Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai nhiều biện pháp để chống sa mạc hóa tại 4 khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Bắc, Tứ Giác Long Xuyên và Tây Nguyên – nhữngvùng được đánh giá là bị sa mạc hóa nặng nhất.

Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết việc triển khai các nhóm giải pháp này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước, đất đai, đồng thời góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra đối với đời sống con người.

Giải pháp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên triển khai là tiến hành sửa đổi, bổ sung và xây dựng lại thành luật mới một loạt các văn bản liên quan đến vấn đề môi trường và chống sa mạc hóa.

Bộ cũng đã phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và một số cơ quan truyền thông Việt Nam làm phim tài liệu về chống sa mạc hóa ở Việt Nam, phát động các chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ môi trường, mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ môi trường, tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm chống sa mạc hóa tại 4 địa bàn trọng điểm.

Ngoài ra, Bộ còn đẩy mạnh triển khai các hoạt động kinh tế, chuyển giao công nghệ, các chương trình trồng rừng phòng hộ, phát triển hệ thống thủy lợi, cải tạo đất cát, đất phèn, đất nhiễm mặn để bảo vệ nguồn nước, ngăn chặn lũ lụt, hạn hán, góp phần xóa đói giảm nghèo ở những khu vực bị sa mạc hóa.

Trở thành thành viên Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc (UNCCD) từ năm 1998, trong 9 năm qua Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nước thành viên và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng chống sa mạc hóa. Hiện Việt Nam đang xây dựng Chương trình đối tác quản lý đất lâm nghiệp bền vững bằng tiền tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp (TFF).

Trước đó, với sự hỗ trợ của các nước thành viên UNCCD, Việt Nam đã xây dựng và triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng nhất liên quan đến chống sa mạc hóa, đó là Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và Chương trình quốc gia về tăng trưởng toàn diện và giảm nghèo.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tại các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam 192 triệu USD để triển khai một số dự án liên quan đến vấn đề chống sa mạc hóa.

Tổ chức hợp tác và phát triển kỹ thuật Đức (GTZ), GEF, TFF và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cũng vừa phê duyệt khoản tài trợ trên 8,2 triệu USD cho Việt Nam để triển khai 3 dự án về quản lý bền vững lâm nghiệp để phát triển kinh tế và cải tạo thí điểm đất sa mạc hóa ở Quảng Bình.

Trong khuôn khổ các hoạt động của UNCCD, từ ngày 3-14/9, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 8 các nước thành viên Công ước, được tổ chức tại Tây Ban Nha. Nội dung chính của hội nghị lần này là bàn các giải pháp ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa và biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống con người.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có trên 4,3 triệu ha đất đã bị sa mạc hóa và khoảng 20 triệu dân đang phải chịu ảnh hưởng của quá trình này.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sa mạc hóa là do diện tích rừng đầu nguồn bị giảm khiến hệ sinh thái bị suy thoái, gây ra lũ lụt và hạn hán. Ngoài ra, diễn biến bất thường của thời tiết như nắng nóng, khô hạn kéo dài cùng với nạn cát bay, cát chảy và tình trạng đất trống bị xói mòn, nhiễm mặn, nhiễm phèn, cũng là những tác nhân làm suy thoái đất đai và nguồn nước.