Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08 đến 14-10-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
00:06, ngày 17-10-2018

TCCSĐT - Ngày 13-10, hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, đã bế mạc với lời kêu gọi các nước chuẩn bị đương đầu với những rủi ro tiềm tàng do bất đồng thương mại và những căng thẳng khác gây ra.


Công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ngày 13-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển của doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2017.

Bộ chỉ tiêu được thực hiện dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2017 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện và các nguồn thông tin cập nhật từ cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh, cơ sở dữ liệu thuế.

Chủ trì họp báo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Vương Đình Huệ nhắc lại thư của Bác Hồ viết cho giới doanh nhân khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh vào ngày 13-10-1945.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thực hiện các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động chất lượng, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh cao, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ và hội nhập kinh tế.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao, biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã ban hành được Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2017.

Phó Thủ tướng cho biết, việc công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010 - 2017 là một trong những hoạt động nhằm tiến tới hoàn thành mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 35, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.

Bộ chỉ tiêu này giúp Chính phủ, các cấp ủy Đảng, địa phương biết được tình hình phát triển doanh nghiệp hiện nay, cũng như việc phát triển doanh nghiệp của từng địa phương. Từ đó, các địa phương thấy được đang ở vị trí, quy mô nào trên bản đồ phát triển doanh nghiệp của Việt Nam để có hướng phát triển doanh nghiệp tại địa phương một cách chính xác. Đây cũng là một bức tranh nói lên tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua số liệu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, đóng góp cho ngân sách...

Đây cũng là cơ sở để Chính phủ, cơ quan nhà nước tham khảo, từ đó đề ra các chính sách phù hợp để hoàn thành mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Tổng cục Thống kê tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu Bộ chỉ tiêu đã có, nâng cao năng lực, chất lượng thông tin, đảm bảo có số liệu xác thực; sau khi hoàn thiện cần gửi cho các bộ, ngành, địa phương và công bố trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ; sớm xuất bản cuốn sách trắng nêu toàn cảnh doanh nghiệp hàng năm.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở Bộ chỉ tiêu này, Phó Thủ tướng yêu cầu có phân tích, đánh giá, rà soát lại tình hình doanh nghiệp tại địa phương mình, từ đó có phương án, giải pháp phù hợp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ số liệu, thông tin cần thiết cho lực lượng chức năng theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê để phục vụ kịp thời cho công tác tổng hợp, biên soạn và ban hành Bộ chỉ tiêu này.

Theo Phó Thủ tướng, sau khi công bố Bộ chỉ tiêu này, khoảng cuối quý IV-2018, Cuốn sách trắng nêu toàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam hàng năm sẽ được công bố. Từ năm 2019, Bộ chỉ tiêu và cuốn sách trắng sẽ được công bố vào ngày 13-10 - Ngày Doanh nhân hằng năm.

Giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020


Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 81.279,738 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) cho các Bộ, các cơ quan, địa phương.

Cụ thể, các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020 (đợt 4) gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cùng đó là 40 tỉnh, thành phố được giao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) giao các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình, dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 (đợt 4) được giao thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) cho từng dự án theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15-10-2018.

Hội nghị IMF - WB: Các nước cần sẵn sàng đương đầu với những rủi ro

Ngày 13-10, hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, đã bế mạc với lời kêu gọi các nước chuẩn bị đương đầu với những rủi ro tiềm tàng do bất đồng thương mại và những căng thẳng khác gây ra.

Trong một thông cáo báo chí, IMF cảnh báo cơ hội để thế giới tiếp tục duy trì tăng trưởng đang "ít dần" trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ nét song hành với những bất đồng thương mại và khủng hoảng tại các thị trường mới nổi.

Theo IMF, những rủi ro đang ngày gia tăng giữa lúc căng thẳng thương mại dâng cao và những lo ngại về địa chính trị đang diễn ra với những điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn nữa đang tác động tới nhiều thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Ngoài ra, nợ công của các nước đang ở mức cao kỷ lục cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất lòng tin hơn nữa và tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Trong thông cáo báo chí, IMF cho rằng với cánh cửa cơ hội đang bị thu hẹp dần, các nước cần hành động nhanh chóng, thúc đẩy các chính sách và cải cách nhằm đảm bảo duy trì tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường sức bật và nâng triển vọng tăng trưởng về trung hạn vì lợi ích của tất cả các bên. IMF còn cảnh báo thêm rằng các nước sẽ hứng chịu tổn thất do xung đột thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc-hai nền kinh tế lớn nhất thế giới-gây ra.

Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông đã bày tỏ sự quan ngại của mình với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (Trung ương) Trung Quốc Dịch Cương về chính sách đồng Nhân dân tệ yếu. Tuy nhiên, ông Mnuchin không bình luận về việc liệu Washington có tuyên bố Bắc Kinh có hành động "thao túng tiền tệ" trong báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ sắp công bố vào tuần tới.

Về vấn đề này, trong thông cáo báo chí, IMF cho rằng các nước nên cố kiềm chế phá giá (tiền tệ) để cạnh tranh cũng như không lấy tỷ giá hối đoái làm mục tiêu để phục vụ cho mục tiêu cạnh tranh này. IMF khẳng định đầu tư, giao dịch hàng hóa và dịch vụ tự do, công bằng và mang lại lợi ích chung là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Trong vài tháng trở lại đây, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau, trong đó Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng.

Trong khi đó, thị trường thế giới chao đảo do đồng nội tệ của một số nền kinh tế mới nổi, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina giảm mạnh do khủng hoảng tài chính ở các nước này và mức lãi suất cao ở Mỹ khiến các nhà đầu tư quay trở lại với đồng USD.

IMF cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy WTO cải cách cũng như củng cố lòng tin trong hệ thống thương mại toàn cầu. IMF cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước giải quyết những thiệt hại về xã hội và kinh tế do dịch bệnh, đe dọa mạng, tình trạng biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, thiếu năng lượng, xung đột, di cư và người tị nạn và các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác... gây ra.

Trước đó, ngày 11-10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã cho ra mắt chương trình Công nghệ tài chính Bali (Bali Fintech) nhằm giúp các nước thành viên khai thác các lợi ích công nghệ tài chính và quản lý những rủi ro phát sinh.

Phát biểu ra mắt chương trình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới không nên điều chỉnh quá mức và can thiệp vào sự phát triển của công nghệ tài chính, thay vào đó cần đổi mới và thử nghiệm để phát triển.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết có 12 yếu tố chính trong chương trình nghị sự Bali Fintech được phối hợp với WB để khuyến cáo các nước thành viên về các danh mục cần kiểm tra trong chính sách hiện hành.

Các yếu tố này gồm Cam kết sử dụng công nghệ tài chính; Áp dụng công nghệ mới để tăng cường cung cấp dịch vụ tài chính; Tăng cường cạnh tranh và cam kết mở, tự do, cũng như tính cạnh tranh của thị trường; Sử dụng fintech để thúc đẩy và phát triển thị trường tài chính; Theo dõi sự phát triển chặt chẽ để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về phát triển hệ thống tài chính; Áp dụng khung pháp lý thích ứng và thực hành giám sát để phát triển có trật tự và ổn định hệ thống tài chính; Bảo vệ tính toàn vẹn của các hệ thống tài chính; Hiện đại hóa các khung pháp lý để quản lý và sử dụng fintech; Đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và tiền tệ trong nước; Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính và dữ liệu mạnh để đảm bảo lợi ích của fintech; Khuyến khích hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; Tăng cường giám sát tập thể của hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế.

Nobel Kinh tế 2018 vinh danh hai nhà kinh tế học người Mỹ

Chiều 08-10 (theo giờ Việt Nam), hai nhà nhà kinh tế học người Mỹ William D.Nordhaus và Paul M.Romer đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2018.

Theo thông báo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, William D.Nordhaus được vinh danh nhờ lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô, và Paul M.Romer được đánh giá cao nhờ đưa đổi mới công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn.

Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ năm và cũng là giải thưởng khép lại mùa Nobel 2018. Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Nobel Vật lý, Nobel Y học và Nobel Hòa bình 2018 đã được công bố.

Năm ngoái, nhà kinh tế học người Mỹ Richar H. Thaler thuộc Đại học Chicago (Mỹ) đã vinh dự trở thành chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2017 nhờ những nghiên cứu của ông về lĩnh vực kinh tế học hành vi.

Giải Nobel Kinh tế không phải là một trong năm giải Nobel đặt ra theo nguyện vọng của Alfred Nobel năm 1895. Giải thưởng do Ngân hàng Thụy Điển đặt ra và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm nhà khoa học Nobel.

Giống như những người đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực y học, hóa học và vật lý, những người đoạt giải Nobel Kinh tế là do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển bầu chọn.

Những người đoạt giải Nobel Kinh tế đầu tiên là nhà kinh tế học người Hà Lan Jan Tinbergen và người Na Uy Ragnar Frisch vào năm 1969 "do đã phát triển và ứng dụng các mô hình động và phân tích các tiến trình kinh tế."

Từ năm 1969 - 2017, 49 giải Nobel Kinh tế được trao. Đến nay, phụ nữ duy nhất được trao giải Nobel Kinh tế là bà Elinor Ostrom (người Mỹ), nhận giải năm 2009 với cống hiến to lớn trong việc phân tích về quản trị kinh tế, đặc biệt là quản lý tài sản chung.

Chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Kinh tế là ông Kenneth J. Arrow (người Mỹ) đạt giải thưởng này năm 1972 khi ông 51 tuổi cho những đóng góp mang tính tiên phong vào lý luận cân bằng kinh tế tổng thể và phúc lợi kinh tế. Chủ nhân cao tuổi nhất của giải thưởng danh giá này là ông Leonid Hurwicz nhận giải năm 2007 khi ông 90 tuổi.

Cùng với hai nhà kinh tế học người Mỹ Eric Maskin và Roger Myerson, ông Leonid Hurwicz đã được vinh danh vì những đóng góp vào "lý thuyết thiết kế cơ chế."

Chủ nhân của các giải Nobel trong năm nay sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt tương đương hơn 1 triệu USD.

Lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Kinh tế sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 tới tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy.

Năm nay, giải Nobel Văn học không được trao do những bê bối liên quan đến Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Giải Nobel Văn học 2018 sẽ được trao vào năm sau, cùng Nobel Văn học 2019.

Thảm họa thiên tai khiến kinh tế thế giới thiệt hại 2.250 tỷ USD

Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (UNISDR) cho biết thiệt hại kinh tế từ những thảm họa liên quan đến khí hậu đã lên tới 2.250 tỷ USD trong hơn hai thập niên qua, tăng hơn 250% so với giai đoạn 20 năm trước đó.

Theo báo cáo do Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học của thiên tai (CRED) thuộc trường đại học Catholique de Louvain ở Bỉ và UNISDR thực hiện, trong giai đoạn 1978-1997, tổng thiệt hại từ những thảm họa liên quan đến khí hậu chỉ ở mức 895 tỷ USD (780 tỷ euro).

Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 1998-2017, con số này đã chạm mức 2.250 tỷ USD, trong đó điểm tên Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là các quốc gia hứng chịu thiệt hại kinh tế nhiều nhất.

UNISDR cũng lưu ý rằng biến đối khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các kiểu thời tiết khắc nghiệt như sóng thần, lũ lụt và bão tố.

Báo cáo trên được công bố khi cơn bão Michael, đã mạnh lên thành cơn bão cấp 4 - mức “cực kỳ nguy hiểm,” bắt đầu đổ bộ vào khu vực ven biển bang Florida, miền Đông Nam nước Mỹ, gây ra những cơn sóng cao tới 4m. Giới chức bang Florida cảnh báo bão Michael sẽ là cơn bão có sức tàn phá nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua tại bang này.

UNISDR đã thống kê số thảm họa liên quan đến khí hậu từ năm 1998 - 2017 vào khoảng hơn 6.600, trong đó bão tố và lũ lụt diễn ra thường xuyên nhất.

Trước tình hình này, báo cáo trên nhấn mạnh việc đầu tư vào giảm thiểu rủi ro thiên tai phải trở thành một phần trọng tâm trong việc hoạch định chính sách nhằm phản ứng với biến đổi khí hậu./.