Đối ngoại Việt Nam năm 2020: Tự tin vững bước trên con đường phát triển
TCCS - Năm 2020 trôi qua, ghi dấu ấn những sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước, nhất là ngoại giao đa phương, khi lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm đồng thời ba trọng trách: Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam là một minh chứng sinh động và thuyết phục cho thành công của nước ta trong việc triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngoại giao chính trị sáng tạo, hiệu quả
Năm 2020, mặc dù tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng, xung đột leo thang tại nhiều khu vực; thách thức an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm có tổ chức… tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn trong một “thế giới phẳng”, song hoạt động ngoại giao song phương của Việt Nam với các nước, nhất là đối với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các đối tác chủ chốt, vẫn được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức linh hoạt, sử dụng hiệu quả kênh trao đổi trực tuyến ở các cấp. Trong đó, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tiến hành 34 cuộc điện đàm, trao đổi trực tuyến song phương với lãnh đạo các nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng triển khai an toàn một số hoạt động trao đổi đoàn quan trọng. Lãnh đạo và các quan chức cấp cao nhiều nước đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến thăm và thúc đẩy quan hệ. Nhiều hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm lẻ, năm thiết lập quan hệ ngoại giao, duy trì các cuộc họp ủy ban liên chính phủ, ký kết thỏa thuận quốc tế với nhiều đối tác quan trọng… vẫn được tiến hành linh hoạt, sáng tạo, kể cả thông qua hình thức trực tuyến.
Kết quả ấn tượng của ngoại giao song phương năm 2020 còn thể hiện ở chỗ nước ta đã nâng cấp quan hệ với New Zealand lên đối tác chiến lược, đưa tổng số quan hệ đối tác chiến lược lên 17 nước cùng 13 đối tác toàn diện; trở thành nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn, góp phần định vị vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cục diện khu vực, thế giới có nhiều biến đổi; có quan hệ đặc biệt với Lào, quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia; xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với những nước có vai trò quan trọng ở các khu vực khác như châu Phi, Mỹ Latinh…
Cùng với hợp tác song phương, ngoại giao đa phương được triển khai tích cực, có bước chuyển về chất với bước tiến từ việc gia nhập đến tham gia ngày càng chủ động, tích cực, đóng góp thực chất và đưa ra nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế chia sẻ, ủng hộ rộng rãi tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Với những dấu ấn đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021…, ngoại giao đa phương Việt Nam tiếp tục là trọng tâm quan trọng của ngoại giao hiện đại.
Ngày 15-11-2020, Việt Nam đã chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2021 cho Brunei. Trong một môi trường địa - chính trị đầy thách thức, Việt Nam không chỉ khẳng định được vai trò lãnh đạo mạnh mẽ mà còn thể hiện được những gì tốt nhất nhân dịp kỷ niệm 5 năm Cộng đồng ASEAN (AC) được thành lập (2015 - 2020), 25 năm Việt Nam gia nhập “mái nhà chung” ASEAN (1995 - 2020). Nhìn lại một năm qua, Việt Nam đã tổ chức thành công tất cả các hội nghị cấp cao, bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37, cùng hơn 30 cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng và tương đương cũng như hàng chục cuộc họp tham vấn, dưới hình thức trực tuyến và bán trực tuyến. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11-2020) với 20 cuộc họp liên quan và hơn 80 văn kiện đã được thông qua. Đây là số lượng văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN. Với vai trò chủ tịch, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19; đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hữu nghị của Việt Nam đều tích cực tham gia hỗ trợ các quốc gia, đối tác gặp khó khăn. Việt Nam cũng tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính và trang thiết bị y tế từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế phục vụ kiểm soát dịch bệnh trong nước. Mô hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, cùng với tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong hợp tác quốc tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đánh giá về kết quả của những sáng kiến do Việt Nam triển khai, các nước ASEAN cho rằng, chủ đề mà Việt Nam đưa ra rất chính xác và đã trở thành một thương hiệu của ASEAN, đó là một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Với tâm thế và quyết tâm “hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó”, trên tinh thần “đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột... thông qua đàm phán, tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực. Trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tổ chức phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN, qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hóa nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu; các ý kiến của Việt Nam liên quan đến xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực châu Á…, được các nước coi trọng và đánh giá cao. Việt Nam cũng lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 27-12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh với số lượng nước đồng bảo trợ đạt kỷ lục (112 nước). Sự tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tiếp tục được tăng cường. Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác, như Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các cơ chế Tiểu vùng Mekong…, được các nước ủng hộ, đánh giá cao.
Thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đầy những khó khăn một lần nữa tiếp tục cho thấy bản lĩnh và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam. Đây là bước tiếp nối những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong quá trình phát triển của AIPA. Lần đầu tiên trong lịch sử AIPA, một kỳ Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến vừa thích ứng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vừa đáp ứng yêu cầu kịp thời thảo luận các biện pháp hợp tác giữa nghị viện các nước thành viên, tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng AC lấy người dân làm trung tâm. Chủ tịch Quốc hội Na Uy Tone Wilhelmsen Troen nhấn mạnh, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, sự chuẩn bị xuất sắc, chuyên nghiệp của các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và các cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Quốc hội đã góp phần tạo nên thành công của kỳ Đại hội đồng quan trọng này. Còn Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma nhấn mạnh, việc Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-41 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã truyền cảm hứng cho các nghị viện thành viên AIPA cùng nhau hành động chống lại dịch bệnh COVID-19, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan cũng đánh giá cao công tác tổ chức chu đáo, kịp thời của Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là sự chuẩn bị về mặt nội dung, kỹ thuật đường truyền, bảo đảm thành công của Đại hội đồng AIPA-41 vượt qua những thách thức của dịch bệnh COVID-19. Những nội dung của Năm Chủ tịch AIPA 2020, Đại hội đồng AIPA-41 đã mở ra cho AIPA xác định một tầm nhìn chiến lược của AIPA cho 5 - 10 năm tới, khẳng định vai trò của ngoại giao nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần vào việc xây dựng AC ngày càng phát triển, hướng tới người dân vì hòa bình và thịnh vượng.
Hoạt động đối ngoại chủ động, linh hoạt
Cùng với những thành tựu của ngoại giao chính trị, các trụ cột quan trọng khác của ngoại giao Việt Nam, như ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân..., được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến thương mại thế giới sụt giảm 65%, xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới, ngoại giao kinh tế trong năm 2020 vẫn thể hiện tính chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò thông tin, dự báo, tham mưu tư vấn cho Chính phủ về tình hình kinh tế thế giới, kinh nghiệm phát triển của các nước góp phần vào việc hoạch định chính sách, điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Cùng với nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển đất nước, ngoại giao kinh tế đã tích cực vận động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới; chủ động, đi đầu trong tham mưu, đề xuất về sự tham gia và đóng góp sáng kiến của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, WEF, G-20…, giúp tiếp cận những nguồn lực phát triển và bảo vệ các lợi ích thiết thực của đất nước; đồng thời, chủ động lồng ghép nội dung hợp tác kinh tế vào các cuộc tiếp xúc cấp cao; tích cực hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy nhằm cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết cấp cao. Bên cạnh thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, có hiệu lực kể từ ngày 14-1-2019), Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8-2020) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu (EU), thúc đẩy ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập chặt chẽ với khu vực và thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế (1), mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD (năm 1986) lên trên 500 tỷ USD (năm 2019)(2). Tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 2.800 USD/người. Trong năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% - mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020(3) và cũng ở mức thấp nhất trong 35 năm Đổi mới (1986 - 2020), nhưng vẫn được xem là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Viện Lowy - Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại độc lập của Australia nằm trong danh sách 30 trung tâm hàng đầu thế giới, hai năm liên tiếp (2018 và 2019) xếp Việt Nam trong nhóm các nước tầm trung mới nổi. Tạp chí The Economist (Anh) tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (có trụ sở tại Anh), dự báo Việt Nam sẽ nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau năm 2030.
Công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu; Vinh (Nghệ An) và Sa Đéc (Đồng Tháp) là thành phố học tập toàn cầu, không những tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Việt Nam có những bước phát triển, mà còn góp phần quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh Việt Nam - một quốc gia hòa bình, ổn định, an toàn, đến với bạn bè quốc tế và thế giới.
Công tác biên giới lãnh thổ của Việt Nam năm 2020 được đặc biệt coi trọng, xử lý kịp thời các vụ, việc nảy sinh, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc. Việt Nam và Campuchia đã trao đổi văn kiện phê chuẩn hai văn kiện pháp lý, gồm: “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc) cùng ký ngày 5-10-2019; công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc, chính thức đưa các văn kiện này có hiệu lực kể từ ngày 22-12-2020(4). Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền (1999 - 2019) và 10 năm thực hiện ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền (2010 - 2020). Đây là những thành quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Trong bối cảnh có những tranh chấp phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam đã kịp thời đấu tranh ngoại giao, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004 và Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19-5-2015, của Bộ Chính trị, về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài,… bằng những chính sách và biện pháp cụ thể, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của bà con Việt kiều hướng về xây dựng quê hương đất nước bằng nhiều hình thức phong phú. Nhiều biện pháp được kịp thời triển khai để phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ hiệu quả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, công tác bảo hộ công dân đã được Việt Nam thực hiện từ rất sớm và được triển khai trên phạm vi rộng chưa từng có. Cụ thể là, đến ngày 14-1-2021, đã có 299 chuyến bay được thực hiện để đưa hơn 80.000 công dân từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn(5); đồng thời, tiếp tục tiến hành công tác bảo hộ đối với ngư dân và tàu cá của nước ta ở nước ngoài.
Tiếp tục định vị Việt Nam trong “bàn cờ” chính trị khu vực và thế giới
Theo giới phân tích, cục diện khu vực, thế giới trong năm 2021 tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn; luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn; kinh tế thế giới lâm vào thoái trào và có thể còn kéo dài do tác động của dịch bệnh COVID-19…, tác động đa chiều tới tình hình trong nước cũng như việc triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam. Năm 2021 cũng là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống chính trị - xã hội của đất nước khi Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời, là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều điểm mới về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại. Với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại Việt Nam xác định:
Một là, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”, nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, cũng như Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5-11-2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”…
Hai là, tích cực tuyên truyền các sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; làm rõ những nội dung mới về đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cũng như các nước bạn bè truyền thống, góp phần tích cực vào sự nghiệp gìn giữ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới; tích cực đóng góp và phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, WTO... trên cơ sở triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”.
Bốn là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 15-4-2010, của Ban Bí thư, “Về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; đẩy mạnh tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA; thực hiện đầy đủ các cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các Mục tiêu Bogor 2020; tham gia xây dựng, định hình các liên kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thực thi và tăng cường liên kết trong CPTPP, hướng tới hình thành khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); tranh thủ tối đa cơ hội mà EVFTA và EVIPA mang lại để đa dạng hóa đối tác, mở rộng không gian chiến lược, hướng tới các tiêu chuẩn cao, góp phần đưa Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.
Năm là, có cách tiếp cận mới trong triển khai, tận dụng các cam kết hội nhập, gắn với công nghệ số; mở rộng thị trường và không gian phát triển đi đôi với nâng cao năng lực thực thi, thu hút các nguồn đầu tư, tài chính chất lượng, công nghệ cao…
Có thể nói, một năm 2020 đầy ắp sự kiện và thành tựu đối ngoại quan trọng sẽ tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả, phát huy vai trò và trách nhiệm của một thành viên chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế./.
---------------------
(1) Thế Hoàng: “Việt Nam có FTA với 60 nền kinh tế trên toàn cầu”, https://baodautu.vn/viet-nam-co-fta-voi-60-nen-kinh-te-tren-toan-cau-d114088.html, ngày 4-1-2020
(2) Xem: Bùi Thanh Sơn: Ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực vào phát triển của đất nước, https://baoquocte.vn/ngoai-giao-kinh-te-dong-gop-tich-cuc-vao-phat-trien-cua-dat-nuoc-130877.html
(3) Tốc độ tăng GDP các năm từ năm 2011 đến năm 2020 lần lượt là: 6,24%; 5,25%; 5,42%; 5,98%; 6,68%; 6,21%; 6,81%; 7,08%; 7,02%; 2,91%
(4) Xem: Trần Đoàn: Hai văn kiện pháp lý về phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia chính thức có hiệu lực, https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/hai-van-kien-phap-ly-ve-phan-gioi-cam-moc-bien-gioi-dat-lien-viet-nam-campuchia-chinh-thuc-co-hieu-luc-647298
(5) Xem: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/299-chuyen-bay-dua-hon-80-nghin-cong-dan-viet-nam-ve-nuoc-631801/
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020  (12/12/2020)
Lễ Khai mạc Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 17  (28/11/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển