Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22 đến 28-10-2018)
TCCSĐT - Trong hai ngày 24 và 25-10-2018, Thủ tướng Malaysia M. Mohamad đã có chuyến thăm chính thức Thái Lan. Chuyến thăm được cho là nhằm tạo đà cho tiến trình đối thoại hòa bình ở miền Nam Thái Lan.
Động lực mới cho quan hệ Malaysia - Thái Lan
Thủ tướng Malaysia M. Mohamad và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: straitstimes.com
Chủ đề chính được Thủ tướng Malaysia M. Mohamad và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha thảo luận trong chuyến thăm là hợp tác an ninh, đặc biệt là việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Nam Thái Lan. Thủ tướng M. Mohamad cam kết “làm tất cả những gì có thể” để đem đến hòa bình tại khu vực miền Nam Thái Lan. Về phần mình, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha khẳng định ý chí đối thoại hòa bình của chính quyền Bangkok với các nhóm ly khai ở miền Nam là nguyên vẹn với sự hỗ trợ của Malaysia. Lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề tại khu vực miền Nam Thái Lan, đồng thời cam kết sẽ mở rộng phạm vi hợp tác, bao gồm cả các lĩnh vực như an ninh biên giới, phát triển kinh tế và các biện pháp để giải quyết những vấn đề an ninh lớn hơn, đặc biệt là chống khủng bố, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia như buôn ma túy và buôn bán người.
Quan hệ Thái Lan - Malaysia là một mối quan hệ lịch sử, tuy nhiên, sự nghi ngại về thiện chí tạo lập hòa bình ở miền Nam Thái Lan vẫn là vấn đề khúc mắc trong quan hệ giữa hai nước. Trong hơn một thập niên qua, khu vực miền Nam Thái Lan có đa số người Hồi giáo sinh sống giáp biên giới Malaysia đã chứng chiến cuộc nổi dậy đẫm máu do cuộc chiến của các tay súng sắc tộc Mã Lai nhằm giành quyền tự trị lớn hơn tại khu vực này. Cuộc nổi dậy của các tay súng sắc tộc Mã Lai đã khiến hơn 7.000 người, chủ yếu là dân thường thiệt mạng.
Trên thực tế, từ lâu, Malaysia đã trợ giúp cho cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Thái Lan và Mara Patani, nhóm thế lực tự xưng là một cánh chính trị đại diện cho mạng lưới các tay súng nổi dậy giao tranh với các lực lượng nhà nước. Tuy nhiên, cuộc hòa đàm này đã bị đình trệ hồi năm ngoái. Những cơ hội mới để cải thiện quan hệ hai nước đã mở ra khi Chính phủ Malaysia mới đây bổ nhiệm cựu Tổng thanh tra Cảnh sát Abdul Rahim Mohd Noor làm cố vấn mới để dẫn dắt tiến trình hòa bình mong manh này. Về phía Thái Lan, các nhà lãnh đạo nước này cũng muốn tập trung giải quyết vấn đề xung đột tại khu vực miền Nam. Sau nhiều thập niên tập trung vào các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam), Thái Lan hiện đang chú ý đến việc quản lý khu vực biên giới với Malaysia.
Đặc biệt, trong các cuộc họp không chính thức giữa giới chức Thái Lan và Malaysia kể từ tháng 5 vừa qua, cả hai bên đã thống nhất rằng tiến trình hòa bình ở miền Nam Thái Lan trong hoàn cảnh hiện tại sẽ mang tính “bao quát” với “sự tham gia của tất cả các bên liên quan”. Tại các cuộc họp này, các quan chức cấp cao Thái Lan và Malaysia đã gặp nhau để thảo luận về nhiều đề xuất thúc đẩy thương mại biên giới như một phần của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và kết nối. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, triển vọng kinh tế sẽ không khả quan nếu tình hình biên giới bất ổn không được giải quyết. Hơn nữa, tình trạng thiếu luật pháp và trật tự dọc theo biên giới là nguyên nhân khiến nạn buôn lậu vũ khí, ma túy, buôn người thường xuyên diễn ra. Không có hòa bình lâu dài dọc theo biên giới Thái Lan - Malaysia, việc kiểm soát, xử lý những thách thức xuyên quốc gia như chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan cũng hết sức khó khăn. Trong khi đó, để kết thúc cuộc xung đột ở miền Nam Thái Lan, đòi hỏi một cuộc đối thoại bền vững của tất cả các bên liên quan. Cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24-02-2019, có thể dẫn tới việc nước này có một chính phủ mới, và vẫn phải chờ chính phủ mới ở Thái Lan sẽ tiếp cận quá trình hòa bình thế nào.
Dẫu vậy, những kết quả đạt được trong chuyến thăm Thái Lan lần này của Thủ tướng M. Mahathir cho thấy, hai bên đều xem đây là thời điểm thích hợp để mở ra cơ hội hòa bình lâu dài trên bán đảo Mã Lai. Và dựa trên những lợi ích chung, các nhà lãnh đạo Thái Lan và Malaysia đã tìm thấy động lực mới cho hợp tác trên nhiều mặt, bắt đầu từ sự nỗ lực hợp tác để giải quyết cuộc xung đột tại miền Nam Thái Lan.
Xung quanh chuyến thăm Nga của Thủ tướng Italy G. Conte
Thủ tướng Italy G. Conte và Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: washingtonpost.com
Thủ tướng Italy G. Conte ngày 24-10 đã thực hiện chuyến thăm Nga. Chuyến thăm nhằm duy trì và củng cố quan hệ với Nga, nhất là lĩnh vực kinh tế - thương mại, đồng thời tìm cách đưa quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Nga thoát khỏi tình trạng căng thẳng hiện nay.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, trong cuộc hội đàm tại Moscow, Tổng thống V. Putin và Thủ tướng Italy G. Conte đã cam kết tăng cường quan hệ kinh tế cũng như thúc đẩy quan hệ song phương. Thủ tướng G. Conte khẳng định mối quan hệ giữa Nga và Italy đang ở trong giai đoạn tuyệt vời, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga là “công cụ lỗi thời”, cần được dỡ bỏ càng sớm càng tốt. Về phần mình, Tổng thống V. Putin coi Italy là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga và cho biết hiện Nga đang hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư nước ngoài, trong đó có Italy.
Cũng trong cuộc hội đàm, hai bên đã đề cập tới một loạt vấn đề nóng trên thế giới: tình hình Syria, tình hình Libya. Đề cập đến việc Mỹ đe dọa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn cho phép tiêu hủy các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, Tổng thống V. Putin cảnh báo cuộc chạy đua vũ trang mới nếu Mỹ rút khỏi các hiệp ước vũ khí và trong trường hợp Washington đưa tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến châu Âu thì Moscow buộc phải đáp trả một cách tương xứng. Thủ tướng G. Conte cũng bày tỏ quan ngại về khả năng INF bị hủy bỏ, và cho biết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống D. Trump. Theo ông, các nước nên tập trung vào các triển vọng hợp tác và tránh leo thang căng thẳng.
Chuyến thăm Nga của Thủ tướng G. Conte diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước thời gian gần đây chứng kiến những tiến triển khá tích cực, ngược với xu hướng bất đồng và rạn nứt chưa thể hàn gắn giữa Nga và EU. Italy hiện giữ vai trò là một trong những đối tác hàng đầu của Nga tại châu Âu cả về chính trị và kinh tế. Về chính trị, Italy là một trong số ít nước thành viên EU có thái độ mềm mỏng với Nga. Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng G. Conte đã kêu gọi khôi phục lại định dạng G8 (Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 và Nga) bởi “có nhiều vấn đề quốc tế đòi hỏi phải có sự thảo luận với Nga”. Đồng thời đề xuất với các nước EU khác và G7 về việc khôi phục một phần hoạt động của Nga tại Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD). Có thể thấy nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Thủ tướng G. Conte.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - EU trong tình trạng căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, bất đồng về cuộc khủng hoảng tại Syria, việc Nga mở rộng Liên minh Kinh tế Á - Âu, các dự án năng lượng của Nga tại thị trường châu Âu…, sự hợp tác cụ thể giữa Italy và Nga là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo Italy là rất phức tạp khi vừa duy trì quan hệ với Nga, vừa không đi ngược lại chủ trương của EU. Chính vì vậy, mà chuyến thăm của Thủ tướng G. Conte tới Nga đã được dự báo là chưa thể tạo ra một bước đột phá trong quan hệ đầy sóng gió giữa EU và Nga. Mặc dù vậy, với việc Nga và Italy cam kết tăng cường quan hệ kinh tế cũng như thúc đẩy quan hệ song phương, chuyến công du này cũng được coi là chỉ dấu quan trọng đối với quan hệ EU - Nga. Thông qua chuyến thăm này, các đồng minh của Italy trong EU sẽ suy nghĩ nhiều hơn về những lợi ích thiết thực mà họ có thể nhận được nếu các biện pháp trừng phạt lẫn nhau với Nga được dỡ bỏ, cũng như Nga và EU cải thiện được quan hệ.
Nga và Mỹ cần giải quyết bất đồng về INF
Cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia John Bolton. Ảnh: time.com
Trong hai ngày 21 và 22-10, Cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia John Bolton đã thực hiện chuyến thăm tới Nga. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống D. Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia John Bolton đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga V. Putin và hàng loạt cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga, Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga.
Tại cuộc gặp Cố vấn An ninh quốc gia J. Bolton và Tổng thống V. Putin đã đề cập các vấn đề như xung đột tại Syria, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, đặc biệt là các vấn đề kiểm soát vũ khí và hiệp ước INF. Tổng thống V. Putin bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc hội đàm mới với người đồng cấp Mỹ D. Trump, có thể là tại Paris (Pháp) trong tháng tới. Về phần mình, Cố vấn An ninh quốc gia J. Bolton bày tỏ tin tưởng Tổng thống D. Trump trông đợi cuộc gặp này.
Đối với quan ngại việc Mỹ rút khỏi INF sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang, ông J. Bolton cho rằng vấn đề này đang bị trầm trọng hóa. Ông cũng nêu rõ hiện Mỹ chưa có quyết định cụ thể về việc có triển khai tên lửa ở châu Âu hay không.
Tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và Cố vấn An ninh Quốc gia J. Bolton, hai quan chức đã thảo luận về triển vọng hợp tác song phương trong những lĩnh vực như giải quyết các cuộc xung đột khu vực, chống khủng bố một cách hiệu quả và duy trì sự ổn định chiến lược. Hai bên cũng đã trao đổi quan điểm về tình hình các khu vực như Syria, Afghanistan, Ukraine Bán đảo Triều Tiên và Hiệp ước INF sau tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước này.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Shoigu, hai bên kêu gọi Moscow và Washington cùng nỗ lực giải quyết một loạt vấn đề toàn cầu.
Lâu nay, Mỹ vẫn luôn coi Nga là một đối thủ lớn trong việc tranh giành tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, mặc dù có những thời điểm quan hệ hai nước đã được cải thiện. Không ít đời tổng thống Mỹ từng đề ra mục tiêu “cài đặt lại” hay cải thiện mối quan hệ với Nga, song dù thế nào hai bên vẫn chỉ dừng lại ở mức “bắt tay” trong một giai đoạn nhất định, vì những lợi ích chung nhất định. Thậm chí cơ hội cải thiện quan hệ Mỹ - Nga sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống D. Trump và Tổng thống V. Putin ở Helsinki, Phần Lan hồi tháng 7 vừa qua cũng chưa rõ ràng do Washington vẫn cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và áp đặt trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức của Nga.
Khi quan hệ giữa Nga và Mỹ còn chưa được định hình rõ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống V. Putin và Tổng thống D. Trump thì căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo lên một nấc thang mới khi ngày 21-8, Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan tới các hoạt động mà nước này cho là gây hại trên mạng và vấn đề Triều Tiên, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.
Trong bối cảnh hiện nay Nga và Mỹ chưa thể chấm dứt được tình trạng “đối đầu có hệ thống” trong tương lai gần, việc Tổng thống D. Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, một lần nữa đẩy hai nước vào thế đối đầu nghiêm trọng như từng xảy ra đầu những năm 70 của thế kỷ XX.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ phá bỏ một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, bước đi của Mỹ có thể hủy hoại mọi cơ hội gia hạn hiệp ước START giữa Nga và Mỹ. Đây là “kịch bản” gây nhiều lo ngại bởi nếu không có một quyết định tích cực về việc gia hạn START mới và nếu INF đổ vỡ, thì sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ tăng lên.
Rõ ràng cả Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu, và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây hậu quả khó lường. Trước việc Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Bolton khẳng định Washington sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF với Nga vào thời điểm thích hợp trong chuyến thăm Nga lần này, Nga và Mỹ cần giải quyết bất đồng về INF để tránh xảy ra thảm họa khi căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể kiểm soát.
Đảng Tự do cầm quyền Australia đối mặt nhiều khó khăn sau cuộc bầu cử bổ sung
Ứng cử viên của đảng Tự do cầm quyền D. Sharma đã thất bại trước ứng cử viên độc lập K. Phelps. Ảnh: southburnetttimes.com.au
Ngày 22-10, kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử bổ sung ghế trống của cựu Thủ tướng Australia M. Turnbull ở khu vực Wentworth, Sydney, cho thấy, ứng cử viên của đảng Tự do cầm quyền D. Sharma đã thất bại trước ứng cử viên độc lập K. Phelps. Với kết quả này, Thủ tướng S. Morrison sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải điều hành một chính phủ thiểu số.
Cuộc bầu cử bổ sung ở Wentworth là một phép thử quan trọng đối với chính phủ của đương kim Thủ tướng Australia S. Morrison bởi sau khi mất ghế thủ tướng hồi cuối tháng 8 vừa qua do cuộc khủng hoảng trong nội bộ đảng Tự do cầm quyền liên quan đến chính sách năng lượng và vấn đề chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng M. Turnbull cũng chính thức rời Quốc hội nước này. Động thái này đã đẩy liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền phải tiến hành bầu cử bổ sung ngay khi liên đảng này chỉ chiếm quá bán 1 ghế tại Hạ viện và mất thế đa số. Ngoài việc không còn chiếm đa số trong Hạ viện, Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền cũng không kiểm soát được Thượng viện.
Trước đó, việc ứng cử viên của đảng Tự do thất bại trước ứng cử viên độc lập tại vùng Waga Waga, đơn vị đầu tiên tổ chức bầu cử bổ sung tại Australia từ sau khi ông M. Turnbull phải rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng đã là hồi chuông cảnh báo đối với đảng Tự do cầm quyền. Trên thực tế, trong suốt hơn 60 năm qua, vùng Waga Waga đều do đảng Tự do nắm quyền lãnh đạo. Song kết quả cuộc bầu cử bổ sung tại vùng Waga Waga lần này cho thấy, việc nội bộ đảng Tự do bất đồng dẫn đến việc Thủ tướng M. Turnbull phải từ chức đã làm cho niềm tin của cử tri vào đảng cầm quyền sụt giảm nghiêm trọng. Đây được cho là hệ quả trực tiếp nhất và rõ ràng nhất mà đảng Tự do phải gánh chịu từ chính sự mâu thuẫn và tranh giành quyền lực nội bộ. Giới chuyên gia còn cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện, đảng Tự do cầm quyền Australia sẽ phải trả giá đắt không chỉ trong cuộc bầu cử bổ sung tại Wentworth mà cả cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Trong khi đó, kết quả thăm dò sau cuộc khủng hoảng chính trị dẫn tới việc Australia có thủ tướng mới do Newspoll tiến hành cho thấy uy tín của Liên đảng Tự do - Quốc gia đã giảm mạnh trước Công đảng đối lập. Cuộc thăm dò cũng cho thấy lãnh đạo Công đảng đối lập, ông B. Shorten, được yêu thích hơn lãnh đạo đảng Tự do, Thủ tướng S. Morrison với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 39% và 33%. Trong cuộc trưng cầu trước đó, ông B. Shorten thua cựu Thủ tướng M. Turnbull 12 điểm. Tuy nhiên việc ông M. Turnbull bị hạ bệ đã khiến uy tín của Chính phủ giảm và mang lại lợi thế cho ông B. Shorten. Cuộc khảo sát của Fairfax ReachTEL với 1.047 người được hỏi cũng cho thấy những người ủng hộ các nghị sỹ của đảng Tự do ở một số khu vực cử tri cũng giảm mạnh.
Như vậy, với kết quả cuộc bầu cử bổ sung tại Australia, đảng Tự do cầm quyền đã không tự lấp được chỗ trống mà cựu Thủ tướng M. Turnbull để lại, khiến Thủ tướng S. Morrison gặp nhiều khó khăn hơn khi phải điều hành một chính phủ thiểu số. Giờ đây, Thủ tướng S. Morrison có thể phải lựa chọn kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn hoặc để “sống sót” duy trì tới cuộc bầu cử vào tháng 5-2019 thì đều phải dựa vào sự ủng hộ của các nghị sỹ độc lập hoặc đảng nhỏ hơn.
Bất chấp nguy cơ phải điều hành một chính phủ thiểu số, Thủ tướng S. Morrison vẫn tỏ ra lạc quan khi cho biết liên đảng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nghị sỹ đảng nhỏ và độc lập như trước nay bởi kể từ khi thay đổi chính phủ hồi cuối tháng 8 vừa qua, liên đảng vẫn chỉ có 75 ghế chứ không phải 76 ghế trong Hạ viện có 150 ghế.
Thêm vào đó, dù trước mắt kết quả bầu cử bổ sung chưa làm thay đổi chính phủ tại Australia song lại báo hiệu một giai đoạn càng thêm khó khăn của chính quyền của Thủ tướng S. Morrison khi rất khó để Quốc hội thông qua bất kỳ chính sách hay điều luật nào./.
Điện chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  (31/10/2018)
Buổi làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV  (31/10/2018)
Tiếp tục kỳ họp Quốc hội khóa XIV  (31/10/2018)
Công tác xây dựng Đảng tại Việt Nam trong mắt của bạn bè quốc tế  (31/10/2018)
Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời về những vấn đề “nóng” của ngành y tế  (31/10/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên