TCCS - Theo một số tài liệu, hình thức "thái ấp" đã có ở Việt Nam từ thời nhà Trần với phương thức hoạt động như là một trang trại. Ngày nay, trên thế giới, trang trại (theo tiếng Anh là Farm) là hình thức sản xuất kinh doanh phổ biến dựa trên cơ sở đơn vị hộ gia đình, có thuê lao động, tạo ra lượng hàng hóa tương đối lớn so với các hộ riêng lẻ, do đó hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thường cao hơn.

Trang trại ở Việt Nam được định hình rõ nét nhất từ khi hộ nông dân được công nhận là một đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cùng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn khác qua các thời kỳ.

Sau gần 25 năm đổi mới, bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cũng phải thừa nhận nông nghiệp nước ta đang bị hạn chế bởi tình trạng manh mún về quy mô trong sản xuất, mà nguyên nhân chính là người đông, đất đai hạn chế. Nhiều địa phương ở những vùng đồng bằng Bắc Bộ, bình quân nhân khẩu chỉ có chưa đầy 1 sào (360m2). Sự manh mún đó đang cản trở các hộ gia đình nông dân trong việc nâng cao năng suất lao động, tăng tỷ trọng hàng hóa... và do đó tích lũy sản xuất chậm. Chưa nói, không ít trường hợp chỉ loay hoay chung quanh người thoát nghèo và tái nghèo.

Bởi vậy, con đường tiến lên sản xuất hàng hóa lớn khó có thể thành hiện thực nếu không thực hiện được:

- Thâm canh cao bằng cách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trên cơ sở những cây trồng hay vật nuôi có giá trị kinh tế lớn nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích;

- Công nghiệp và dịch vụ phải phát triển mạnh hơn nữa, đủ để tạo ra nhiều việc làm, tạo bước chuyển dịch lao động lớn ra khỏi nông nghiệp;

- Đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, quy hoạch sản xuất hợp lý trên cơ sở giảm thiểu các chi phí sản xuất, tăng cường tính tập trung trong sản xuất, tăng năng suất lao động và tỷ suất hàng hóa trên một đơn vị diện tích.

Nội dung thứ ba đã có sự trải nghiệm của hình thức trang trại. Sự phát triển mạnh của kinh tế trang trại những năm đổi mới đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nó trong việc giải quyết những bế tắc mà bản thân kinh tế hộ gia đình trước đây chưa làm được. Cụ thể là: tích tụ ruộng đất; tích lũy vốn; áp dụng nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; khả năng tạo ra lượng hàng hóa lớn; khả năng thực hiện các chuẩn mực về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng; khả năng tạo ra sự liên kết hợp tác giữa các "nhà" theo chủ trương của Chính phủ, thu hút vốn nhàn rỗi của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; chủ động tiếp thị, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm...

Thấy được tầm quan trọng đó của mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn nước ta, Chính phủ đã có Nghị quyết số 03/2000/ NQ-CP, ngày 02-02-2000, về kinh tế trang trại, tạo điều kiện để các hộ làm kinh tế trang trại tiếp cận được các nguồn vốn, khoa học và công nghệ thuận lợi. Cụ thể năm 2008, Chính phủ cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam dành khoảng 4.000 tỉ đồng để Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam tín chấp cho các hộ vùng II, III vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế theo hướng trang trại (mỗi hộ được vay không quá 100 triệu đồng). Nguồn vốn này mỗi năm sẽ được tăng thêm, nên đây là cơ hội để các địa phương có thêm nguồn vốn cho phát triển kinh tế.

Liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thống kê, đã quy định thống nhất về tiêu chí trang trại để thuận lợi trong việc thống kê, đánh giá thực trạng và xây dựng chính sách đối với phát triển kinh tế trang trại ở nước ta. Những tiêu chí đưa ra (xem bảng) dù còn những hạn chế, có chỗ chưa thật sự phù hợp với từng địa phương, nhưng tiêu chí ra đời là một bước ngoặt quan trọng, làm cho cả trang trại lẫn các ngân hàng, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng có căn cứ để thực hiện các chính sách hỗ trợ cần thiết cho phát triển. Theo tiêu chí này, đến năm 2008, cả nước có khoảng 11 vạn trang trại.

Qua thực tế nhiều địa phương có thể thấy, kinh tế trang trại là bước phát triển căn bản của kinh tế hộ. Điều đó có nghĩa là mỗi khi kinh tế hộ vươn lên thực hiện mô hình kinh tế hộ trang trại sẽ chuyển được từ sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa (đòi hỏi phải hạch toán đầy đủ "đầu vào", "đầu ra", tiếp cận với phương thức sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, không còn cảnh "lấy công làm lãi" như trước đây) với quy mô lớn hơn, gắn với nhu cầu thị trường.

Chẳng hạn, qua quá trình phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Hòa Bình, cho thấy, trong tổng số khoảng 30.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có tới 521 hộ có trang trại, thu hút hàng nghìn lao động trong vùng, góp phần nâng cao đời sống, tăng vốn rừng, cải thiện môi trường sinh thái nhiều vùng. Trang trại đã chứng tỏ rõ là hình thức đòn bẩy để phát triển kinh tế hộ theo hướng bền vững. Riêng huyện Lạc Thủy, mỗi trang trại đã tạo thu nhập khoảng 105 triệu đồng/năm.

Trong số các hộ trang trại của tỉnh Hòa Bình, có 215 trang trại đủ tiêu chuẩn (xem bảng) là kinh tế trang trại được cấp Giấy chứng nhận.

Nhận thức được tác dụng to lớn của hình thức trang trại hộ gia đình đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình, từ năm 1993, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 03 "Về tiếp tục đổi mới và phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới", trong đó đề cập sâu tới việc phát triển mạnh kinh tế trang trại. Chỉ sau đó 5 năm, tỉnh Yên Bái đã có 7.252 trang trại; trong đó 99% là trang trại gia đình, 80% đất trang trại là đất lâm nghiệp, 89% chủ trang trại là nông dân. Bình quân diện tích khoảng 3,1 ha/trang trại và sử dụng gần 3 lao động.

Đến năm 2010, kinh tế trang trại Yên Bái tiếp tục được chú trọng và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Toàn tỉnh đã hình thành trên 1.000 trang trại, trong đó có 409 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê, thu hút trên 3.000 lao động.

Từ thực tế phát triển kinh tế trang trại, đến nay đã có thể rút ra một số vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, khẳng định trang trại gia đình là hình thức phù hợp và cần được tiếp tục khuyến khích phát triển, coi đây là hướng đi lên cơ bản của kinh tế hộ nông dân hiện nay bảo đảm sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, hệ thống các tiêu chí để xác định trang trại cần được định kỳ cập nhật và điều chỉnh, nhất là về giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ, vì từ ngày được ban hành đến nay đã tròn 10 năm.

Bảng : Tiêu chí xác định trang trại theo Thông tư liên bộ số 69/2000/TTLB/BNN-TCTK

Các tỉnh phía Bắc và Duyên hải miền Trung

Các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên

A. Quy mô về giá trị sản xuất

Giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân một năm

Từ 40 triệu đồng trở lên

Từ 50 triệu đồng trở lên

B. Quy mô sản xuất

1. Trang trại trồng cây hàng năm

Từ 2 ha trở lên

Từ 3 ha trở lên

2. Trang trại trồng cây lâu năm

Từ 3 ha trở lên

Từ 5 ha trở lên

3. Trang trại trồng hồ tiêu

Từ 3,5 ha trở lên

4. Trang trại lâm nghiệp

Từ 10 ha trở lên

5. Trang trại chăn nuôi đại gia súc: trâu, bò...

- Chăn nuôi sinh sản, lấy sữa

Có thường xuyên từ 10 con trở lên

- Chăn nuôi lấy thịt

Có thường xuyên từ 50 con trở lên

6. Chăn nuôi gia súc: lợn, dê

- Chăn nuôi sinh sản

Đối với lợn có từ 20 con trở lên

Đối với dê, cừu có từ 100 con trở lên

- Chăn nuôi thịt

Đối với lợn thịt có từ 100 con trở lên (không kể lợn sữa)

Đối với dê thịt có từ 200 con trở lên

7. Chăn nuôi gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng

Có thường xuyên từ 2.000 con trở lên (không tính số đầu con dưới 7 ngày tuổi)

8. Trang trại nuôi, trồng thủy sản

Diện tích mặt nước có từ 2 ha trở lên

Nuôi tôm thịt theo kiểu công nghiệp có từ 1 ha trở lên

9. Đối với các loại sản phẩm nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có tính chất đặc thù, như: trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, nuôi ong, giống thủy sản và thủy đặc sản

Tiêu chí xác định trang trại là sản lượng hàng hóa (tiêu chí A)

Thứ ba, tiêu chí xác định trang trại là chỗ dựa quan trọng để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển, nhất là vay vốn, tiếp cận khoa học - công nghệ và nhiều chính sách kích cầu đầu tư, hỗ trợ phát triển khác.

Thứ tư, các địa phương nên định kỳ điều tra đánh giá để xác định hộ trang trại, trên cơ sở đó mà tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý và thủ tục cho các trang trại đủ tiêu chuẩn tiếp cận các nguồn vốn vay.

Thứ năm, Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về tích tụ ruộng đất cho đồng bộ với thực thi đánh giá trang trại theo các tiêu chí về đất đai, có phân biệt rõ hoàn cảnh cụ thể của các vùng, miền, nhất là đất đai vùng cao, vùng xa.

Thứ sáu, gắn việc phát triển kinh tế trang trại với xây dựng quan hệ sản xuất trong nông thôn, nhất là các hình thức hợp tác nhiều hộ cùng làm một trang trại hay hình thức hợp tác nhiều trang trại với nhau để cùng làm, cùng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng tính tổ chức, và nguồn hàng tập trung với tiêu chuẩn thống nhất.

Trong những năm tới, cùng với quá trình phát triển chung của cả nước, hy vọng hình thức kinh tế trang trại sẽ ngày càng phát triển, làm cho kinh tế nông thôn sẽ nhanh chóng được cải thiện nhờ nguồn thu nhập từ lao động trong các trang trại, góp phần giúp nông dân vươn lên làm giàu, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam theo hướng hiện đại./.