Phát triển bền vững kinh tế, quốc phòng trên địa bàn biển, đảo Tây Nam trong tình hình mới
TCCSĐT - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Quán triệt quan điểm đó, trong những năm qua cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang các địa phương trên địa bàn Quân khu 9 ngày càng nhận thức đúng đắn về phát triển bền vững kinh tế, quốc phòng trên địa bàn biển đảo Tây Nam nói riêng.
Kinh tế - xã hội ngày càng gắn kết với quốc phòng - an ninh
Quân khu 9 nằm ở cực Nam của Tổ quốc, trên địa bàn thuộc 12 tỉnh, thành phố; phía Đông, Đông Nam và Tây Nam giáp biển Đông và vịnh Thái Lan. Diện tích lãnh hải ước tính khoảng 150.000km2, với 7 tỉnh có biển, 29 huyện và 105 xã, phường, thị trấn ven biển; có 2 huyện đảo (Kiên Hải, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang); 17 xã và thị trấn đảo; 5 quần đảo với 147 đảo lớn nhỏ; 41 đảo có dân sinh sống. Tổng số dân trên các đảo trên 123.700 người (riêng Phú Quốc có 91.934 người; Thổ Chu 1.837 người). Đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc rộng 567km2, đảo xa nhất là đảo Thổ Chu cách đất liền 200km; bờ biển dài 743km. Có vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia khoảng 8.800km2, giáp với 4 tỉnh, thành của Cam-pu-chia (Kam-pôt, Cô Công, thành phố Kép, thành phố Kom Pong-Xom) tiếp giáp vùng biển Thái Lan, Ma-lay-xi-a... Đường ranh giới trên biển tiếp giáp với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (có một phần chồng lấn với một số nước như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Thái lan, Cam-pu-chia).
Ở vùng biển Tây Nam tồn tại hầu hết các hệ sinh thái biển và ven biển điển hình như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi bồi và vùng triều, là nơi cư trú và sinh sản của nhiều loài sinh vật biển. Đây là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng lớn, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, hệ thống quần đảo và đảo trên biển cùng các khu rừng ven biển rất thuận lợi để xây dựng căn cứ, thế trận quân sự - an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và phát triển kinh tế biển, đảo trên một hướng chiến lược của Tổ quốc.
Trong những năm qua, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, các địa phương trên địa bàn Quân khu 9 đã nhận thức đúng đắn về quan điểm phát triển bền vững kinh tế, quốc phòng biển, đảo; đã tiến hành triển khai xây dựng và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, đặc biệt là các tỉnh ven biển. Các cơ sở kinh tế, khu công nghiệp ven biển, đảo đã được đầu tư; hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến trên biển, ven biển đã phát triển, nhiều tàu thuyền công suất lớn được đóng mới, các dịch vụ bảo đảm đang được hình thành; vận tải biển, dịch vụ hàng hải, du lịch, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản xa bờ đang phát triển. Các địa phương có biển đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình ven biển, trên đảo, hệ thống kè lấn biển hình thành những khu vực kinh tế - xã hội, đô thị mới, góp phần phát triển du lịch biển và tăng cường củng cố thế trận quốc phòng - an ninh vùng ven biển; một số đảo đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong đó, đảo Phú Quốc đã và đang được đầu tư xây dựng với mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng và quốc gia.
Những năm gần đây, tình trạng xây dựng và phát triển manh mún, tự phát, trong quy hoạch, đầu tư và xây dựng của các địa phương có biển, đảo đã được khắc phục; trong xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh có biển trên địa bàn đều có ý kiến tham gia của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Quân khu, bảo đảm phù hợp với tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển và thế trận phòng thủ chung trên địa bàn. Quân khu 9 đã chỉ đạo các địa phương ven biển, đảo làm tốt công tác sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất của địa phương tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; sẵn sàng chi viện, bảo đảm tác chiến cho các lực lượng trên biển, đảo và tham gia khắc phục hậu quả trên biển theo các tình huống khi có lệnh. Đã có 3/7 tỉnh thực hành diễn tập theo Nghị định 30/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Quân khu đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp, hiệp đồng với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hải quân vùng 5, Cảnh sát biển 4 và các lực lượng khác trong việc bảo vệ vùng nội thủy và lãnh hải, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự - xã hội trên đảo, trên biển, tổ chức tuần tra, cảnh giới bảo vệ vững chắc các đảo của Quân khu; phối hợp bảo vệ các căn cứ hải quân, các cơ sở kinh tế, các địa bàn xung yếu ven biển; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện có tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai và các vấn đề an ninh phi truyền thống như: tội phạm trên biển và cướp biển, buôn lậu qua đường biển, buôn bán ma túy, hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển…; định kỳ tổ chức giao ban, sơ tổng kết rút kinh nghiệm; kiện toàn tổ chức, biên chế, bố trí lực lượng phòng thủ ven biển, trên đảo, xây dựng và phát triển lực lượng dân quân tự vệ biển. Các lực lượng đã phối hợp tuyên truyền giáo dục nhân dân, trước hết là ngư dân, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với biển, đảo, thực hiện đúng theo các thỏa thuận Nhà nước ta đã ký kết về hợp tác và phân định ranh giới trên biển với các nước liên quan; tham gia đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, thăm dò, khai thác đánh bắt trộm hải sản, phá hoại ngư trường, buôn lậu trên biển; tích cực tham gia phòng chống, khắc phục các thảm họa thiên tai góp phần bảo vệ an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, đảo. Đặc biệt đã quy hoạch và tiến hành xây dựng hệ thống công trình phòng thủ trên các đảo gần bờ, tuyến ven bờ; duy trì, sửa chữa và nâng cấp tổng số 23 bến cảng trong địa bàn Quân khu để các loại tàu có tải trọng từ 50 đến 10.000 tấn cập bến được. Trong xây dựng thế trận quân sự kết hợp chặt chẽ giữa khả năng phòng thủ và chi viện cho tác chiến trên các vùng biển, đảo; xây dựng khu vực phòng thủ ven biển, trên đảo, hằng năm tổ chức diễn tập các cấp theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 152, Nghị định 30 của Chính phủ.
Trong hoạt động đối ngoại, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương nước bạn Cam-pu-chia, tạo điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế, xã hội, trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biển; phòng chống cướp biển, khủng bố, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giải quyết tình trạng ngư dân hai nước xâm phạm trái phép đánh bắt hải sản và chống ô nhiễm môi trường biển; cùng hợp tác khai thác nguồn tài nguyên biển, đảo, xây dựng lòng tin, tạo nên sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi nước trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phòng chống, đối phó với an ninh phi truyền thống trên biển.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh trên vùng biển, đảo Tây Nam còn bộc lộ một số tồn tại như:
- Việc quan tâm đầu tư cho phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh ở ven biển, trên biển, đảo chưa xứng với tiềm năng và nguồn lợi của biển đem lại.
- Trong chỉ đạo phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh vẫn còn có dự án chưa chặt chẽ, một số dự án kinh tế chậm được triển khai.
- Sự phối hợp, kết hợp giữa các địa phương ven biển khi tổ chức thực hiện chưa nhất quán, thiếu tính thiết thực, hiệu quả và chưa đi vào chiều sâu.
- Tuyên truyền giáo dục ngư dân chấp hành các hiệp ước chưa sâu rộng, nên vẫn còn tình trạng vi phạm ngư trường, một số tàu cá của ngư dân nước ta bị Thái Lan, Cam-pu-chia bắt giữ, phạt tiền, thu tài sản.
Một số giải pháp chủ yếu để phát triển bền vững kinh tế, quốc phòng trên địa bàn biển đảo Tây Nam
Thời gian tới, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, quốc phòng - an ninh biển, đảo nói chung, trên địa bàn biển đảo Tây Nam nói riêng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Làm tốt công tác tuyên truyền về biển, đảo; đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang về nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo đồng thời tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền trong tình hình mới
Mỗi cấp, mỗi ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tiềm năng của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển đất nước; làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng và giá trị chiến lược của biển, đảo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, quản lý khai thác hải sản, thực hiện các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi hải sản không chỉ đối với cư dân biển, đảo mà còn đối với toàn xã hội. Tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân hiểu và chấp hành các hiệp ước, công ước đã ký cũng như những quy định của pháp luật để người dân nâng cao ý thức trong khai thác, không vi phạm những điều khoản Nhà nước đã ký kết. Đây cũng là cơ sở để chúng ta đấu tranh giữ vững ổn định tình hình trên biển, không để địch lợi dụng tạo cớ xâm phạm chủ quyền biển, đảo của chúng ta.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền, nhất là các địa phương ven biển, về phát triển kinh tế biển, đảo gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng hoạt động kinh tế và bảo vệ trên biển, đảo với các đơn vị đứng chân trên các vùng biển, đảo để đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Kết hợp xây dựng quy hoạch và phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với nhiệm vụ tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ biển, đảo
Trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch tổng thể đối với từng khu vực, từng địa phương, từng ngành nghề. Cần tăng cường sự liên kết, phối hợp với nhau để chấm dứt tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ, thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng; giữa địa phương với từng ngành; liên kết, phối hợp để bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng thế trận khu vực phòng thủ biển, đảo. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển phải thể hiện được sự gắn bó với quốc phòng - an ninh trên từng vùng biển, đảo với các bước đi phù hợp.
Xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng khai thác tài nguyên kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ ở những vùng biển, đảo xa bờ với tăng cường lực lượng, củng cố tiềm lực, sức mạnh quốc phòng - an ninh, bằng cách gắn tổ chức các hải đoàn, hải đội các đơn vị đánh bắt, chế biến hải sản, vận tải biển với tổ chức xây dựng đơn vị dân quân tự vệ biển. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng, lực lượng làm kinh tế, thăm dò, khai thác tài nguyên để hoạt động và bảo vệ. Kết hợp ngay trong từng cơ sở nuôi trồng, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên, phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại; nghiên cứu khoa học biển; kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của từng địa phương, từng vùng biển, đảo nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, của các lực lượng để nâng cao khả năng quản lý, làm chủ vùng biển, đối phó kịp thời với các tình huống xảy ra, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc phòng - an ninh trên biển, đảo.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo
Cần có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo; có chính sách đặc thù khuyến khích dân ra các đảo, tăng cường xóa đói nghèo cho nhân dân trên các đảo xa bờ để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, đảo, phát triển du lịch kết hợp với triển khai các dịch vụ công ích và thiết lập quan hệ sản xuất kinh doanh giữa biển, đảo với các địa bàn khác trên bờ và trong nội địa. Mặt khác, ở mức độ phù hợp cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, hình thành những dự án phát triển kinh tế liên hoàn, tăng cường trao đổi, xuất khẩu, tạo thế đan xen lợi ích vừa phục vụ cho phát triển kinh tế vừa có lợi cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp xã đảo Thổ Châu thành huyện đảo, xây dựng đảo Phú Quốc mạnh về kinh tế, du lịch, vững về quốc phòng - an ninh, trở thành pháo đài bất khả xâm phạm trong chiến lược bảo vệ biển, đảo. Đầu tư xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ven biển, trên đảo; xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá như cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền và nuôi trồng thủy hải sản, các kết cấu hạ tầng du lịch sinh thái biển.
Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn trên biển để phát triển bền vững kinh tế, quốc phòng trên biển, đảo trong tình hình mới
Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường; thiên tai xảy ra trên biển sẽ nhiều hơn, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn phức tạp hơn. Thực tế đó đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển chuyên nghiệp và kiêm nhiệm, trong khi các trạm tìm kiếm cứu nạn ngoài biển đảo xa như Thổ Chu, Phú Quốc trong điều kiện gió bão lớn dễ bị cô lập, mất khả năng ứng cứu. Do vậy, phải tuyên truyền giáo dục, giúp ngư dân nâng cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng hoạt động thường xuyên trên biển, nâng cao khả năng ứng cứu tại chỗ cho các tổ chức, đơn vị, hải đoàn, hải đội, đội tàu. Đầu tư trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển cho lực lượng chuyên nghiệp, hải quân, cảnh sát biển, biên phòng…
Khuyến khích tập đoàn nghề cá trang bị một số phương tiện trục vớt, lai dắt, cứu kéo cho các đội tàu đánh bắt xa bờ. Kết hợp chặt chẽ các lực lượng, các công ty làm kinh tế trên biển tham gia cứu hộ cứu nạn. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực tham gia tìm kiếm cứu nạn, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, khắc phục sự cố môi trường trên biển…làm giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra, vừa hình thành được lực lượng thường xuyên bám biển, tạo thành vành đai phòng thủ từ xa có hiệu quả.
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế.
Tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như với các tổ chức quốc tế về các vấn đề có liên quan đến biển, đảo trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế; cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Tăng cường hợp tác trong các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, chống khủng bố, chống cướp biển, bảo đảm an ninh trên biển và bảo vệ môi trường biển. Nghiên cứu hình thức đấu tranh quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo phù hợp với từng giai đoạn, từng đối tượng, tránh để xuất hiện những điểm nóng trên biển, đảo.
*
* *
Vùng biển, đảo Tây Nam có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng - an ninh và tiềm năng kinh tế biển. Vùng này có nhiều đảo rất có giá trị về quân sự, quốc phòng và an ninh, là chỗ dựa để vươn ra khai thác tiềm năng kinh tế biển, do đó cần được sự quan tâm đầu tư thích đáng của Trung ương cũng như nỗ lực của Quân khu và các địa phương ven biển để phát triển bền vững kinh tế, quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc trong tình hình mới./.
Mỗi đại biểu cần phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (20/05/2016)
Học thuyết Mác - Lê-nin về mâu thuẫn và sự vận dụng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay  (20/05/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin  (20/05/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nga  (19/05/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên