TCCSĐT - Trong xã hội, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế nhất nên phải được quan tâm đầu tư để bảo đảm sự bình đẳng. Hơn nữa, trẻ em là tương lai của đất nước, của dân tộc nên việc đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Từ đó đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và luật pháp quốc gia, như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phổ cập giáo dục, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... được ban hành hay sửa đổi đều quan tâm thích đáng đến quyền lợi của trẻ em.

Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng pháp luật trong nước hài hòa với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Đến nay, hoạt động xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể.

Hệ thống luật pháp, chính sách không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiếp cận toàn diện dựa trên quyền trẻ em

Trong những năm qua, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng nhằm giải quyết những khía cạnh khác nhau trong vấn đề bảo vệ trẻ em. Kể từ ngày Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 được ban hành (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2005), nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được ban hành, như: Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Chính phủ ban hành 10 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 Quyết định; Ban hành 12 Thông tư và Thông tư liên tịch; 1 Quyết định của Bộ trưởng; 2 kế hoạch liên ngành. Năm 2015, đã và đang tiếp tục hoàn thiện 4 chương trình, đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

 
 Chính phủ chi trả cho toàn bộ phí khám sức khỏe và điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi tại tất cả các cơ sở y tế công lập các cấp. Ảnh: Trần Hiếu

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 63 tỉnh, thành phố, các địa phương đã tham mưu cho Tỉnh ủy ký ban hành 82 văn bản; Hội đồng nhân dân ban hành 46 nghị quyết, kế hoạch; Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành 860 quyết định, kế hoạch, công văn và trên 110 văn bản, kế hoạch liên tịch giữa các ngành ở địa phương để triển khai, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Một số chương trình đã được xây dựng và triển khai nhằm giúp đỡ đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó phải kể đến Chương trình bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999 - 2002 (được phê duyệt bởi Quyết định số 134/1999/QĐ-TTg ngày 31-5-1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002), Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 (được phê duyệt bởi Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12-02-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010) và Chương trình hành động quốc gia đấu tranh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2006-2010; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống buôn bán người; Quyết định 312/2005/QĐ-TTg ngày 30-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các đề án thuộc Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2005 đến năm 2010; Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29-01-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về và Kế hoạch quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2005-2010 (bao gồm các điều khoản về các hành vi phạm tội do trẻ em thực hiện và tội phạm chống lại trẻ em), Quyết định số 65/2005/QĐ-TTg ngày 25-3-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học và trẻ em nhiễm HIV/AIDS”.

Ngày 05-4-2016, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các quyền trẻ em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận dựa trên quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); chăm sóc thay thế cho trẻ em; trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em; các hành vi vi phạm quyền trẻ em bị nghiêm cấm. Đặc biệt, ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em, được Hiến định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Nhà nước, gia đình và xã hội; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em; bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có cam kết chính trị mạnh mẽ và các biện pháp tích cực về xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình quốc gia thực hiện Công ước về quyền trẻ em.

Ngân sách nhà nước và những nguồn lực khác đã dành một khoản đầu tư đặc biệt cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ đã quy định chi tiết việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đảm bảo các kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và dài hạn, có cơ chế để huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thành lập và quản lý các quỹ cứu trợ trẻ em hiện đã và đang được thành lập từ cấp trung ương tới cấp huyện dưới sự quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Các nguồn ngân sách riêng cho việc cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được lồng vào kế hoạch hằng năm của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp đã được tính toán vào trong nguồn ngân sách hằng năm của Chính phủ. Nguồn hỗ trợ này được cung cấp để chi trả cho toàn bộ chi phí thực chi. Chính phủ chi trả cho toàn bộ phí khám sức khỏe và điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi tại tất cả các cơ sở y tế công lập các cấp. Nguồn ngân sách cho chi trả và thực chi cho việc khám và chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được giám sát, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ.

 
 Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Ảnh: Trần Hiếu

Không ngừng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ cả vật chất và tinh thần để được phát triển toàn diện nhất

Xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để huy động mọi nguồn lực có thể cho trẻ em, trên cơ sở Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Từng bước chuyên nghiệp hóa mạng lưới, tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện. Chẳng hạn như, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp. Hầu hết các xã, phường đều có trạm y tế. Trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Các chỉ số về tỷ lệ suy dinh dưỡng, trẻ em tử vong, bà mẹ tử vong đều giảm. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em bị tai nạn thương tích ngày càng được quan tâm. Công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Khoảng 99% tổng số trẻ em dưới 6 tuổi trên toàn quốc đã được cấp phát thẻ khám chữa bệnh; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng hiện chỉ còn 22,7%. Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản có liên quan về phòng, chống tai nạn giao thông, trong đó có phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng cho trẻ em. Các mô hình “ngôi nhà an toàn”, “cộng đồng an toàn”, “trường học an toàn”, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đang được triển khai và nhân rộng trên toàn quốc.

Công tác phát hiện, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm trước những tác động tiêu cực đến trẻ em trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách và chương trình đã hỗ trợ cho những gia đình nghèo và trẻ em dễ bị tổn thương. Công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi và hòa nhập cộng đồng được thực hiện thông qua các chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp cho các hộ gia đình nghèo, trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý miễn phí khi gia đình trẻ em có nhu cầu trợ giúp. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là nhóm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em nghiện ma túy đã nhận được sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước và xã hội thông qua các chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, trợ giúp cai nghiện ma túy tại cộng đồng, chăm sóc thay thế bởi các gia đình hoặc nuôi dưỡng ở các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập.

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em bị bạo lực, trẻ em di cư, trẻ bị bắt cóc, buôn bán, trẻ em sống trong các hộ nghèo từng bước được quan tâm

Các hành vi xâm phạm quyền trẻ em được các cơ quan tư pháp và Nhà nước tham gia giải quyết kịp thời. Việc thực hiện chính sách xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em không chỉ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, mà đã trở thành chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.

Chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam ngày càng đúng huớng, khi đi từ tập trung giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chuyển mạnh sang việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ tổn hại tới trẻ em. Xây dựng và phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em được coi là một trong các ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được sống hạnh phúc, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và tương lai phát triển bền vững đất nước. Đây là một quá trình và sự nghiệp quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp đồng bộ, hiệu quả trách nhiệm và hoạt động của toàn hệ thống chính trị với sự nỗ lực của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, cũng như các nguồn lực trong nước và quốc tế./.