Năm “đạo” băng hoại nhân quần
TCCS - Muôn vật trong vũ trụ, muôn người giữa thế gian đều có đạo, đều mang trong mình cái đạo. Đạo, ấy là con đường của sự đắp đổi một cách tự nhiên của vũ trụ; cũng là phương hướng, đường lối hợp nhẽ nhân quần dẫn dắt con người đi trên cõi đời. Đạo là vô hình nhưng lại hiện hữu, vô biên.
Đó chính là đạo của vũ trụ, của Người, của nhân thế trên đời.
Muôn vật đi chệch cái đạo Giời thành ra bất thường, trái quy luật tự nhiên... và tự diệt một cách tự nhiên nhi nhiên. Con người đi ngược cái đạo Người, đạo nhân thế cũng sẽ lâm vào vòng suy vong, tự diệt, khó cưỡng lại được, cũng một cách tự nhiên nhi nhiên. Đạo Giời và đạo Người ở trong nhau, khó mà cắt chia, khó mà tách bạch! Không phải thế, thì sao Thiên - Địa - Nhân xưa nay há chẳng phải chính là chuyện tự nhiên nhi nhiên “tam tài giả”, “tam vị nhất thể” đó sao!?
Có thể nói không ngoa: Đó là minh đạo.
Muôn vật trong vũ trụ vận hành trái nhẽ tự nhiên là phi đạo Giời!
Con người làm trái minh đạo Người, tôi gọi là hắc đạo! Trong số những hắc đạo mà con người đi, có một thứ đạo - đó là sự trộm cắp. Nhớ tháng 6-1949, chả thế mà trong bài “Cần Kiệm Liêm Chính”, Cụ Hồ nói: “Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm)”.
Như thế, đạo là trộm cắp. Nó như thế nào?
Có thể gọi ra:
Đạo chích, đó là thói ăn cắp vặt, kẻ trộm trong làng xã, cơ quan, cộng đồng. Hở ra là trộm, từ chổi cùn cho tới rế rách, “thó” bất kể con cá lá rau, ở nơi thôn dã, phố phường hay vật dụng ở chốn công đường,... Nó làm cho cộng đồng bất an, cơ quan nặng nề, đơn vị u uất... vì bực mình, rồi nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau.
Đạo danh, đó là nạn biển thủ tên tuổi, công trình của người khác làm của mình: đạo văn, đạo nhạc... Rồi tệ mua bán điểm giả, bằng cấp, học vị, học hàm... Rộng ra là ăn cắp tri thức, danh tiếng... để chui sâu vào bộ máy, leo cao những phẩm trật quan trường một cách ô nhục. Lúc sự dối trá, giả hiệu lộng hành thì là khắc sự trung thực, ngay ngắn bị tiêu diệt! Nó làm cho thật giả hỗn mang, trắng đen lẫn lộn, nhân phẩm suy đồi, lòng tin bại hoại.
Đạo vật chính là tệ trộm cắp, tham nhũng vật chất, tiền bạc.... Nó đục khoét của công, biển thủ quốc khố, bòn rút mồ hôi, xương máu Nhân dân để bỏ túi cá nhân, rắp vinh thân phì gia, bành trướng dòng họ, khiến muôn dân bị xâm hại, quốc gia khánh kiệt, quốc thể chênh vênh, xã hội rối ren, thể chế nguy cơ tan tành. Chả thế, mà cách nay 250 năm Cụ Lê Quý Đôn từng răn rằng, trong năm nguy cơ làm mất nước, thì nguy cơ “tham nhũng tràn lan” kia, không thể không đứng hàng thứ tư đó sao! Quan lại càng giàu nhanh một cách khuất tất, trăm họ càng mau lầm than, rên xiết, đất nước càng chóng suy mạt, bại vong. Nó nguy hiểm hơn cả nạn giặc giã, giặc ngoại xâm.
Đạo vị, đây là sự trộm cắp chức vụ trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước và của hệ thống chính trị. Nhân dân và chúng ta thì gọi là, tham nhũng quyền lực. Từ “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối” tới các thủ đoạn tham nhũng tuổi tác, bằng cấp để “lẻn” vào chốn quan trường, rồi mua phiếu bán danh, trộm cắp chức vụ bằng mọi quỷ kế. Khi các “chính trị gia” bắt tay một cách tăm tối với các doanh nhân thì nền chính trị không hủ bại, chính trường không bị “dắt mũi” mới là chuyện lạ! Từ dùng tiền để “cuỗm” quyền lực chính trị, rồi dùng chính trị để “cướp” lấy quyền lực kinh tế, lại dùng kinh tế để chui sâu leo cao vào chính trường, rắp đoạt lấy quyền lực chính trị cao hơn. Thì không nghi ngờ gì nữa, nó tác họa muôn dân, băm nhỏ lợi ích quốc gia, trộm cắp từng mảnh chính trị, kinh tế đất nước và lũng đoạn thể chế quốc gia. Nó làm cho nhân quần ly tán, nền chính trị rối loạn, thể chế suy đồi, quốc gia hỗn mang, đất nước tan vỡ, thậm chí diệt vong hoặc làm nô lệ cho giặc ngoại bang. Mua quan bán tước, buôn bán quyền lực dẫn tới nạn hoặc nhỏ thì “anh hùng nhất khoảnh”, lớn thì “sứ quân”, “dòng họ cát cứ”, thậm chí cả sự ô nhục bán nước cầu vinh chỉ là bước “tự chuyển hóa” rất ngắn, thậm chí trong chớp mắt mà thôi! Lịch sử đã cho thấy không ít sự nhãn tiền sinh tử ấy.
Đạo tâm, đó chính là nạn ăn cắp lòng tin. Nói mà không làm, làm ngược nhời nói. Trên diễn đàn thì, rao giảng đạo lý, dạy dỗ chính liêm, nơi chính sự thì ức vạn tối tăm, phè phỡn phù hoa, xa xỉ... Cụ Trang Tử bảo: Người không biết xấu hổ thì không ra giống người! Nó khiến muôn dân ai còn dám tin cậy được nữa! Nếu không nói nó khiến trăm họ oán thán, nổi giận! “Khẩu Phật tâm xà”, “Miệng rao đạo lý, tay che đạo vị, tay lấp đạo tặc” thì sự còn, mất muôn dân, thật cũng... thôi rồi! Nhẫn tâm! Thế là đạo đức giả lộng hành! Thử hỏi, lúc ấy, bách tính còn dám hy vọng gì ở họ về liêm sỉ, về quốc sỉ hay quốc thể được nữa? Ông cha ta bảo: Mất niềm tin là mất hết! Nếu lòng tin nơi muôn dân bị đánh cắp, thật không còn gì nguy hiểm hơn, sinh tử hơn... để mà bàn nữa! Ngay cả tội đạo quốc, tức là ăn cắp quốc gia kia (như thoán đoạt vương triều, quốc gia cho dòng họ mình hoặc “dâng” xã tắc cho ngoại bang), thì so với thứ đạo tâm này, ắt hẳn còn thua! Vì, nếu mất nước, Dân ta có thể lấy lại được, nhưng Lòng tin của Nhân dân với thể chế bị đánh cắp, thì nhãn tiền quả báo, và dẫu Giời xanh kia cũng khó cứu nổi họa đối với quốc gia đâu!
Còn thứ đạo gì tăm tối nữa trong hắc đạo không?
Suy xét rộng và xa hơn, những thứ của hắc đạo ấy do nhiều nhẽ, nhưng một phần căn bản do bất liêm mà ra. Cụ Hồ nói: “Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”.
Trở lại với minh đạo nơi nhân thế. Muốn nhìn thấy nó thì phải tu luyện và phải dụng công tích đức thì mới đắc đạo. Đạo không phải chỉ nơi lời nói, mà ở kết quả của việc mình làm. Lại chẳng phải chỉ nơi câu kinh câu kệ mà cốt yếu là buộc ở nơi hành xử của người tầm đạo. Cái khó khăn của nó chẳng phải tại nơi giảng dạy mà cốt ở chốn thực hành. Càng chẳng phải tất cả tại nơi yếu lý của đạo, mà ở hành động sống của kẻ giáo truyền và người mong hành đạo. Đó là một phương châm dẫn lối muôn người ra khỏi hắc đạo, tự mình tỉnh ngộ, đặng trở về với minh đạo trên đời. Đức Phật chẳng đã từng dạy: Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là mình, đó sao!
Hẳn ai cũng thấu rằng, (bất liêm sinh ra) trộm cắp là điều thậm xấu hổ, là mắc tội với Dân, với Nước, báng bổ nòi giống tổ tiên ta! Và, nói như Cụ Khổng Tử: Người mà không liêm, không bằng súc vật. Nhưng họ làm như thế mà không sợ đạo Giời có mắt, Đất dày linh thiêng, không sợ đạo Người trừng phạt, không sợ quả báo đời sau, không sợ mình tự mình gieo họa và tự chính mình chuốc lấy cái vạ quả báo tự diệt hay sao!? Cái liêm, cái sỉ ở họ liệu có còn không?
Và, Nhân dân cần được và phải biết đâu là quyền hạn của mình, phải được bảo vệ, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát nhằm dẫn những người lâm vào những nẻo đường hắc đạo tăm tối ấy tự đối diện với mình, với nhân quần, tự gột rửa mình sạch sẽ; quyết bài trừ hắc đạo ấy trong xã hội.
Nhưng, nếu sự răn dạy của đạo lý chưa đủ thấu, sự tỉnh ngộ của bản thân chưa đủ độ, tai mắt của Nhân dân chưa đủ rộng, sâu, thì quốc pháp bất vị thân phải kiềm tỏa. Nghĩa là, phải lấy đạo Người “thẳng tay trừng trị” những kẻ trộm cắp ấy, “bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì... từ trên xuống, từ dưới lên trên”, như Cụ Hồ nói!
Chửa thấy những con đường tự giáo hóa, tự phòng ngừa, cũng chửa thấy phương cách ngăn chặn, gột rửa và tẩy trừ nào khác tất dụng hơn! Tại lúc này đây!
Và, thử hẵng trông lên, còn đạo Giời lồng lộng chín tầng cao kia nhưng ứng nghiệm... vô cương, cũng đang soi rọi đạo Người chốn nhân gian kia nữa!
Thấu chăng?./.
Đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam hiện nay  (08/11/2018)
Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước  (08/11/2018)
Con đường đến với nguồn máu an toàn  (08/11/2018)
Nga và Trung Quốc nhất quán trong quan điểm về thương mại quốc tế  (07/11/2018)
Thủ tướng chủ trì họp về tình hình sạt lở đất 13 tỉnh miền Trung  (07/11/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng
- “Chạm thẻ JCB, vi vu Nhật Bản miễn phí” cùng VietinBank
- Tám mươi năm “Linh hồn, mạch sống của quân đội cách mạng”
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp