Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk dựa vào dân để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, làm tròn nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới

Đào Viết Hùng
Tỉnh ủy viên, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk
07:12, ngày 18-02-2022

TCCS - Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm của địa bàn chiến lược Tây Nguyên, có đường biên giới dài hơn 73km tiếp giáp với Campuchia, là địa bàn có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, bám trụ nơi tuyến đầu biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Xây dựng “thế trận lòng dân” là quan điểm xuyên suốt trong đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” tiếp tục khẳng định “xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia”. Đó chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam được hun đúc, kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử. 

Gần dân, sát dân, lo cuộc sống cho dân

Khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 4 xã thuộc 2 huyện biên giới gồm, xã Ia R’vê, Ia Lốp, Ea Bung (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), với 6.469 hộ, 22.920 người và địa bàn có 26 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trong đó có các huyện, xã biên giới của tỉnh.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk gói bánh chưng tặng nhân dân xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn_Ảnh: TTXVN

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là “dựa vào dân, lấy dân là gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Vì vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại, tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển với nước bạn Campuchia.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh thực hiện phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, từ đó kiên trì thực hiện “ba bám” là “bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách”; “bốn cùng” là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”. Cùng với đó là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, chương trình tiêu biểu, như “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Con nuôi đồn biên phòng”..., đã đem lại kết quả tích cực, thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã biên giới. Cùng với hình ảnh “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Thầy giáo quân hàm xanh” quen thuộc, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã tích cực giúp dân trong phòng, chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19... Những hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp luôn in đậm trong tâm trí nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới.

Trong thời gian qua, từ thực tiễn yêu cầu xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các xã và huyện biên giới, nhất là ở các chi bộ thôn, buôn, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã chủ động ký kết quy chế phối hợp với Huyện ủy Buôn Đôn và Huyện ủy Ea Súp nhằm phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện trên khu vực biên giới. Các đồn biên phòng đều có quy chế phối hợp với đảng ủy các xã biên giới. Cùng với đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Quyết định số 741-QĐ/TU, ngày 21-3-2013, “Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn, buôn các xã biên giới”, theo đó, chỉ đạo các đồn biên phòng giới thiệu, giao nhiệm vụ cho những cán bộ, đảng viên làm công tác địa bàn có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín để giới thiệu về tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, buôn. Đến nay, đã phân công 4 cán bộ tăng cường cho 4 xã biên giới, trong đó có 3/4 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư đảng ủy xã; 53 đồng chí đảng viên được giới thiệu tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, buôn khu vực biên giới; phân công 72 cán bộ, đảng viên đồn biên phòng phụ trách 331 hộ gia đình tại 4 xã biên giới. Trong quá trình công tác, sinh hoạt, các đồng chí có nhiều sáng kiến, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, các chi ủy, chi bộ, ban tự quản thôn, buôn xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Chủ động nắm chắc tình hình và giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, phức tạp nảy sinh trong nhân dân để có biện pháp tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chủ động làm tốt công tác tuyên truyền; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các vụ, việc mới nảy sinh ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ. Hiện nay, trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh có 51 thôn, buôn, 23 tập thể, 421 hộ gia đình, 3.290 cá nhân đã tự nguyện cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn; 14 tập thể, 350 hộ gia đình, 1.350 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc.

Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể, tổ chức quần chúng. Trước đây, một số xã có tình trạng “trắng” hoặc “thiếu” đoàn thể, tổ chức quần chúng, đến nay đã xây dựng, củng cố đầy đủ các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Các đoàn thể, tổ chức quần chúng hoạt động tốt, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Các đồn biên phòng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa với các đoàn thể, tổ chức quần chúng ở khu vực biên giới. Xây dựng được nhiều phong trào, mô hình hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, như phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới”; các mô hình “Cán bộ, đoàn viên, thanh niên không vi phạm pháp luật”, “Thôn, buôn không có người vượt biên trái phép”, “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Kết nghĩa cụm dân cư biên giới”,... Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tham mưu, bồi dưỡng, đề xuất đào tạo và bố trí những cán bộ, chiến sĩ có đủ năng lực, phẩm chất vào các vị trí phù hợp trong cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ các thôn, buôn. Đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu, lựa chọn, bồi dưỡng được 201 cán bộ cấp xã, thôn, buôn đi đào tạo và  bố trí sử dụng. Tham mưu bố trí gần 34% cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị tại 4 xã biên giới. Riêng xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm trên 55%. Trên cương vị công tác được giao, các đồng chí luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk dạy chữ cho đồng bào tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk_Ảnh: TTXVN

Trong nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tiến hành khảo sát, lập kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều dự án mang tính chiến lược, hiệu quả lâu dài. Trong đó, làm chủ đầu tư dự án giãn tách và đưa dân ra lập nghiệp sát biên giới; xây dựng đập nước, làm đường giãn dân khu vực biên giới; nhân rộng nhiều mô hình, việc làm giúp dân, như mô hình chăn nuôi nhím, bò, vịt trời, kỳ nhông; mô hình trồng gừng và ớt trong bao, xoài lai trái vụ, đu đủ Thái Lan, trồng bí cao sản, cây khoai sọ, thanh long ruột đỏ,... Đặc biệt, mô hình trồng cây lúa nước đem lại hiệu quả năng suất cao, người dân sản xuất 2 vụ trên cánh đồng 30ha tại buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn thay vì chỉ sản xuất 1 vụ như trước đây. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng phối hợp xây dựng hệ thống kênh - mương nội đồng, đắp bờ vùng, bờ thửa, khai hoang, mở rộng diện tích đồng ruộng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk phối hợp xây dựng tặng 64 ngôi nhà tình nghĩa trong Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” cho các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Xây dựng, bàn giao 5 ngôi nhà và tặng 10 sổ tiết kiệm cho người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa trên địa bàn khu vực biên giới. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí xây dựng được 102 ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, trị giá gần 4,6 tỷ đồng. Xây dựng 24 công trình dân sinh trên địa bàn, gồm 19 giếng khoan, 3 phòng học, 2 phòng khám quân - dân y kết hợp, trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Phối hợp thực hiện Chương trình “Doanh nhân đồng hành cùng mái ấm nơi biên giới” xây dựng 30 ngôi nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, trị giá 1,8 tỷ đồng, 3 ngôi nhà “Đồng đội”, trị giá 210 triệu đồng. Trao tặng 83 con bò giống sinh sản cho 83 hộ nghèo các xã biên giới, trị giá 750 triệu đồng; sửa sang, làm mới được gần 60km đường giao thông liên thôn, buôn; huy động được hơn 6.000 ngày công lao động giúp dân thu hoạch mùa, sửa sang, củng cố nhà cửa, vệ sinh môi trường.

Trong công tác giáo dục, y tế, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chương trình thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế trên địa bàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Lắk về đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng tại khu vực biên giới. Hai bên vận động, tổ chức mở được 7 lớp xóa mù chữ cho 225 học viên trên địa bàn, giúp cho người dân biết được mặt chữ, biết đọc, biết viết, thay đổi quá trình nhận thức, tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động cán bộ, chiến sĩ biên phòng tự nguyện đóng góp, hỗ trợ 42 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 4 xã biên giới, trong đó có 21 em là người dân tộc thiểu số, hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng. Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận nuôi 4 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động được 156 em học sinh bỏ học trở lại trường; vận động nhân dân ra học tại trung tâm học tập cộng đồng được 107 lớp, với khoảng 9.500 lượt người tham gia. Tuyên truyền, vận động hàng trăm em học sinh trong độ tuổi đến trường, tặng sách vở, dụng cụ học tập cho các em học sinh trị giá 136,7 triệu đồng và tặng 102 xe đạp cho học sinh nghèo, trị giá hơn 31 triệu đồng,...

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Y tế và Sở Nội vụ tỉnh tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban quân - dân y kết hợp, ban hành quy chế hoạt động phối hợp quân - dân y của tỉnh tại khu vực biên giới. Hằng năm, phối hợp tổ chức các đoàn tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, y tế cộng đồng, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Những năm qua, quân y các đồn biên phòng và quân y tại các phòng khám quân - dân y kết hợp đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 17.000 lượt người dân trên địa bàn, cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tổ chức các đợt tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho nhân dân các xã biên giới. Tiêm chủng vắc xin sởi, tiêm chủng mở rộng cho trẻ em theo độ tuổi và phụ nữ có thai. Tổ chức phun thuốc diệt muỗi, tẩm màn. Tuyên truyền, vận động nhân dân ăn, ở hợp vệ sinh; tích cực, chủ động triển khai tốt các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh bạch hầu. Tổ chức 8 chốt cố định, 1.270 tổ tuần tra kiểm soát lưu động với hơn 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; tổ chức tuyên truyền đến từng người dân ở khu vực biên giới, từ đó nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tuyên truyền cho bà con nhân dân khu vực biên giới về các biện pháp phòng, chống địch bệnh COVID-19_Ảnh: TTXVN

Những hạn chế, khó khăn

Tuy đạt nhiều kết quả trong nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” và giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, nhưng trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế sau:

Một là, hệ thống chính trị ở cơ sở các xã biên giới mặc dù đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, song năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của một số chính quyền địa phương có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hiệu quả hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội chưa cao. Đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hai là, hệ thống đường giao thông trên khu vực biên giới tuy đã được đầu tư xây dựng, nhưng do địa hình sông, suối nhiều, hệ thống cầu cống chưa được xây dựng kiên cố, do đó, thường bị chia cắt vào mùa mưa, khó khăn rất lớn trong nhiệm vụ cơ động lực lượng chi viện khi cần thiết.

Ba là, địa bàn khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có vườn quốc gia Yok Đôn với diện tích khá lớn. Đây là khu vực không thể bố trí dân cư, khá khó khăn trong việc bố trí, tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới. Mặt khác, tình hình dân di cư tự do trên địa bàn biên giới của tỉnh trong thời gian qua từ các tỉnh phía Bắc vào khá đông và phức tạp, kéo theo một số tệ nạn xã hội. Tình hình hoạt động của một số đối tượng lợi dụng tôn giáo cũng diễn biến phức tạp.

Bốn là, trên địa bàn Tây Nguyên và tỉnh Đắk Lắk, an ninh chính trị vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, khó lường. Tổ chức phản động Fulro lưu vong ở nước ngoài được sự nuôi dưỡng, tiếp tay của các thế lực thù địch vẫn tăng cường chỉ đạo, câu kết với các đối tượng phản động ở trong nước để tuyên truyền, mua chuộc, móc nối, lôi kéo xây dựng cơ sở, kích động đồng bào dân tộc thiểu số nhằm biểu tình, bạo loạn chính trị và khi có thời cơ vượt biên qua Campuchia để đi nước thứ ba, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia...

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia hiện nay đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trên khu vực biên giới. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cần triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-10-2017, của Bộ Chính trị, về “Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền, kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Kết hợp chặt chẽ chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới. Đây là nhân tố có tính chất quyết định trong việc xây dựng “thế trận lòng dân”.

Thứ hai, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới. Làm cho mỗi người dân nhận thức đúng quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nâng cao cảnh giác cách mạng, tỉnh táo trước các thủ đoạn chống phá của kẻ xấu, tự giác tham gia cùng Bộ đội Biên phòng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thứ ba, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về  việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Phát huy hiệu quả vai trò của Bộ đội Biên phòng tăng cường cho các xã biên giới; đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở chi bộ các thôn, buôn; đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ dân trong địa bàn khu vực biên giới.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh tham mưu xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân ở khu vực biên giới. Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm phát hiện, khen thưởng các điển hình tiên tiến về xây dựng “thế trận lòng dân” và nhân rộng trong toàn xã hội. 

Thứ năm, đổi mới toàn diện, đồng bộ các mặt công tác biên phòng; thường xuyên và chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đấu tranh khôn khéo, kiên quyết và có hiệu quả đối với tội phạm và các đối tượng vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn an ninh khu vực biên giới. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng nhằm tăng cường đoàn kết quân dân ở khu vực biên giới trong tình hình mới./.