Chính trường Nhật Bản và người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe

Phan Vũ Tuấn Anh
Học viện Ngoại giao
21:43, ngày 31-10-2020

TCCS - Ngày 24-8-2020 là ngày thứ 2.799 liên tục, ông Shinzo Abe giữ cương vị Thủ tướng, đưa ông trở thành người tại vị lâu nhất trong lịch sử đất nước Nhật Bản. Nhưng đến ngày 28-8-2020, Thủ tướng Shinzo Abe chính thức thông báo từ chức vì lý do sức khỏe, đã gây xáo trộn lớn trong đời sống chính trị Nhật Bản. Ngày 16-9-2020, ông Yoshihide Suga - lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do - trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản với các cam kết tập trung khống chế dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy chính sách cải cách của người tiền nhiệm Shinzo Abe.

Di sản để lại của ông Shinzo Abe

Trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã để lại nhiều dấu ấn đối với Nhật Bản trên trường quốc tế. Về kinh tế, chính sách Abenomics đã đưa nền kinh tế Nhật Bản có quãng thời gian tăng trưởng liên tục kể từ năm 1945. Về đối ngoại, Nhật Bản đã tăng cường vai trò và ảnh hưởng của mình trong khu vực và trên thế giới, khôn khéo xử lý những vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong mối quan hệ song phương của Nhật Bản với Mỹ và Trung Quốc; gia tăng vai trò của Nhật Bản trong chính sách của các đối tác; ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Quan trọng hơn, dưới thời Thủ tướng S. Abe, năm 2013, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng An ninh quốc gia; vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng được cải thiện. Từ năm 2014, SDF đã có thể triển khai lực lượng nhằm hỗ trợ Mỹ và các quốc gia đồng minh trong trường hợp cần thiết.

Thủ tướng S. Abe và ông Yoshihide Suga, năm 2014_Ảnh: Reuters

Trước động thái từ chức của Thủ tướng S. Abe, các nước đều lấy làm tiếc về quyết định đột ngột này của ông và bày tỏ sẽ tiếp tục hợp tác với lãnh đạo kế nhiệm sắp tới cũng như Chính phủ mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị. Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Thủ tướng S. Abe là “Thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản” và nhấn mạnh những việc làm của ông S. Abe đã đưa mối quan hệ giữa hai nước trở nên bền chặt hơn bao giờ hết. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ: “Ấn Độ đang mất đi một người bạn tốt, một đồng minh tốt nhất ở Nhật Bản”. Trong khi đó, một số báo chí của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không lo lắng về người kế nhiệm của ông S. Abe có làm thay đổi quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản hay không, vì dù ai kế nhiệm thì xu thế quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản vẫn sẽ ổn định. Liệu rằng, người kế nhiệm ông S. Abe có tiếp nối những chính sách đã được vạch ra hay không? Hệ quả của việc ông S. Abe rút khỏi chính trường Nhật Bản sẽ như thế nào?

Người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe

Ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản S. Abe từ chức, giới quan sát Nhật Bản cho rằng, sự kiện này sẽ gây ra sự xáo trộn lớn trong đời sống chính trị Nhật Bản, bởi: Thứ nhất, hiện chưa có một người kế nhiệm nào nổi trội, có thể đảm đương được trọng trách lớn này; thứ hai, tầm nhìn và tài năng của ông S. Abe đã góp phần bảo đảm ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo giới phân tích Nhật Bản, “để lèo lái đất nước vượt qua một thế giới đầy biến động, người ta cần một thủ tướng mạnh mẽ”.

Cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) lần này đã được thực hiện theo quy định khẩn cấp. Theo đó, người chiến thắng cần phải đạt hơn 50% số phiếu hợp lệ (từ tổng số 394 phiếu của nghị sĩ LDP tại lưỡng viện và 141 phiếu từ 47 đảng bộ địa phương trên cả nước). Ngày 8-9-2020, Đảng LDP thông báo danh sách 3 ứng cử viên, gồm ông Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, 71 tuổi; ông Shigeru Ishiba, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do, 63 tuổi và ông Fumio Kishida, nguyên Ngoại trưởng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách Đảng LDP, 63 tuổi.

Ông Yoshihide Suga giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, ngày  14-9-2020_Ảnh: Getty

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xuất thân trong một gia đình nông dân ở Yuzawa, Akita, Nhật Bản. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: thư ký cho nghị sĩ Quốc hội, thành viên Hội đồng thành phố Yokohama, Thư ký Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế, thành viên Quốc hội Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi là ứng cử viên, ông Y. Suga khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách của Thủ tướng S. Abe, trong đó có chính sách Abenomics nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, cam kết thúc đẩy hơn nữa chiến dịch kích cầu du lịch trong nước Go To Travel nhằm tiếp thêm sức mạnh cho ngành du lịch và thúc đẩy số hóa để phổ biến giáo dục trực tuyến và y tế từ xa; ông cũng dự định thành lập một cơ quan chính phủ chuyên về số hóa các công việc của chính phủ; cam kết xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên nền tảng liên minh Nhật Bản - Mỹ.

Nhiều nhà phân tích nhận định, về mặt chính trị, ông Y. Suga đã sử dụng mối quan hệ trong Đảng LDP, Đảng đối tác liên minh Komeito và Đảng đối lập bảo thủ Nippon Ishin no Kai để duy trì quyền lực. Chính sự trung dung về mặt chính trị này đã mang lại nhiều điểm khác biệt cho ông Y. Suga so với hai ứng cử viên còn lại trong cuộc đua vào vị trí Chủ tịch Đảng LDP.

Ông Fumio Kishida, người đứng đầu Ban Chính sách của Đảng LDP, được cho là ứng viên yêu thích của ông S. Abe; là người có năng lực, ôn hòa, nghiêm túc. Ông tuyên bố sẽ thúc đẩy chính sách kinh tế ưu tiên tầng lớp thu nhập trung bình; cam kết phát huy kinh nghiệm của mình để xây dựng chính sách ngoại giao với nền tảng trung tâm là công nghệ và văn hóa Nhật Bản.

Ứng cử viên Shigeru Ishiba cam kết nếu trúng cử sẽ thực hiện việc “tái cài đặt lớn” (great reset) mạng lưới chính quyền Nhật Bản hiện nay vì ông  cho rằng, cách xử lý công văn tài liệu của chính quyền hiện nay có vấn đề và chính sách tài khóa hiện nay chỉ có lợi cho người giàu, nhấn mạnh chính sách của Đảng LDP phải mang lại công bằng cho mọi người dân. Ông cũng cam kết sẽ triệu tập phiên họp Quốc hội bất thường để thảo luận về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19, sửa đổi các quy định liên quan cũng như các biện pháp bồi thường để có thể hỗ trợ người dân trước khi dịch bệnh kết thúc. Ông cũng nhấn mạnh sẽ giải quyết nghiêm túc vấn đề bất bình đẳng; tập trung tăng cường hỗ trợ giáo dục và nhà ở cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình, thúc đẩy quy hoạch đô thị thông qua số hóa, tăng mức lương tối thiểu và xem xét lại hệ thống thuế.

Với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, Đảng LDP đã quyết định các ứng cử viên ngừng triển khai việc di chuyển giữa các địa phương để vận động tranh cử và phải tổ chức bỏ phiếu trong phạm vi hẹp và đơn giản hơn với sự tham gia của các nghị sĩ cùng đại diện các đảng bộ cấp tỉnh nhằm thúc đẩy nhanh quá trình bầu Chủ tịch Đảng và Thủ tướng. Trong 3 ứng viên, truyền thông Nhật Bản và thế giới đều hướng sự chú ý tới ông Y. Suga - ứng cử viên hàng đầu cho cương vị Thủ tướng Nhật Bản khi nhận được sự hậu thuẫn của ông S. Abe và các nhóm lớn trong Đảng LDP.

Ngày 16-9-2020, ông Y. Suga đã xuất sắc vượt qua hai ứng cử viên còn lại, giành chiến thắng áp đảo, đạt 377 phiếu/534 số phiếu hợp lệ, chiếm 70,6% tổng số phiếu bầu hợp lệ. Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông báo ông Y. Suga, tân Chủ tịch Đảng LDP trở thành Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản. Ngay sau đó, Tân Thủ tướng Y. Suga đã công bố thành phần Nội các mới, trong đó ông giữ lại 8 vị trí trong nội các thời ông Shinzo Abe (Bộ trưởng Tài chính; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp; Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch; Bộ trưởng Tái thiết kinh tế; Bộ trưởng Môi trường; Bộ trưởng Văn hoá, Giáo dục và Khoa học); 11 bộ trưởng còn lại được thay đổi, bổ nhiệm mới. Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Kato Katsunobu được giao đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng Nội các, thay thế vị trí cũ của ông Y. Suga.

Trọng tâm chính sách của tân Thủ tướng

Tại buổi họp báo đầu tiên ngày 16-9-2020, tân Thủ tướng Nhật Bản Y. Suga đã nhấn mạnh các trọng tâm chính sách, trong đó có ưu tiên khống chế dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy số hóa, cải cách hành chính, bảo đảm an sinh xã hội, triển khai chính sách đối ngoại cũng như đề cập về khả năng giải tán Hạ viện. Các học giả đánh giá, tuy chính sách của ông Y. Suga vẫn duy trì đường lối của người tiền nhiệm, nhưng ông sẽ có những dấu ấn riêng, thể hiện ở ba điểm: Ưu tiên ổn định, mục tiêu thực tế và cải cách đột phá. Về ưu tiên ổn định, đây được coi là vấn đề vô cùng quan trọng đối với ông Y. Suga trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Từ kinh tế, chính trị, đến phòng, chống dịch bệnh, duy trì trật tự xã hội… đều cần sự ổn định. Về mục tiêu thực tế, trong xử lý quan hệ với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ, ông Y. Suga sẽ vừa phải kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa phải linh hoạt cải thiện quan hệ song phương. Về cải cách đột phá, ông Y. Suga yêu cầu các thành viên nội các mới phải điều chỉnh phù hợp với chính sách của mình, phải có cùng tinh thần cải cách, hiểu rõ cải cách, có khả năng phục vụ đất nước và nhân dân. Chính phủ mới phải trở thành một chính phủ làm việc thực chất và hiệu quả nhất.

Lễ nhậm chức của Thủ tướng Nhật Bản S.Yoshihide (từ trái qua: Nhật hoàng Naruhito, cựu Thủ tướng S. Abe và tân Thủ tướng S.Yoshihide), ngày 16-9-2020 _Ảnh: Kyodo

Mặc dù tuyên bố sẽ không nhận sự giới thiệu từ các phe phái, nhưng trên thực tế, ông Y. Suga đã nhận được sự ủng hộ của 5/7 phe trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng LDP vừa qua. Có ý kiến cho rằng, “át chủ bài” trong Nội các mới của ông Y. Suga là Bộ trưởng Phụ trách cải cách hành chính Taro Kono, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông S. Abe vì ông Y. Suga mong muốn có thể phá vỡ mối quan hệ cứng nhắc giữa các cấp trong chính phủ và tích cực thúc đẩy phối hợp liên ngành trong giải quyết các vấn đề như thu hút khách du lịch nước ngoài hay việc xả lũ của các đập nước….

Dư luận các nước đều rất quan tâm đến chiến lược ngoại giao của Nhật Bản thời kỳ hậu Shinzo Abe, về mối quan hệ giữa Trung Quốc - Nhật Bản và Trung Quốc - Mỹ. Giới học giả Nhật Bản đều cho rằng, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ đứng trước nhiều quyết định khó khăn để cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ nhạy cảm, vì vậy, Chính phủ của Thủ tướng Y. Suga cần xem xét duy trì những ưu điểm trong chính sách đối ngoại láng giềng và đối ngoại nước lớn, kế thừa các di sản tích cực trong quan hệ với Trung Quốc mà ông S. Abe để lại. Tân Thủ tướng Nhật Bản Y. Suga đã khẳng định, trong lĩnh vực ngoại giao, chính sách của ông vẫn sẽ kế thừa chính sách của ông S. Abe, bao gồm: Một là, tiếp tục triển khai các chính sách coi trọng mối quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ; hai là, tiếp tục tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở với mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia; ba là, tiếp tục duy trì quan hệ ổn định với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nga.

Như vậy, về cơ bản, chính sách của ông Y. Suga đối với Trung Quốc, Mỹ và với các nước khác trên thế giới đều đã được định hình, không có nhiều thay đổi. Theo đó, Nhật Bản vừa duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng cũng vẫn phát triển quan hệ với Trung Quốc nhằm tìm kiếm lợi ích tối đa. Theo Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc Trương Thất Phong, việc Thủ tướng mới của Nhật Bản Y. Suga xác định hai nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 và khởi động lại nền kinh tế, cho thấy Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của ông Y. Suga sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc, thay vì theo đuổi chính sách “phân tách khỏi Trung Quốc” của Mỹ.

Những thách thức đặt ra đối với tân Thủ tướng Nhật Bản

Bên cạnh những trọng tâm chính sách nêu trên, Chính phủ của ông Y. Suga cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Thứ nhất, nếu không cải thiện được nền kinh tế và kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 thì Đảng LDP sẽ gặp nhiều khó khăn. Hạ viện Nhật Bản có thể bị giải thể vào bất cứ lúc nào, khiến LDP bị mất đại biểu.

Thứ hai, Thế vận hội Olympic cũng sẽ là vấn đề quan trọng đối với Chính phủ của ông Y. Suga. Đây không chỉ là vấn đề chính trị mà sự thành công của thế vận hội sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế và vị thế của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế và các nước láng giếng. Đây cũng là cơ hội để ông Y. Suga nâng cao hình ảnh ngoại giao của mình.

Ông S.Yoshihide có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản (Trong ảnh: Ủy viên Bộ chính trị, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Nhật Bản S.Yoshihide thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch)_Ảnh: Baochinhphu.vn

Thứ ba, ông Y. Suga chưa có chính sách kinh tế mạnh, chủ yếu ông sẽ thừa kế chính sách “Ba mũi tên” trong chiến lược kinh tế Abenomics. Việc sửa đổi được Hiến pháp Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù đây là điều mà ông S. Abe đã nỗ lực thúc đẩy trong nhiều năm.

Thứ tư, vấn đề cải cách hành chính trong nước hiện nay thủ tục phức tạp, nhiều quy tắc, quy trình xử lý phức tạp, tác phong còn quan liêu. Đây là vấn đề tồn tại ở Nhật Bản trong nhiều thập niên qua. Dư luận lo ngại chính sách cải cách hành chính của ông Y. Suga sẽ làm xáo trộn nội bộ đất nước.

Thứ năm, khó khăn trong cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020 tới hay các yếu tố bất ổn khác vẫn tồn tại trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản, hay những nguy cơ khiến các vấn đề khu vực trở nên căng thẳng hơn, như vấn đề biển Hoa Đông sẽ tác động lớn tới chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Có thể nói rằng, chặng đường đưa ông Y. Suga tới vị trí lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Nhật Bản không giống những người khác và giai đoạn tới sẽ là “thời gian vàng” để ông Y. Suga chứng tỏ năng lực của mình để chuẩn bị cho cuộc đua khốc liệt bầu Chủ tịch mới của Đảng LDP vào năm 2021. Người dân Nhật Bản tin tưởng rằng, ông Y. Suga sẽ dẫn dắt Chính phủ và Đảng cầm quyền LDP thực hiện các mục tiêu đề ra, như kiềm chế dịch bệnh COVID-19 cũng như các tác động của dịch bệnh đối với kinh tế, xử lý tinh tế thách thức trong các mối quan hệ đối ngoại và kết thúc tốt đẹp nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng S. Abe, tạo tiền đề cho một nhiệm kỳ mới của thời kỳ Thủ tướng Y. Suga./.