Cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua được đánh giá là "tồi tệ nhất" kể từ sau Đại suy thoái (1929 - 1930), đã gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc tế đều nhận định: năm 2008, kinh tế thế giới suy giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể ở hầu hết các nền kinh tế, không chỉ ở Mỹ, Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung châu Âu mà còn cả ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế đang nổi lên khác.

Khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động đến nền kinh tế thế giới qua các kênh thương mại, đầu tư nước ngoài. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) chỉ rõ: khủng hoảng tài chính thế giới khiến cho "làn sóng sáp nhập công ty" chững lại. Điều này đã dẫn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới năm 2008 suy giảm, đạt 1.600 tỉ USD, giảm 10% so với mức 1.833 tỉ USD năm 2007. Trong khi đó, hoạt động của thương mại thế giới cũng giảm mạnh. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh giá: thương mại thế giới tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, chỉ đạt 4,5% trong năm 2008 (giảm 1% so với mức tăng 5,5% năm 2007). Tiến trình vòng đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại toàn cầu vẫn đang lâm vào bế tắc do bất đồng về vấn đề nông nghiệp. Do vậy, nguyện vọng đưa vòng đàm phán Đô-ha được WTO khởi xướng từ năm 2001 đi đến thành công nhằm tiếp thêm sức sống mới cho tình hình kinh tế thế giới ảm đạm hiện nay không chỉ trở thành "bong bóng xà phòng", mà còn làm phương hại tới niềm tin về một thể chế mậu dịch đa phương. Tổng giám đốc WTO, Pa-xcan La-mi thừa nhận thất bại này là "đòn phủ nặng nề" đối với vòng đàm phán Đô-ha kéo dài suốt 7 năm nay. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm làm cho bức tranh kinh tế thế giới càng thêm ảm đạm.

Kinh tế các nước công nghiệp phát triển

Theo OECD, tăng trưởng kinh tế đang chậm dần ở 30 nền kinh tế công nghiệp phát triển thuộc OECD và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Tốc độ tăng trưởng GDP của nhóm nước này chỉ đạt 1,5% năm 2008 - mức thấp nhất trong vòng 7năm qua. Trong đó, kinh tế Mỹ - đầu tầu của nền kinh tế thế giới, chỉ đạt mức GDP là 1,4% (thấp hơn 0,6% so với mức tăng 2% năm 2007). Chuyên gia kinh tế Mỹ Rô-bớt Ma-xi-tốt, thuộc Viện quản lý I-tơn Van-xơ (Bô-xtơn) nhận định: có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang rơi vào "hố sâu" suy thoái. Trong một động thái được đánh giá là bước ngoặt lịch sử, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất cơ bản lần thứ tám xuống còn từ 0% đến 0,25%, mức lãi suất thấp kỷ lục trong vòng hơn 50 năm qua, nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái tồi tệ nhất của nền kinh tế nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước những viễn cảnh tồi tệ do tình trạng phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ, vào thị trường tiền tệ, chứng khoán toàn cầu cũng như giá dầu. Chính phủ Nhật Bản nhận định giai đoạn phục hồi kinh tế lâu nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai dường như chấm dứt. Nền kinh tế hiện đang trong tình trạng yếu kém và cụm từ phục hồi lần đầu tiên trong gần 5 năm qua không còn được nhắc đến. Hai động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Nhật Bản là xuất khẩu và đầu tư kinh doanh không còn phát huy được hiệu quả. Vào quý II/2008, kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong 7 năm qua. IMF đã phải hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này từ 1,5% xuống còn 0,5% năm 2008 (con số của OECD là 0,3%). Nhiều nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Ma-sa-ki Si-ra-ka-oa, nền kinh tế Nhật Bản đang hoạt động "uể oải". BOJ cùng các ngân hàng trung ương khác "chung lưng" đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu thông qua các hành động cụ thể, như: cung cấp tín dụng rẻ hơn, hạ lãi suất cơ bản. Nhật Bản đã quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 3-2001 - thời điểm BOJ áp dụng chính sách "vô tiền khoáng hậu" - với mức là 0,1% nhằm kéo nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng thiểu phát.

"Cuộc khủng hoảng tài chính bất thường" đã giáng đòn mạnh lên châu Âu, đẩy nhiều nước rơi vào tình trạng gần kề suy thoái. Tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, với tốc độ tăng GDP đạt 1,4%. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng ơ-rô chỉ đạt 1,2% (giảm 1,3% so với tốc độ tăng 2,6% năm 2007). Anh là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất do cùng lúc chịu tác động của khủng hoảng tín dụng, thị trường nhà đất và thị trường tài chính. Tăng trưởng của nền kinh tế này chỉ đạt 0,8% năm 2008. Bên cạnh đó, kinh tế I-ta-li-a tăng trưởng âm 0,2% so với mức tăng 1,5% năm 2007.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một loạt ngân hàng trung ương khác của các nước châu Âu đã quyết định hạ lãi suất cơ bản, cụ thể là: ECB cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức cao nhất trong vòng 7 năm qua là 4,25% xuống còn 2,5%- một cố gắng nới lỏng tín dụng mạnh dạn nhất của ECB. Ngân hàng Trung ương Anh cắt giảm mức lãi suất cho vay chủ chốt xuống còn 2%. Đây là mức cắt giảm lãi suất lớn nhất kể từ năm 1981 và đặt mức lãi suất cho vay cơ bản xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một nửa thế kỷqua.

Các nền kinh tế đang phát triển

Mặc dù cũng phải chịu tác động của sự bất ổn trên thị trường tài chính, thị trường dầu mỏ và lương thực toàn cầu khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, song đa số các nền kinh tế ngoài OECD này vẫn tiếp tục thành công, thậm chí có nhận định lạc quan rằng, một vài nước có thể trở thành những đầu tầu kinh tế mới của thế giới. Theo thống kê của IMF, tăng trưởng GDP trung bình của các nền kinh tế đang phát triển đạt 6,6% năm 2008 và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á vẫn là mảng sáng nhất của kinh tế thế giới. Tăng trưởng GDP của châu Á năm 2008 đạt 8,3%, thấp hơn 1,2% so với mức tăng gần 9,5% năm 2007 (con số của Ngân hàng Phát triển châu Á là 6,9%). Hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm tới hơn 55% GDP của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á) được nhìn nhận là chỗ dựa lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu. Năm 2008, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 9,7%. Khủng hoảng tài chính đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác của quốc gia này như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng, xuất khẩu... Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cảnh báo: cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tác động đến nền kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng hơn dự tính. IMF cho rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại do xuất khẩu giảm, nhưng đà tăng trưởng tiếp tục được hỗ trợ bởi tiêu dùng cá nhân vững.

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đạt 7,8% năm 2008, thấp hơn 0,7% so với mức tăng 8,5% năm2007. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao G20 ở Pê-ru, Thủ tướng M. Xinh nhận định rằng: Ấn Độ không nằm trong vòng khủng hoảng tài chính, nhưng lại bị tổn thương khá nặng từ cuộc khủng hoảng này. Là một trong những thành viên chủ chốt của các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ đã tiến hành một loạt biện pháp nhằm đẩy mạnh cuộc cải cách hệ thống tài chính thế giới trong khi ổn định nền kinh tế trong nước.

Tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp mới (NIEs) châu Á đạt 3,9%, giảm 1,7% so với tốc độ tăng 5,6% năm 2007. Tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN5 tuy có giảm so với mức tăng của năm 2007, song vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao 5,4%.

Nhờ những tăng trưởng tích lũy trong 5 năm gần đây, Mỹ La-tinh - khu vực thường bị nhấn chìm bởi bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào trên thế giới, lại đang chống chọi với những khó khăn này tương đối tốt. Trước đây, Mỹ La-tinh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài chính từ nước ngoài, bất kể một động thái bất lợi nào cũng khiến các nhà tài trợ và đầu tư rút vốn. Tuy nhiên, giờ đây, tất cả các nền kinh tế trong khu vực đã thay đổi chiến thuật với việc tích lũy dự trữ ngoại tệ và trong một chừng mực nào đó, các nước này đã không còn quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, vào các nhà đầu tư cũng như các nhà tài trợ. Các nước trong khu vực đã có những tiến bộ trong việc giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô, củng cố chính sách tiền tệ, đồng thời hệ thống tài chính cũng trở nên vững chắc hơn. Chính thái độ cứng rắn và chủ động của các ngân hàng trung ương đã đóng vai trò quan trọng trong việc đương đầu với những bất ổn hiện nay. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ La-tinh đạt 4,6% năm 2008 (giảm 1% so với mức tăng 5,6% năm 2007). Bra-xin, Chi-lê, Mê-hi-cô là những quốc gia điển hình về việc thiết lập thành công một nền kinh tế vĩ mô ổn định. Chính phủ của Tổng thống L. D. Sin-va đã biết kết hợp hài hòa giữa việc giải quyết những vấn đề xã hội cùng việc củng cố sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, do vậy, Bra-xin đạt tăng trưởng ở mức cao là 5,2%.

Kinh tế châu Phi đạt tốc độ tăng trưởng 5,2%, giảm 0,9% so với mức tăng 6,1% năm 2007.

Theo Bộ Kinh tế Nga, nền kinh tế Nga tăng trưởng khá cao với mức 7,7% năm 2008, giảm 0,4% so với mức tăng 8,1% năm 2007. Năm 2008, Nga đã đưa ra chiến lược và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội hướng đến năm 2020 với mục tiêu tăng nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân, phát triển khoa học - công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả nền kinh tế, triệt để thoát khỏi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào nguyên liệu và năng lượng. Song do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới, giá năng lượng thế giới giảm mạnh đã giáng một đòn "công kích" vào sự chuyển đổi chiến lược này. Nợ nước ngoài của ngân hàng cũng như của các công ty Nga tính đến tháng 10-2008 đã lên tới 510 tỉ USD, vượt quá 20% tổng vốn của hệ thống ngân hàng.

Những biện pháp cứu trợ

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính ngày càng lan rộng, các chuyên gia kinh tế cho rằng: các nước cần phải có chính sách, biện pháp kích thích nền kinh tế cùng các nguyên tắc kinh tế hợp lý để có cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là hợp tác giữa các khu vực kinh tế chủ chốt nhằm giúp tạo đà phục hồi cho nền kinh tế thế giới. Chủ tịch IMF nhận định: vẫn có thể tránh được một cuộc Đại suy thoái toàn cầu nếu các quốc gia phát triển và đang phát triển cùng hợp tác nỗ lực giải quyết vấn đề.

Các quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai các gói giải pháp, chủ yếu là đưa nguồn tiền để cứu trợ nền kinh tế. FED đã công bố kế hoạch mới bao gồm: rót thêm 800 tỉ USD vào hệ thống tài chính Mỹ; trích 20 tỉ USD từ gói cứu trợ kinh tế trị giá 700 tỉ USD nhằm hỗ trợ quỹ chứng khoán và các hoạt động cho vay của các ngân hàng. Tổng thống đắc cử B.Ô-ba-ma đã bổ nhiệm cựu Chủ tịch FED P.Vôn-cơ làm Chủ tịch Ủy ban cố vấn phục hồi kinh tế nhằm mục tiêu vực dậy nền kinh tế, tạo việc làm, ổn định hệ thống tài chính Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 260 tỉ USD để củng cố lòng tin của người tiêu dùng và khuyến khích chi tiêu. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 31 tỉ ơ-rô, Pháp là 26 tỉ ơ-rô. Trung Quốc thông báo về gói kế hoạch 4.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 586 tỉ USD), đồng thời cắt giảm lãi suất 1,08%. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ba lần giảm lãi suất trong một tháng; Nhật Bản đề nghị gói cứu trợ mới 216 tỉ USD, chiếm 3,6% GDP. Các nước Mỹ La-tinh tham gia Tổ chức sự lựa chọn Bô-li-vi-a (ALBA) nhất trí thành lập khu vực đồng tiền chung nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính hiện nay, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Hội nghị thượng đỉnh G20 nhóm họp tại Oa-sinh-tơn (tháng 11-2008) ra tuyên bố chung, hình thành những nguyên tắc tập thể tiến tới thiết lập hệ thống tài chính toàn cầu mới với mục tiêu: phục hồi tăng trưởng kinh tế; hoàn thiện khâu điều tiết thị trường tài chính, trong đó có WB và IMF; phối hợp chính sách kinh tế ở cấp độ quốc tế; từ bỏ những động thái bảo hộ cục bộ tại mỗi quốc gia.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Pê-ru (tháng 11-2008) đã ra Tuyên bố Li-ma, khẳng định quyết tâm chống lại xu thế bảo hộ mậu dịch, cam kết không lập hàng rào thuế quan mới nhằm thúc đẩy thương mại thế giới. Hội nghị bộ trưởng quốc tế về tài trợ phát triển của Liên hợp quốc tại Đô-ha (tháng 12-2008) đề xuất điều chỉnh đáng kể các thể chế và thị trường tài chính, cải tổ hệ thống dự trữ quốc tế, điều hành nền kinh tế toàn cầu một cách có hiệu quả nhằm ngăn chặn sự tái diễn khủng hoảng kinh tế trong tương lai.
 
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng đã đến lúc các nước châu Á cần hội nhập tài chính; nhấn mạnh vào những lợi ích mà hợp tác tài chính mang lại đối với việc thúc đẩy tăng trưởng và giảm đói nghèo. Theo ADB, hợp tác tài chính có thể hỗ trợ "giảm sóc" chống lại những "cú sốc" từng làm rung chuyển các thị trường thế giới nếu chính phủ các nước cùng hợp tác về chính sách. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 - 1998, các nước trong khu vực đã gia tăng hợp tác đáng kể, nhưng theo ADB, vẫn cần "ưu tiên hợp tác hơn nữa trong hỗ trợ giám sát và theo dõi các thị trường trong khu vực".
 
Nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra rằng, những hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của châu Á cho thấy hầu như không có sự hợp tác. Sự tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ của khu vực này trong thời gian qua chủ yếu là nhờ vào môi trường toàn cầu thuận lợi. Thậm chí các nền kinh tế châu Á có thể có một thị trường chung với các quy định chung, đồng tiền chung, công nhân tự do di chuyển. Nhưng chính sách trước mắt đòi hỏi cả tầm nhìn lâu dài và các sáng kiến thực tế có thể sớm cho thấy kết quả từng bước. Các rào cản thương mại thấp hơn, giao thông phát triển tốt cùng liên kết viễn thông là những yếu tố thúc đẩy sự hội nhập sản xuất của khu vực, thu hút đầu tư toàn cầu, dẫn tới sự nổi lên của châu Á như nhân tố đi đầu trong lĩnh vực chế tạo toàn cầu, với Trung Quốc là trung tâm. ADB nhận định, khi phải đối mặt với sự điều chỉnh tỷ giá mạnh trong bối cảnh có sự hỗn loạn trên thị trường và sự suy giảm trên toàn cầu, châu Á sẽ được lợi từ việc giám sát và điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô và tỷ giá.

Dự báo kinh tế thế giới 2009

Các dự báo đều tỏ ra quan ngại về tốc độ tăng trưởng và thời gian phục hồi của kinh tế thế giới. Năm 2009, bức tranh kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm. IMF, WB và OECD đã đưa ra cảnh báo về những hiểm họa đối với triển vọng kinh tế thế giới:

Một là, sự suy thoái kinh tế. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 từ 3,9% xuống còn 2,2% (dự báo của WB là 0,9%) - mức thấp nhất trong 7 năm qua. Một số nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. OECD cho rằng, nhiều quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đang trên bờ vực suy thoái và ít có cơ hội phục hồi trong năm 2009. Trong đó, kinh tế của 30 nước công nghiệp thuộc OECD tăng trưởng âm 0,4%; các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhóm G7 là âm 0,3% do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ngày càng gia tăng, lòng tin của các nhà sản xuất và người tiêu dùng giảm sút.
 
Tam giác kinh tế Mỹ, Nhật Bản và EU sẽ còn tiếp tục xuống thấp hơn trong năm 2009. Ủy ban Nghiên cứu chu kỳ kinh tế thuộc Cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER, Mỹ) nhận định: nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu rơi vào suy thoái từ tháng 12-2007. Năm 2009, nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ tăng trưởng âm 0,7% thay cho mức tăng 0,1% đưa ra hồi tháng 10-2008. Triển vọng kinh tế Mỹ về trung hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào các sáng kiến của chính phủ nước này trong việc đối phó với khủng hoảng tín dụng đang lan rộng. Nền kinh tế Nhật Bản đang phải vật lộn nhằm duy trì sự cạnh tranh khi đồng yên không ngừng tăng giá. Đồng yên tăng giá cao nhất trong vòng 13 năm qua so với USD. Trong khi đó chỉ số lòng tin của các nhà sản xuất lớn giảm sút mạnh nhất trong mấy thập kỷ gần đây và ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Các công ty Nhật Bản đang phải tiến hành cắt giảm chi tiêu, ngừng các kế hoạch thuê nhân công. IMF cho rằng, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản là âm 0,2% năm 2009. Theo OECD, các nền kinh tế thuộc tổ chức này sẽ phục hồi phát triển trong năm 2010, với Mỹ GDP tăng 1,6%, châu Âu tăng 1,2% và Nhật Bản là 0,6%.

Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo kinh tế EU kém khả quan, theo đó tăng trưởng GDP giảm mạnh xuống âm 0,2% năm 2009. EC cho rằng: do ảnh hưởng của suy giảm mạnh kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của EU gần như bằng không, thất nghiệp và thâm hụt ngân sách đều tăng. Trong đó, kinh tế Anh được đánh giá là nền kinh tế yếu kém nhất với GDP tăng trưởng âm 1,3%, Pháp tăng trưởng âm 0,5%, Đức là âm 0,8%, kinh tế Tây Ban Nha và Ai-len cũng tăng trưởng thấp, lần lượt là âm 0,7% và âm 0,9%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu, GDP giảm mạnh từ mức 1,3% năm 2008 xuống âm 0,5% năm 2009. Nguy cơ suy thoái trầm trọng đang hiện hữu tại khu vực này.

Tình hình kinh tế ảm đạm của EU đã khiến chính phủ các nước phải cùng nhau phối hợp hành động nhằm cứu hệ thống ngân hàng. EC dự báo khả năng phục hồi kinh tế của 27 thành viên EU sẽ bắt đầu diễn ra vào nửa sau năm 2009, riêng kinh tế Anh phải đến năm 2010.

Tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tiếp tục giảm mạnh xuống còn 5,1% năm 2009. Trong đó, GDP của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á xuống còn 7,1% năm 2009 (dự báo của ADB là 5,8%). Các nền kinh tế Đông Á sáng sủa hơn nhờ hưởng lợi từ các hoạt động thương mại được cải thiện do giá hàng hóa giảm và chuyển hướng thực hiện nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 8,5% (con số của WB là 7,5%, mức thấp nhất trong 19 năm qua), của Ấn Độ là 6,3%, còn Nga giảm mạnh xuống mức 3,5%.

Hai là, nạn thất nghiệp trên thế giới có nguy cơ đạt mức kỷ lục. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định: cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể còn nghiêm trọng hơn. Khủng hoảng buộc nhiều ngành nghề sa thải nhân công. Thiếu đơn đặt hàng, mức tiêu thụ giảm dẫn đến việc các tập đoàn sản xuất Âu - Mỹ cho hàng loạt nhân viên thôi việc. Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 11-2008, các công ty đã cắt giảm 553.000 việc làm, đây là đợt cắt giảm mạnh nhất trong vòng 34 năm trở lại đây và là tháng thứ 11 liên tiếp các công ty Mỹ cắt giảm việc làm. Các chuyên gia kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng tới 8%, mức cao nhất kể từ năm 1982. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ A-lanh Grin-pen nhận định: khó có thể ngăn cản được sự gia tăng số người thất nghiệp. Tổng thống đắc cử B.Ô-ba-ma cũng tuyên bố: tạo ra nhiều việc làm là một trong những ưu tiên trong chính sách phát triển. Song theo ông, không thể có một giải pháp nào dễ dàng và ngay lập tức có thể khắc phục được tình hình tồi tệ hiện nay. Thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng từ 7,6% năm 2008 lên 8,7% năm 2009, theo đó sẽ có thêm hơn 2 triệu người bị mất việc làm. Riêng Tây Ban Nha, thất nghiệp cao kỷ lục, chiếm 11,9% lực lượng lao động. Tại Nhật Bản, trong tháng 11-2008, tỷ lệ này đã lên tới 5,5%, cao nhất kể từ năm 1950. Tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc cũng gia tăng mạnh, hơn 10 triệu người năm 2008 và sẽ tăng hơn 5% năm 2009; các nước ASEAN sẽ là 6,2%...

ILO cho rằng: bảo vệ việc làm, phối hợp hành động nhằm tránh một cuộc "khủng hoảng xã hội" phải là trọng tâm của các hội nghị cấp cao bàn về khủng hoảng tài chính. Sau kế hoạch cứu nguy tài chính, ngân hàng, các nước cần phải có kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế "thực"; đề ra các luật lệ quản lý, giám sát tài chính tốt hơn, đặc biệt là khôi phục lại chức năng cơ bản của tài chính là phục vụ phát triển kinh tế thông qua việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, sáng chế, tạo ra việc làm, hàng hóa và dịch vụ. Cuộc khủng hoảng tạo ra một "cơ hội" khôi phục lại tầm quan trọng của kinh tế "thực", cân bằng lại tiến trình toàn cầu hóa dựa trên sự không lành mạnh, không bền vững và không cân bằng.

Ba là, nguy cơ giảm phát. Đây là tình trạng giá cả giảm trong thời gian dài và đều đặn giống như trường hợp Nhật Bản đã phải trải qua trong thập kỷ 90 thế kỷ XX sau khi bong bóng bất động sản và chứng khoán của nước này bắt đầu xì hơi. Giảm phát, nếu xảy ra, sẽ làm trầm trọng thêm hậu quả của cuộc khủng hoảng. Nếu giảm phát sâu, giá cả giảm, kéo theo đầu tư và sản xuất giảm, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các hoạt động sản xuất. Tiêu dùng giảm, các hộ gia đình có xu hướng chờ đợi cho giá cả tiếp tục xuống rồi mua sắm. Tiền lương cũng bị cắt bớt do thất nghiệp tăng. Giảm phát có thể ảnh hưởng mạnh tới các tác nhân kinh tế đang nợ nần, kể cả nhà nước và cá thể. Nhu cầu toàn cầu yếu đi gây sức ép lên giá cả hàng hóa. Giá dầu đã giảm mạnh hơn 70%, kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 147 USD/thùng vào hồi tháng 7-2008. IMF đã điều chỉnh dự báo giá dầu năm 2009 đưa ra tháng 10-2008, từ mức 100 USD/thùng xuống còn 68 USD/thùng. Giá thực phẩm và giá thép cũng giảm mạnh. Trong khi sự giảm giá này sẽ làm giảm gánh nặng đối với người tiêu dùng tại các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi tại châu Âu và châu Á, lại làm giảm triển vọng tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế đang phát triển khác.

Giô-xép Sti-líc, nhà kinh tế học từng đoạt giải thưởng Nô-ben cho rằng: Mối đe dọa lạm phát cách đây một năm đã biến mất. Còn quá sớm để nói chúng ta chuyển sang giảm phát, nhưng điều này có khả năng xảy ra. Nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh kinh tế thế giới vẫn chưa phải đối phó với tình trạng này mà đang ở trong thời kỳ giảm lạm phát nhanh. Tuy nhiên, mối lo ngại hiện nay là tiến trình giảm lạm phát có lợi cho việc tăng cường sức mua sẽ suy biến thành giảm phát do cắt giảm tín dụng. Và liều thuốc hiệu quả nhất là ngân hàng trung ương giảm lãi suất một cách hợp lý để tăng cung tiền tệ./.