Đối ngoại đảng góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XI

Hoàng Bình Quân Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
23:00, ngày 02-04-2014

TCCS - Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế do Đại hội XI của Đảng đề ra, gần ba năm qua, công tác đối ngoại của Đảng đã được thúc đẩy theo hướng vừa đi vào chiều sâu, vừa phát triển mở rộng nhằm củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ nhà nước, quan hệ nhân dân, vừa tạo thế chủ động trong quan hệ quốc tế, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới; đối ngoại đảng đã phối hợp chặt chẽ với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao nước nhà, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Đảng ta

Tình hình thế giới và khu vực thời gian qua cho thấy những nhận định của Đại hội XI của Đảng là rất xác đáng và vẫn còn nguyên giá trị. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ vẫn diễn ra ở nhiều nơi và rất phức tạp; cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong đời sống quốc tế tiếp tục phát triển, nhưng các nước lớn đã và đang ngày càng chi phối mạnh các quan hệ quốc tế.

Mặt khác, thế giới mấy năm qua cũng có những diễn biến phức tạp và những động thái mới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp, kéo dài hơn so với dự báo ban đầu. Xu thế đa cực hóa ngày càng rõ nét nhưng cục diện tổng thể về cơ bản chưa thay đổi; các nước lớn điều chỉnh chính sách, tập hợp lực lượng, đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược; các liên kết kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Những biến động chính trị tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã dẫn tới những thay đổi lớn trong đời sống chính trị nhiều nước và cục diện khu vực này, nhưng sự bất ổn và những hệ lụy của nó vẫn còn dai dẳng. Ở nhiều nước lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp đã có những thay đổi lớn sau bầu cử (năm 2012) và chuyển giao lãnh đạo, kéo theo điều chỉnh cả về chính sách đối nội và đối ngoại. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, đồng thời trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa nhiều nước lớn, nhất là trong bối cảnh Mỹ triển khai chính sách tái cân bằng. Tranh chấp trên biển Hoa Đông, Biển Đông và tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục diễn biến phức tạp, có lúc rất căng thẳng và cho đến nay vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột. Ở Đông Nam Á, quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được thúc đẩy trong bối cảnh tình hình nội trị của một số nước thành viên có những biến động phức tạp mới. 

Bối cảnh phức tạp đó của tình hình thế giới và khu vực là một thách thức không nhỏ đối với ngoại giao nước nhà nói chung và công tác đối ngoại đảng nói riêng. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hoạt động đối ngoại đảng trong những năm qua luôn bám sát những nguyên tắc, phương châm cơ bản là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, giữ vững nguyên tắc, linh hoạt khôn khéo về sách lược, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, có lợi nhất cho đất nước, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. 

Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, công tác đối ngoại đảng được triển khai một cách tích cực, chủ động, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và có bước đột phá. Vì vậy, quan hệ đối ngoại của Đảng ta tiếp tục được mở rộng và tăng cường. Hiện ta có quan hệ với hơn 200 chính đảng ở 114 nước, trong đó có hơn 100 đảng cộng sản và công nhân, gần 50 đảng cầm quyền, gần 80 đảng đang tham gia quốc hội/nghị viện các nước. Hoạt động đối ngoại đảng tập trung vào những hướng lớn sau: 

Thứ nhất, tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới, đưa quan hệ đi vào chiều sâu bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thiết thực. Sau Đại hội XI của Đảng, Tổng Bí thư Đảng ta đã có các chuyến thăm quan trọng đến Lào, Trung Quốc, Cam-pu-chia, Cu-ba. Ta cũng đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-li Xay-nha-xỏn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô... Bên cạnh đó, Đảng ta và các đảng bạn Lào, Trung Quốc, Cam-pu-chia, Cu-ba còn tiến hành các cơ chế trao đổi, gặp gỡ cấp cao, cử đặc phái viên và các hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đó đã thắt chặt quan hệ hữu nghị, gắn bó, tin cậy, đưa ra những định hướng và biện pháp lớn cho quan hệ hợp tác nhiều mặt và quan hệ nhân dân giữa nước ta với các nước bạn không ngừng phát triển. Đồng thời qua các chuyến thăm cấp cao, ta đã thúc đẩy giải quyết được những vấn đề còn tồn tại hoặc mới nảy sinh trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước, hóa giải những tình thế phức tạp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chẳng hạn như, trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2011 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã ký Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển, giúp làm dịu bầu không khí căng thẳng do những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, làm cơ sở để hai bên tiếp tục giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Ở một góc độ khác, Đảng ta và các đảng bạn thời gian qua rất chú trọng các hình thức hợp tác chiều sâu, như hội thảo lý luận, trao đổi, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đảng ta tiếp tục hội thảo lý luận thường niên với Đảng Cộng sản Trung Quốc(1), đồng thời bắt đầu mở cơ chế hội thảo lý luận với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Cu-ba(2). Từ năm 2013, Đảng ta và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã bắt đầu phối hợp mở các lớp trao đổi, nghiên cứu chuyên đề dành cho cán bộ cấp cao hai Đảng, hai nước. Hằng năm, ta tiếp tục cử hàng trăm cán bộ các cấp tham gia các khóa nghiên cứu theo chương trình hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc; Đảng ta và Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ hai Đảng. Những hình thức hợp tác thiết thực này đã giúp nâng cao hiểu biết, lý luận, cũng như kinh nghiệm thực tế trên nhiều lĩnh vực cho cán bộ Đảng ta và các đảng bạn, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước. 

Thứ hai, chủ động thiết lập và tăng cường quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính và các đảng tiềm năng ở các nước trong khu vực và đối tác quan trọng của Việt Nam. Đây có thể xem là bước đột phá trong quan hệ quốc tế của Đảng ta theo tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị về “Tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới”, góp phần đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thiết thực cho ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Theo đó, trong hơn hai năm qua, Đảng ta phát triển mới quan hệ với 10 đảng cầm quyền, đưa tổng số các đảng cầm quyền, tham chính có quan hệ với Đảng ta lên khoảng 50 đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Xin-ga-po (tháng 9-2012), Vương quốc Thái Lan (tháng 6-2013), Liên minh châu Âu và Vương quốc Bỉ, Anh(3), thăm cấp nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a (tháng 1-2013), thăm cấp nhà nước Cộng hòa Ấn Độ (tháng 11-2013). Dù theo chế độ chính trị khác nhau, nhưng tất cả các nước đều đón Tổng Bí thư Đảng ta rất trọng thị, với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Đây là những dấu mốc hết sức quan trọng trong quan hệ giữa nước ta với các nước vì nó đã xác lập, nâng cấp hoặc làm sâu sắc khuôn khổ quan hệ giữa nước ta với các nước (trong các chuyến thăm này, ta đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với I-ta-li-a, Thái Lan, nhất trí hướng tới đối tác chiến lược với Xin-ga-po(4), làm sâu sắc và cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược với Anh, Ấn Độ). 

Đảng ta cũng mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính ở Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Phi-líp-pin, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ố-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nga, U-crai-na, A-déc-bai-gian, Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la... Hình thức hợp tác giữa Đảng ta với các đảng này ngày một đa dạng và thiết thực, từ trao đổi đoàn cấp cao, ký thỏa thuận hợp tác (với Đảng Nước Nga thống nhất, Đảng Khu vực U-crai-na, Đảng A-déc-bai-gian mới, Đảng FRELIMO Mô-dăm-bích,..) hoặc đào tạo cán bộ (với Đảng Hành động nhân dân Xin-ga-po), trao đổi khách quý (với Ấn Độ), đối thoại chính trị (với Đảng Dân chủ xã hội Đức - SPD)(5). Qua đó, các đảng cầm quyền, tham chính các nước ngày càng coi trọng và nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của Đảng ta với tư cách là đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, Đảng ta tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm từ các chính đảng về quản lý đất nước, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, làm phong phú thêm kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng ta trong tình hình mới. 

Thứ ba, tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau với các đảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ. Dù đang gặp những khó khăn nhất định, nhưng với tinh thần đoàn kết, tình cảm thủy chung trước sau như một, Đảng ta đã cử nhiều đoàn thăm, làm việc, dự đại hội, hội nghị, hội thảo của các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả (dự Đại hội lần thứ XXXXVIII Đảng Xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri, Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Nam Phi, Đại hội lần thứ XIV Đảng Cộng sản Pê-ru, Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Băng-la-đét, Hội thảo 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Bra-xin,...) và đón nhiều đoàn cấp cao của các đảng sang thăm, nghiên cứu, trao đổi lý luận và kinh nghiệm xây dựng đảng, phát triển đất nước (đón Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc - Mô-ra-va, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mê-hi-cô,...). Đảng ta tiếp tục hội thảo lý luận với Đảng Cộng sản Nhật Bản và lần đầu tiên tiến hành hội thảo với Đảng Cộng sản Pháp; ký các thỏa thuận và chương trình hợp tác với một số đảng bạn (Đảng Liên minh dân chủ cánh tả Ba Lan, Đảng Lao động Mê-hi-cô, Đảng Cộng sản Bra-xin, Đảng Phong trào cánh tả thống nhất Đô-mi-ni-ca-na). Thông qua các hoạt động này, ta đã làm cho bạn hiểu rõ hơn về công cuộc đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tăng cường gắn bó, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của đảng bạn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, đồng thời ta cũng nắm được tình hình đảng bạn, học hỏi và tích luỹ thêm kinh nghiệm của đảng bạn. 

Thứ tư, hoạt động tích cực tại các diễn đàn đa phương chính đảng. Trong ba năm qua, quán triệt chủ trương đối ngoại của Đại hội XI, Đảng ta đã chủ động, tích cực hoạt động và có những đóng góp thiết thực về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn tại các diễn đàn của các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả trên thế giới và diễn đàn các đảng ở khu vực, như Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP), Hội thảo quốc tế các đảng cộng sản (ICS), Diễn đàn Xao Pao-lô (SPF), Hội thảo quốc tế “Các đảng chính trị và một xã hội mới”, Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP)... Với vai trò và đóng góp tích cực đó, Đảng ta đã được tín nhiệm tham gia Ban cố vấn của ICS, Nhóm làm việc của IMCWP, liên tục được bầu là thành viên Ủy ban Thường trực ICAPP; nhiều lần được đề xuất đăng cai các sự kiện quan trọng của các diễn đàn chính đảng. Tháng 4-2013, Đảng ta lần đầu tiên đăng cai tổ chức và đã tổ chức rất thành công Hội nghị Ủy ban Thường trực ICAPP. Cùng với các quan hệ song phương, các hoạt động đa phương chính đảng đã tạo điều kiện để Đảng ta trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề của khu vực và quốc tế, thiết thực đóng góp vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, đồng thời không ngừng nâng cao vai trò và uy tín quốc tế của Đảng ta.

Như vậy, qua gần ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, quan hệ đối ngoại của Đảng ta đã không ngừng được mở rộng và tăng cường, nhất là với các đảng cộng sản, cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới và các đảng cầm quyền, tham chính trong khu vực và ở các nước đối tác quan trọng, tạo nền tảng chính trị thúc đẩy quan hệ nhà nước và quan hệ đối ngoại nhân dân, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của Đảng và Nhà nước ta trên trường quốc tế, đồng thời góp phần tích cực vào phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. 

Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại đảng vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn và những đòi hỏi của tình hình mới. Một mặt, điều kiện, môi trường hoạt động khó khăn của nhiều đảng cộng sản, công nhân, cánh tả dẫn tới hạn chế trong việc trao đổi thông tin, duy trì quan hệ với Đảng ta. Mặt khác, sự khác biệt về ý thức hệ, chế độ chính trị vẫn còn là rào cản trong quan hệ giữa Đảng ta và các đảng ở nhiều nước, khiến không gian quan hệ của Đảng ta chưa thật rộng, chưa tương xứng với tiềm năng. 

Phương hướng, nhiệm vụ của công tác đối ngoại đảng thời gian tới 

Những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh giữa các quốc gia để kiểm soát, tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cạnh tranh về thương mại, tài chính - tiền tệ, tri thức - công nghệ, thông tin và về sức mạnh quân sự sẽ tiếp tục diễn ra ngày càng quyết liệt hơn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là tâm điểm cạnh tranh chiến lược của các nước lớn với các hình thức liên kết tiếp tục được thúc đẩy, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo sẽ diễn biến quyết liệt hơn, đặt ra các cơ hội và thách thức đan xen. 

Bối cảnh thế giới hiện nay sẽ đòi hỏi mạnh mẽ hơn sự hợp tác giữa các chính đảng, vì vậy yếu tố nền tảng và lâu dài là phải làm sâu sắc hơn nhận thức về vị trí, vai trò đối ngoại đảng, về chủ trương tăng cường đối ngoại đảng trong tình hình mới theo tinh thần Kết luận số 73 của Bộ Chính trị khóa XI. Theo đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và đưa quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả đi vào chiều sâu, thiết thực. Đồng thời, chủ động tiếp tục thúc đẩy khâu đột phá là tăng cường quan hệ với các đảng cầm quyền, đảng tham chính, đảng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc hình thành và triển khai chính sách của các nước đối với nước ta, các đảng tuy đang đối lập nhưng có tương lai chính trị; chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương của các chính đảng; qua đó, đưa các mối quan hệ đối ngoại của Đảng ta phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu; theo dõi, nghiên cứu và dự báo tình hình chính đảng nước ngoài, quan hệ chính đảng trong quan hệ quốc tế. 

Trong tình hình thế giới có nhiều biến động lớn như hiện nay, công tác đối ngoại đảng và việc quản lý, điều hành công tác đối ngoại các cấp đứng trước yêu cầu phải nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, góp phần thực hiện tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi, sự đồng tình, ủng hộ và hậu thuẫn chính trị quốc tế rộng rãi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời, góp phần vào sự hồi phục, đoàn kết và đổi mới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Vấn đề cần thiết và quan trọng hiện nay là nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của hoạt động đối ngoại, nhất là trao đổi đoàn; đôn đốc việc thực hiện chương trình hợp tác với các đảng, các đối tác nước ngoài; hoàn thiện cơ chế phối hợp để bảo đảm phối hợp chặt chẽ về thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các hoạt động đối ngoại các cấp, các ngành; chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, nhiệt huyết. 

Ba trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đã, đang và cần có sự phối hợp thật nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện nhằm hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trên mặt trận ngoại giao. Theo đó, trước hết và quan trọng là phối hợp nghiên cứu, dự báo, đề xuất chủ trương đối ngoại, phối hợp xây dựng chương trình công tác định kỳ và kế hoạch triển khai hoạt động đối ngoại cụ thể. Đổi mới, hoàn thiện chức năng, cơ chế hoạt động của các ban chỉ đạo Trung ương có tính chuyên ngành và liên ngành về đối ngoại và liên quan đến đối ngoại để chủ động kịp thời xử lý hiệu quả mọi biến động của tình hình quốc tế, khu vực. Thực hiện tốt Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành, định kỳ có sơ kết, tổng kết; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đầu mối cấp Trung ương trong quản lý các hoạt động đối ngoại./.

--------------------------------------

(1) Hội thảo lần thứ 7, năm 2011 tại thành phố Thường Châu (Trung Quốc) với chủ đề “Làm tốt công tác quần chúng trong tình hình mới”; lần thứ 8, năm 2012 tại thành phố Hạ Long (Việt Nam) với chủ đề “Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc”; lần thứ 9, năm 2013 tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc) với chủ đề “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”

(2) Đảng ta và Đảng Cộng sản Cu-ba tổ chức Hội thảo lý luận lần thứ nhất vào tháng 11-2012 tại Hà Nội với chủ đề “Đảng Cộng sản lãnh đạo quá trình đổi mới tại Việt Nam - cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế-xã hội tại Cu-ba”; Hội thảo lý luận lần thứ nhất giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân cách mạng Lào diễn ra tại Hà Nội, tháng 1-2013 với chủ đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chủ yếu trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới ở Việt Nam và Lào”

(3) Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Anh mời người đứng đầu Đảng ta thăm chính thức nước Anh

(4) Một năm sau chuyến thăm Xin-ga-po của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Xin-ga-po chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long

(5) Đảng ta và SPD đã tiến hành 3 cuộc đối thoại chính trị thường niên: Lần thứ nhất tại Hà Nội, (tháng 11-2011) với chủ đề phát triển bền vững, lần thứ hai tại Béc-lin (tháng 9-2012) với chủ đề phát triển nguồn nhân lực, lần thứ ba tại Hà Nội (tháng 5-2013) với chủ đề những thách thức và giải pháp đối với chính sách an ninh xã hội bền vững cho tất cả mọi người tại Việt Nam và Đức