Nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà báo về hệ thống chính trị cơ sở
Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội ta. Tích cực phản ánh, thiết thực góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, trước hết cần không ngừng nâng cao nhận thức và trình độ của đội ngũ nhà báo về hệ thống chính trị cơ sở.
Báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho công chúng. Trong xã hội hiện đại, trình độ, sự hiểu biết của công chúng được nâng cao và nhu cầu thông tin của họ cũng nhiều hơn. Báo chí với sự phát triển vượt bậc của mình ngày càng thỏa mãn tốt hơn nhu cầu thông tin vừa phong phú vừa đa dạng của công chúng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thông tin báo chí không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia mà được “phủ sóng” - truyền tải, phổ biến toàn cầu. Vì vậy, báo chí ngày càng có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị - xã hội của thế giới, đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức và tinh thần của công chúng. Điều này có nghĩa, vị thế, vai trò của nhà báo ngày càng trở nên quan trọng và được đề cao trong xã hội hiện đại.
Báo chí cách mạng Việt Nam là một bộ phận của công tác tư tưởng của Đảng. Báo chí, một mặt, là công cụ sắc bén tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ lợi ích chung của nhân dân, mặt khác, là diễn đàn của nhân dân, nói lên tiếng nói, nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời, phát hiện cổ vũ, nhân tố mới, đấu tranh, phê phán những hiện tượng tiêu cực. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng nêu trên, đội ngũ phóng viên cần phải có sự nỗ lực vượt bậc.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm là cải cách hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Là người lính xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đội ngũ nhà báo thời gian qua đã tích cực tham gia tuyên truyền, cổ vũ nhằm góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhưng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, báo chí thực tế đã chưa thể hiện được đầy đủ vai trò của mình, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Tìm hiểu thực trạng báo chí có thể thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự yếu kém của báo chí trong quá trình tuyên truyền, cổ vũ và phản ánh đời sống sinh động và phong phú ở cơ sở nhằm góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở thời gian qua là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nhận thức của đội ngũ các nhà báo về cơ sở nói chung và hệ thống chính trị cơ sở nói riêng còn hết sức sơ sài và hạn chế.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng, củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, đội ngũ nhà báo cần chủ động, tích cực nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất của bản thân để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Để đạt được điều đó, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
- Không ngừng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi đã thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà báo sẽ có một thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng mới, từ đó sẽ không nhìn nhận sự vật, hiện tượng hay vấn đề mới nảy sinh của đời sống xã hội, ở bề ngoài, giản đơn, phiến diện mà từ hiện tượng tìm ra bản chất, từ hình thức chỉ ra nội dung, từ sự kiện vạch ra vấn đề... Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ tạo lập cho nhà báo bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn giúp họ có phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy biện chứng phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.
-Nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhà báo phải nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như thế mới tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách vừa sâu sắc vừa dễ hiểu tới đông đảo nhân dân; đồng thời, cũng phản ảnh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, những nỗi bức xúc của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ. Thấm nhuần quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sẽ giúp nhà báo có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vững tin vào độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, kiên quyết tấn công và phê phán các thế lực thù địch chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội.
- Học tập nâng cao kiến thức khoa học chuyên ngành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt. Để thành công, nhà báo phải vừa có sự hiểu biết sâu rộng mọi mặt đời sống xã hội, vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để tác nghiệp. Vì vậy, nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu sâu sắc tri thức khoa học cả tự nhiên và xã hội để làm chủ được ngòi bút, có đủ “tầm nhìn”, nhạy cảm, phát hiện, ủng hộ cái mới, cổ vũ và ngợi ca cái đúng, cái đẹp. Mặt khác, do đặc trưng nghề nghiệp, nhà báo cần thể hiện tính chuyên nghiệp trong các thủ thuật khai thác và xử lý thông tin, sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến khi tác nghiệp.
- Không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống. Báo chí là một nghề có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội, đời sống cộng đồng. Nhà báo, vì thế, cần được đào tạo và trau dồi một cách nghiêm túc về phẩm chất đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo cần không ngừng phấn đấu rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong đạo đức, lối sống và phát ngôn, nhất là, cần có lối sống lành mạnh, trong sáng, vô tư, khoa học, thẳng thắn, trung thực, dũng cảm và khiêm tốn. Có như thế mới đủ bản lĩnh để cổ vũ cái mới, ca ngợi cái đúng, tôn vinh cái đẹp và sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái sai trái, kiên quyết tấn công cái ác, những tư tưởng phản động.
- Luôn luôn bán sát cơ sở, gắn bó với thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Là người góp phần truyền đạt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới mọi tầng lớp nhân dân và phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, nếu không gắn bó với thực tiễn cuộc sống, với cơ sở, nhà báo sẽ đứng ngoài cuộc, sẽ xa rời tôn chỉ và chức năng của báo chí. Thực tiễn chính là môi trường sinh động đào luyện bản lĩnh chính trị, mài sắc tư tưởng, quan điểm, cung cấp vốn sống, xây dựng đạo đức, lối sống của nhà báo. Lăn lộn với thực tiễn, họ sẽ trở thành những nhà báo chân chính gắn bó chặt chẽ số phận của mình với cách mạng, với Đảng và với nhân dân.
Đồng thời với việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp cơ bản nêu trên, để thiết thực nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ các nhà báo viết về hệ thống chính trị cơ sở trong điều kiện hiện nay, cần đặc biệt thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:
- Nâng cao hiểu biết của nhà báo đối với lý luận về hệ thống chính trị và hệ thống chính trị ở cơ sở. Hiểu biết sâu sắc các lý thuyết về hệ thống chính trị nói chung, hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng là một yêu cầu cơ bản đối với đội ngũ nhà báo khi tham gia hoạt động báo chí nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Không có những kiến thức nền tảng này, nhà báo không thể có cái nhìn vừa tổng quát vừa sâu sắc, vừa toàn diện vừa chi tiết đối với sự hình thành, phát triển, xu hướng vận động, đặc trưng, kết cấu và thành phần, cũng như vị trí, vai trò, chức năng của hệ thống chính trị. Nếu không thấu hiểu hệ thống chính trị là gì; qui luật hình thành và phát triển của nó; mô hình hệ thống chính trị ở nước ta ra sao; vị trí, vai trò và chức năng của hệ thống chính trị ở cơ sở như thế nào v.v.. thì không thể có những bài viết thực sự sâu sắc, phản ánh đầy đủ, xác thực về hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay.
- Không ngừng học tập, nghiên cứu thấm nhuần quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở Việt Nam, về đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Để phản ánh kịp thời và sát đúng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhà báo cần nắm vững quan điểm của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Các quan điểm cơ bản của Đảng từ Đại hội VI đến nay về hệ thống chính trị ở cơ sở có thể tóm tắt như sau:
· Đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở là nhu cầu cấp bách và là tất yếu khách quan;
· Đổi mới phải theo nguyên tắc: giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện tốt hơn, ổn định kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;
· Phương châm đổi mới là trên cơ sở đổi mới kinh tế, từng bước vững chắc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị;
· Mục đích của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị;
· Phương hướng cơ bản của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sắp xếp lại bộ máy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng...
Nếu không nắm vững những tư tưởng căn bản mang tính nguyên tắc này, nhà báo không thể làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng, không thể vận động, hướng dẫn đội ngũ cán bộ cơ sở và quần chúng nhân dân chung sức xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Không ngừng học tập nghiên cứu quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong quá trình đổi mới. Công tác cán bộ và thực hiện dân chủ ở cơ sở là những vấn đề then chốt trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Vì vậy, để thực sự góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhà báo cần có hiểu biết sâu sắc về quan điểm của Đảng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Nếu không nắm vững chiến lược của Đảng về công tác cán bộ, sự triển khai quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở của Nhà nước thì nhà báo sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đối với việc góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Bên cạnh đó, nhà báo cũng cần tìm hiểu, nắm vững những tư tưởng cơ bản về dân chủ cơ sở của Đảng. Đảng ta nêu phương châm : Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một vấn đề sống còn đối với việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác cán bộ cơ sở và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở là những vấn đề gắn bó chặt chẽ hữu cơ và có ý nghĩa quyết định đối với hệ thống chính trị ở cơ sở. Vì vậy, không có hiểu biết một cách sâu sắc về các khía cạnh này, nhà báo không thể có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu để có kiến thức sâu rộng về hệ thống chính trị và hệ thống chính trị cơ sở ở nước ta. Nhà báo cần học tập, nghiên cứu tài liệu, sách vở, thâm nhập với đời sống nhân dân, khảo sát thực tiễn hệ thống chính trị ở cơ sở. Điều cốt lõi là, nhà báo cần thấu hiểu thực trạng hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay; cần hiểu một cách thấu đáo các thành viên của hệ thống chính trị ở nước ta bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... Nhà báo không chỉ nắm vững vị trí, vai trò, mối quan hệ của các thành viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở với nhau, mà còn, cần nắm vững thực trạng những đặc điểm, ưu điểm, khuyết tật của cả hệ thống; cũng như những vấn đề cấp bách đang đặt ra và xu hướng vận động của chúng. Cùng với sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện ấy, nhà báo còn cần có những hiểu biết nhất định về văn hóa truyền thống, về phong tục tập quán, về kết cấu làng xã cổ truyền, về thực trạng đội ngũ cán bộ cơ sở, và dân chủ ở cơ sở... Chỉ khi có được một cách tương đối đầy đủ và sâu sắc những kiến thức thì nhà báo mới có đủ trình độ, kiến thức và bản lĩnh vững vàng trong cổ động, tuyên truyền, hoặc phê phán để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
- Không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, vận động và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân ở cơ sở. Phản ánh về cơ sở và về hệ thống chính trị ở cơ sở, nhà báo cần có những kỹ năng, thủ pháp và hình thức truyền tải thông tin đặc biệt phù hợp mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân. Nhìn chung, trình độ của đội ngũ cán bộ và nhân dân ở cơ sở đều thấp, điều kiện để nâng cao trình độ kiến thức và hiểu biết của họ ít, cơ hội để tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng có hạn, thời gian hưởng thụ các giá trị văn hóa - tinh thần hạn chế, các hoạt động giao lưu và tiếp nhận thông tin mới không nhiều... Do đó, để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và cổ vũ, vận động về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng, đội ngũ nhà báo phải có khả năng và kỹ năng thể hiện với các hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn nhưng thực sự giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của đông đảo nhân dân lao động. Rõ ràng, không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, vận động và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân ở cơ sở là một biện pháp quan trọng giúp cho đội ngũ nhà báo có được một trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhằm thúc đẩy việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 15-5-2007 đến ngày 26-5-2007  (06/06/2007)
Nền kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục tăng trưởng  (06/06/2007)
Xuất khẩu nông, lâm sản đạt gần 3,7 tỉ USD  (06/06/2007)
Đoàn đại biểu Tạp chí Cộng sản sang thăm và làm việc tại Trung Quốc  (06/06/2007)
Hội thảo “WTO và quyền con người ở Việt Nam”  (04/06/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên