“Sống giả”
TCCS - “Sống giả” thực chất là cách sống chủ yếu vì mình mà ít vì mọi người, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận động, phát triển lành mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Một nhóm cán bộ hưu trí ngồi nói chuyện với nhau. Một ông khơi mào: “Theo dõi trên báo chí thời gian gần đây, các ông có thấy lời phát ngôn nào thu hút sự quan tâm của dư luận?”.
Tất cả trầm ngâm suy nghĩ, rồi một ông rành rẽ trả lời: “Tôi nhớ một vị lãnh đạo nói rằng, trong xã hội hiện nay có nhiều cái giả quá. Nào là hàng hóa giả, buôn bán giả, học hành giả, chứng chỉ giả, “cái gì cũng giả” khiến không biết đâu là ranh giới chuẩn mực của xã hội, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chế độ”.
Mọi người đồng tình và rôm rả trao đổi làm rõ thêm câu chuyện: “Giả” không chỉ có nghĩa “không phải là thật”, mà còn bao hàm nhiều nghĩa, như giống vật gì nhưng không phải mang bản chất của vật ấy; làm ra để thay thế một vật nào đó; làm giống như thật; bắt chước sự thật... Nhưng chung quy lại, giả là đối lập với thật, là lợi dụng cái thật để làm y như thật nhằm che mắt, lừa dối thiên hạ vì mục đích hẹp hòi, nhỏ nhoi, không chính đáng. Làm hàng hóa giả để kiếm lợi nhuận bất chính. Buôn bán giả nhằm tận thu lời bất hợp pháp. Học hành giả gắn với chứng chỉ giả nhằm kiếm bằng cấp làm “trang sức”, lòe bịp, “đánh bóng” lý lịch cá nhân hòng vụ lợi... Phải nói rằng, cái gì giả cũng đáng lo ngại, đáng phê phán!
Rồi ông cán bộ khơi mào câu chuyện lại thốt lên: “Nhưng có một cái giả đáng sợ hơn? Các ông có biết đó là cái giả gì không?”.
Các ông khác lại suy nghĩ, rồi một ông trả lời: “Theo tôi, đáng sợ nhất bây giờ chính là tình trạng “sống giả”!”.
Các ông lại bàn tán: “Sống giả” không chỉ có nghĩa là sống không thật lòng mình, mà còn là kiểu cách sống bằng mọi giá để “lấy lòng, mua chuộc” người khác. Những người “sống giả” luôn có cách hành xử thế này: Với cấp trên, thì cái gì cũng phải, cũng đúng, cũng hay; với thủ trưởng thì bao giờ cũng nhũn nhặn “một dạ, hai vâng”; với mọi người thì “mười lăm cũng ừ, mười tư cũng gật”, “gió chiều nào theo chiều ấy”, “thấy xôi khen xôi ngọt, thấy thịt bảo thịt bùi”, lúc nào cũng ứng xử theo kiểu “dĩ hòa vi quý” để cố gắng không làm mất lòng, phật ý một ai. Nhưng còn có một thứ “sống giả” tinh vi hơn, đấy là một số người ứng xử đến mức “siêu khéo”, luôn sử dụng những “lời có cánh”, những mỹ từ để khen ngợi người này, vuốt ve người khác, biết tận dụng thời cơ để “cung kính” cấp trên, “chiều chuộng” cấp dưới, “cưng nựng” đồng nghiệp. Cái sự “sống giả” này càng thấy rõ nhất ở một số người đang trong thời điểm chuẩn bị đại hội, chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ mới.
Nhưng những người “sống giả” lại... không dễ bị phát hiện như “hàng giả”, “chứng chỉ giả”, “bằng cấp giả”. Vì đó là những con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi, đôi khi được “khoác” trên mình một diện mạo bóng bẩy hào hoa, nhưng họ khéo léo thể hiện “cử chỉ giả” để làm “xiêu lòng” người khác, “mua chuộc” nhân tâm.
Một ông trong nhóm nói giọng đầy bức xúc: “Như vậy, “sống giả” cũng là một trong những hình thức tạo dựng “uy tín giả” cho cán bộ, đảng viên, một triệu chứng không thể xem thường trong bộ máy công quyền, đúng không?”.
Các ông khác đồng thanh: “Đúng vậy!”.
Thực tế đã có những người tiến thân không phải do tài năng, đức độ, mà đi lên bằng cái “môi mỏng lưỡi mềm” siêu đẳng của họ. Họ hiếm khi gây mất lòng ai, nhưng do tài cán có hạn, lại chỉ khư khư “giữ mình” vì ngại đụng chạm, ngại va vấp,... thế nên những người này thường không có chính kiến rõ ràng, không có tính quyết đoán, không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, do đó không góp phần tạo ra động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc cho tập thể, cho bộ máy công quyền. “Sống giả” thực chất là cách sống chủ yếu vì mình mà ít vì mọi người, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận động, phát triển lành mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
“Sống giả” như thế thì không chỉ đáng sợ, mà còn đáng nguy nữa. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo nhận diện những “khuôn mặt thật” nhưng lại được bao bọc bởi cái “mặt nạ sống giả” dễ làm mập mờ, lẫn lộn ranh giới tốt - xấu, đúng - sai, hay - dở và gây “ung nhọt” đạo đức cán bộ, đảng viên./.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Campuchia  (08/12/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Hun Sen dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia  (06/12/2018)
Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao  (06/12/2018)
Các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ  (06/12/2018)
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc  (06/12/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm