TCCSĐT - Cuối năm 2009, đường ống dẫn dầu đông Xi-bi-ri - Thái Bình Dương thuộc khu vực ven biển Viễn Đông của Nga chính thức đi vào sử dụng. Đây là một sự kiện quan trọng khởi động chiến lược phát triển khu vực Viễn Đông của Nga, đưa Nga tham gia thị trường sôi động nhất thế giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mở ra cơ hội để Nga phát triển ở khu vực Viễn Đông và đông Xi-bi-ri.

Viễn Đông xa xôi, thưa thớt, nhưng cực kỳ quan trọng đối với nước Nga

Viễn Đông là khu vực xa nhất về phía Đông của nước Nga tính từ Mat-xcơ-va, có diện tích trên 6.169.300 km2, chiếm 36% diện tích Liên bang Nga, với dân số vẻn vẹn 6.500.000 người. Đây là khu vực có dân cư thưa thớt nhất không chỉ ở nước Nga mà cả trên toàn bộ châu Âu, với mật độ dân số chỉ vào khoảng 1 người trên 1km2! Phần lớn lãnh thổ của Liên bang Nga ở châu Á là khu vực Viễn Đông và đông Xi-bê-ri.

Khu vực Viễn Đông của Nga được chia thành 5 vùng: đông bắc Xi-bi-ri; A-mua Xa-kha-lin; cận Thái Bình Dương; trung Xi-bi-ri và nam Xi-bi-ri. Sau khi Liên Xô tan rã, từ năm 1992 đã diễn ra quá trình di dân ồ ạt từ Viễn Đông tới các khu vực trung tâm của nước Nga. Vì thế, sau 18 năm, dân số Viễn Đông sút giảm trên 1 triệu người. Một vùng vốn đã rất thưa thớt dân cư, nay lại càng vắng bóng người định cư sinh sống. Không một quốc nào trên lục địa Á - Âu phải chịu dãn cách quá xa về kinh tế - xã hội giữa các vùng như ở Viễn Đông và phần còn lại của nước Nga. Trong khi đó, Viễn Đông lại tiềm ẩn nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, da dạng, có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt trong việc đưa Nga trở thành một siêu cường về nhiều lĩnh vực trên thế giới.

Khởi động chiến lược phát triển Viễn Đông

Mới đây, Thủ tướng Nga V.Pu-tin phê duyệt “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội khu vực Viễn Đông và khu vực Bai-can đến năm 2025” theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2009-2025): đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đầu tư cho khu vực này, phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng, gia tăng thêm cơ hội việc làm cho người lao động. Giai đoạn 2 (2016-2020): xây dựng các dự án năng lượng quy mô lớn, gia tăng lượng vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa quá cảnh, thiết lập mạng lưới vận chuyển nòng cốt, tiến hành gia tăng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nguyên vật liệu. Giai đoạn 3 (2021-2025): phát triển nền kinh tế theo mô hình phát triển sáng tạo, khai thác với quy mô lớn nguồn dầu mỏ khí đốt, tái thiết các dự án về năng lượng và giao thông quy mô lớn.

Để giữ cư dân ở lại trong khu vực Viễn Đông và vùng Bai-can, Chính phủ Nga sẽ cấp tới 0,3 ha đất đai cho công dân người Nga muốn cư trú tại khu vực này để xây dựng nhà ở. Theo Chiến lược này, mức thu nhập của người dân vùng Viễn Đông và khu vực Bai-can Nga sẽ tăng từ mức 19.000 rúp năm 2010 lên mức 66.000 rúp vào năm 2025; diện tích nhà ở trung bình tăng từ 19m2 năm 2010 lên 32m2 vào năm 2025; tỷ trọng số lượng sản phẩm công nghệ cao, hay còn gọi là sản phẩm sáng tạo, chiếm trong toàn bộ sản phẩm từ 8,9% của năm 2010 tăng lên 16% vào năm 2025.

Nhằm mục tiêu thực hiện chiến lược khai phá Viễn Đông, Chính phủ Nga quyết định đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2012 tại Vla-đi-vô-xtôc ở Viễn Đông. Đây là cơ hội để tạo bước đột phá trong chiến lược phát triển toàn diện vùng Viễn Đông.

Để thực hiện chiến lược này, năm 2009, Chính phủ Nga quyết định đầu tư khoảng 6 tỉ USD cho khu vực Viễn Đông. Cũng trong năm 2009, Nga đã khởi công đường ống dẫn dầu từ đông Xi-bê-ri của Nga đến khu vực Viễn Đông. Đây là công trình thuộc dự án đường ống dẫn dầu xuyên thế kỷ của Nga đã từng được khởi công xây dựng vào năm 2006, sẽ kết nối nguồn dầu mỏ của Nga khai thác được ở Viễn Đông với các nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới ở châu Á đang “đói” năng lượng. Đường ống dẫn dầu này sẽ cung cấp khoảng 1,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Ngày 3-7-2010, trong chuyến thăm và làm việc tại Viễn Đông, tại thành phố Kha-ba-rôp, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đep đã nhấn mạnh 3 nội dung then chốt. Một là, đưa sự hợp tác kinh tế giữa khu vực Viễn Đông với các khu vực khác của nước Nga và với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương lên một tầm cao mới. Cuối năm 2010, Chính phủ Nga sẽ hoàn tất chương trình hành động nhằm củng cố vị thế của Nga trong khu vực, dựa trên cơ sở dự báo phát triển dài hạn khu vực Viễn Đông nhằm phát huy tiềm năng của các vùng phía đông nước Nga với các quá trình liên kết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai là, phát triển theo hướng chuyên môn hoá trong lĩnh vực công nghệ cao trên thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước hết là trong các lĩnh vực năng lượng, chế tạo máy bay, các dịch vụ vũ trụ. Nga sẽ triển khai các dự án hợp tác công nghệ đa phương, khai thác kinh nghiệm các nước lánh giềng trong việc xây dựng môi trường đầu tư và các vùng đặc khu kinh tế. Ba là, tiếp tục tăng cường vai trò của Nga trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức hợp tác Thượng Hải, ASEAN, BRIC v.v. Nga chủ trương xây dựng cơ cấu an ninh, hợp tác đa phương và không liên minh quân sự ở khu vực này, trong đó chú trọng tới quá trình đối thoại và hợp tác với các nước ASEAN như xuất khẩu hàng hoá, công nghệ và đầu tư vào trị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Triển vọng của chiến lược phát triển Viễn Đông

Trong thời gian từ 10-15 năm tới, điều kiện kinh tế phát triển, giao thông được cải thiện, kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi sẽ tạo môi trường cho khu vực Viễn Đông của Nga mở rộng hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN. Viễn Đông sẽ xuất khẩu sang Đông Bắc Á không chỉ các mặt hàng như nhiên liệu, điện năng, lâm sản và hải sản mà cả sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, Viễn Đông còn là một cảng biển lớn, có vị trí hết sức quan trọng để Nga xuất khẩu hàng hoá ra thị trường nước ngoài, trong đó xuất khẩu nhiên liệu rắn chiếm khoảng 45%, sản phẩm hoá dầu 60%, hải sản 97%.

Hiện nay, Nga đang tìm kiếm các dòng vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc với nguồn tài chính lớn và công nghệ tiên tiến, sẽ trở thành mục tiêu để Nga thu hút. Để làm được điều đó, Nga không chỉ mời chào đầu từ bằng các điều kiện hấp dẫn mà sẽ tạo dựng các chế tài pháp luật, tài chính và môi trường cần thiết. Hiện Nga đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Nhu cầu về nguồn năng lượng nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế khiến Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng quan tâm đến phát triển mối quan hệ đối tác với Nga. Để phát triển khu vực Viễn Đông, Nga sẽ cần thu hút được lực lượng lao động rất lớn. Chính phủ Nga có chính sách kêu gọi nguồn lao động từ các nước lân cận và các nước khác.

Nhận xét về chiến lược các vùng phía đông của nước Nga, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đep tuyên bố, phát triển vùng Viễn Đông và đông Xi-bi-ri là ưu tiên hàng đầu của Nga. Còn thủ tướng Nga V.Pu-tin cho rằng, chiến lược phát triển vùng Viễn Đông và đông Xi-bi-ri sẽ biến Nga trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây./.