Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ
TCCS - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Thụy Sĩ theo lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin từ ngày 25-11 đến ngày 29-11-2021.
* Ngày 26-11-2021, ngay sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thị tại Phủ Tổng thống Lohn Manor, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân phúc hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin; Hội kiến Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sĩ Andreas Aebi; cùng Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sĩ.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Thụy Sĩ tươi đẹp và mến khách, trân trọng cảm ơn Tổng thống Guy Parmelin và Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã dành cho đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp chu đáo và trọng thị. Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay.
Hai bên vui mừng nhận thấy trong suốt chiều dài một nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển và khoa học - công nghệ… Hai bên nhất trí nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), mà Thụy Sĩ là nước dẫn đầu, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phát triển mạnh mẽ. Hai nước coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung thúc đẩy theo hướng linh hoạt, cân bằng lợi ích, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp hai nước yên tâm hợp tác lâu dài, trong đó có bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, cơ chế hợp tác Á - Âu... Việt Nam nhất trí ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Thụy Sĩ tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Về vấn đề Biển Đông, Thụy Sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, dựa trên đối thoại minh bạch và xây dựng lòng tin.
Hội kiến Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Liên bang Thụy Sỹ Andreas Aebi, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ được xây dựng từ những năm tháng chiến tranh gian khó và được vun đắp bởi nhân dân hai nước suốt 50 năm qua. Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn Thụy Sĩ đã dành cho Việt Nam nguồn ODA quý báu, hỗ trợ Việt Nam thực hiện hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đạt được trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và trong tháng 8-2021 đã tặng Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế thiết thực và kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Andreas Aebi bày tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Quốc hội hai nước, ủng hộ tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt sớm hoàn tất Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA, trong đó có Thuỵ Sĩ, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Chủ tịch Aebi đánh giá cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hội nhập thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội và đa dạng văn hóa của Thụy Sĩ...
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời hỏi thăm và lời mời Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ sang thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Sĩ, Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư vào Việt Nam. Ông cho biết, mức độ quan tâm cũng như cam kết của các doanh nghiệp Thụy Sĩ và đại diện của khu vực tư nhân có mặt hôm nay cho thấy Việt Nam là một ưu tiên của Thụy Sĩ trong hợp tác phát triển kinh tế…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với các nhà đầu tư Thụy Sĩ về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đã chuyển từ chỉ đơn thuần thu hút vốn FDI sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi, có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Việt Nam chọn lọc và ưu tiên thu hút những dự án thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Việt Nam cam kết hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam...
* Trong ngày 27-11-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thị trưởng thành phố Bern và lãnh đạo một số tập đoàn của Thụy Sĩ; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Tại buổi tiếp ông Alec Von Graffenried, Thị trưởng thành phố Bern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền thành phố Bern nghiên cứu hợp tác với 12 địa phương của Việt Nam có di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, nhất là trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như quảng bá các di sản này ở Thụy Sĩ để có thêm nhiều người dân nước này và châu Âu du lịch đến Việt Nam và đề nghị hai thành phố Bern và Hà Nội tăng cường hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quản lý đô thị.
Thị trưởng Alec Von Graffenried nhấn mạnh, Bern là một thành phố nhỏ trong một nước có diện tích nhỏ ở châu Âu, nhưng lại có một trái tim lớn dành cho Việt Nam. Chính vì thế, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục cùng với chính quyền thành phố Hà Nội tăng cường mối quan hệ hợp tác đã có từ nhiều năm nay. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Thụy Sĩ và Việt Nam lại có cơ hội bồi đắp cho mối quan hệ này.
Tại buổi gặp gỡ thân mật đại diện các hội đoàn, tổ chức hữu nghị và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nhiều bang trên đất nước Thụy Sĩ, báo cáo với Chủ tịch nước, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hội tụ nhiều nhà khoa học, doanh nhân và trí thức có uy tín làm việc trong các ngành và lĩnh vực khoa học - công nghệ mũi nhọn, như vật lý, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối… Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ rất gắn bó, đoàn kết và luôn hướng về quê hương, đất nước, sống hữu nghị, chan hòa với nhân dân nước bạn.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng chứng kiến sự phát triển của bà con Việt kiều Việt Nam tại Thụy Sĩ trong công việc, đời sống và tuân thủ nghiêm pháp luật của nước sở tại. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao vai trò và những hoạt động tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, góp phần duy trì, củng cố đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng những người Việt xa quê hương, để cùng ổn định, phát triển trên đất nước Thụy Sĩ. Chủ tịch nước mong muốn bà con tiếp tục phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, hướng về quê hương, đóng góp cho nhân dân trong nước để cùng chung tay sớm vượt qua đại dịch. Cùng với đó là tăng cường đoàn kết; duy trì giáo dục truyền thống và văn hóa cội nguồn cho thế hệ trẻ, nhất là việc học tiếng Việt.
* Trong ngày 28-11-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, gặp Tổng Giám đốc Văn phòng Tatiana Valoya; gặp Thống đốc bang Geneva, Serge Dal Busco; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva; tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bà Ngozi Okonjo-Iweal; Tiếp Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghệ cao  (23/11/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và khai giảng năm học 2021 - 2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam  (21/11/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội  (19/11/2021)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay