Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách

TS Trần Thị Lan Phương
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
21:07, ngày 03-10-2024

TCCS - Trung Quốc đang trên đà phát triển kinh tế số mạnh mẽ, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự năng động của khu vực tư nhân. Một trong những động lực mang tính đột phá thúc đẩy kinh tế số Trung Quốc là sự phát triển của các công nghệ tiên tiến, đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng số​. Trong lĩnh vực kinh doanh, Trung Quốc phát triển một hệ sinh thái công nghiệp số rộng lớn. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm và cải thiện đời sống người dân​​.

Sự phát triển kinh tế số ở Trung Quốc

Trong bối cảnh nền kinh tế số toàn cầu nói chung đang tăng tốc phát triển, quy mô nền kinh tế số Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong gần một thập niên qua. Theo ước tính tại Hội nghị Kinh tế số toàn cầu năm 2023, quy mô nền kinh tế số của Trung Quốc đã tăng lên 50,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,96 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng hai con số hằng năm là 14,2% kể từ năm 2016. Tỷ trọng của kinh tế số trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng lên 41,5% vào năm 2022 và tốc độ tăng trưởng của kinh tế số trong thời gian này cao hơn khoảng 10% so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế số của Trung Quốc luôn giữ vị trí thứ hai trên toàn cầu và thực sự trở thành một động lực cơ bản thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Người dân tương tác với một robot hình người trong Triển lãm Kinh tế số quốc tế Trung Quốc 2023 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc_Ảnh: THX

Trung Quốc quan niệm về phạm vi nền kinh tế số bao gồm hai bộ phận cấu thành chính là ngành công nghiệp số và các ngành công nghiệp/lĩnh vực khác được số hóa. Điều này nghĩa là Trung Quốc không chỉ nhấn mạnh các công nghệ số và các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mà còn nỗ lực ứng dụng các công nghệ số để chuyển đổi số các ngành công nghiệp truyền thống. Số hóa các ngành kinh tế bao gồm việc sử dụng các công nghệ số để nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, chẳng hạn như tích hợp các công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào các ngành sản xuất truyền thống, là lực đẩy chính đằng sau nền kinh tế số của Trung Quốc. Năm 2022, các ngành công nghiệp/lĩnh vực được số hóa ở Trung Quốc đã đóng góp giá trị gia tăng đáng kể, lên đến 41 nghìn tỷ nhân dân tệ cho nền kinh tế của quốc gia, đạt mức tăng trưởng 10,3%, và chiếm 81,7% tổng giá trị nền kinh tế số và 33,9% GDP của đất nước(1).

Mức độ số hóa các ngành kinh tế của Trung Quốc thay đổi đáng kể ở các vùng khác nhau. Các đô thị, như Thượng Hải, Bắc Kinh có tỷ trọng kinh tế số trong GDP cao hơn, trong khi một số tỉnh phía Tây và miền Trung của Trung Quốc có tỷ trọng kinh tế số thấp hơn. Tăng trưởng “theo cấp số nhân” của nền kinh tế số Trung Quốc có được là do sự phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ, sự xuất hiện của tài chính số và sự tăng trưởng nhanh chóng của tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương. Nền kinh tế số của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu thị trường và các mô hình kinh doanh đổi mới hơn là chỉ dựa vào sự tiến bộ về công nghệ. Một ví dụ điển hình là Alipay, một hệ thống thanh toán an toàn, giải quyết các vấn đề tín dụng giữa khách hàng và các thương nhân trong thương mại điện tử, thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của ngành mua sắm trực tuyến của Trung Quốc. Các mô hình kinh doanh đổi mới này không chỉ giới hạn ở mua sắm trực tuyến, mà còn bao gồm các dịch vụ truyền thông xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chính sách phát triển kinh tế số ở Trung Quốc

Trong quá trình phát triển nền kinh tế số, mối quan hệ giữa thị trường và chính phủ thể hiện ở việc chính phủ đóng vai trò như thế nào và thị trường cần có không gian phù hợp trong khuôn khổ này để duy trì trật tự một cách hợp lý.

Thứ nhất, trong suốt quá trình số hóa, Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy và điều tiết nền kinh tế số thông qua việc chủ động tham gia tích cực vào việc định hình chính sách và cung cấp khung pháp lý nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho những tiến bộ kỹ thuật số, đồng thời duy trì được vai trò điều tiết thị trường hợp lý.

Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc sớm có một hệ thống văn bản chiến lược, quy hoạch, quy định, hướng dẫn phát triển kinh tế số trong việc hình thành một hệ thống chiến lược kinh tế số theo liên kết ngang và thâm nhập dọc, đặt mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng mạng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp số. Từ góc độ chiến lược tổng thể, trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các văn bản quan trọng, như “Đề cương chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới quốc gia” và “Kế hoạch thông tin hóa quốc gia Kế hoạch 5 năm lần thứ XIII”, đưa kinh tế số thành một trong những hướng phát triển chính, theo đó các tỉnh, thành phố của Trung Quốc ban hành chính sách để thực hiện định hướng của Trung ương. Năm 2021, các địa phương của Trung Quốc ban hành tổng cộng hơn 200 chính sách liên quan đến kinh tế số, tập trung vào các chính sách về công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), chính sách phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, chính sách quản trị số và chính sách giá trị hóa dữ liệu với trọng tâm và mục tiêu có sự khác nhau tùy theo hoàn cảnh, thế mạnh của từng địa phương.

Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của nền kinh tế số, thiết lập hệ sinh thái số mạnh mẽ, đặc thù với các chính sách cụ thể, triển khai một loạt giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số như sau:

Chính sách phát triển hạ tầng số: Trung Quốc đặc biệt chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng số, phát triển mạng thông tin thế hệ mới, mở rộng ứng dụng 5G để tạo tiền đề phát triển nền kinh tế số. Việc triển khai mạng 5G trên diện rộng không chỉ cải thiện khả năng kết nối, mà còn hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp, như sản xuất thông minh, y tế từ xa, giao thông thông minh. Các ứng dụng của kết cấu hạ tầng số 5G, trí tuệ nhân tạo đã phát huy vai trò quan trọng trong phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng thời giúp Trung Quốc tạo thêm hơn 7 triệu việc làm trong ngành công nghệ thông tin cùng hàng chục triệu việc làm gián tiếp thuộc các ngành kinh tế số. Cùng với đầu tư mạnh mẽ vào mạng lưới 5G, Trung Quốc chú trọng phát triển các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data). Các doanh nghiệp công nghệ lớn, như Baidu, Alibaba, và Tencent đang dẫn đầu thế giới trong việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp công nghệ này.

Chính sách phát triển nền tảng số: Trung Quốc cũng phát triển mạnh các trung tâm dữ liệu lớn và hạ tầng điện toán đám mây để hỗ trợ cho các dịch vụ kỹ thuật số và thương mại điện tử. Từ tháng 2-2022, kế hoạch mang tên “Dữ liệu phương Đông, điện toán phương Tây” được công bố nhằm mở rộng phạm vi của các trung tâm dữ liệu trong việc cải thiện khả năng xử lý, lưu trữ và dữ liệu sẽ được đưa từ các khu vực đông dân cư, có nền kinh tế phát triển của Trung Quốc đến các khu vực phía Tây giàu tài nguyên và dân cư thưa thớt. Để phát triển nền tảng số, Trung Quốc có nhiều đột phá về thể chế gắn với tầm nhìn coi dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng, bắt buộc của nền kinh tế số và triển khai hành động cụ thể hóa tầm nhìn này thông qua việc thành lập Cục Dữ liệu quốc gia trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia để phát triển và khai thác tiềm năng dữ liệu từ Trung ương tới địa phương. Chính phủ Trung Quốc ban hành quy định coi dữ liệu như một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá và có thể được mua bán, trao đổi trên các sàn giao dịch dữ liệu, từ đó hình thành ngành công nghiệp dữ liệu với nhiều việc làm mới so với trước đây, điển hình là nghề “dán nhãn dữ liệu”. Với việc giá trị hóa dữ liệu, dữ liệu đã trở thành một nguồn lực mới để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính sách phát triển dịch vụ tài chính số: Hiện nay, Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới về dịch vụ tài chính kỹ thuật số và thanh toán kỹ thuật số. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang thực hiện Kế hoạch phát triển công nghệ tài chính cho giai đoạn 2022 - 2025, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính trong 4 năm. Hệ thống ngân hàng hiện đại hóa phương thức cho vay ngang hàng (P2P lending) truyền thống bằng cách áp dụng công nghệ dựa trên internet và cải thiện quy định pháp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng. Đến nay, Trung Quốc là nước dẫn đầu thị trường cho vay P2P trên toàn cầu với doanh số có thời điểm lên tới 192 tỷ USD, kế đến là Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, I-ta-li-a(2). Năm 2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ban hành sách trắng có tựa đề “Tiến trình nghiên cứu và phát triển E-CNY ở Trung Quốc” nêu ra ba mục tiêu chính để phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, bao gồm đa dạng hóa các hình thức tiền mặt do ngân hàng Trung ương cung cấp cho công chúng; thúc đẩy cạnh tranh công bằng, hiệu quả và bảo mật trong các dịch vụ thanh toán bán lẻ; cải thiện thanh toán xuyên biên giới.

Chính sách thúc đẩy khởi nghiệp số: Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và để duy trì được tốc độ phát triển của nền kinh tế số, nhu cầu đổi mới công nghệ nguyên bản, các nỗ lực nghiên cứu hướng đến các công nghệ cơ bản, bao gồm chip cao cấp, hệ điều hành và trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng tăng. Theo thống kê trong “Báo cáo Phát triển Kinh tế số của Trung Quốc” đến cuối tháng 3-2022, hơn 200 công viên công nghệ đã được chỉ định là “công viên kinh tế số”, cho thấy nỗ lực của chính quyền địa phương tận dụng các điều kiện thuận lợi để tăng tốc sự phát triển của kinh tế số. Trung Quốc đã gắn chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô, qua đó tạo ra sự hòa nhập giữa cung nhân lực số với cầu nhân lực số của nền kinh tế, thị trường lao động cả về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu nhân lực và năng lực, phẩm chất.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là doanh nghiệp mới và sáng tạo, bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (tùy theo điều kiện cụ thể) và giảm thuế giá trị gia tăng, cung cấp hỗ trợ tài chính dưới dạng vốn vay ưu đãi và tài trợ nghiên cứu phát triển cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), và công nghệ chuỗi khối (blockchain). Với lợi thế đặc biệt của “kinh tế theo quy mô” của một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, các chi phí trung bình để cung cấp dịch vụ số và triển khai chuyển đổi số thấp hơn, nên lợi nhuận từ việc tạo ra sản phẩm với các đổi mới công nghệ tương tự là lớn hơn ở Trung Quốc so với các quốc gia khác. Kết quả là Trung Quốc đã chứng kiến sự thành công quốc tế của các doanh nghiệp được thúc đẩy bởi số hóa, như Taobao, Didi, Ctrip và Weibo, ngay cả khi các công nghệ và ứng dụng ban đầu của họ không phát sinh từ Trung Quốc do đã cung cấp một môi trường phát triển mạnh mẽ để mở rộng kinh doanh và đạt được sự cạnh tranh toàn cầu.

Thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc (e-CNY) trên máy bán hàng tự động tại Triển lãm sản phẩm tiêu dùng quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc_Ảnh: THX

Một số hàm ý chính sách

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nền kinh tế số đối với quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, giải pháp có liên quan đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, về “Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030””; Quyết định số 411/QĐ-Ttg, ngày 31-3-2022, về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã chỉ rõ Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển ngành, nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.

Kinh tế số của Việt Nam đang phát triển một cách khá toàn diện và mạnh mẽ. Sự phát triển khá nhanh của kinh tế số Việt Nam trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở Trung Quốc, có thể rút ra các vấn đề sau:

Một là, về quan điểm quản lý nền kinh tế số. Chính phủ Trung Quốc quản lý nền kinh tế số một cách “khá lỏng lẻo” ở giai đoạn đầu và cung cấp các chính sách hỗ trợ để có thể tạo thể chế mang tính vượt trội và mở đường. So với châu Âu về cách tiếp cận đối với quyền riêng tư dữ liệu và các đánh giá môi trường và năng lượng nghiêm ngặt, Chính phủ Trung Quốc không đặt các vấn đề này là ưu tiên trong giai đoạn đầu. Kinh nghiệm quản lý kinh tế số của Trung Quốc gợi mở cách tiếp cận thị trường “cởi mở” hơn trong quan điểm về mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước để phát triển kinh tế số trong quá trình tiến tới điểm cân bằng giữa yêu cầu “tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo liên quan tới việc phát triển và ứng dụng kinh tế số” với yêu cầu “bảo đảm trật tự của thị trường”.

Hai là, đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số. Là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về phát triển kết cấu hạ tầng, Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số. Công nghệ 5G, với tư cách là một thành phần quan trọng của thế hệ công nghệ thông tin và kết cấu hạ tầng kỹ thuật số mới, là động lực chính đằng sau quá trình chuyển đổi và nâng cấp kỹ thuật số cho nền kinh tế thực. Những bước tiến ban đầu khá ấn tượng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế số là do vai trò quan trọng của lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy chính nhờ sự phát triển của kinh tế số lõi mà kinh tế số đã đi vào mọi khía cạnh của sản xuất công nghiệp và cuộc sống hằng ngày của người dân, tạo nên một mô hình phát triển kinh tế khác biệt so với kinh tế truyền thống.

Ba là, xây dựng các trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây theo vùng. Trong nỗ lực hiện thực hóa giá trị của dữ liệu, phát triển thị trường dữ liệu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao dịch, phát triển và sử dụng dữ liệu, Trung Quốc đã triển khai dự án “Dữ liệu phương Đông và Điện toán phương Tây”. Bằng cách chuyển hướng hiệu quả nhu cầu về sức mạnh tính toán từ khu vực phía đông sang khu vực phía tây, dự án cho phép phân bổ và sử dụng hiệu quả các tài nguyên máy tính. Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn và hệ thống điện toán đám mây ở các vùng kinh tế trọng điểm sẽ giúp xử lý và lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chính phủ trong việc chuyển đổi số. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, để có một nền kinh tế chuyển đổi số mạnh mẽ, cần có một nguồn lực lớn, không thể chỉ đến từ nguồn ngân sách nhà nước, mà phải dựa chính vào nguồn vốn từ khu vực tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bốn là, phát triển công nghệ tài chính (fintech) và thanh toán kỹ thuật số. Hiện nay, Trung Quốc là nước dẫn đầu toàn cầu về dịch vụ tài chính kỹ thuật số, đứng đầu thế giới về thanh toán kỹ thuật số. Bằng cách áp dụng công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tài chính kỹ thuật số sẽ giải quyết “khoảng trống tín dụng” bằng cách cung cấp các khoản vay không cần thế chấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ gia đình có hồ sơ tín dụng đáng tin cậy. Kinh nghiệm phát triển công nghệ tài chính của Trung Quốc cho thấy sự cần thiết của việc hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số. 

Năm là, thúc đẩy thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới. Mua sắm trực tuyến là một đặc điểm quan trọng của lối sống số ở Trung Quốc và trong thời gian qua Trung Quốc đã mở rộng các thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới. Hiện nay, đối với các nền tảng thương mại điện tử, mức độ ưu tiên đã chuyển từ tổng giá trị hàng hóa sang việc ưu tiên lại giá trị cốt lõi của các thương hiệu cửa hàng và tầm quan trọng của trải nghiệm khách hàng. Người tiêu dùng đang chuyển từ việc mua sắm theo cảm xúc sang việc mua sắm theo lý trí, và các nhà bán hàng đang chuyển từ việc theo đuổi doanh số bán hàng sang lợi nhuận ổn định. Điều này tạo ra tính bền vững mạnh mẽ, phù hợp với sự tiện lợi mà lối sống số mang lại. 

Sáu là, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết đẩy nhanh việc thúc đẩy quản trị điện tử và xây dựng nền tảng dịch vụ trực tuyến tích hợp, bao gồm tất cả quy trình. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc tăng cường sáng kiến internet plus với dịch vụ chính phủ để các dịch vụ này có thể truy cập được thông qua “một mạng, một cửa và một lần truy cập”. Điều này có nghĩa là các dịch vụ của chính phủ có thể được vận hành “hoàn toàn trực tuyến” và doanh nghiệp cũng như công chúng chỉ cần “vào một cửa” và “truy cập nhiều nhất một lần”./.

-------------------

(1) Terence Tai Leung Chong, Sizhu Wang & Ce Zhang, (2023) “Understanding the digital economy in China: Characteristics, chanllenges, and prospects”, Economic and Political Studies, 11:4, 419 - 440” (tạm dịch: Tìm hiểu nền kinh tế số ở Trung Quốc: Đặc điểm, thách thức và triển vọng)
(2) Huang Yiping, (2024), “Digital Economy: Structural Opportunities for Continous Growth of the Chinese Economy”, China Watch Vol.4, No.5, March (Tạm dịch: Kinh tế số: Cơ hội cho sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Trung Quốc)