TCCSĐT - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại lễ tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ Luật học cho các học viên, nghiên cứu sinh của tỉnh Vĩnh Long khóa I và các khóa của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 19-5-2016.

Tại buổi Lễ, cùng với việc đánh giá chất lượng đào tạo và học tập của các học viên, GS, TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Trường 60 chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ cho các tỉnh Tây Nam bộ. Còn đối với tỉnh Vĩnh Long từ năm 2013 đến nay có 123 cán bộ trong diện quy hoạch của các sở, ban, ngành, các cơ quan trong tỉnh đã và đang tham gia học tập tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, riêng đợt này có 51 học viên là cán bộ của tỉnh đã kết thúc thành công các chương trình đào tạo thạc sĩ. GS, TS. Mai Hồng Quỳ tin rằng, nguồn nhân lực này sẽ góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề cấp bách đặt ra là phải đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có đầy đủ các tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, đặc biệt khả năng nắm chắc và thực thi pháp luật. Trong khi đó, vấn đề chuẩn hóa trình độ pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Pháp luật là một trong những yếu tố quyết định trong việc xây dựng nền tảng đạo đức và chuyên môn cho cán bộ, công chức; pháp luật quy định những chuẩn mực đạo đức, những việc cán bộ, công chức không được làm; mặt khác, pháp luật quy định các điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, các tiêu chí để tuyển dụng công chức và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Bởi vậy, đào tạo kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức là không thể thiếu. Việc nắm bắt được kiến thức, tư duy pháp lý sẽ là cơ sở để vận dụng một cách linh hoạt lý luận vào thực tiễn, giải quyết hiệu quả những tình huống nảy sinh trong thực tế. Đây là kỹ năng cần phải có được ở mỗi cán bộ trong cuộc cải cách hành chính.

Phó Chủ tịch nước chia sẻ, là tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Công, trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long đã có nhiều bước phát triển đột phá trong những năm gần đây nhờ tận dụng tốt các lợi thế. Trong đó, đáng chú ý là từ rất sớm Vĩnh Long đã quan tâm đến công tác đào tạo thế hệ lãnh đạo kế thừa; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, lúc còn là Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long, cá nhân tôi đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đào tạo cao học, cao cấp chính trị - hành chính và các chương trình đào tạo khác dành cho các cán bộ trong diện quy hoạch vào các chức danh chủ chốt của tỉnh.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, Chương trình đào tạo nằm trong quy hoạch cán bộ, lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị, khóa IX. Chính vì vậy, đồng chí tin tưởng rằng, những cán bộ, công chức sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo sau đại học thực sự là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, vận dụng tốt những giá trị tri thức đã thu nhận, tích lũy được trong quá trình học tập để ứng dụng vào công tác thực tiễn của địa phương; nỗ lực phấn đầu trở thành những cán bộ tận tâm, có đức, có tài, tận tụy với nhân dân.

Cũng tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước đã giao cho Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thiết kế các chương trình đào tạo cao học luật phù hợp với môi trường công tác của các cán bộ tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh, thành thuộc khu vực Tây Nam bộ nói chung để nơi đây có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực có kiến thức pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế./.