Quỳnh Phụ - ngày ấy, bây giờ
Quỳnh Phụ là huyện thuần nông, có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Thái Bình, bởi có 2 cửa ngõ thông thương với các tỉnh: phía Tây Bắc, dọc theo tỉnh lộ 217, qua bến phà Hiệp là tỉnh Hải Dương, phía Đông Bắc, theo quốc lộ 10, qua Cầu Nghìn là huyện Vĩnh Bảo (Thành phố Hải Phòng).
Lịch sử hơn 200 năm đã khắc ghi Quỳnh Phụ là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống lao động sản xuất và truyền thống cách mạng. Thời phong kiến, mảnh đất này đã có 29 người thi đỗ tiến sỹ, 2 trạng nguyên; nghệ thuật hát chèo, múa kéo hội và múa bát rật còn được lưu giữ đến ngày nay. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Quỳnh Phụ đã có những cống hiến vô cùng to lớn về sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Chính vì những đóng góp đó, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho huyện Quỳnh Phụ và 8 xã trong huyện.
Có truyền thống vẻ vang như vậy, nhưng cách đây một thập kỷ, Quỳnh Phụ đã phải dồn sức để vượt qua tình trạng cực kỳ khó khăn.
1. Vượt qua khó khăn, thách thức
Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế - xã hội của Quỳnh Phụ đã có những bước thay đổi theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn. Các công trình: điện, đường, trường, trạm được triển khai và xây dựng khá đồng bộ từ năm 1991 đến năm 1996. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, Quỳnh Phụ rơi vào tình trạng mất ổn định xã hội khá nghiêm trọng. Khiếu kiện đông người, kéo dài diễn ra ở hầu hết các xã trong huyện (ở 33/38 xã, thị trấn), cao điểm nhất là vào năm 1997. Quần chúng bộc lộ tâm lý thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở. Cá biệt, tại một xã, lợi dụng người dân khiếu kiện, những kẻ quá khích đã kéo đến vây ráp, đốt phá trụ sở, thậm chí hành hung cả cán bộ, công an. Ở một số nơi, sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền xã bị tê liệt. Vào thời điểm đó, Quỳnh Phụ được đánh giá là “điểm nóng” nhất về trình trạng mất ổn định ở nông thôn.
Mất ổn định về xã hội kéo theo hậu quả là kinh tế chậm phát triển. Trong thời gian này, nhìn chung, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đã đề ra, thậm chí còn mất đi những điển hình tiên tiến về xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; những mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao trong nông nghiệp, đã từng được nhiều địa phương trong cả nước về thăm quan, học tập. Tình trạng nợ đọng sản phẩn diễn ra ở hầu hết các xã trong huyện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là nông dân giảm sút; sự phân hóa giàu nghèo xuất hiện trong các tầng lớp dân cư.
Trong bối cảnh như vậy, từ năm 1997-2000, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, Quỳnh Phụ đã nghiêm khắc kiểm điểm, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ổn định là: chủ quan, nóng vội, buông lỏng việc lãnh đạo trong quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản, coi nhẹ công tác xây dựng Đảng, từ đó, một số cán bộ, đảng viên đã lợi dụng chức, quyền để tham nhũng, vi phạm chính sách, pháp luật, vi phạm quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân, gây lãng phí, thất thoát vật tư, tài chính, gây bất bình trong nhân dân.
Với cách nhìn nhận thẳng thắn như vậy, Quỳnh Phụ đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, yếu kém trong công tác cán bộ, xây dựng Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cấp ủy, đồng thời chỉ rõ những phần tử có hành vi quá khích. Huyện đã lập các đoàn thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra kinh tế, thanh tra tại 33/38 xã, thị trấn về các nội dung dân khiếu kiện, như: quản lý đất đai, sử dụng ngân sách xã, chi tiêu xây dựng cơ bản, các chế độ chính sách... Kết quả thanh tra đã thu hồi về cho Nhà nước 3.628 triệu đồng.
Bên cạnh thanh tra, kiểm tra về kinh tế, tài chính, Quỳnh Phụ đã xử lý 468 cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt của cơ sở. Trong 20 năm đổi mới (1986-2005), đã có 3.379 đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng; trong đó khai trừ 524, xoá tên 2.236, cho rút khỏi danh sách đảng viên 619. Những phần tử quá khích được xử lý đúng người, đúng tội, một số bị kết án tù giam. Hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, bước đầu đã lấy lại được lòng tin với nhân dân.
2. Vững bước trên đường đổi mới
Do có những biện pháp xử lý kiên quyết, đến năm 2001, tình hình địa phương đã đi vào ổn định. Từ đây, Quỳnh Phụ tiếp tục vươn lên, phát huy truyền thống, tự tin khẳng định mình trong quá trình phát triển chung của tỉnh Thái Bình và cả nước với những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2006 so với những năm trước và năm 2005 có sự chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 đạt 11,03%, cao nhất từ trước tới nay; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 723 tỉ đồng (tăng 5,39%), công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 372 tỉ (tăng 22,77%), dịch vụ đạt 344 tỉ (tăng 12,42%); tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế là 2.183 tỉ đồng.
Là một huyện thuần nông, nên Quỳnh Phụ xác định: trong những năm trước mắt, sản xuất nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội, lãnh đạo Huyện đã chỉ đạo chính quyền cơ sở xây dựng quy hoạch, lên kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở; chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa: tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng “cánh đồng 50 triệu”; xây dựng đề án mở rộng diện tích cây vụ đông; thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại và hình thành vùng chăn nuôi tập trung.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ
Năm 2005, trong cơ cấu kinh tế của huyện: nông nghiệp chiếm 51,9%, công nghiệp: 23,9% và dịch vụ: 24,2%. Năm 2006, tỷ lệ tương ứng là: 46,3% ; 29,2% ; 24,5%.
Trong nông nghiệp, năng suất lúa cả năm đạt 131,27 tạ/ha, toàn huyện có 208 “Cánh đồng 50 triệu”, với tổng diện tích là 2.194 ha, chiếm gần 20% diện tích đất canh tác; 128 trang trại đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận; chuyển đổi 1.248 ha cấy lúa cho năng suất thấp sang trồng cây ăn quả đặc sản và nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao; xây dựng được 7 vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung và giá trị trên 1 ha canh tác bình quân cả huyện đạt 45 triệu đồng/năm.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, được khôi phục, duy trì; một số nghề truyền thống được mở rộng (chế biến lương thực, dệt chiếu cói, đúc đồng); nhiều nghề mới được du nhập (mây tre đan, sơ chế hạt điều, gỗ mỹ nghệ). Toàn huyện hiện có 24 làng nghề, 4 xã nghề, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 35.500 lao động. Đến hết năm 2006, cụm công nghiệp Cầu Nghìn và cụm công nghiệp ven quốc lộ 10 trên địa bàn huyện đã thu hút được 25 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp Hà Phương, Donafood, Hoàng Anh đã ổn định sản xuất và đang có hướng mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Huyện cũng đã tiếp nhận Dự án RE II để cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn. Đầu tư xây dựng cơ bản cả năm đạt 226.230 triệu đồng, tập trung vào việc xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giao thông, trường học, trạm y tế… Các thủ tục đầu tư xây dựng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Hoạt động dịch vụ thương mại, khoa học - công nghệ được mở rộng. Nhiều hoạt động đang được tích cực triển khai để nâng cấp kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường; khai thác tổng hợp các tiềm năng của huyện.
Hoạt động kinh doanh các chợ đầu mối và chợ nông thôn được tập trung khai thác; nhiều thị trấn, thị tứ, trung tâm thương mại được xây dựng, mở rộng… Công tác xúc tiến thương mại tại các tỉnh phía Bắc để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà huyện có thế mạnh được đẩy mạnh.
Các tuyến du lịch đang được quy hoạch để gắn với lễ hội truyền thống và quảng bá sản phẩm làng nghề. Hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông được tập trung cải tạo. Đến nay, toàn huyện đã có trên 3.000 máy điện thoại cố định, đạt bình quân 45 máy/100 dân. Trong công tác quản lý, y tế, giáo dục... đã áp dụng thành tựu của công nghệ thông tin; các tiến bộ khoa học được đưa vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Hoạt động giao thông vận tải đáp ứng vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Hoạt động của đội vệ sinh môi trường tự quản ở thị trấn, thị tứ và các thôn, làng trong toàn huyện được duy trì và phát triển. Đây là mô hình mới về bảo vệ môi trường, sinh thái, ít có ở thôn, làng vùng đồng bằng sông Hồng.
- Văn hóa - xã hội được phát triển
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, huyện lấy ngày 16-2 hằng năm là “Ngày Đại đoàn kết toàn dân”. Đây là hoạt động văn hóa độc đáo ở Quỳnh Phụ. Toàn huyện hiện có 51.388 gia đình đăng ký gia đình văn hóa và số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 87% và 13,5% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao.
Công tác giáo dục đạt kết quả cao và đồng bộ ở tất cả các nội dung: chuẩn hóa giáo viên mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 99,6%, trung học cơ sở: 97,4%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở là 99,7%, trung học phổ thông là 98%. Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề, các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, góp phần đào tạo nghề cho lao động trẻ, cung cấp lao động có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong huyện.
Công tác tôn giáo, thực hiện chính sách đối với người có công, phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… được thực hiện tốt.
- Công tác xây dựng Đảng được củng cố
Từ năm 2000, Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng xây dựng đồng bộ các quy chế, quy định của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Từ năm 2001, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra chỉ thị về tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Hằng năm, cấp ủy cơ sở tiến hành 3 cuộc kiểm tra: kiểm tra việc thu chi tài chính ngân sách xã và các công trình xây dựng cơ bản ở xã; kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, quỹ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kiểm tra việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Do đó, đã phòng ngừa một cách có hiệu quả những sai phạm và giải quyết kịp thời những phát sinh ở cơ sở, không để tích tụ thành “điểm nóng, dẫn đến mất ổn định chính trị. Đến năm 2004, Quỳnh Phụ không còn cơ sở Đảng yếu kém, 45% số tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh.
Các chế độ làm việc, sinh hoạt và công tác quản lý của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở đã đi vào nền nếp, có hiệu quả. Công tác quy hoạch, đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; việc đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên; phê bình, tự phê bình hằng năm được thực hiện một cách nghiêm túc.
Do tập trung lãnh đạo và triển khai tốt mọi mặt công tác, nên tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, và, huyện Quỳnh Phụ vẫn giữ vững danh hiệu là đơn vị mạnh của tỉnh Thái Bình về an ninh, quốc phòng trong nhiều năm liền.
3. Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Quỳnh Phụ trong những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, luôn bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Không có ổn định chính trị - xã hội sẽ không có sự phát triển kinh tế và không nâng cao được đời sống của nhân dân. Do đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: “lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt; đẩy mạnh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng xã hội”. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cho từng giai đoạn, từng lĩnh vực để trên cơ sở đó có sự phân công hợp lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả; xây dựng chương trình, đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội... của địa phương.
Hai là, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trên cơ sở thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp. Đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng và nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức, điều hành cho cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định của địa phương cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Ba là, thực hiện tốt công tác tư tưởng. Thường xuyên nắm bắt, phát hiện sớm những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ; xử lý kịp thời, dứt điểm những vấn đề nổi cộm không để tích tụ tạo nên bức xúc trở thành “điểm nóng”. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, để giải quyết những vấn đề phức tạp, trước hết phải dám nhìn thẳng vào sự thật, xác định đúng nguyên nhân, và sau đó kiên quyết xử lý, khắc phục. Các cấp ủy lãnh đạo cần chỉ đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ khi xử lý, giải quyết những tình huống nảy sinh.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đưa công tác thanh tra, kiểm tra đi vào nền nếp, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm để giữ vững lòng tin của quân chúng nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền. Chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội phải trở thành công việc thường xuyên.
* Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, Bí thư Huyện ủy huyện Quỳnh Phụ
“Xây” và “Chống” trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (25/04/2007)
Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư (khóa IX) về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  (24/04/2007)
Chính sách mới trên các số công báo từ ngày 1-3-2007 đến ngày 18-3-2007  (24/04/2007)
Khách quốc tế đến Việt Nam  (23/04/2007)
Công tác xóa đói, giảm nghèo  (23/04/2007)
Số người sử dụng Internet  (23/04/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển