TCCS - Tiếp sau việc tổ chức thành công cuộc duyệt binh kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (ngày 9-5-2021), Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint - Peterburg năm 2021 (SPIEF-2021) được tổ chức theo thể thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong tuần đầu tháng 6-2021 với hàng nghìn đại biểu tham dự.

Tổng thống V. Putin cho rằng, SPIEF-2021 là sự kiện kinh tế và kinh doanh lớn đầu tiên trên thế giới được tổ chức thành công trong điều kiện đại dịch COVID-19.  Trong khuôn khổ SPIEF-2021, Tổng thống Nga V. Putin tham dự phiên họp toàn thể trực tiếp với bài phát biểu tập trung chủ yếu vào các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Nga và sức hấp dẫn đầu tư của quốc gia này trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg, ngày 4-6-2021_Ảnh: AFP/ TTXVN

Thế giới nhìn từ SPIEF-2021

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể SPIEF-2021, Tổng thống V. Putin tuyên bố, trong bối cảnh thế giới hiện nay, nếu không thiết lập được quan hệ hợp tác bình đẳng và mang tính xây dựng giữa các thành viên của cộng đồng thế giới và mở rộng quan hệ kinh doanh nhiều mặt thì không thể đối phó với các thách thức toàn cầu một cách hiệu quả và tạo điều kiện cho phát triển bền vững. 

Bàn về trật tự thế giới, trước đây, trong bài tham luận tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich năm 2007, Tổng thống V. Putin từng cảnh báo, trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường duy nhất lãnh đạo sẽ không thể tồn tại, bởi siêu cường đó không đủ tiềm lực để hóa giải tất cả các vấn đề đang đặt ra đối với thế giới. Phát biểu trong cuộc họp với đại diện các hãng thông tấn quốc tế được tổ chức tại SPIEF-2021, Tổng thống V. Putin cho rằng, Mỹ đang gặp những vấn đề mà các đế chế đã từng gặp. Mỹ tự cho rằng dường như họ mạnh đến mức có thể được phép mắc sai lầm. Từ đó, các vấn đề ngày một tích tụ nhiều thêm và rút cuộc dẫn tới tình trạng Mỹ không thể hóa giải được hết. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố, Mỹ và Nga là hai cường quốc thế giới, có trách nhiệm hợp tác cùng nhau để duy trì sự ổn định của thế giới.    


Trong cuộc gặp trực tuyến, Tổng thống V. Putin có cuộc thảo luận với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Tổng thống Argentina Alberto Fernandez; đại diện của 30 nhà đầu tư đến từ 17 quốc gia quản lý số vốn hơn 15.000 tỷ USD; đại diện của 25 nhà sản xuất dược phẩm quốc tế đến từ 14 quốc gia là những cơ sở đã sản xuất hoặc sắp sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Theo Ban Tổ chức SPIEF-2021, tham dự Diễn đàn năm nay dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến có 13.000 doanh nhân và các chuyên gia kinh tế đến từ 140 quốc gia, 11.000 công ty Nga và nước ngoài, trong đó có 800 công ty hàng đầu thế giới cử các giám đốc quản trị kinh doanh làm đại diện.

Về tình hình kinh tế thế giới, Tổng thống V. Putin nhận định trong nền kinh tế thế giới đang hình thành những xu hướng tích cực, trong đó, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 dự kiến sẽ đạt mức cao nhất kể từ thập niên 70 của thế kỷ XIX. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế toàn cầu không đồng đều. Điều này đi kèm với sự gia tăng chênh lệch về mức sống trong và giữa các quốc gia, có thể dẫn tới những rủi ro chính trị nghiêm trọng đối với an ninh và sự phát triển của các quốc gia. Ví dụ điển hình về nguy cơ này là cơ hội tiếp cận vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 không đồng đều trên thế giới. Tổng thống V. Putin cho biết, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các quốc gia có thu nhập cao chiếm một nửa số lượng vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 được sản xuất. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10% người dân trên thế giới đã được tiêm chủng hoặc bắt đầu được tiêm chủng. Hàng trăm triệu người không thể tiếp cận được với vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Tổng thống V. Putin cho rằng, đại dịch COVID-19 chỉ có thể được hóa giải cho đến khi bảo đảm được quyền và khả năng tiếp cận rộng rãi vaccine ở tất cả các châu lục. Ngoài ra, theo Tổng thống V. Putin, các dự án đa đối tác sẽ trở thành nhân tố quan trọng của sự phục hồi và phát triển nền kinh tế toàn cầu. Ở giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, điều quan trọng không chỉ là tiến tới quỹ đạo tăng trưởng bền vững, mà còn phải tận dụng các cơ hội mở, phát huy hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tiềm lực khoa học - công nghệ.   

Về chủ quyền quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế số và an ninh mạng, trong khuôn khổ Chương trình “Công nghệ mở rộng tầm nhìn” của SPIEF-2021, đã diễn ra phiên họp thảo luận về các vấn đề chủ quyền công nghệ số và an ninh mạng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các bản tham luận khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng quyết định chủ quyền quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế số là chủ quyền công nghệ số. Hiện nay, chủ quyền công nghệ số đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Trong đó, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia đã chuyển vào không gian kỹ thuật số. Do đó, các quốc gia cần sẵn sàng đối mặt với sự cạnh tranh mới này. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Nga đã ghi nhận 200 cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức quan trọng ở Nga, trong đó có các mạng trong ngành công nghiệp.  

Đối với vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, trả lời câu hỏi tại phiên họp toàn thể của SPIEF-2021, Tổng thống V. Putin cho rằng, Tổng thống Ukraine V. Zelensky không nên chỉ nghĩ đến việc duy trì quân đội Ukraine để giải quyết vấn đề ở Donbass bằng vũ lực mà cần nghĩ đến người dân. Theo Tổng thống V. Putin, Nga và Ukraine cần thiết lập quan hệ kinh tế bình thường và hy vọng ý thức chung sẽ thắng thế.

Quang cảnh phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF-2021) tại thành phố St. Petersburg, Nga ngày 4-6-2021-Ảnh: AFP/TTXVN

Nước Nga nhìn từ SPIEF-2021

Về chủ trương của Nga về hội nhập quốc tế, trong lời chào mừng các nhà tổ chức và khách mời tham dự SPIEF-2021, Tổng thống V. Putin cho biết, nước Nga luôn mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác bình đẳng và mang tính xây dựng giữa các thành viên của cộng đồng thế giới trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á - Âu; thúc đẩy các nguyên tắc thương mại tự do, trao đổi đầu tư và công nghệ cùng có lợi; quan tâm đến hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật chặt chẽ hơn với các đối tác ở các khu vực khác; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và công nghệ số, cải thiện kết cấu hạ tầng viễn thông, năng lượng và giao thông vận tải; tham gia chương trình nghị sự về môi trường và khí hậu.

Trong các vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, Tổng thống V. Putin cũng đã có sự trao đổi thẳng thắn. Đối với dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2”, tại phiên toàn thể của SPIEF-2021, Tổng thống V. Putin giải thích, dự án này hoàn toàn mang mục đích kinh tế. Sở dĩ Nga xây dựng dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” vì đây là tuyến đường ống ngắn nhất dẫn tới Đức và từ đó cung cấp khí đốt cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Ngoài ra, tuyến đường ống này không đi qua lãnh thổ bất cứ quốc gia nào, do vậy sẽ tránh được những rủi ro địa - chính trị và không phải mất chi phí quá cảnh. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng cuối cùng ở châu Âu sẽ nhận được khí đốt với giá cả rẻ hơn và bình ổn hơn. Tổng thống V. Putin thông báo đã hoàn tất việc đặt ống nhánh thứ nhất của dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” và nhánh thứ hai của đường ống này sẽ hoàn tất trong vòng hai tháng tới. Nga sẵn sàng triển khai các dự án tương tự như dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” với các quốc gia khác và kỳ vọng các dự án hợp tác đôi bên cùng có lợi sẽ chiếm ưu thế trước hàng loạt rào cản khác nhau trong bối cảnh chính trị hiện nay. Theo Đại diện thường trực của Nga tại EU V. Chizhov, Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống Mỹ cố cản trở việc cấp giấy chứng nhận cho dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2”. Theo ông, châu Âu cũng cần dự án này không kém gì Nga. Vì thế, một số công ty năng lượng lớn của châu Âu đang tham gia vào dự án này cùng với Tập đoàn Gazprom của Nga.

Về quan hệ Mỹ - Nga, Tổng thống V. Putin cho rằng trong cuộc gặp  Tổng thống Mỹ J. Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) vào trung tuần tháng 6-2021, cả hai bên đều phải cố gắng tìm cách để điều tiết quan hệ song phương. Trong cuộc gặp, hai bên thảo luận về các vấn đề trong quan hệ song phương và hy vọng nỗ lực điều chỉnh mối quan hệ vốn đang ở mức rất thấp. Ngoài ra, hai bên sẽ thảo luận về sự ổn định chiến lược, cách thức giải quyết các xung đột quốc tế tại các điểm nóng, quá trình giải trừ quân bị, cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và vấn đề môi trường.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16-6-2021_Ảnh: THX/TTXVN

Nhân dịp này, Tổng thống Nga cũng đã đề cập tới cáo buộc Nga tấn công mạng. Tổng thống V. Putin khẳng định, việc các nhà chức trách Mỹ cáo buộc Nga có liên quan tới cuộc tấn công nhằm vào mạng của Công ty Mỹ JBS S.A. chuyên chế biến thịt hoặc mạng quản lý đường ống dẫn khí đốt của Công ty Colonial Pipiple là không đúng sự thật. Theo Tổng thống V. Putin, chính các công ty này đã trả tiền cho những kẻ tấn công mạng với mục đích tống tiền.

Về quan điểm Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào, Tổng thống V. Putin khẳng định, Nga phát triển các loại vũ khí nguyên lý mới chỉ nhằm mục đích phòng thủ quốc gia chứ không nhằm đe dọa bất cứ ai. Các cường quốc khác cũng đang phát triển các loại vũ khí mới. Vậy nên, Nga đề nghị các nước cùng ngồi vào bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận hạn chế chạy đua vũ trang và bàn về cách thức cùng chung sống hòa bình trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng.

Đối với vấn đề y tế cộng đồng, về tình hình sử dụng vaccine Sputnik V, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga K. Dmitriev cho biết, Nga kỳ vọng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ phê chuẩn vaccine Sputnik V chống virus SARS-CoV-2 do Nga sản xuất trong thời gian tới. Theo ông K. Dmitriev, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đang xem xét việc cấp phép cho vaccine Sputnik V. Nga đã cung cấp cho EMA những thông tin cơ bản hiện có và tới nay chưa có nhận xét tiêu cực nào về loại vaccine này. Trả lời phỏng vấn tại SPIEF-2021, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga D. Manturov cho biết, các nhà sản xuất Nga có thể cho xuất xưởng khoảng 30 triệu liều Sputnik V mỗi tháng và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng đại trà của nước này. Đến nay, vaccine Sputnik V đã được đăng ký tại 66 quốc gia với tổng dân số hơn 3,2 tỷ người. Ngoài ra, Bộ Y tế Nga đã đăng ký loại thuốc thể khí Leytragin chuyên dùng để điều trị và phòng ngừa bệnh viêm phổi cho những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt loại thuốc này.

Cũng liên quan tới vấn đề y tế quốc gia, Tổng thống V. Putin khẳng định Nga chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng mới trong y tế. Trợ lý của Tổng thống Nga phụ trách các vấn đề kinh tế M. Oreshkin đưa ra dự báo, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong 10-15 năm tới, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự thay đổi hoàn toàn diện mạo lĩnh vực y tế cộng đồng, trong đó sẽ hình thành mô hình chăm sóc sức khỏe an toàn sinh thái. Phó Thủ tướng Nga T. Golikova cho biết, Nga có kế hoạch đầu tư 558 tỷ rúp để hiện đại hóa mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nay đến năm 2026, sẽ có hơn 3.000 tổ chức tham gia quá trình hiện đại hóa trong năm 2021.

Bàn về khả năng và triển vọng Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, Tổng thống V. Putin cho biết, Nga đã trích khoảng 4,5% GDP nhằm khắc phục hậu quả từ đại dịch COVID-19. Vì thế, Nga đã giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp và duy trì số lượng lớn việc làm, duy trì các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhất; giữ lạm phát ở mức thấp (khoảng 4%). Dự báo, tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2021 là 2,9%. Tổng thống V. Putin cho biết, nền kinh tế và tình trạng việc làm của Nga đã gần đạt mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hiện nay, Nga là quốc gia đang thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời gian diễn ra SPIEF-2021, các doanh nhân đến từ nhiều nước trên thế giới đã ký kết 800 hợp đồng đầu tư với các công ty của Nga, trị giá 3.800 tỷ rúp. Phát biểu với các phóng viên báo chí quốc tế bên lề SPIEF-2021, người phát ngôn Điện Kremlin D. Peskov cho biết, trong thời gian tới, Nga sẽ triển khai hình thức du lịch vaccine vì nhu cầu của các công dân nhiều nước trên thế giới được tiêm vaccine do Nga sản xuất là rất lớn. Tổng thống V. Putin đã chỉ thị cho Chính phủ Nga giải quyết vấn đề tổ chức tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cho công dân nước ngoài ở Nga vào cuối tháng 6-2021 với chi phí không đáng kể. Theo thông báo của Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga K. Dmitriev tại SPIEF-2021, trong tháng 7-2021, Nga có thể mở cửa cho hình thức du lịch này. Theo đó, người nước ngoài làm việc tại Nga sẽ được tiêm chủng vaccine phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 của Nga.

Về hợp tác quốc tế trong vấn đề biến đối khí hậu, phát biểu tại SPIEF-2021, Tổng thống V. Putin khẳng định, Nga luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường bởi nhiều thành phố của Nga nằm trên lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và điều này thật sự nguy hiểm nếu băng tan chảy. Tổng thống V. Putin đặt mục tiêu trong vòng 30 năm tới, khối lượng phát thải khí nhà kính của Nga sẽ thấp hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, không nên biến việc chuyển đổi sang công nghệ xanh thành cơ chế cạnh tranh và kìm hãm quốc gia nào đó. Theo Tổng thống V. Putin, để giảm lượng khí thải, Nga có kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân, tận dụng khí đồng hành trong khai thác dầu và phát triển động cơ sử dụng năng lượng hỗn hợp. Tổng thống V. Putin cũng kêu gọi mở rộng các khu bảo tồn, bảo vệ rừng khỏi hỏa hoạn, hối thúc giám sát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ vũ trụ và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tổng thống V. Putin cho biết, Nga có thể thiết lập thị trường phát thải carbon quốc gia và hoạt động thử nghiệm sẽ được thực hiện ở tỉnh Sakhalin. Về lâu dài, doanh thu từ lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Nga trong tương lai sẽ vượt ngưỡng 50 tỷ USD mỗi năm. Tổng thống V. Putin kêu gọi các nhà đầu tư tham gia hợp tác trong lĩnh vực này và yêu cầu Chính phủ đến năm 2022 phải hình thành khuôn khổ pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh carbon trong và ngoài nước trên cơ sở các quy tắc và luật lệ./.


Theo thể thức cầu truyền hình, Tổng thống V. Putin chủ trì cuộc gặp và trao đổi ý kiến với đại diện các hãng thông tấn lớn trên thế giới, như: Press Trust of India (Ấn Độ), Kyodo (Nhật Bản), Tân Hoa Xã (Trung Quốc), Yonhap (Hàn Quốc), Reuter (Anh), EANA (châu Âu), AP (Pháp), EFE (Tây Ban Nha), Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), Bloomberg (Mỹ) và ANSA (Quatar); chủ trì cuộc gặp với đại diện các công ty đầu tư và các nhà sản xuất vaccine Sputnik V và với các hãng tài chính - công nghiệp lớn trên trên thế giới.