Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu: Từ Hiệp định khung về hợp tác đến Hiệp định Thương mại tự do
TCCS - Ngày 17-7-1995, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác (FCA). Đây là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - EU phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm FCA ra đời (1995 - 2020), việc nhìn lại các dấu mốc chính trong quan hệ Việt Nam - EU suốt gần ba thập niên qua để rút ra những bài học, nhận xét, đánh giá có ý nghĩa cho tranh thủ cơ hội, vượt lên thách thức, thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương thời gian tới.
Những dấu mốc trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu
Ngày 22-10-1990, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (EC) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là kết quả của một quá trình vận động từ cả hai phía trước những biến động sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực. Thập niên 80 của thế kỷ XX đầy biến động tạo tiền đề kết thúc Chiến tranh lạnh đã khiến tất cả các quốc gia phải định hướng lại những ưu tiên đối ngoại của mình. Tháng 2-1986, EC đã ký Đạo luật châu Âu thống nhất (SEA), đặt mục tiêu đưa EC trở thành một thị trường chung duy nhất và thiết lập Hợp tác chính trị châu Âu(1) là nền tảng cho sự ra đời của EU theo Hiệp ước Ma-xtrích năm 1992. Về phía Việt Nam, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) cũng đã tạo ra một bước ngoặt đổi mới cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chính sách đối ngoại mới “mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình” đã dần thay đổi hình ảnh về Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Có thể nói, EC là một trong những đối tác tiên phong trong việc ghi nhận những động thái thay đổi của Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam rút quân khỏi Cam-pu-chia (năm 1989) và thậm chí khi Mỹ còn chưa thực sự bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, EC đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Mặc dù, trước đó Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao song phương với 22/27 nước thành viên của EU hiện nay, song việc thiết lập quan hệ với EC là một chủ thể đặc biệt với các nước thành viên Tây Âu là một sự kiện có tính then chốt đối với công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Các hoạt động hợp tác song phương giữa EC và Việt Nam trong những năm đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao được khởi đầu từ một vấn đề nhân đạo. Đó là Chương trình quốc tế của EC (European Community International Programme - ECIP) do EC phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, hỗ trợ cho người Việt Nam hồi hương và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả của chương trình này có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - EC nói chung khi mở ra cánh cửa hợp tác trong các lĩnh vực khác(2), và đối với Việt Nam nói riêng, khi thông qua đó, cộng đồng quốc tế thấy được sự nghiêm túc, độ tin cậy của Việt Nam trong các cam kết quốc tế với châu Âu cũng như thế giới.
Tháng 7-1995 đã đi vào lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam với ba dấu mốc quan trọng có tính chất bước ngoặt(3). Trong đó, ngày 17-7-1995, Việt Nam và EU ký kết FCA(4). Có thể nói, đây là dấu mốc quan trọng thiết lập cơ sở pháp lý cho việc xây dựng quan hệ giữa hai bên, mở rộng quan hệ đối tác ngoài phạm vi hợp tác nhân đạo ban đầu. Ngay sau đó, tháng 9-1995, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ma-nu-en Ma-rin đã đến thăm Việt Nam và nhất trí thành lập một phái đoàn ngoại giao thường trực tại Thủ đô Hà Nội. Như vậy, EU với tư cách là một chủ thể thống nhất, cùng với việc ký kết FCA và đặt cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam (năm 1996), đã xác nhận và khẳng định quan hệ ngoại giao chính thức và đầy đủ với Việt Nam. Không chỉ vậy, FCA cũng là hiệp định có tính tiên phong vì quá trình đàm phán hiệp định đã diễn ra trước cả khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận và khôi phục quan hệ ngoại giao với Việt Nam, do đó ít nhiều đã tác động đến Mỹ và các đối tác khác tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Kể từ khi hai bên ký kết FCA đến nay, quan hệ Việt Nam - EU đã có những bước tiến vượt bậc. Quan hệ Việt Nam - EU bắt đầu mở rộng và tiếp cận cả những lĩnh vực vốn được coi là “nhạy cảm”. Năm 2003, Việt Nam và EU đã chính thức tiến hành đối thoại về vấn đề quyền con người. Năm 2004, Hội nghị cấp cao Việt Nam - EU lần thứ nhất đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Năm 2008, hai bên chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) và đến năm 2010, PCA đã được hai bên tiến hành ký tắt.
Nếu giai đoạn 2000 - 2010, hợp tác giữa Việt Nam và EU bắt đầu đi vào chiều sâu, việc PCA chính thức được ký kết vào ngày 27-6-2012 đã tạo nên một bước đột phá mới trong quan hệ giữa hai bên. PCA đã trở thành nền tảng pháp lý thay thế FCA, thể hiện cam kết của EU trong việc tiến tới mối quan hệ hiện đại, trên diện rộng và cùng có lợi với Việt Nam. PCA mở rộng phạm vi hợp tác Việt Nam - EU vượt qua lĩnh vực thương mại và hợp tác kinh tế, sang cả những lĩnh vực khác, như môi trường, năng lượng, công nghệ, quản trị công hiệu quả, du lịch, văn hóa, di cư, an ninh, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Có thể nói, sau Hiệp ước Li-xbon (năm 2009) và PCA, quan hệ chính trị giữa hai bên được tăng cường, thể hiện bằng tần suất và cấp độ của các cuộc tiếp xúc cao hơn, như chuyến thăm EU của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2013), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (năm 2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (năm 2019)... Về phía EU thăm Việt Nam có: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hơ-man Van Rôm-pơi (năm 2012), Đại diện cấp cao về đối ngoại và an ninh của EU Ca-tơ-rin Át-xtơn (năm 2014), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-giê Man-nu-en Ba-rô-sô (năm 2007 và năm 2014)...
Ý tưởng về ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam đã được Ủy viên Thương mại EU Ca-ren đơ Gút đề xuất trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từ tháng 6-2010. Chỉ 4 tháng sau, hai bên đã nhất trí khởi động đàm phán FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Tiến trình đàm phán EVFTA đã bắt đầu từ tháng 6-2012 và kết thúc vào tháng 12-2015. Tháng 6-2018, hai bên đã nhất trí tách phần đầu tư ra thành Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Ngày 30-6-2018, EU và Việt Nam đã chính thức ký kết EVFTA và IPA. Hai năm sau, EVFTA được Hội đồng châu Âu thông qua vào ngày 30-3-2020 và phía Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8-6-2020. Ngày 1-8-2020, EVFTA chính thức có hiệu lực.
Vai trò hỗ trợ và thị trường của Liên minh châu Âu đối với sự phát triển của Việt Nam
Năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam thông qua Đề án Tổng thể để phát triển quan hệ với EU. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên công bố kế hoạch về quan hệ với EU và EU cũng là đối tác đầu tiên mà Việt Nam có một chiến lược tổng thể. Như vậy, có thể khẳng định, EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu do có vị trí và vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của Việt Nam.
Về phát triển kinh tế, EU luôn là một trong ba đối tác thương mại hàng đầu (sau Trung Quốc và Mỹ) và là một trong hai thị trường xuất khẩu quan trọng nhất (sau Mỹ) của Việt Nam. Từ năm 2000 - 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đã tăng 17 lần, từ 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên 56,45 tỷ USD (năm 2019). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần, từ 2,8 tỷ USD (năm 2000) lên 41,54 tỷ USD (năm 2019). Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung vào các sản phẩm sử dụng nhiều lao động, bao gồm lắp ráp các mặt hàng điện tử, điện thoại, giày dép, hàng dệt may, cà phê, hải sản và đồ nội thất... Nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng tăng 11,4 lần, từ 1,3 tỷ USD (năm 2000) lên 14,9 tỷ USD (năm 2019). Các mặt hàng chính của EU xuất khẩu sang Việt Nam là các sản phẩm công nghệ cao, như máy móc, sản phẩm cơ khí, thiết bị điện, dược phẩm...(5).
Như vậy, Việt Nam liên tục là phía xuất siêu sang EU với khối lượng ngày càng tăng. Điều này đã giúp Việt Nam cân bằng được thâm hụt thương mại lớn với các đối tác Đông Bắc Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc trong thời gian qua.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, EU là một trong năm nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD), chiếm 7,70% tổng số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng số vốn đầu tư đăng ký của các nước. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ...). Các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc chuyển giao công nghệ, tạo ra một số ngành, nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao, tạo thêm nhiều việc làm mới... Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam, như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp, Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thụy Điển)...(6).
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang EU, chủ yếu tập trung vào một số nước, như Hà Lan, Séc, Đức. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 78 dự án đầu tư sang 10 nước EU (Anh, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, Séc, Tây Ban Nha và Xlô-va-ki-a) với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 320,20 triệu USD(7). Mặc dù đầu tư của Việt Nam sang EU không nhiều nhưng các dự án đều góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác được lợi thế kinh doanh, tiếp cận và mở rộng thị trường có sức mua lớn.
Như vậy, EU đã mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các đối tác khác.
Về hỗ trợ hoàn thiện thể chế và hội nhập quốc tế, các dự án của EU hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, từ đó có thể hội nhập quốc tế, đã có từ rất sớm. Ngay trước cả khi FCA được ký kết, EU đã tiến hành Chương trình Hỗ trợ của châu Âu dành cho quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (gọi tắt là EuroTAPViet), chương trình này kéo dài từ năm 1994 - 1999 và là chương trình hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất mà EU đã thực hiện ở châu Á(8). EuroTAPViet đã giúp Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn cần thiết để hội nhập quốc tế, từ đó xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý kế toán và kiểm toán thống nhất cho cả nước, góp phần hiện đại hóa các hệ thống quản lý tài chính của Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật, trang bị cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam những năng lực cần thiết để quản lý một nền kinh tế thị trường và tận dụng được những mối quan hệ mới từ bên ngoài.
Có thể nhận thấy, không giống với các nhà tài trợ khác trong giai đoạn đầu hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế, EU không đầu tư vào các dự án lớn về kết cấu hạ tầng mà chủ yếu tập trung vào hoàn thiện chính sách và phát triển thể chế. Việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế này luôn được lồng ghép vào các chương trình khác nhau của EU. Đơn cử như, Dự án Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) ở giai đoạn thứ nhất (1997 - 2000) không chỉ khắc phục việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này mà còn nâng cao năng lực thể chế của các ngân hàng cho vay. Ở giai đoạn thứ hai (2004 - 2008), dự án còn đưa ra những đề xuất cải cách môi trường kinh doanh ở các tỉnh, như đơn giản hóa thủ tục, nhất quán quy trình giữa các cơ quan quản lý(9). Việc tăng cường năng lực của ngân hàng cũng đã từng là một nội dung của dự án ECIP trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Các dự án như vậy đã hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiệu quả hơn.
Trong rất nhiều các dự án hỗ trợ hoàn thiện thể chế và hội nhập quốc tế của EU cho Việt Nam, không thể không đề cập đến vai trò quan trọng của dự án dài hạn nhất của EU là Chương trình Hỗ trợ chính sách thương mại đa phương (MUTRAP) kéo dài từ năm 1998 đến năm 2017. Chương trình này đã hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ các bộ, ngành, các doanh nghiệp, trường đại học, chính quyền địa phương. Các hoạt động của MUTRAP rất đa dạng, từ cung cấp học bổng đào tạo ở châu Âu, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, trao đổi chuyên gia,... đến xây dựng thư viện trực tuyến, hệ thống cổng thông tin, trang web, đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan tới thương mại tại thư viện quốc gia, soạn thảo các báo cáo chính sách, hỗ trợ mở ngành đào tạo cấp bằng trong lĩnh vực thương mại quốc tế tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội... Có thể nói, EU đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt thời kỳ bắt đầu hội nhập đầy khó khăn với những hoạt động hỗ trợ quan trọng. Thành tựu hội nhập quốc tế mà Việt Nam đạt được có đóng góp không nhỏ từ EU. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 với tư cách là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia đàm phán FTA với Trung Quốc (năm 2004), Hàn Quốc (năm 2005), Nhật Bản (năm 2008), Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (năm 2009), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (năm 2018) và EVFTA (năm 2020)...
Về hỗ trợ phát triển, EU là nhà cung cấp viện trợ phát triển không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 1993 - 2013, tổng số cam kết của các quốc gia thành viên và EU đạt gần 14 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của các nhà tài trợ quốc tế đối với Việt Nam, trong đó viện trợ không hoàn lại của EU là khoảng 1,5 tỷ USD. Ủy ban châu Âu cam kết cung cấp 400 triệu ơ-rô viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2020 tập trung vào hai lĩnh vực năng lượng bền vững và quản trị nhà nước, tăng cường năng lực thể chế(10). Đây là những điểm sáng trong hợp tác phát triển giữa hai bên, trong khi danh sách các nước châu Á hưởng lợi từ viện trợ phát triển chính thức của EU đã giảm từ 19 nước xuống còn 12 nước.
Trong suốt 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kể từ dự án hỗ trợ nhân đạo đầu tiên của EU - ECIP đến nay, hỗ trợ phát triển của EU đã mở rộng cả về phạm vi địa lý và lĩnh vực hoạt động. Có thể thấy điều này qua các dự án về kiểm soát bệnh dịch ở vật nuôi (năm 1998), quản lý giáo dục (năm 2000), phiên dịch cho chính phủ (năm 2002), quy hoạch đô thị (năm 2003), trẻ em lang thang cơ nhỡ (năm 2004), nguồn nhân lực cho ngành du lịch (năm 2004), du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (năm 2011)... Đặc biệt, nhiều dự án tập trung vào khu vực miền núi, dân tộc thiểu số và nông thôn nghèo, như Chương trình kiểm soát bệnh sốt rét ở sáu tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam và một số vùng của Lào và Cam-pu-chia (năm 1997); Dự án y tế ở ba tỉnh Thái Bình, Bình Thuận và An Giang (năm 2002); Dự án y tế cho các tỉnh miền núi Bắc và Trung Bộ (năm 2005)... Ngoài ra, còn rất nhiều các dự án cho miền núi như bảo tồn rừng, thiên nhiên, phát triển nông - lâm nghiệp, giáo dục...
Có thể thấy, các dự án phát triển của EU có tính xuyên suốt và tiếp nối. Đơn cử như, sau khi dự án đầu tiên ECIP kết thúc, ngân sách của dự án này tiếp tục được chuyển tiếp và tái đầu tư trong một chương trình tín dụng mới dành cho người hồi hương - Chương trình Hỗ trợ người hồi hương (RAP). Hay Dự án SMEDF với hai giai đoạn tiếp nối đã đề cập ở trên, các chương trình phát triển y tế ở vùng sâu, vùng xa luôn được thiết kế kế thừa và tiếp nối, duy trì và phát triển các kết quả của các chương trình trước đó...
Một trong những vai trò quan trọng khác của các dự án hỗ trợ phát triển của EU đó là các dự án này luôn hỗ trợ hiệu quả và tích cực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo Báo cáo chiến lược quốc gia dành cho Việt Nam (2002 - 2006), mục tiêu của EU là “hỗ trợ và đẩy mạnh quá trình giảm nghèo một cách bền vững”. Trong đó, hai ưu tiên trong hợp tác Việt Nam - EU là phát triển con người thông qua phát triển nông thôn, y tế và giáo dục, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới bằng cách cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tham gia các thể chế kinh tế quốc tế. Như vậy, những mục tiêu và ưu tiên này đã bổ trợ một cách hiệu quả cho chính sách hiện đại hóa và công nghiệp hóa của Việt Nam theo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2011)...
Những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu
Hai mươi lăm năm sau khi FCA ra đời, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển không chỉ về bề rộng mà còn cả chiều sâu mà IPA và EVFTA là minh chứng rõ nét. Việc ký kết thành công hiệp định này đánh dấu một mốc mới trên chặng đường hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định. Có thể coi đây là một thông điệp tích cực về quyết tâm phát triển mối quan hệ hai bên của cả Việt Nam và EU.
Quan hệ Việt Nam - EU trong thời gian tới có xu hướng thuận lợi nhiều hơn thách thức do cả hai bên đều có nhu cầu thúc đẩy quan hệ song phương này. Đặc biệt sau Hiệp ước Li-xbon, EU muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa vị thế trên trường quốc tế, trong đó có việc đẩy mạnh quan hệ với châu Á. Việt Nam là đối tác hàng đầu của EU ở khu vực Đông Nam Á. Việc phát triển quan hệ với một đối tác đặc biệt gồm 27 thành viên như EU không chỉ phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam mà còn giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn. Mối quan hệ này còn được củng cố bằng các mối quan hệ song phương, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước thành viên chủ chốt của EU, như Đức, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan,... tạo nên sự đan xen lợi ích và chiến lược cho tất cả các bên.
Với EVFTA và IPA, quan hệ thương mại đã trở thành trụ cột trong phát triển quan hệ giữa hai bên. Việc triển khai hai hiệp định này sẽ mở rộng thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (dệt may, giầy dép, hàng nông sản...), cũng là cơ hội tiếp cận với các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao của EU, đồng thời có điều kiện để hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, cũng có những khó khăn nhất định trong quan hệ kinh tế. Ví dụ như, sự khắt khe của thị trường EU với nhiều tiêu chuẩn mới, đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật, môi trường, vệ sinh an toàn, bảo vệ quyền người lao động,... cùng với chính sách bảo hộ nông nghiệp... Hay việc EU tập trung vực dậy thị trường nội khối, thắt chặt chi tiêu và hạn chế đầu tư ra bên ngoài... sẽ có những tác động nhất định đến việc thu hút dòng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam. Mặc dù hợp tác phát triển giữa Việt Nam và EU đến nay về cơ bản là ổn định, nhưng sau năm 2020, EU có thể điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam, lồng ghép nhiều hơn nữa các điều kiện tiếp nhận viện trợ phát triển chính thức, điều chỉnh nhóm nước ưu tiên sang khu vực các nước Bắc Phi... Thêm vào đó, do Việt Nam đã vượt lên nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình nên chính sách của EU sẽ hướng đến các lĩnh vực phát triển khác, như biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng bền vững, tăng cường thể chế...
Về an ninh - chính trị, sự hiện diện của EU tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không rõ ràng và mạnh mẽ như ở lĩnh vực kinh tế. Chính vì vậy, tiếng nói của EU trong các vấn đề xung đột hiện nay chưa có nhiều tác động sâu sắc. Việt Nam cần xác định rõ tầm ảnh hưởng của EU trong các vấn đề này để từ đó có thể tận dụng vị thế “trung gian” và quan điểm ủng hộ hòa bình và luật pháp quốc tế của EU.
Quan hệ Việt Nam - EU trong thời gian tới cũng phụ thuộc vào sự phát triển của EU. Chính vì vậy, những khó khăn gần đây trong nội khối EU, như khủng hoảng về di cư, xu thế dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, việc nước Anh rời EU (Brexit),... cũng có những tác động nhất định đến việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Nếu EU tiếp tục phát triển theo hướng nhất thể hóa, trở thành một chủ thể thống nhất trên tất cả các lĩnh vực, có tiếng nói trọng lượng hơn trên trường quốc tế... sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hòa bình và ổn định ở châu Âu cũng như trên thế giới. Một điều thấy rõ rằng, Việt Nam sẽ là một trong những đối tác được “hưởng lợi” từ sự lớn mạnh của EU.
Kể từ thời điểm ký kết FCA đến nay, quan hệ Việt Nam - EU đã chuyển từ quan hệ mang tính bị động, một chiều giữa “nước nhận viện trợ và nhà tài trợ” thành quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, phát triển bền vững... và ngày càng đi vào chiều sâu. Trên cơ sở những lợi ích song trùng, việc củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam - EU bình đẳng, đôi bên cùng có lợi là nhu cầu chiến lược của cả hai bên, do đó, quan hệ hợp tác Việt Nam - EU sẽ ngày càng phát triển theo chiều sâu và hiệu quả hơn nữa./.
------------------------------
(1) Hợp tác chính trị châu Âu (European Political Cooperation) - tiền thân cho Chính sách Đối ngoại và An ninh chung của EU sau này
(2) Điển hình là ngay trong năm 1992, Hiệp định Dệt may giữa Việt Nam và EC đã được ký kết
(3) Ngày 11-7-1995, Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam; ngày 17-7-1995, EU và Việt Nam ký Hiệp định khung hợp tác; ngày 28-7-1995, Việt Nam gia nhập ASEAN
(4) FCA cụ thể hóa bốn mục tiêu: 1- Bảo đảm các điều kiện và thúc đẩy sự phát triển thương mại - đầu tư song phương; 2- Hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững; 3- Tăng cường hợp tác kinh tế, bao gồm việc hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế thị trường; 4- Hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường và quản trị bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên
(5) Tổng hợp số liệu từ trang web chính thức của EU: https://ec.europa.eu/trade/policy/countries-and-regions/countries/vietnam/, ngày 25-6-2020
(6) Xem:https://ec.europa.eu/trade/policy/countries-and-regions/countries/vietnam/và trang web của Bộ Công thương: http://evfta.moit.gov.vn/, ngày 25-6-2020
(7) Trang web của Bộ Công Thương: Tlđd, ngày 25-6-2020
(8) Robert W.McGee (ed.):Cooperate Governance in Developing Economies: Country Studies of Africa, Asia and Latin America, Springer, USA, 2009, tr. 188
(9) Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính: EC-funded project aims to boost SMEs development, https://www.mof.gov.vn/webcenter, ngày 26-6-2020
(10) Hợp tác của EU tại Việt Nam: Giải phát tốt hơn cho các thách thức phát triển - Chương trình Định hướng hỗ trợ đa niên cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, http://eeas.europa.eu/files/20141113-mip-vi.pdf, ngày 26-6-2020
Thực thi quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Góc nhìn từ phía doanh nghiệp châu Âu và một số vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam  (30/09/2020)
Tác động của đại dịch COVID-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới  (23/09/2020)
Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam  (09/09/2020)
Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh  (27/08/2020)
Động lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Ninh  (25/08/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên