Ông Hassan Rouhani tái đắc cử Tổng thống Iran
Tham gia cuộc đua tranh chức tổng thống Iran lần này có bốn ứng cử viên, hai ứng cử viên sáng giá là đương kim Tổng thống Rouhani thuộc phe ôn hòa theo đường lối cải cách và ông Raisi thuộc phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn.
Khoảng 40 triệu cử tri trong số hơn 56 triệu cử tri đủ tư cách đã tham gia cuộc bầu cử ngày 19-5. Do số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu đông nên các điểm bỏ phiếu bầu tổng thống đã phải kéo dài thời gian mở cửa thêm 6 giờ, đến 24 giờ ngày 19-5 (giờ địa phương, tức 2 giờ 30 phút ngày 20-5 theo giờ Hà Nội). Truyền thông Iran ca ngợi việc tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao như "một chiến thắng lịch sử cho người dân Iran."
Theo quy định bầu cử của Iran, ứng cử viên đắc cử phải giành được tối thiểu hơn 50% số phiếu bầu. Trong trường hợp không có ai đạt được, Iran sẽ phải tiến hành bầu cử tổng thống vòng 2 giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất trong vòng đầu.
Trong bốn năm cầm quyền của Tổng thống Rouhani, kinh tế Iran đã được thổi những "luồng gió mới" với hầu hết các điều kiện kinh tế được cải thiện đáng kể so với tám năm có thể coi là yếu kém trong hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Chính phủ của ông Rouhani đã thành công trong kế hoạch giành lại thị phần đã mất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu với sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô hiện ở mức tương đương và cao hơn các mức trước thời điểm bị trừng phạt.
Kinh tế Iran đang hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu một cách tích cực với nhiều thỏa thuận thương mại, tài chính, năng lượng được ký kết với một số đối tác ở châu Âu, Nga, các nền kinh tế có tiềm lực mạnh ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khoảng 9,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2016 là kết quả cụ thể của chính sách mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài mà quốc gia Trung Đông này đang tích cực triển khai. Cùng với đó, lạm phát đã giảm mạnh từ khoảng 40% năm 2013 xuống còn 7,5% năm 2016, trong khi tăng trưởng kinh tế đạt 7%.
Nhưng đáng kể hơn cả là việc Iran dần thoát khỏi sự cô lập với vị thế ngày càng được nâng cao, quan hệ với phương Tây cũng đang dần được cải thiện. Chuyến thăm của Tổng thống Rouhani tới Pháp và Italy ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử có hiệu lực không chỉ mang lại cho Iran những hợp đồng kinh tế lớn, mà còn đưa các nước này xích lại gần nhau hơn trong việc giải quyết các vấn đề an ninh và chính trị ở Trung Đông.
Iran hiện đang là một bên chủ chốt tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, tham gia bảo trợ cho vòng đàm phán hòa bình Syria ở Astana nhằm giúp giảm căng thẳng tại quốc gia này.
Cử tri kỳ vọng “làn gió” cải cách trong 4 năm qua sẽ tiếp tục
Chiến thắng cho đương kim Tổng thống Hassan Rouhani với cách biệt khá lớn cho thấy cử tri Iran kỳ vọng “làn gió” cải cách trong 4 năm qua sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao đã góp phần mang lại chiến thắng cho đương kim Tổng thống Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 12 của nước Cộng hòa Hồi giáo. Kết quả này cho thấy cử tri Iran vẫn đang kỳ vọng “làn gió” cải cách trong 4 năm qua sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, đưa nước này thoát khỏi tình trạng bị cô lập và nâng tầm vị thế.
Rõ ràng, chiến thắng của ông Rouhani trong cuộc bầu cử đang đem lại những cơ hội rõ rệt cho Iran. Với kinh nghiệm chính trường trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với đường lối ôn hòa, mềm dẻo, ông Rouhani có thể bắt tay ngay vào công việc, tiếp tục chính sách cải cách mà ông đang theo đuổi và đã đạt được một số thành quả nhất định.
Sự ổn định trên chính trường Iran khi ông Rouhani tiếp tục nắm quyền cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài, vốn bắt đầu quay lại thị trường Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và Nhóm P5+1 có hiệu lực hồi tháng 1 năm ngoái, có thể yên tâm tiếp tục các dự án hợp tác tại quốc gia Hồi giáo.
Quan hệ đang được cải thiện giữa Iran với phương Tây cũng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì trong thời gian tới bởi ông Rouhani là người chủ trương "mở cửa" để phá thế bị cô lập của Tehran.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng chia rẽ nội bộ đang ngày một tăng giữa một bên là những người theo đường lối cứng rắn, bảo thủ với một bên là những người ôn hòa và chủ trương cải cách, nhiệm kỳ mới của Tổng thống Rouhani chắc chắn sẽ gặp không ít sóng gió với cơ hội không ít, song thách thức cũng hết sức to lớn.
Tăng trưởng kinh tế luôn là bài toán khó. Không thể phủ nhận những thành công của ông Rouhani trong 4 năm qua khi lạm phát được kiểm soát tốt, tăng trưởng ở mức cao, đặc biệt là việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc thế giới đã giúp Iran mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, những thành công này chưa thể đáp ứng mong đợi của người dân khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (12,5%), cam kết về nguồn đầu tư nước ngoài trị giá nhiều tỷ USD vẫn chưa thành hiện thực và cuộc sống của người dân vẫn chưa cải thiện.
Mặc dù Tổng thống Rouhani đã ra sức chèo lái nhằm kiểm soát tốt lạm phát song nó lại đang có dấu hiệu tăng trở lại, thậm chí có thể vượt ngưỡng 10% trong thời gian ngắn sắp tới. Do đó, trong nhiệm kỳ này, Tổng thống Rouhani sẽ phải tìm ra lời giải cho bài toán vực dậy nền kinh tế.
Chia rẽ phe phái và bất đồng ngay trong đội ngũ lãnh đạo đất nước cũng có thể cản trở các kế hoạch cải cách của tổng thống. Ngay cả lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người có vai trò quyết định tối cao đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, cũng chưa hoàn toàn ủng hộ các chính sách mà ông Rouhani theo đuổi bởi ông Khameinei là người thuộc phe bảo thủ, muốn xây dựng một “nền kinh tế kháng cự” cũng như không muốn chịu sự ảnh hưởng của phương Tây. Vì vậy, Tổng thống Rouhani phải khéo léo điều chỉnh nhằm thu hẹp bất đồng giữa các phe phái trong nước, từ đó có thể tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Đồng thời, ông Rouhani phải vạch rõ đường hướng kinh tế “hai bên cùng có lợi” vì mục tiêu chung phát triển đất nước để phải thuyết phục Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng như những người còn nghi ngờ, rằng việc theo đuổi chính sách tự do hóa kinh tế của mình là hoàn toàn đúng đắn, chứ không phải là một kế hoạch mang tính dân túy “Đưa Iran vĩ đại trở lại” như phe bảo thủ đã nêu trong chiến dịch tranh cử.
Số phận thỏa thuận hạt nhân lịch sử cũng là một vấn đề mà Tổng thống phải khéo léo xử lý. Tổng thống Rouhani sẽ phải đau đầu tính kế để bảo vệ thành quả Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này. Ở trong nước, dù không công khai ủng hộ việc phá vỡ thỏa thuận hạt nhân, song phe bảo thủ cũng lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này, coi nó là “một mối đe dọa tiềm tàng”, khi làm hạn chế tầm ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của đất nước. Một khi thỏa thuận hạt nhân này bị hủy bỏ, mọi nỗ lực vực dậy nền kinh tế và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị cô lập của Tổng thống Rouhani sẽ thành “đổ xuống sông xuống bể.
Trong quan hệ đối ngoại, dù đã cải thiện được phần nào quan hệ với phương Tây, song trên thực tế, Iran vẫn chưa nhận được sự tin tưởng hoàn toàn. Do đó, trong nhiệm kỳ thứ hai này, Tổng thống Rouhani sẽ phải hoàn thiện nốt những gì ông chưa làm được, đặc biệt là nhiệm vụ mà ông đã đề ra trong chiến dịch tranh cử, theo đó, gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, thậm chí cả các biện pháp không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. Hiện chưa rõ ông Rouhani sẽ sử dụng “đòn bẩy” nào để thúc đẩy sự thay đổi như vậy trong chính sách trừng phạt của phương Tây.
Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã có những dấu hiệu căng thẳng trở lại khi tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống. Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Tổng thống Trump đã liên tục có những động thái nhằm gây áp lực với Iran khi đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nhiều thực thể và cá nhân nước này, cũng như cùng với các phụ tá vạch ra một chiến lược quy mô nhằm đối phó với điều mà vị tỷ phú này cho là các hành vi gây bất ổn của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Rõ ràng, Tổng thống Rouhani sẽ phải suy tính làm thế nào để có thể hóa giải được mối quan hệ nhiều sóng gió với Mỹ để không gây tổn hại đến kinh tế, vừa không bị phe bảo thủ lợi dụng sự đối đầu với chính quyền Mỹ làm suy yếu quyền lực của ông.
Bên cạnh đó, khu vực Trung Đông đang có rất nhiều rối ren, với các cuộc khủng hoảng kéo dài ở một loạt điểm nóng như Syria, Yemen chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kéo theo sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố. Đây cũng sẽ những thách thức khiến Tổng thống Rouhani phải tốn nhiều công sức đặc biệt trong bối cảnh Iran đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực với các nước “kỳ phùng địch thủ” như Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, song việc được cử tri Iran tiếp tục tín nhiệm bầu chọn là nhà lãnh đạo của đất nước sẽ là một động lực quan trọng giúp Tổng thống Rouhani có thêm tự tin để thực hiện các chính sách còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Sự tiếp sức đặc biệt này của người dân chắc chắn sẽ giúp Tổng thống Rouhani đảm nhiệm tốt các trọng trách lớn lao mà người dân giao phó đưa quốc gia Hồi giáo này mở cửa và phát triển hơn nữa.
Tổng thống Iran H.Rouhani tuyên bố hội nhập với thế giới
Người dân Iran đã lựa chọn con đường hội nhập với thế giới và tuyên chiến với chủ nghĩa cực đoan. Đây là phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 20-5 sau khi ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống tái đắc cử Rouhani khẳng định thông điệp của cử tri Iran là rất rõ ràng, đó là thông điệp hội nhập với thế giới và nói "Không" với chủ nghĩa cực đoan. Ông nhấn mạnh người dân quốc gia Hồi giáo này muốn được sống trong hòa bình và tình hữu nghị với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo theo đường lối ôn hòa này cũng khẳng định Iran sẽ không chấp nhận bị đe dọa hay xúc phạm. Ông nhấn mạnh, củng cố nền dân chủ và không phụ thuộc vào các cường quốc là con đường đảm bảo an ninh quốc gia.
Cộng đồng quốc tế chúc mừng Tổng thống Iran H.Rouhani tái đắc cử
Sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống nước này diễn ra ngày 19-5, nhiều lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng tới nhà lãnh đạo của Iran.
Trên mạng xã hội Twitter, ngày 20-5, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã hoan nghênh chiến thắng áp đảo của ông Rouhani. Quan chức này khẳng định EU cam kết duy trì việc thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 cũng như các thỏa thuận song phương khác, đồng thời tiếp tục hành động vì hòa bình khu vực và “đáp ứng những nguyện vọng của toàn thể người dân Iran”.
Cùng ngày 20-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lên tiếng chúc mừng chiến thắng của ông Rouhani, đồng thời kêu gọi làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Moskva và Tehran. Trong một tuyên bố, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã gửi điện mừng tới Tổng thống Rouhani, khẳng định sẵn sàng tiếp tục hành động tích cực nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran.
Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ tin tưởng Moskva và Tehran sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần “duy trì an ninh và ổn định ở Trung Đông cũng như trên toàn thế giới” và các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Nga của ông Rouhani hồi tháng 3 vừa qua sẽ được thực thi hiệu quả.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Rouhani. Ông đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội Iran đã đạt được trong 4 năm qua dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Rouhani, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Iran đã duy trì được động lực phát triển nhờ nỗ lực chung của cả hai nước.
Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với ông Rouhani nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Phát biểu ngày 20-5, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã hoan nghênh chiến thắng của ông Rouhani, chúc chính khách này có thêm một nhiệm kỳ thành công. Nhà lãnh đạo Syria khẳng định người dân Iran đã tin tưởng trao cho Tổng thống Rouhani nhiệm vụ củng cố vị thế và vai trò của Tehran trên trường quốc tế. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh Syria và Iran cần tiếp tục hợp tác để củng cố an ninh và ổn định tại cả hai nước, tại khu vực và trên thế giới nói chung.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng đã chúc mừng ông Rouhani tái đắc cử và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Iran.
Lãnh đạo các nước tiếp tục chúc mừng Tổng thống Rouhani tái đắc cử và khẳng định sẵn sàng củng cố hợp tác với chính quyền Tehran./.
Tổng Bí thư gặp mặt đại biểu Chương trình Vinh quang Việt Nam  (20/05/2017)
APEC 2017: Xây dựng một hệ thống thương mại đa phương vững mạnh  (20/05/2017)
Tưng bừng kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (20/05/2017)
Thủ tướng: Cần nâng tầm quan hệ thương mại hai nước Việt - Nhật  (20/05/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay