lịch sử trong thời đại mới, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là sự tiếp nối xứng đáng những gì mà thế hệ cha anh đã giành được. Tham luận chào mừng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nên thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ lòng biết ơn bao thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh, góp xương máu của mình, viết nên thiên anh hùng ca bất hủ như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ II năm 1980: “Trong mỗi chiến công của thành phố này có máu xương, công sức, trí tuệ của các chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền trên cả nước”. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân Thành phố đã nỗ lực kiên cường, bền bỉ vì cả nước, cùng cả nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần thực hiện các nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành phố đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ đột phá chiến lược, phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; nỗ lực với quyết tâm cao nhất để đến năm 2030 Thành phố trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có vị trí nổi trội ở khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến 2045 trở thành đô thị phát triển ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu; kinh tế - văn hoá - xã hội phát triển đặc sắc, bền vững, có chất lượng sống cao, hội nhập kinh tế sâu rộng.
Đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX; đã khẳng định, một dân tộc dù bé nhỏ nếu luôn luôn cảnh giác, đoàn kết nhất trí, kiên quyết và bền bỉ đấu tranh thì cuối cùng nhất định thắng lợi. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là nét đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, biểu tượng sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Từ đây, đất nước Việt Nam sạch bóng quân thù, non sông thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ thực tiễn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, theo Trung tướng Nguyễn Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược, như: Nghệ thuật chỉ đạo tổ chức lực lượng “toàn dân đánh giặc”; nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược độc đáo, sáng tạo; nghệ thuật chỉ đạo tạo lập thế trận tác chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định; nghệ thuật phát huy sức mạnh hiệp đồng quân, binh chủng trong tác chiến quy mô lớn; nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch.
Theo GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, những diễn biến mau lẹ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Việt Nam với những thắng lợi liên tiếp ở Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nắng đã cổ vũ phong trào cách mạng ở Campuchia. Phối hợp chặt chẽ chiến trường miền Nam Việt Nam, Quân giải phóng Campuchia đã mở cuộc tổng công kích, lật đổ chế độ Lon Non vào ngày 17-4-1975. Trong khi đó, ở Lào, nắm vững thời cơ chiến lược, tháng 5-1975, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã kiên quyết và kịp thời phát động đấu tranh bằng “ba đòn chiến lược” (sự nổi dậy của quần chúng; tiến công bằng quân sự, gây áp lực; sự nổi dậy ly khai của một bộ phận binh sĩ) và “mũi đấu tranh pháp lý” giành quyền làm chủ trong cả nước, dẫn đến sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2-12-1975. Như vậy, Đại thắng mùa Xuân 1975 của nhân dân Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân Lào và nhân dân Campuchia tiến lên giành thắng lợi quyết định. Bên cạnh đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là sự nghiệp chính nghĩa nên đã được đông đảo nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Vì thế, “thắng lợi của chúng ta là thắng lợi của các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới đã ủng hộ nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược”(1).
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 120 báo cáo, tham luận khoa học. Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều nội dung phong phú, góp phần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung quan trọng, trong đó có nhiều luận giải, phân tích, đánh giá mới làm sâu sắc hơn về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam, tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Một là, phân tích, luận giải làm sáng rõ bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước; âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trong những năm 1973 - 1975.
Hai là, làm sâu sắc hơn chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự điều hành nhạy bén, sáng tạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền, sự chủ động, linh hoạt của các cấp ủy đảng trong quá trình lãnh đạo quân và dân ta thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Làm rõ tài thao lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
Ba là, khẳng định Đại thắng mùa Xuân 1975 là thành quả của sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; vị trí, vai trò, sự phối hợp giữa các chiến trường, các đòn tiến công chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; bổ sung, làm rõ vai trò của các thành phần, lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bốn là, phân tích những nét đặc sắc của nghệ thuật và tư duy quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; những nét đặc sắc, độc đáo của thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc; tư tưởng chiến lược tiến công và quy luật vận động của chiến tranh; sự kết hợp chặt chẽ trong việc nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ, khả năng biết kết hợp, phát huy vai trò, sức mạnh của các lực lượng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; khả năng nghiên cứu vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức chiến thuật trong mỗi trận đánh; nét độc đáo của nghệ thuật kết thúc chiến tranh, thể hiện chính sách hòa hợp dân tộc, khoan dung, nhân ái và tinh thần khát vọng, yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta.
Năm là, tập trung nêu bật tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân 1975; đúc rút những kinh nghiệm, bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đặc biệt, làm rõ Đại thắng mùa Xuân 1975 là tiền đề, động lực cho Việt Nam phát triển; ý nghĩa và những bài học được rút từ sự kiện lịch sử trọng đại này đối với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Bế mạc hội thảo, Đại tướng Lương Tam Quang khẳng định, cùng với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao mang tầm thời đại, Đại thắng Mùa xuân năm 1975 đã để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; hun đúc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta niềm tin mãnh liệt, sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, với bản lĩnh của sức mạnh Việt Nam đã làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.
Kết quả của cuộc hội thảo góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ, hiểu đúng về giá trị lịch sử của Đại thắng mùa Xuân cách đây 50 năm; hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng; đồng thời, đấu tranh với các quan điểm sai trái, phủ nhận cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta ./.
-----------------------
- Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 983.
Tạo động lực thúc đẩy cá nhân tích cực đổi mới, sáng tạo, vươn lên đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới (31/03/2025)
Bối cảnh quốc tế và trong nước - Những vấn đề đặt ra để đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới (29/03/2025)
- Quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin về quần chúng nhân dân với tư cách động lực của phát triển lịch sử và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới
- Địa - chiến lược và giá trị địa - chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới
- Giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, phát huy giá trị lịch sử của chiến thắng 30-4-1975 để xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển
- Ý chí Việt Nam từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam