Tiềm năng và triển vọng lớn trong quan hệ giữa Canada và Việt Nam
Theo chương trình, ngoài việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi trình diễn về “Công nghệ thông minh cho tương lai” tại trường Đại học Laval; gặp gỡ các nhà lãnh đạo bang Québec; dự và phát biểu tại cuộc tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Canada. Thủ tướng cũng gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo một số quốc gia dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng định G7 mở rộng. Ngày 10-6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ đón và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con Việt kiều tại Canada.
Việt Nam - Canada xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Năm 2014, hai nước ký Ý định thư nhằm củng cố và thúc đẩy quan hệ. Trong năm chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Canada năm 2015, hai bên đã nhất trí thúc đẩy quan hệ trên 7 lĩnh vực mà Ý định thư đã đề cập, đặc biệt là thương mại - đầu tư, giáo dục đào tạo.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở trong khối ASEAN. Về đầu tư, Canada hiện đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá 5,28 tỷ USD. Tổng giá trị ODA Canada dành cho Việt Nam từ 1990 đến nay là hơn 800 triệu USD.
Dấu ấn lớn trong quan hệ Việt Nam - Canada thời gian gần đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tháng 11-2017. Trong chuyến thăm đó, lãnh đạo hai nước đã ký thoả thuận Đối tác Toàn diện, đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Tại cuộc họp báo chung chiều 08-11-2017 ở Văn phòng Chính phủ sau khi ký thoả thuận Đối tác Toàn diện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là dấu mốc quan trọng, mở ra chương mới cho quan hệ hai nước trên rất nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Sự kiện này có ý nghĩa không chỉ với quan hệ song phương Việt Nam - Canada, mà còn đánh dấu việc Việt Nam hoàn tất thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác với tất cả các nước G7.
Còn Thủ tướng Trudeau bày tỏ: "Quan hệ đối tác sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa để nâng cao sự phồn vinh, chất lượng cuộc sống cũng như hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai".
Thủ tướng Justin Trudeau và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhất trí thời gian tới hai bên sẽ phối hợp triển khai các nội dung trong khuôn khổ Đối tác toàn diện như chính trị-ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo và những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ…; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Tiềm năng và triển vọng lớn trong quan hệ của Canada với Việt Nam
Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Donald Bobiash, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada phụ trách quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Canada , người đã nhiều lần đến Việt Nam trên các cương vị khác nhau khẳng định thời gian qua quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada phát triển rất tốt đẹp và có những kết nối chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, cả về chính trị, ngoại giao, thương mại, giáo dục đến giao lưu nhân dân. Bản thân ông và Canada rất ấn tượng khi tận mắt chứng kiến sự chuyển mình cũng như những thay đổi và tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Theo ông Bobiash, việc Thủ tướng Trudeau mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng “thể hiện rõ sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt hơn với Việt Nam”.
Là người đã có 15 năm theo dõi khu vực châu Á - Thái Bình Dương và từng đứng đầu Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Canada, ông Bobiash đánh giá rất cao những cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Canada và Việt Nam. Đối với ông, cộng đồng người Việt ở Canada, hiện đã lên tới hơn 240.000 người, đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Giáo dục hai nước cũng có rất nhiều triển vọng hợp tác với số lượng sinh viên Việt Nam sang Canada du học ngày càng đông.
Về hợp tác thương mại, ông Bobiash cho rằng Việt Nam “có cơ hội rất lớn trở thành thị trường cho hàng hoá Canada”. Hiện tại, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada đạt hơn 6 tỷ đôla Canada (CAD) và Việt Nam là thị trường rất quan trọng cho các sản phẩm của Canada như lúa mạch, cải dầu, hạt lentil, hàng nông sản, hải sản. Ngược lại, Canada cũng nhập khẩu rất nhiều sản phẩm gia công ở Việt Nam như điện thoại di động, thiết bị điện tử… Ông khẳng định hai nước đang có quan hệ thương mại rất tốt.
Trợ lý Thứ trưởng Donald Bobiash cũng tỏ ra rất ấn tượng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và bày tỏ sẵn lòng thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Ông khẳng định: "Việt Nam tăng trưởng kinh tế rất cao, trên 6%/năm, thuộc hàng cao nhất thế giới. Các bạn còn có tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm của Canada. Vì thế, chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ để có được mối quan hệ thương mại cùng thắng”.
Ông Bobiash còn khẳng định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Canada là thành viên sẽ mở ra nhiều cơ hội và khơi thông thị trường cho hàng hoá của nhau. Theo ông, CPTPP sẽ mở rộng các dòng chảy thương mại hai chiều bằng cách giảm thuế đối với hàng hoá xuất khẩu của Canada, đặc biệt là nông sản. CPTPP cũng sẽ tạo ra sân chơi công bằng cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam… Việc mở cửa thị trường cho hàng hoá của nhau sẽ là giải pháp cùng thắng, sẽ tạo ra những dòng sản phẩm lớn hơn xuôi ngược giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo ông Bobiash, quan hệ giữa Canada và Việt Nam còn được mở rộng ra ngoài các lợi ích song phương. Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Trudeau sẽ mở rộng thêm nội hàm hợp tác giữa hai nước bởi các chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Charlevoix (G7) đều rất quan trọng, ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong số 5 chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay, ông Bobiash cho rằng có 2 chủ đề liên quan nhiều nhất và trực diện nhất với Việt Nam. Đó là chủ đề đại dương và biến đổi khí hậu và chủ đề xây dựng một thế giới hoà bình và an toàn hơn.
Theo ông Bobiash, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước sẽ luôn mang lại kết quả cùng thắng, nhất là khi được thực hiện trong khuôn khổ CPTPP và quan hệ Đối tác Toàn diện đã được lãnh đạo hai nước ký kết tháng 11 năm ngoái ở Việt Nam.
Còn cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine thì cho rằng: Quan hệ hai nước có nhiều bước phát triển vượt bậc.
Cựu Đại sứ Devine cho biết sau hơn một năm rưỡi trở về Canada, ông đã có cơ hội được nhìn Việt Nam từ xa và chứng kiến nhiều bước phát triển vượt bậc giữa hai nước. “Quan hệ giữa hai nước đang phát triển rất tốt, nhất là về giáo dục, thương mại, nông nghiệp, công nghệ và môi trường”, ông chia sẻ.
Theo cựu Đại sứ, hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực điển hình trong quan hệ song phương Việt Nam - Canada. Trong 3 năm qua, số lượng du học sinh Việt Nam đến Canada đã tăng tới 300%, lên tới 15.000 em vào năm 2017. Để có được kết quả đó, Canada đã rất nỗ lực cải thiện hệ thống xét duyệt hồ sơ, giảm tải áp lực tài chính thông qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Scotia và đẩy mạnh quảng bá chất lượng trường học, chương trình học và môi trường học tập ở Canada. Hiện tại, hệ thống trường đại học và cao đẳng ở Canada có hơn 10.000 chương trình khác nhau. Canada lại có môi trường sống rất an toàn, cởi mở, đa văn hoá, đặc biệt phù hợp với du học sinh quốc tế. Trong những năm qua, Canada đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới về điểm đến cho du học sinh Việt Nam và đang có nhiều tiềm năng tiếp tục phát triển.
Bên cạnh mảng giáo dục, quan hệ giữa Canada và Việt Nam cũng đang phát triển khá tốt trên một số lĩnh vực khác. Xuất khẩu của Canada trong năm 2017, đặc biệt là nông sản và hải sản, đã tăng gấp đôi so với năm 2016, lên hơn 1 tỷ đôla Canada (CAD). Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn duy trì ở mức hơn 5 tỷ CAD, cao nhất trong các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, việc hai nước giờ đây đã trở thành thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác, cũng như hỗ trợ nhau tiếp cận thị trường khu vực và thế giới. Cựu Đại sứ David Devine đánh giá hai nước đã đặt nền tảng rất tốt cho hợp tác kinh tế lâu dài và Canada có thể giúp đỡ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan trọng như môi trường, công nghệ và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Trong số các lĩnh vực hợp tác, cựu Đại sứ Devine cho rằng giáo dục có tiềm năng phát triển tốt nhất. Mặc dù lĩnh vực này đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục trong 3 năm qua, nhưng vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội chưa được khai thác. Hiện tại, một số trường đại học của Canada rất muốn thu hút thêm học sinh từ Việt Nam, đồng thời đang cân nhắc đưa một số chương trình về Việt Nam giảng dạy. Mô hình này sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho học sinh Việt Nam và mở thêm nhiều hình thức hợp tác cùng có lợi khác như trao đổi sinh viên, chương trình nghiên cứu.
Bên cạnh những lĩnh vực nêu trên, Canada cũng rất muốn giúp đỡ Việt Nam giải quyết những khó khăn liên quan đến phát triển vùng đô thị. Theo cựu Đại sứ David Devine, sẽ có những giải pháp và công nghệ đặc biệt hữu ích mà Canada có thể giúp Việt Nam trong phát triển đô thị vì đây là thế mạnh của Canada. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Canada có thể giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề trong lĩnh vực y tế, nước sạch và ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, Canada đang cố gắng mở rộng thương mại với Việt Nam theo từng nhóm, ngành hàng với hy vọng khi CPTPPP được đưa vào triển khai, hai nước sẽ có nhiều cơ hội khai phá tiềm năng và thúc đẩy phát triển toàn diện hơn nữa. Mức thuế quan thấp trong CPTPP sẽ cho phép hàng hoá hai nước tiếp cận nhiều thị trường trong khối và tăng cường sản xuất. Ngoài ra, đây cũng sẽ là cơ hội các nhà đầu tư hai nước hợp tác với nhau trong các dự án tương lai.
Tăng cường quan hệ Canada - Việt Nam mở ra cơ hội hợp tác lớn
Không chỉ các chính khách, báo giới Canada cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác Canada và Việt Nam. Trang mạng Quỹ châu Á - Thái Bình Dương, một trung tâm nghiên cứu có uy tín ở Canada với nhiều bài viết chuyên sâu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mới đây đã đăng tải bài viết của tác giả Elizabeth McIninch về sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư Canada.
Bài viết ca ngợi những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam thời gian qua và khẳng định xu thế tăng cường quan hệ Việt Nam - Canada mở ra cơ hội lớn cho hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Bài báo cho biết với vai trò Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm 2018 và đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G7, Canada đã mời Việt Nam tham dự sự kiện có ý nghĩa to lớn này với tư cách là một quốc gia độc lập. Tác giả bài viết nhấn mạnh đây là sự khẳng định vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, là minh chứng cho sự trân trọng của Canada trong thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam, nhất là nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2018).
Bài viết nêu rõ cách đây 30 năm, Việt Nam từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành ngôi sao đang lên ở khu vực Đông Nam Á. Bài viết đặc biệt nhấn mạnh tới tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng của Việt Nam với mức tăng 7,38% trong quý I năm nay.
Bài viết cũng đề cập tới những kết quả nổi bật trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất và xuất khẩu trang thiết bị điện tử của Việt Nam, quốc gia đã trở thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị công nghệ của thế giới. Chỉ tính riêng Canada, nhập khẩu máy móc và thiết bị điện tử từ Việt Nam đã tăng 1.500% trong 5 năm qua.
Theo tác giả bài viết, với 60% dân số ở độ tuổi lao động và 70% dân số ở độ tuổi dưới 30, ước tính, Việt Nam sẽ có thị trường tiêu thụ khoảng 35 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2020. Người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp, chăm chỉ, thông minh, am hiểu công nghệ và thân thiện.
Bài báo nhấn mạnh đối với Canada, Việt Nam là nước thực sự đáng quan tâm. Việt Nam là đối tác phát triển nhanh nhất ở Đông Á của Canada, với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt khoảng 6 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo tăng khoảng 20% trong các năm tới. Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam với 149 dự án, trị giá hơn 5 tỷ USD. Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 5 toàn cầu về nguồn cung du học sinh quốc tế cho Canada, với khoảng 14.000 học sinh Việt Nam học tập tại Canada trong năm 2017.
Các sản phẩm công nghệ cao của Canada như máy móc, sản phẩm sinh học và hóa chất luôn có nhu cầu cao tại Việt Nam. Trong khi đó, rất nhiều khách hàng Việt Nam đã thưởng thức tôm hùm, cua và ốc vòi voi của Canada. Các sản phẩm nông nghiệp của Canada chiếm 50% xuất khẩu sang Việt Nam. Ngoài bột mỳ và ngũ cốc, Canada đang có cơ hội lớn xuất khẩu các sản phẩm đậu tương, thức ăn chăn nuôi và các loại hạt có dầu sang Việt Nam.
Bài viết đánh giá triển vọng đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam là rất khả quan. Trong bối cảnh đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang vấp phải bế tắc, các doanh nghiệp Canada cần đa dạng hóa quan hệ và tìm kiếm các đối tác mới.
Cuối cùng, bài viết nhận định tương lai quan hệ song phương Canada-Việt Nam sẽ phụ thuộc đồng thời vào sự chăm chỉ, tích cực và nỗ lực của nhân dân hai nước. Việc thiết lập quan hệ trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh, nghệ thuật và khoa học, ngoại giao, du lịch, giáo dục quốc tế sẽ là then chốt để xây dựng tương lai thịnh vượng cho cả hai quốc gia./.
Hải Phòng muốn hợp tác với Micronesia về lĩnh vực kinh tế biển  (09/06/2018)
Thi đua yêu nước: Phong trào thi đua trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội  (09/06/2018)
Quốc hội đồng ý lùi xem xét, thông qua luật về đặc khu sang kỳ họp sau  (09/06/2018)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Toàn quyền Canada  (09/06/2018)
Các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Canada  (09/06/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên