Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-6 đến 01-7-2018)
TCCSĐT - Ngày 26-6, dự luật Brexit đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phê chuẩn. Như vậy, dự luật Brexit đã chính thức trở thành luật, mở đường cho nước Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU thì vẫn còn nhiều chông gai phía trước.
Tiến trình đàm phán Brexit vẫn còn gian nan
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: TTXVN
Các cuộc đàm phán Brexit chính thức được bắt đầu vào tháng 6-2017. Song, quá trình này liên tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên vẫn không thể đi đến một quyết định quan trọng nào. Giữa Anh và EU tồn tại 3 vấn đề gai góc chủ chốt, đó là: quyền công dân, nghĩa vụ tài chính và biên giới Ireland. Hồi tháng 12-2017, hai bên đã đạt được nhất trí về nội dung các văn bản pháp lý liên quan đến hai vấn đề là quyền của các kiều dân và thanh toán tài chính.
Mới đây, ngày 19-3, sau một loạt những thương lượng căng thẳng, EU và Anh đã đạt được thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp sẽ tính từ ngày Anh rời EU vào ngày 29-3-2019 và kết thúc vào ngày 31-12-2020. Trong khoảng thời gian này, Anh sẽ không tham gia vào các tiến trình hoạch định chính sách của EU, nhưng vẫn sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của nước thành viên và được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng như liên minh hải quan. Ngày 21-6, EU và Anh còn ra tuyên bố chung về những tiến bộ đạt được trong tiến trình đàm phán về Brexit trong các lĩnh vực như hải quan, Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), chứng nhận hàng hóa, thuế giá trị gia tăng…
Tuy nhiên, sau những bước tiến nêu trên, tiến trình đàm phán Brexit lại hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Những bế tắc mới nhất giữa hai bên hiện nằm ở vấn đề đường biên giới Ireland. Hiện Anh muốn xây dựng một thỏa thuận thuế quan tạm thời với EU, theo đó, Anh có thể tiếp tục ở lại liên minh thuế quan của châu Âu thêm 1 năm kể từ sau khi giai đoạn chuyển tiếp 2 năm hậu Brexit kết thúc. EU thì cho rằng, phương án liên minh thuế quan có thể không được áp dụng đối với toàn nước Anh. EU đã đề xuất giải pháp trong đó chỉ có Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan hậu Brexit. Phản ứng lại, Anh cho rằng việc này sẽ khiến Bắc Ireland tách biệt khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh. Chính phủ Anh khẳng định, Anh sẽ không bao giờ chấp nhận đường biên giới hải quan giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Liên hiệp Anh, đồng thời cho biết lập trường này sẽ không thay đổi. Quan điểm thống nhất của Anh là không tạo ra một “đường biên giới cứng” giữa khu vực Bắc Ireland và CH Ireland (thành viên của EU).
Có thể thấy, quỹ thời gian đàm phán về thỏa thuận Brexit đang cạn dần. Các nhà phân tích nhận định, nếu tiến trình đàm phán vẫn chậm chạp, nguy cơ Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit với EU đang ngày càng lớn dần. Và, nếu “kịch bản” này xảy ra, nước Anh sẽ đối mặt các thách thức lớn hơn gấp nhiều lần so với khó khăn hiện nay.
Pháp - Trung Quốc củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Thủ tướng Pháp E. Philippe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: TTXVN
Trong 4 ngày từ ngày 22 đến 25-6, Thủ tướng Pháp E. Philippe đã thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Bắc Kinh, hai bên đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, nông nghiệp, sử dụng hạt nhân, các hoạt động hàng không, vũ trụ và các tranh chấp thương mại giữa Mỹ với EU và Trung Quốc. Tại cuộc hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình của Thủ tướng E. Philippe, hai bên đã xác nhận tầm quan trọng của hợp tác kinh tế đa quốc gia, trong bối cảnh dấy lên quan ngại chính sách thương mại “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ D. Trump có thể cản trở tăng trưởng toàn cầu.
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng E. Philippe được được xem là cơ hội để tạo xung lực mới trong sự phát triển quan hệ song phương Pháp - Trung Quốc. Đối với Pháp, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 và lớn nhất ở châu Á. Chính quyền Pháp đang hướng tới Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - như là đối tác để làm đối trọng với mối quan hệ thương mại không bền vững với Mỹ và Anh. Không chỉ vậy, Pháp cũng nhìn nhận cường quốc châu Á này là một đối tác chính trị quan trọng, bởi Trung Quốc vừa là một cường quốc hạt nhân, vừa là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết đối với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tăng cường hợp tác với Pháp cũng đang được Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy. Nếu trước đây, Trung Quốc xem Anh là đồng minh chủ chốt trong EU, thì sau sự kiện Brexit, Bắc Kinh đã chuyển hướng tập trung sang Pháp và coi Pháp là một “cầu nối quan trọng” để tiếp cận châu Âu. Ngoài ra, với vị thế của Pháp là nước thành viên duy nhất trong EU nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, Trung Quốc kỳ vọng một mối quan hệ nồng ấm với Pháp sẽ giúp Bắc Kinh tranh thủ sự ủng hộ trong các vấn đề quốc tế nổi cộm, qua đó giúp nâng tầm ảnh hưởng của cường quốc châu Á này.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Pháp và Trung Quốc vẫn tồn tại những khó khăn và thách thức. Mặc dù thương mại song phương vẫn phát triển, song Paris mong muốn cân bằng cán cân thương mại với Bắc Kinh, cũng như tìm cách giúp các doanh nghiệp Pháp tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới này. Là nhà cung ứng hàng hóa lớn thứ hai của Pháp, song Trung Quốc lại chỉ đứng hàng thứ 8 về tiêu thụ các mặt hàng của Pháp. Sự bất cân đối dai dẳng trong trao đổi thương mại song phương này chính là lý do khiến Pháp thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc thực thi nguyên tắc “có qua, có lại”, mở cửa thị trường mạnh hơn cho doanh nghiệp Pháp. Đây cũng là nền tảng để Pháp kêu gọi thiết lập các mối quan hệ đa phương Pháp - châu Âu - Trung Quốc dựa trên nền tảng “các nguyên tắc cân bằng”. Mặt khác, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang gây chia rẽ châu Âu cũng khiến Paris phần nào thể hiện lập trường thận trọng đối với dự án tham vọng này của Bắc Kinh.
Dù vẫn còn tồn tại những khó khăn, song có thể nói chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng E. Philippe đã góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, qua đó mở ra những cơ hội hợp tác cả về chính trị và kinh tế trong tương lai.
Hy vọng về một nền hòa bình bền vững cho Nam Sudan
Tổng thống Nam Sudan S. Kiir và Thủ lĩnh phe nổi dậy R. Machar. Ảnh: dangcongsan.vn
Tại cuộc đàm phán đầu tiên ở thủ đô Khartoum của Sudan trong ba ngày từ ngày 25 đến 27-6-2018 kể từ khi xung đột bùng nổ năm 2013, Tổng thống Nam Sudan S. Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy R. Machar đã ký Thỏa thuận hòa bình Khartoum. Đây được coi là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 5 năm qua tại Nam Sudan.
Tại cuộc đàm phán, hai bên đã xem xét lại các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến các thỏa thuận về an ninh và quyền lãnh đạo. Hai bên cũng ưu tiên thảo luận việc khôi phục nền kinh tế Nam Sudan bằng cách tham gia vào các thỏa thuận song phương với Sudan, đồng thời bày tỏ hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước kể từ năm 2013.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống S. Kiir nhấn mạnh, ông đã sẵn sàng chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa đang tàn phá đất nước Nam Sudan, đồng thời hy vọng rằng ông R. Machar cũng “sẵn sàng lắng nghe quan điểm của ông”. Đáp lại, thủ lĩnh phe nổi dậy R. Machar cũng bày tỏ hy vọng hòa bình sẽ được lập lại tại Nam Sudan; đồng thời nhấn mạnh, “đây là một cơ hội tốt để lập lại hòa bình ở Nam Sudan”.
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Sudan Al-Dirdiri Mohamed Ahmed cho biết, Tổng thống Nam Sudan S. Kiir và thủ lĩnh phe nổi dậy R. Machar đã ký Thỏa thuận hòa bình Khartoum, trong đó có lệnh ngừng bắn toàn diện, có hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, xung đột và nội chiến tại Nam Sudan đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, làm bùng phát một cuộc khủng hoảng nhân đạo và tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Phi kể từ sau thảm họa diệt chủng Rwanda năm 1994. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và gần 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Bên cạnh đó, quốc gia non trẻ này cũng phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế khi đồng nội tệ mất giá và lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ngành công nghiệp dầu mỏ - trụ cột chính của nền kinh tế Nam Sudan - đã sụp đổ.
Hồi tháng 8-2015, một thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa các nhà lãnh đạo đối lập dưới áp lực của Liên hợp quốc, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4-2016. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7-2016 khi các phe đối địch tiếp tục đối đầu tại thủ đô Juba khiến số người thiệt mạng tăng lên thành hàng trăm người và buộc lãnh đạo phe đối lập Machar phải lưu vong.
Tháng 12-2017, các phe phái đối địch tại Nam Sudan tiếp tục đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn này lại một lần nữa bị sụp đổ khi xung đột bạo lực giữa quân đội chính phủ Nam Sudan và lực lượng đối lập vẫn tiếp diễn. Ngày 31-5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết đe dọa trừng phạt Nam Sudan nếu trong 1 tháng tới các bên xung đột tại nước này không đạt được thỏa thuận hòa bình. Do vậy, cộng đồng quốc tế hy vọng, việc các phe phái đối địch tại Nam Sudan ký thỏa thuận hòa bình lần này sẽ là cơ sở cho một nền hòa bình bền vững tại quốc gia Đông Phi này.
Những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: sggp.org.vn
Với ưu thế vượt trội, đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với chiến thắng này, Tổng thống T. Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền sẽ đứng trước không ít thách thức trong nhiệm kỳ tới.
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống lần này diễn ra, hồi tháng 5-2018, phát biểu trước những người ủng hộ, ông T. Erdogan đã cam kết sẽ thúc đẩy thêm nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tăng cường hơn nữa vai trò của nữ giới trong lực lượng lao động, tăng lương cho người lao động.
Với việc Tổng thống T. Erdogan giành chiến thắng và đảng AKP cầm quyền chiếm đa số tại quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24-6, đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng như hiện nay, đó là theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Dù vậy, Tổng thống T. Erdogan và đảng AKP cầm quyền vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về chính trị, an ninh, kinh tế phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Về chính trị, với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống T. Erdogan sẽ có những quyền lực mới theo Hiến pháp sửa đổi được thông qua hồi năm 2017 sau cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng đây cũng đồng thời là thách thức chính trị lớn nhất đối với Tổng thống T. Erdogan và AKP kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước trong 15 năm qua.
Về an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ tấn công khủng bố từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tổ chức đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhưng triển vọng phát triển dài hạn của nước này là không chắc chắn. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng 7,4% trong năm 2017, nhưng trong ba tháng qua, đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm tới 20% giá trị so với đồng USD khiến lạm phát tăng lên mức hai con số (10,23%). Thâm hụt tài khoản vãng lai cũng đã “phình ra” đến mức 6,5% GDP, thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ cao. Đầu tháng 5 vừa qua, cơ quan đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc xếp hạng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức không đáng đầu tư, do những lo ngại ngày càng tăng về tình hình tài chính xấu đi và lạm phát gia tăng khi hoạt động bán tháo đồng nội tệ lira diễn ra trên thị trường. Đây là những thách thức mà Tổng thống T. Erdogan sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ mới.
Mỹ - Trung nỗ lực “hạ nhiệt” căng thẳng trong quan hệ song phương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis. Ảnh: sputniknews.com
Trong hai ngày 27 và 28-6-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis đã thực hiện chuyến thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ tới Trung Quốc kể từ năm 2014 và được xem là nhằm “hạ nhiệt” những căng thẳng trong thời gian gần đây giữa hai cường quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ J. Mattis đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa nhằm thảo luận về hợp tác song phương, đặc biệt là mối quan hệ quân sự Mỹ - Trung cũng như các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước.
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis bày tỏ hy vọng các cuộc hội đàm của ông trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc sẽ trở thành một cuộc đối thoại “cởi mở và chân thành”. Ông khẳng định: “Tôi đến đây vì tầm quan trọng của quan hệ giữa quân đội Mỹ với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc”. Ông cũng nhấn mạnh rằng. mối quan hệ giữa hai quân đội “đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ rộng hơn giữa hai nước”. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis là một yếu tố tích cực mới đối với quan hệ giữa hai quân đội và quan hệ giữa hai nhà nước. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh hai bên “chỉ có thể cùng nhau phát triển thông qua việc duy trì sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và tránh đối đầu”. Ông Ngụy Phụng Hòa cũng cho rằng, quân đội hai nước nên tăng cường hợp tác và kiểm soát các nguy cơ. Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa cùng nhận định, cuộc gặp là dấu hiệu cho thấy hai bên đang có những phát ngôn tích cực bất chấp căng thẳng song phương về nhiều vấn đề.
Trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, nếu hai nước có thể phát triển và xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, điều này sẽ mang lại lợi ích cho nền hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu. Ông nêu rõ: “Quan hệ Trung Quốc - Mỹ là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong những năm gần đây, mối quan hệ quân sự Trung - Mỹ vẫn duy trì xung lực tốt và Bắc Kinh hy vọng điều này có thể tiếp tục được phát huy.
Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang leo thang khi hai nước liên tục có các động thái áp thuế thương mại, trả đũa lẫn nhau. Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng này, cả Mỹ và Trung Quốc đều xác định rằng, sự đối đầu sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích của cả hai bên. Một thực tế không thể phủ nhận là Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là hai lực lượng quân sự nằm trong số những lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, bởi vậy bất kỳ một cuộc chiến thương mại hay đối đầu quân sự nào giữa hai nước đều gây ra những hậu quả khó lường. Với chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng J. Mattis đã thực hiện một nhiệm vụ khá thành công trong việc cải thiện mối quan hệ đặc biệt Mỹ -Trung, vừa mang tính đối tác chiến lược, vừa là đối thủ cạnh tranh./.
Kết quả bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020  (02/07/2018)
Cảnh giác với nhóm tự xưng là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh  (02/07/2018)
Khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương  (02/07/2018)
Chính sách mới đối với vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn  (02/07/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên