Điều chỉnh chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine
TCCS - Thúc đẩy đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, hoàn thiện hạ tầng về vận chuyển lưu trữ khí hóa lỏng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu năng lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng và giao thông vận tải… không chỉ mang lại những kết quả khả quan, mà còn là những nỗ lực điều chỉnh và thực thi chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian qua.
Bối cảnh và những cam kết thực thi chính sách năng lượng, môi trường
Cuộc xung đột Nga - Ukraine trong thời gian qua đã gây đảo lộn nghiêm trọng đến thị trường năng lượng toàn cầu với sự đứt gãy, gián đoạn của chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu thô và khí đốt tăng cao kỷ lục, đồng thời trực tiếp tác động, đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế EU vốn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, khi mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của EU đối với Nga chiếm hơn 40% tổng lượng khí đốt, 27% tổng lượng dầu mỏ và 46% tổng lượng than, với giá trị tương ứng hơn 1 tỷ USD/ngày, đã gây ra những áp lực buộc EU cũng như các quốc gia thành viên phải điều chỉnh chính sách năng lượng nhằm vừa bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng, vừa hướng đến các mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép các mục tiêu giữa chính sách năng lượng với chính sách môi trường được xem là nền tảng, kim chỉ nam trong mọi chương trình hành động mà các nhà hoạch định chính sách EU phải tính đến. EU sử dụng cơ chế, chính sách, pháp lý không chỉ ở cấp khu vực mà còn kết hợp với các nước thứ ba, các tổ chức quốc tế nhằm đi đến các thỏa thuận, hiệp định mang tính toàn cầu. Trong các thỏa thuận đa phương về các vấn đề môi trường, các nước thành viên EU tham gia với tư cách là một khối thống nhất và những cam kết về môi trường và biến đổi khí hậu được triển khai thông qua các chính sách, pháp lý trên toàn bộ lãnh thổ của khối.
Nhằm đáp ứng chiến lược ứng phó và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức thông qua chính sách năng lượng chung, áp dụng cho toàn khu vực vào năm 2007, trong đó tập trung vào ba trụ cột: 1- Phát triển bền vững (giảm phát thải khí nhà kính khi mà lĩnh vực năng lượng chiếm đến 80% tổng lượng khí thải nhà kính tại khu vực); 2- Bảo đảm an ninh năng lượng do EU ngày càng phụ thuộc vào các loại khí hydrocarbon nhập khẩu, trong khi năng lực đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai còn thấp, cho thấy mức độ rủi ro về cung ứng nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện của EU tăng khoảng 1,5%/năm, đòi hỏi cần tăng đầu tư trong những năm tiếp theo. Theo đó, trụ cột này cần bảo đảm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, cải thiện cơ chế lưu trữ carbon; 3- Thúc đẩy khả năng cạnh tranh thông qua việc giảm chi phí về sử dụng năng lượng, khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, tạo ra lợi thế cho EU trên thị trường toàn cầu. Để thực hiện được các mục tiêu trên, EU đề ra các chương trình hành động, bao gồm, ban hành chỉ thị về năng lượng tái tạo, chỉ thị sửa đổi về giao dịch khí thải ETS, chỉ thị về thu hồi và lưu trữ carbon.
Tiếp đó, vào những năm giữa thập niên thứ hai của thế kỷ XX, diễn biến tình hình khu vực và quốc tế bắt đầu xuất hiện những xung đột cục bộ, căng thẳng địa - chính trị gia tăng (xung đột Nga - Ukraine với sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea), mức độ phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài của EU tiếp tục tăng lên, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu trên trường quốc tế ngày càng yếu bởi các chi phí đầu vào về năng lượng cao. Cùng với đó, sự khác biệt ngày càng lớn về giá năng lượng trên thị trường nội khối giữa các quốc gia thành viên do những rào cản về kết cấu hạ tầng, thuế, chính sách ưu đãi… buộc EU phải tiếp tục điều chỉnh chính sách năng lượng để đáp ứng mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030(1): Một là, bảo đảm an ninh năng lượng, sự đoàn kết và tin cậy. Trong thời gian qua, các vụ kiện, tranh chấp về lãnh thổ liên quan đến đường ống dẫn dầu từ Nga qua biển Baltic đến Đức, đã làm rạn nứt sự đoàn kết và tin cậy, hạn chế việc vận chuyển, cung ứng năng lượng giữa các quốc gia trong khối. Theo đó, chính sách năng lượng của EU được điều chỉnh nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó giải quyết những bất đồng, cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên; hai là, hoàn thiện hơn thị trường năng lượng nội khối với việc tích hợp đầy đủ các chức năng thị trường, tạo ra thị trường bán lẻ năng lượng trên toàn khu vực, hoàn thiện các khung khổ pháp lý, quy định về việc nâng cấp mạng lưới xuyên biên giới; ba là, nâng cao hiệu quả năng lượng, bảo đảm nguồn cung năng lượng bằng cách điều chỉnh nhu cầu năng lượng. Thực hiện các chiến lược truyền thông về hiệu quả năng lượng và khuyến khích các quốc gia thành viên thiết lập mức độ ưu tiên trong chính sách về hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải; bốn là, khử carbon trong nền kinh tế, đây là quá trình giảm lượng phát thải carbon vào khí quyển với mục tiêu nền kinh tế có hàm lượng phát thải carbon thấp, nhằm đạt được sự trung hòa về khí hậu nhờ chuyển đổi năng lượng. Theo đó, tập trung đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu về năng lượng tái tạo, phù hợp với các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; năm là, nghiên cứu và đổi mới, được coi là trọng tâm của chính sách năng lượng, tập trung vào các ưu tiên cốt lõi, như: tiên phong trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ thống năng lượng và giao thông bền vững. Một số chương trình hành động cụ thể hướng đến việc điều chỉnh chính sách năng lượng trong giai đoạn này, đó là: Sửa đổi các quy định về cung cấp khí đốt hiện có; sửa đổi quyết định về hiệp định liên chính phủ; xây dựng luật về an ninh trong cung cấp điện; xây dựng thị trường điện khu vực; rà soát khung pháp lý về tiết kiệm năng lượng phù hợp với mục tiêu đến năm 2030; ban hành luật về năng lượng tái tạo…
Mặc dù liên tiếp đưa ra các gói hành động nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, song mức độ phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của EU từ Nga hầu như chưa thay đổi. Chính vì vậy, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, đi kèm với đại dịch COVID-19 và tình trạng nóng lên của Trái đất, cũng như các lệnh cấm vận dầu và trừng phạt kinh tế liên tục được EU đưa ra, khiến giá năng lượng (điện, khí đốt) tại khu vực liên tục leo thang với tốc độ tăng phi mã, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ ở khu vực mà còn lan rộng ra phạm vi toàn cầu.
Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc thiếu hụt nguồn cung, giá khí đốt tăng cao, cũng như đáp ứng được mục tiêu của Thỏa thuận xanh châu Âu được Chủ tịch EC Von der Leyen công bố ngày 11-12-2019, với mục đích làm cho khí hậu châu Âu trở nên trung tính vào năm 2050, tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của châu Âu vào năm 2030 lên ít nhất 50% và hướng tới 55% so với mức của năm 1990, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế EU trở nên trung hòa về khí hậu vào năm 2050 (2), một lần nữa, các nhà hoạch định chính sách EU đưa ra các quyết sách cho sự điều chỉnh về lĩnh vực năng lượng, cụ thể là:
Thực hiện khẩn cấp kế hoạch “REPowerEU” nhằm không còn phụ thuộc năng lượng nhập khẩu từ Nga. Theo kế hoạch này, các biện pháp cả trong ngắn hạn và trung hạn được EU đưa ra hướng đến: 1- Tiết kiệm năng lượng: Các hoạt động truyền thông được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng đối với tất cả công dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong khu vực. Mức tiết kiệm năng lượng được đề xuất tăng từ 9% đến 13%; 2- Sản xuất năng lượng sạch: Tăng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh; 3- Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng: Thúc đẩy các cuộc đối thoại và ký kết các hợp đồng năng lượng với các đối tác quốc tế khác, tăng tốc quá trình thay thế các nhiên liệu khí đốt, dầu và than đá (3).
Thực thi điều chỉnh thể chế, chính sách nhằm gắn kết và bảo đảm lợi ích hài hòa trong phát triển khu vực giữa các quốc gia thành viên. Các chính sách cần được điều chỉnh nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bao gồm: Hệ thống ETS với việc mở rộng áp dụng đối với các lĩnh vực vận tải, xây dựng, thủy điện, công nghiệp, hàng không và vận tải biển; hoàn thiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); điều chỉnh thuế năng lượng, năng lượng tái tạo; Quy định về sử dụng đất nông lâm nghiệp; Chiến lược đa dạng hóa sinh học đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững…
Thiết lập các công cụ chính sách nhằm bảo đảm vận hành một cách có hiệu quả nhất. Chính phủ các quốc gia thành viên EU phải đệ trình dự thảo và thực hiện báo cáo “Kế hoạch năng lượng quốc gia và biến đổi khí hậu”. Như vậy, bắt đầu ngay từ năm 2023, các nước thành viên EU phải thực hiện rà soát lại các khung khổ pháp lý quốc gia về nhu cầu và mức tiêu thụ năng lượng. Trong trường hợp phát hiện những khoảng trống và bất cập giữa chính sách quốc gia và khu vực, EC có trách nhiệm đưa ra các đề xuất điều chỉnh ở cấp khu vực, cũng như khuyến nghị các nước thành viên thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
Xây dựng cơ chế điều phối, giải quyết ở cả hai cấp độ khu vực và quốc gia với chiến lược phát triển năng lượng, nhằm giảm thiểu sự gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hoàn thiện các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm giải quyết những tác động do biến đổi khí hậu gây nên. Cơ chế quản trị và các biện pháp đối với tác động môi trường cần thực hiện theo một chiến lược mang tính thích ứng, đồng bộ với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác, cần bảo đảm yếu tố thời gian và hiệu quả của chính sách mang lại.
Thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực tài chính từ lĩnh vực công và tư cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế thân thiện với khí hậu, môi trường. Trong giai đoạn 2021 - 2030, EU sẽ huy động ít nhất 1.000 tỷ euro, trong đó một nửa ngân sách sẽ được EU huy động từ ngân sách công, được điều chỉnh từ Chính sách nông nghiệp chung (CAP), Quỹ phát triển khu vực (ERDF), Quỹ gắn kết, Chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon, Quỹ kết nối (CEF), phần còn lại sẽ từ các nguồn khác, như nguồn vốn đối ứng từ các quốc gia thành viên, đầu tư tư nhân...
Xây dựng lộ trình thực hiện với sự giám sát của các cơ quan vùng, liên vùng, chính phủ và khu vực. Theo đó, một số mốc thời gian quan trọng như công bố kế hoạch đầu tư và quỹ chuyển đổi để huy động các nguồn lực tài chính thực hiện chương trình đã được đưa ra trong năm 2020; công bố dự thảo luật môi trường; kế hoạch hành động đối với nền kinh tế tuần hoàn; chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; dự thảo về an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo…
Thúc đẩy, tăng cường hợp tác và đối thoại đa phương với các đối tác và khu vực khác trên thế giới. Các hoạt động này sẽ được triển khai ở các cấp độ khác nhau nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, cùng nhau xúc tiến thiết lập một khuôn khổ chung cho khu vực.
Những trở ngại, khó khăn trong việc thực thi điều chỉnh chính sách
Có thể thấy thời gian qua, EU đã đạt được một số kết quả bước đầu trong điều chỉnh chính sách năng lượng, như:
Năng lượng tái tạo được đầu tư, đạt công suất cao. Hội đồng châu Âu đã phê duyệt các đề xuất nhằm rút ngắn và đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho việc triển khai năng lượng tái tạo, điều chỉnh các quy định về trợ cấp. Theo Báo cáo Đánh giá điện năng châu Âu (4), sản lượng điện gió và điện mặt trời được tạo ra đã đạt kỷ lục trong năm 2022, chiếm 1/5 tổng sản lượng điện của EU (22%) và lần đầu tiên vượt qua điện khí (20%). Mức tăng trưởng kỷ lục về điện gió và điện mặt trời đã giúp 20 quốc gia EU bù đắp mức thiếu hụt từ thủy điện và điện hạt nhân. Sản xuất năng lượng mặt trời tăng nhanh nhất với mức tăng kỷ lục 39 TWh (+24%) vào năm 2022, gần gấp đôi kỷ lục trước đó, giúp EU tiết kiệm 10 tỷ euro chi phí khí đốt. Các quốc gia giữ vững cam kết loại bỏ dần than đá như trước cuộc khủng hoảng.
An ninh năng lượng bước đầu được bảo đảm thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu. Cùng với việc thay thế nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, châu Âu đã tăng nhập khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các đối tác khác, nhất là Mỹ trong thời gian qua. Với thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và EU về việc cung cấp LNG (năm 2021), Mỹ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 LNG và đặt mục tiêu từ nay cho đến năm 2030 là 50 tỷ m3 LNG/năm. Theo báo cáo của EC, từ tháng 1 đến tháng 8-2022, tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ m3. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ tăng gần 80%. Bên cạnh đó, các quốc gia EU không ngừng nỗ lực tự chủ năng lượng thông qua các dự án năng lượng tái tạo và hoàn thiện cơ chế phát triển các nguồn năng lượng xanh. Ngày 17-12-2022, các nước Azerbaijan, Gruzia, Romania và Hungary cũng đã hoàn tất thỏa thuận xây dựng đường dây tải điện chạy ngầm dưới Biển Ðen để truyền tải điện từ các trại điện gió tới châu Âu. Thỏa thuận đạt được sẽ giúp EU gần hơn với các đối tác tại khu vực Bắc Kavkaz, đồng thời hỗ trợ tiến trình chuyển đổi năng lượng tại châu Âu. Các quốc gia thành viên như Italia, Đức, Hy Lạp,… cũng nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt từ các đối tác khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Bình ổn sự biến động về giá năng lượng trên thị trường năng lượng nội khối. Hội đồng châu Âu đạt được sự đồng thuận về việc áp dụng một số biện pháp, quy định chung trong các hợp đồng mua khí đốt từ những đối tác khác trên thế giới. Những quy tắc mới sẽ giúp các quốc gia thành viên và các công ty năng lượng có thể mua khí đốt chung trên thị trường toàn cầu. Theo thỏa thuận, các công ty khí đốt sẽ đệ trình nhu cầu nhập khẩu khí đốt và ký kết các hợp đồng mua với cùng một mức giá, bảo đảm sự đối xử bình đẳng giữa các công ty lớn và nhỏ trên toàn khu vực.
Cơ quan Quản lý năng lượng (ACER) có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu về giá nhiên liệu, từ đó đưa ra mức giá cung cấp ổn định, cũng như có thể dự báo các giao dịch năng lượng. Xây dựng cơ chế quản lý giá trên thị trường năng lượng nội khối, bảo đảm không xảy ra sự biến động quá mức của giá trong một ngày giao dịch. Cơ quan Chứng khoán và thị trường châu Âu (ESMA) được giao nhiệm vụ giúp thực hiện các bộ ngắt mạch cho giao dịch phái sinh trong ngày (5).
Ngày 30-3-2023, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU nhất trí thông qua việc loại bỏ nhập khẩu khí đốt, dầu mỏ và than đá từ Nga sớm nhất có thể. Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn cung cấp, đồng thời bảo đảm cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng. Báo cáo của Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu cho biết, các nhà đàm phán của EU đã đạt được một thỏa thuận về các mục tiêu tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong kế hoạch của EU nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo thỏa thuận, đến năm 2030, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng tại EU sẽ tăng lên 42,5%. Đồng thời, EU yêu cầu đặt ra mục tiêu bổ sung 2,5% để đạt 45% vào năm 2030 nếu điều kiện trở nên thuận lợi hơn. Trước đó, vào năm 2021, thị phần năng lượng tái tạo của EU mới chỉ chiếm 32% (6).
Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Hội đồng châu Âu cũng ghi nhận sự đồng thuận của các thành viên về việc thực hiện các cam kết tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2023 đến ngày 31-3-2024, so với mức tiêu thụ trung bình trong khoảng thời gian từ ngày 1-4-2017 đến ngày 31-3-2022. Số liệu báo cáo về mức tiêu thụ khí đốt được gửi 2 tháng 1 lần đến EU, trong những trường hợp khẩn cấp, các quốc gia thành viên EU sẽ có trách nhiệm gửi báo cáo theo tháng.
Trên cơ sở ban hành lộ trình thực hiện, thúc đẩy các hoạt động cho việc rà soát, điều chỉnh các chính sách, khung khổ pháp lý, các phương án huy động nguồn lực tài chính để thực hiện, cũng như tích cực hơn trong việc thúc đẩy các cuộc hội đàm song phương, đa phương về các vấn đề năng lượng, môi trường và phát triển bền vững, bên cạnh các kết quả đạt được, EU phải tiếp tục giải quyết một số trở ngại:
Thứ nhất, khủng hoảng năng lượng từ cuộc xung đột địa - chính trị Nga - Ukraine, với hậu quả là sự thiếu hụt trầm trọng năng lượng cho các hoạt động kinh tế, xã hội trong khu vực, sẽ gây ra những bất ổn cả về kinh tế, xã hội và chính trị, điều đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần giải quyết các vấn đề cấp thiết trước mắt nhằm ổn định tình hình khu vực hơn là thực hiện theo lộ trình để đạt mục tiêu của Thỏa thuận xanh châu Âu. Bên cạnh đó, mặc dù EU đã công bố các giải pháp thực hiện trong kế hoạch “REPowerEU” song trong giai đoạn hiện nay, khi mà nguồn năng lượng tái tạo chưa thể cung cấp đủ cho các cơ sở sản xuất, tiết kiệm năng lượng thông qua nhận thức của người dân chưa có nhiều kết quả khả quan, đàm phán với các đối tác quốc tế về nhập khẩu năng lượng còn vướng mắc về hạ tầng vận chuyển và lưu trữ khí hóa lỏng, do đó, các quốc gia thành viên EU buộc phải sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, điều này sẽ gây ra những trở ngại, khó khăn khi thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, điều chỉnh chính sách năng lượng nhằm đáp ứng không chỉ đối với các vấn đề về an ninh hay chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, mà quan trọng hơn còn góp phần đưa EU trở thành khu vực xanh, tăng trưởng và phát triển bền vững, cũng như là nhà tiên phong trong việc thực hiện các cam kết về môi trường trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo Cơ quan Môi trường châu Âu, với những chính sách và biện pháp hiện hành đang được thực thi tại các nước thành viên EU thì mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tối thiểu 50%, tiến tới giảm 55% so với mức cơ sở năm 1990 vào năm 2030 sẽ khó đạt được nếu như EU không thực hiện quyết liệt các hành động để tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng (7).
Thứ ba, các quy định mang tính cấp bách về việc sửa đổi các quy định như: Chỉ thị về năng lượng tái tạo, chỉ thị về hiệu quả năng lượng, hệ thống mua bán khí thải, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, chỉ thị về thuế nhằm ứng phó với những khủng hoảng năng lượng trong thời điểm hiện tại, phần nào đã sai lệch so với các giải pháp mang tính dài hạn để đạt mục tiêu tổng thể giảm 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Bên cạnh đó, khung khổ chính sách, cơ chế phối hợp giữa EC và các nước thành viên EU đối với các quy định trên còn nhiều bất cập.
Thứ tư, một số nước thành viên như Ba Lan, Hungary và Séc vẫn là các quốc gia EU có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, cũng như hạ tầng về lưu trữ carbon, khí hóa lỏng còn hạn chế... Như vậy, nếu không có đủ nguồn lực tài chính cho việc chuyển đổi công nghệ phát thải carbon thấp, hay khả năng sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, cơ chế hỗ trợ lẫn nhau, sẽ là những nhân tố kìm hãm mục tiêu chung của EU.
Thứ năm, các chương trình, kế hoạch bổ trợ cho việc chuyển đổi năng lượng đang gặp những vướng mắc về thể chế. Cụ thể, Thỏa thuận tài chính xanh (Taxonomy) hiện đang gây ra những lo ngại về việc thu hút vốn đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, khi mà các dự án đầu tư này không đạt được tiêu chí “xanh”. Cùng với đó, kế hoạch hành động cho mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, chiến lược đa dạng hóa sinh học đến năm 2030, chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững… sẽ gặp những trở ngại về việc thiếu hụt các nguồn lực trong bối cảnh thực hiện đồng thời các chương trình như vậy.
Thứ sáu, theo tính toán của EU, ngân sách để thực hiện chính sách năng lượng, đáp ứng được mục tiêu của Thỏa thuận xanh châu Âu trong trung hạn, tức là đáp ứng mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 từ mức 40% lên 55% sẽ cần 230 tỷ euro hằng năm (8). Trên thực tế, EU đã công bố kế hoạch đầu tư được triển khai với sự tham gia của các chủ thể khác nhau trong khu vực nhằm huy động ít nhất 1.000 tỷ euro cho giai đoạn 2021 - 2030; tuy nhiên, việc huy động vốn cũng sẽ là rào cản cần phải tính đến (9).
Như vậy, mặc dù những kết quả đạt được chưa nhiều, sự biến động, thậm chí khủng hoảng năng lượng tại khu vực EU vẫn có thể tiếp diễn trong thời gian tới, song việc thực thi các giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách cho thấy các mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng gắn với giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững của EU đang được hiện thực hóa trong một thế giới đang có nhiều biến chuyển./.
----------------------
(1) “Energy Union New impetus for coordination and integration of energy policies in the EU” (Tạm dịch: Liên minh năng lượng, động lực mới cho sự phối hợp và tích hợp các chính sách năng lượng trong EU), European Parliament, ngày 5-5-2015, https://www.europarl.europa.eu/RegData/ etudes/BRIE/2015/551310/EPRS_BRI(2015)551310_EN.pdf
(2), (3) REPowerEU: “Affordable, secure and sustainable energy for Europe (Tạm dịch: REPowerEU: Năng lượng hợp lý, an toàn và bền vững cho châu Âu), European Commission, 2019, https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/european-green-deal/repowereu-affordable-secure-and-sustainable-energy-europe_en#documents
(4) Malgorzata Wiatros-Motyka: “Global Electricity Review 2023” (Tạm dịch: Báo cáo năng lượng toàn cầu 2023), ngày 12-4-2023, https://ember-climate.org/insights/research/global-electricity-review-2023/
(5), (6) “Council and Parliament reach provisional deal on renewable energy directive” (Tạm dịch: Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đạt được thỏa thuận tạm thời về Chỉ thị về năng lượng tái tạo), European Council, ngày 30-3-2023, https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2023/03/30/ council-and-parliament-reach-provisional-deal-on-renewable-energy-directive/
(7) “Trends and projections in Europe 2019: Tracking progress towards Europe’s climate and energy targets. EEA Report” (Tạm dịch: Các xu hướng và dự báo ở châu Âu 2019: Tiến trình hướng tới các mục tiêu năng lượng và khí hậu của châu Âu), European Environment Agency, 2019, https://www.eea.europa.eu/publications/trends-and-projections-in-europe-1
(8) Storm, S.: “The EU’s Green Deal: Bismarck’s “What Is Possible” versus Thunberg’s “What Is Imperative” in the Age of COVID-19 (Tạm dịch: Thỏa thuận xanh châu Âu : Điều gì có thể xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19), 2020, https://braveneweurope.com/servaas-storm-the-eus-green-deal-bismarcks-what-is-possible-versus-thunbergs-what-is-imperative-in-the-age-of-covid-19
(9) “A European Green Deal” (Tạm dịch: Thỏa thuận xanh châu Âu), European Commission, 2020, https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/ european-green-deal_en
Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2022 và triển vọng năm 2023  (07/03/2023)
Petrovietnam đóng góp quan trọng vào 4 trụ cột của đất nước  (24/08/2022)
Petrovietnam nỗ lực duy trì sản lượng khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp tích cực cho nền kinh tế  (05/06/2022)
Thực thi EVIPA: Cơ hội và thách thức đối với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ Liên minh châu Âu vào Việt Nam  (12/10/2021)
Hydro trong định hướng phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (01/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển