Mối quan hệ chính đảng tạo dựng nền tảng chính trị cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản
TCCS - Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào cuối tháng 11-2023, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhất trí thông qua Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Việc nâng cấp quan hệ khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, trong đó quan hệ chính trị - ngoại giao giữ vai trò quan trọng, là nền tảng chính trị góp phần làm sâu sắc hơn hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Những dấu mốc trong hợp tác chính trị - ngoại giao
Việt Nam - Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21-9-1973 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta vẫn đang tiếp diễn và từ sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, hai nước tiến hành mở đại sứ quán, khởi động giao lưu, trao đổi đoàn. Sau thời kỳ khó khăn trong quan hệ hai nước giai đoạn 1979 - 1990 và trong bối cảnh thế giới cũng như khu vực có nhiều biến đổi, năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại các hoạt động viện trợ cho Việt Nam. Từ đó, sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên, hợp tác trên các lĩnh vực không ngừng được mở rộng.
Năm 2002, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Đây là khuôn khổ đầu tiên được xác lập trong chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng là khuôn khổ chưa từng có tiền lệ tại Nhật Bản giữa Thủ tướng Nhật Bản và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cho thấy, Nhật Bản luôn tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, qua đó tạo sự tin cậy chính trị và mong muốn hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai.
Tháng 10-2006, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục có bước tiến mới sau khi hai bên ký kết Tuyên bố chung hướng tới quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, tháng 4-2009, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Hai năm sau, quan hệ song phương được mở thêm một trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước ký kết các Tuyên bố chung “Phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (tháng 10-2010) và “Triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (tháng 10-2011).
Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược, trong bối cảnh tình hình quốc tế mới, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc, là cơ sở để tháng 3-2014, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tháng 9-2015, trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và tốt đẹp của mối quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản trên các lĩnh vực.
Mới đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 11-2023), lãnh đạo hai nước đã ký kết Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Việc nâng cấp quan hệ phù hợp với tình hình quan hệ hai nước hiện nay, phản ánh rõ nét sự phát triển toàn diện của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không chỉ dừng lại ở mức độ song phương, mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành quan hệ chiến lược cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và thế giới.
Trải qua hơn 50 năm, những dấu mốc trong quan hệ song phương cho thấy quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường, đi vào thực chất, trên cơ sở lợi ích chiến lược tương đồng và đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, cũng như các cơ chế đối thoại giữa các ban, bộ, ngành.
Quan hệ kênh đảng đóng vai trò quan trọng
Quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá đạt độ tin cậy chính trị chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước và được đẩy mạnh trên cả ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong quan hệ chính trị tin cậy giữa hai nước, quan hệ kênh đảng giữ vai trò quan trọng, tạo dựng nền tảng chính trị cho việc phát triển trên các lĩnh vực khác. Đảng ta có quan hệ tốt đẹp với các chính đảng của Nhật Bản, bao gồm cả đảng cầm quyền (Đảng Dân chủ Tự do) và Đảng Cộng sản Nhật Bản, đảng liên minh cầm quyền (Đảng Công Minh), Đảng Dân chủ lập hiến...
Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hai bên đã có những tiếp xúc giữa lãnh đạo đảng cầm quyền. Năm 1991, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã cử đoàn đại biểu do Nghị sĩ, nguyên Tổng Thư ký Đảng LDP Michio Watanabe sang thăm Việt Nam; gặp gỡ và trao đổi ý kiến với đồng chí Hồng Hà - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng LDP chính thức thiết lập vào tháng 5-1992, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp công việc nội bộ của nhau; thông qua quan hệ giữa hai đảng cầm quyền, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Hai Đảng chủ trương thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông tin và thúc đẩy quan hệ hữu nghị. Lãnh đạo cấp cao của hai bên thường xuyên thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau, góp phần định hướng phát triển quan hệ song phương. Đơn cử như, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã sang thăm Nhật Bản (tháng 6-2011) ngay sau khi ở Nhật Bản xảy ra thảm họa động đất, sóng thần (tháng 3-2011). Lãnh đạo Đảng LDP đã gửi điện chúc mừng các kỳ đại hội của Đảng ta. Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Đảng LDP Shinzo Abe và Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Đảng LDP Yoshihide Suga liên tiếp chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức (năm 2013 và năm 2020), thể hiện Nhật Bản hết sức coi trọng Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9-2015, hai Đảng đã ký kết thỏa thuận về tăng cường hợp tác. Từ đó, hai Đảng đã tiến hành giao lưu, tiếp xúc thường xuyên hơn(1).
Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Đảng LDP Yoshihide Suga đã hai lần điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3-2021 và tháng 2-2023) và hai nhà lãnh đạo đã tổ chức cuộc gặp vào tháng 5-2022. Tháng 7-2023, Đảng LDP cử đoàn đại biểu do Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách dẫn đầu sang thăm Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Có thể thấy, Đảng LDP đã đóng góp và giữ vai trò quan trọng trong việc đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từng bước phát triển lên những tầm cao mới.
Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ giao lưu, hợp tác từ những năm 30 của thế kỷ XX và chính thức thiết lập quan hệ vào năm 60 của thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Nhật Bản đã ủng hộ nhiệt tình các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Tháng 2-1966, khi Việt Nam đang trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng Cộng sản Nhật Bản lần đầu tiên cử đoàn đại biểu cấp cao do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nhật Bản Kenji Yamamoto dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng và để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng(2).
Sau chuyến thăm, Đảng Cộng sản Nhật Bản quyết định đặt cơ quan đại diện đảng thường trú tại Thủ đô Hà Nội từ năm 1966 (duy trì đến tháng 11-1999); đặt phân xã báo Akahata thường trú tại Thủ đô Hà Nội từ năm 1966 đến nay. Việc sớm quyết định đặt cơ quan đại diện và phân xã báo Akahata tại Thủ đô Hà Nội ngay từ giai đoạn khó khăn ban đầu đã thể hiện sự coi trọng của Đảng Cộng sản Nhật Bản đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp đó, sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo vào năm 2007, hai Đảng đã tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao, chia sẻ thông tin qua nhiều hình thức linh hoạt và phối hợp hiệu quả trên các diễn đàn đa phương khu vực, quốc tế. Đây là những bước phát triển mới và tích cực của mối quan hệ giữa hai Đảng trong giai đoạn mới, đóng góp thiết thực và ý nghĩa vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước. Năm 2023, nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Đảng Cộng sản Nhật Bản tiếp tục cử các đoàn đại biểu do Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Nhật Bản Ogata Yasuo (tháng 3-2023) và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 12-2023). Tại các buổi làm việc, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến về đường lối, chính sách đối ngoại của hai Đảng, về tình hình quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên khẳng định sự coi trọng quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản trong chính sách đối ngoại của mình; nhất trí về việc trong tình hình hiện nay, hai Đảng cần nỗ lực, tích cực phát huy vai trò trong việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á; đồng thời, đóng góp vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, trong đó có vấn đề chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, thúc đẩy quan hệ quốc tế trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Đặc biệt, hoạt động trao đổi lý luận là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai Đảng với việc hai bên thiết lập cơ chế trao đổi lý luận từ năm 2007. Đến nay, hai Đảng đã tổ chức được 10 lần(3) trao đổi lý luận và nhiều cuộc tọa đàm, chia sẻ thông tin về các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Thông qua các cuộc trao đổi lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản chia sẻ những quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề, như tính chất và nội dung của thời đại, đánh giá về bản chất của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, giá trị và sức sống của chủ nghĩa xã hội khoa học, nhiệm vụ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội...
Đảng Công Minh và Đảng Dân chủ Lập hiến của Nhật Bản cũng có quan hệ tốt đẹp với Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2015, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Nhật Bản (tiền thân của Đảng Dân chủ Lập hiến hiện nay) đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác. Năm 2020, Đảng Dân chủ Lập hiến được hợp nhất và tiếp tục kế thừa, phát triển quan hệ giao lưu, hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở nội dung hai bên đã thống nhất theo Bản Ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Nhật Bản vào năm 2015. Tháng 8-2023, Đoàn đại biểu Đảng Dân chủ Lập hiến do Chủ tịch Đảng Izumi Kenta dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản tổ chức đoàn đại biểu cấp cao sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Nhân dịp này, hai Đảng đã ký kết lại Bản ghi nhớ hợp tác, nhất trí sẵn sàng phối hợp để thực hiện hiệu quả Bản Ghi nhớ, đưa quan hệ hai Đảng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Cũng trong tháng 8-2023, Đoàn đại biểu Đảng Công Minh Nhật Bản do Chủ tịch Đảng Yamaguchi Natsuo dẫn đầu sang thăm và làm việc Việt Nam, đúng vào dịp hai nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, hợp tác giữa Đảng Công Minh Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, làm phong phú hơn quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Việc trong cùng một năm 2023, Đảng Cộng sản Việt Nam có trao đổi đoàn và hoạt động đối ngoại với cả bốn chính đảng của Nhật Bản(4), cho thấy đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, bao gồm quan hệ đối ngoại đảng của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn và là nền tảng cho các lĩnh vực hợp tác khác trong quan hệ song phương. Các chính đảng của Nhật Bản dù có quan điểm, lập trường khác nhau, nhưng đều nhất trí ủng hộ phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Những kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực
Trên cơ sở quan hệ kênh đảng giữ vai trò quan trọng, là nền tảng cho các lĩnh vực hợp tác khác, hợp tác giữa Quốc hội hai nước được tăng cường thông qua trao đổi đoàn cấp cao và giữa các ủy ban chuyên môn, đặc biệt là Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Các cơ chế đối thoại, như Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản, Đối thoại An ninh; Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và nông nghiệp,... được hai nước duy trì hiệu quả. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc…
Là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về kinh tế, Nhật Bản luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, trở thành nhà viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam. Kể từ khi nối lại việc cấp ODA cho Việt Nam (năm 1992) đến nay, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm khoảng 30% tổng số vốn của nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, với 29,3 tỷ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại là 1,8 tỷ USD(5). Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Thông qua nguồn ODA của Nhật Bản, nhiều dự án của Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả, trở thành biểu tượng sinh động cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước(6). Mới đây nhất, hai nước đã ký kết ba dự án ODA, bao gồm: Dự án xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến số 1), Dự án cung cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện K và Dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực.
Trong lĩnh vực đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với 5.227 dự án FDI còn hiệu lực, có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 71,41 tỷ USD (tính lũy kế đến ngày 20-10-2023) tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản..., theo hai hình thức chính là 100% vốn nước ngoài và hợp đồng BOT. Ngày 17-11-2023, tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho bốn dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm: Castem, Parts Seiko, Tamagawa, Fujix, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 80 triệu USD. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), 70% số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam, 88% số doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng doanh thu tại Việt Nam sẽ tăng lên trong tương lai. Ngược lại, Việt Nam có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD(7).
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế tối huệ quốc (năm 1999). Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực (tháng 10-2009), đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật Bản - ASEAN (AJCEP), VJEPA tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2018, tổng giá trị xuất, nhập khẩu giữa hai nước đạt 37,860 tỷ USD(8). Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD. Tính đến hết tháng 11-2023, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 41 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 21,3 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 19,7 tỷ USD, đưa nước này thành đối tác thương mại lớn thứ tư, là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba và là đối tác nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam(9).
Quan hệ quốc phòng - an ninh được hai nước đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, nhằm đáp ứng hiệu quả các cam kết Bản Ghi nhớ hợp tác quốc phòng - an ninh Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy và trao đổi quốc phòng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như luật pháp, quy định và chính sách quốc gia của mỗi nước. Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản đạt được những kết quả nổi bật, bao gồm duy trì trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, duy trì hiệu quả các cơ chế tham vấn, đối thoại, công nghiệp quốc phòng; đào tạo nguồn nhân lực; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hợp tác trong công tác quân y, khắc phục hậu quả chiến tranh; cứu hộ cứu nạn; tham vấn và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt, nhất là trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)... Đặc biệt, tháng 9-2023, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công “Chương trình đánh giá năng lực lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (CEPPP)” tại Việt Nam, hoàn thành tốt vai trò đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về gìn giữ hòa bình giai đoạn 2021 - 2023.
Hợp tác lao động và du học tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu và tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Tính đến hết năm 2022, số lượng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản đạt gần 345.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm theo nhiều hình thức, như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); Chương trình lao động kỹ năng đặc định; Chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; lao động xây dựng, đóng tàu... Nguồn lao động thực tập sinh nước ngoài, nhất là từ Việt Nam, đang là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản trong hầu hết các ngành, nghề. Đây cũng là nguồn tài sản quý, là cầu nối vun đắp cho quan hệ hai nước trong nhiều thập niên tới và là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi đang ngày càng phát triển giữa hai nước.
Du lịch và giao lưu nhân dân cũng là “điểm sáng” trong quan hệ hai nước khi Nhật Bản trở thành đối tác hợp tác du lịch lớn thứ ba của Việt Nam. Số lượng khách trao đổi giữa hai nước năm 2018 đạt khoảng 1,2 triệu lượt người, trong đó Việt Nam đón được hơn 826.000 lượt khách Nhật Bản và khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản đạt khoảng 390.000 lượt, có tỷ lệ tăng trưởng đứng đầu trong các nước. Sau năm năm (tính đến tháng 11-2023), số lượng khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản xác lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, đạt 536.800 lượt người(10). Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam,… là những sự kiện được đông đảo nhân dân hai nước mong chờ. Năm 2023, nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức càng góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những nền tảng tốt đẹp của lịch sử hợp tác và tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên cùng quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp, trong đó có quan hệ kênh đảng, tiếp tục là nền tảng, động lực để quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước sang một giai đoạn mới, không chỉ tạo ra sự gắn kết giữa hai dân tộc ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
----------------------
* Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.36/21-25 của Ban Đối ngoại Trung ương do TS Lê Hoài Trung làm chủ nhiệm
(1) Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản năm 2016 và 2017; đồng thời, gặp gỡ và trao đổi ý kiến sâu rộng với Tổng Thư ký Đảng LDP, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Nikai Toshihiro; Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Đảng LDP, Tổng Thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản Fumio Kishida (hiện nay là Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch ĐảngLDP); đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng thăm Nhật Bản và trao đổi ý kiến với lãnh đạo Đảng LDP năm 2017; đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm Nhật Bản và trao đổi ý kiến với lãnh đạo Đảng LDP năm 2018; đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thăm Nhật Bản và hội kiến với Chủ tịch Đảng LDP, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, gặp gỡ Tổng Thư ký Đảng LDP Motegi (năm 2022). Đảng LDP đã cử nhiều đoàn nghị sĩ trẻ, đoàn của Ban Phụ nữ, Ban Thanh niên Đảng LDP sang thăm Việt Nam
(2) Hai bên đã nhất trí thành lập Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam
(3) Các cuộc trao đổi lý luận với Đảng Cộng sản Nhật Bản lần lượt là: lần thứ nhất (năm 2007); lần thứ 2 (năm 2008); lần thứ 3 (năm 2010); lần thứ 4 (năm 2011) với chủ đề: “Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Xã hội trong thế kỷ 21”; lần thứ 5 (năm 2013) với chủ đề: “Sự phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới - một số kinh nghiệm bước đầu của Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam; lần thứ 6 (năm 2016) với chủ đề: “Sự chuyển biến của tình hình thế giới, khu vực và triển vọng của hai Đảng và nhân dân hai nước”; lần thứ 7 (năm 2017) với chủ đề: “Biến động mới của tình hình thế giới và khu vực, những thách thức và triển vọng”; lần thứ 8 (năm 2018) với chủ đề: “Sức sống chủ nghĩa Marx trong thời đại ngày nay”; lần thứ 9 (năm 2019) với chủ đề: “Tình hình thế giới và khu vực: Cơ hội và thách thức đối với các nước” và lần thứ 10 (năm 2022) với chủ đề: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ 21: Tiếp cận mới về thực tiễn và lý luận”
(4) Mở đầu năm (tháng 2-2023) là cuộc điện đàm trực tuyến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Đảng LDP Kishida Fumio và khép lại năm (tháng 12-2023) là cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo
(5) Phan Trang: “Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 15-12-2023, https://baochinhphu.vn/nhat-ban-co-nhu-cau-nhap-khau-nhieu-mat-hang-the-manh-cua-viet-nam-102231215153429875.htm
(6) Thanh Huyền: “ODA Nhật Bản được sử dụng hiệu quả trong 50 năm qua tại Việt Nam”, Báo Điện tử VOV, ngày 21-9-2023, https://vov.vn/chinh-tri/oda-nhat-ban-duoc-su-dung-hieu-qua-trong-50-nam-qua-tai-viet-nam-post1047139.vov
(7) Thế Hải: “Đưa đầu tư, thương mại Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới”, Báo Đầu tư điện tử, ngày 29-11-2023, https://baodautu.vn/dua-dau-tu-thuong-mai-viet-nam---nhat-ban-len-tam-cao-moi-d204044.html
(8) Trần Đức: “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản: Kết quả ấn tượng và triển vọng tươi sáng”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 30-7-2019, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/-oi-ngoai2/-/2018/504460/doi-tac-chien-luoc-sau-rong-viet-nam---nhat-ban--ket-qua-an-tuong-va-trien-vong-tuoi-sang.aspx
(9) Xem: Phan Trang: “Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 15-12-2023, https://baochinhphu.vn/nhat-ban-co-nhu-cau-nhap-khau-nhieu-mat-hang-the-manh-cua-viet-nam-102231215153429875.htm
(10) T. Linh: “11 tháng năm 2023, khách Việt Nam tới Nhật Bản xác lập kỷ lục mới”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 20-12-2023, https://nhandan.vn/11-thang-nam-2023-khach-viet-nam-toi-nhat-ban-xac-lap-ky-luc-moi-post788428.html
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Thống đốc tỉnh Fukuoka, Nhật Bản  (22/01/2024)
Nhận thức về cục diện quốc tế  (30/12/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản  (27/12/2023)
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản  (26/12/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản  (28/11/2023)
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Đổi mới và nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật ở nước ta, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay