Gia Lai với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy

Ánh Hồng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai
22:24, ngày 17-10-2018

TCCSĐT - Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành trong nước đã đấu tranh, phát hiện nhiều đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy quy mô đặc biệt lớn. Điều đó chứng tỏ tình hình tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Tại Gia Lai, thời gian gần đây, tội phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng. Tình hình đó đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa những biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này...

Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của địa bàn Tây Nguyên và cả nước. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính (01 thành phố, 02 thị xã, 14 huyện), 222 xã, phường, thị trấn với 2.149 thôn, làng, tổ dân phố. Trong đó có 3 huyện, 7 xã biên giới và 90 km đường biên giới với tỉnh Rattanakiri - Campuchia. Thời gian qua, tỉnh tuy chưa phải là điểm nóng về ma túy, số người nghiện không nhiều, số vụ mua bán hầu hết nhỏ, lẻ và chưa phát hiện ma túy thẩm lậu từ Campuchia vào địa bàn tỉnh nhưng người nghiện ma túy và các vụ phạm tội về ma túy phát hiện ngày càng tăng. So với năm 2007, tăng 67 xã, phường, thị trấn có ma túy; tăng 628 đối tượng liên quan ma túy; số vụ phạm tội về ma túy phát hiện trung bình mỗi năm tăng 10% - 30%. Người nghiện ma túy tập trung ở các địa bàn: thành phố Pleiku, huyện Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, Ia Grai...

Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có 916 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 675 đối tượng tại cộng đồng với 489 người nghiện; 79 đối tượng trong các nhà tạm giữ của Công an các huyện, thị xã, thành phố; 46 đối tượng trong Trại tạm giam của Công an tỉnh; 116 đối tượng tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Trong số này, tỷ lệ nữ chiếm 7,2% với 66 đối tượng; độ tuổi thanh niên chiếm 64,85% với 594 đối tượng; người dân tộc thiểu số chiếm 4,26% với 39 đối tượng.

Về nguyên nhân các vụ phạm tội về ma túy và số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tăng, Đại tá Phan Thanh Tám - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Do tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, sự tha hoá, xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận giới trẻ cùng sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình dẫn đến nhiều thanh niên lêu lổng, bị lôi kéo vào vòng xoáy ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp, hàng đá... Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa sâu rộng đến cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc; vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống ma túy nhiều nơi chưa phát huy đầy đủ, thiếu sự phối hợp. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý ngại va chạm, xa lánh với người nghiện khiến họ mặc cảm không khai báo tình trạng nghiện và tự cai nghiện.

Trước tình hình đó, sau khi có Chỉ thị 21-CT/TW và chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 95-KL/TW, ngày 02-4-2014 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai đến các đảng bộ trực thuộc, các ngành, đoàn thể của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố. Các đảng ủy trực thuộc, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy sâu rộng đến các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, quần chúng nhân dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; gắn công tác phòng, chống ma túy với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Để bảo đảm và phát huy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống ma túy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm từ tỉnh xuống cơ sở và hướng mạnh công tác chỉ đạo xuống cơ sở; gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và từng đảng viên trong việc chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức phòng, chống và kiểm soát ma túy tại đơn vị, địa phương. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum tăng cường lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy; củng cố, bổ sung phương tiện phòng, chống và đấu tranh chống tội phạm ma tuý.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan, đoàn thể trong khối tuyên truyền của tỉnh và các cơ quan thường trú trên địa bàn tỉnh đổi mới nội dung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân. Sở Tư pháp đã in ấn, chuyển tải 670.000 tài liệu tuyên truyền các loại, như băng, đĩa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma tuý; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện biên giới tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung và cá biệt công tác phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới; Đoàn thanh niên tỉnh triển khai mô hình Thanh niên tham gia phòng, chống ma túy; duy trì hoạt động các Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, 478 đội tuyên truyền xung kích thanh niên, 250 đội thanh niên tình nguyện tư vấn pháp lý; phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết “Nói không với ma túy”;... cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, xóa bỏ cây trồng có chất gây nghiện và đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy.

Lực lượng Công an đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác điều tra cơ bản, phát hiện, bắt giữ 909 vụ/1.846 đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 1.450 gói, cục heroin, 965,2227 gram heroin, 1.929,5951 gram ma túy đá, 261 viên ma túy tổng hợp, 3.185,9175 gram các loại ma túy tổng hợp khác, 10,2kg cần sa khô, 4,1 kg cần sa tươi, 08 súng, 04 ô tô, 142 mô tô, 350 điện thoại, 04 điện thoại, 04 cây vàng, hơn 1,3 tỷ đồng và nhiều tang vật khác.

Bên cạnh kịp thời phát hiện và bắt giữ các đối tượng liên quan đến ma túy, tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, lập hồ sơ đưa 1.037 lượt người nghiện vào cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy; tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho 766 người sau cai nghiện; dạy nghề cho 248 người. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế methadone được triển khai từ năm 2015, đến nay có 140 người nghiện tham gia điều trị. Cơ sở điều trị Methadone có sự kết nối với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khác như tư vấn xét nghiệm tự nguyện, phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS, Bệnh viện lao và phổi… Quá trình điều trị ổn định giúp bệnh nhân giảm tần suất sử dụng ma túy, dần tiến tới không còn thèm, nhớ, sử dụng và lệ thuộc vào ma túy, cải thiện sức khỏe.

Mặc dù đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp song số đối tượng liên quan ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tăng 256%; địa bàn xã, phường, thị trấn có ma túy tăng 137%, số vụ phạm tội ma túy phát hiện trung bình mỗi năm tăng từ 10-30%. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có triển khai nhưng hiệu quả thấp, do thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, nhất là sơ sở điều trị, cắt cơn cho người nghiện còn thiếu. Việc triển khai điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone hiện mới chỉ có 01 cơ sở điều trị ở thành phố Pleiku, chưa đáp ứng như cầu của người nghiện, hiệu quả không cao. Công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở, nhất là việc quản lý người nghiện tại xã, phường, thị trấn còn buông lỏng, dẫn đến số người nghiện và địa bàn xã, phường có ma túy liên tục tăng…

Vì vậy, để chủ động, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tệ nạn ma túy, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng-chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, đồng chí Hồ Văn Niên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống ma túy; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục và được đưa vào Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với từng địa phương; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy, chuyên sâu về nội dung, đa dạng về hình thức, nhất là việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các cơ quan, trường học, khu dân cư, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong đấu tranh phòng, chống ma túy; thu hẹp phường, xã có ma túy, bảo đảm cơ quan công sở, trường học không có tội phạm, tệ nạn ma túy; cải tạo, nâng cấp cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh, đầu tư cơ sở vật chất tại điểm (theo các cụm xã) để điều trị, cắt cơn cho người nghiện; đồng thời, thành lập các điểm tư vấn về phương pháp cai nghiện ma túy tại điểm xã trên; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; duy trì, thực hiện tốt các nội dung trong Biên bản ghi nhớ hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh trật tự giữa công an 6 tỉnh của 03 nước Việt Nam - Lào - Campuchia; tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác nhiều mặt với chính quyền, các ngành của tỉnh Ratanakiri, Stung Treng (Campuchia); chủ động ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ, không để ma túy thẩm lậu từ Campuchia, Lào vào địa bàn tỉnh./.