Xây dựng kinh tế biển xanh - trọng điểm cho phát triển bền vững biển Việt Nam
Trong xu thế phát triển mở cửa, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng lợi thế của biển, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09-02-2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản, quan trọng, từ tư duy đến nhận thức; từ kinh tế đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trong giai đoạn mới, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu. Trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh trên nền tảng tri thức, sáng tạo và tiềm năng tự nhiên đóng vai trò trung tâm. Điều này phải là định hướng chiến lược cho quan điểm, mục tiêu về phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hiện nay, những thách thức toàn cầu, nhất là suy thoái và ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe biển và đại dương trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ sức khỏe biển, đại dương vì đại dương khỏe mạnh. Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển đã trở thành thước đo phát triển của các quốc gia. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada trong các ngày 19 và 20-9 vừa qua một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của đại dương khỏe mạnh và bền vững đối với sự thịnh vượng của các quốc gia trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, kinh tế biển xanh hiện đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững biển và dần đưa thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển. Kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương” (theo Ngân hàng Thế giới).
Nhìn lại giai đoạn trước đây ở nước ta, có thể thấy mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển chưa được gắn kết chặt chẽ, trong một số trường hợp còn tạo ra xung đột. Sức khỏe của các vùng biển của Việt Nam chưa được bảo đảm do chúng ta chưa thể hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển. Do đó, ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra nghiêm trọng như sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền trung; ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học suy giảm; công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn hạn chế.
Vì vậy, phát triển kinh tế biển xanh vì sức khỏe biển, đại dương trước hết phải được hiểu theo cách tiếp cận dựa trên nền tảng bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển. Cụ thể là phát triển các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển: Giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền. Theo đó, việc hạn chế phát triển các ngành sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường kết hợp cơ chế thúc đẩy tái chế, tái sử dụng, nâng cao hiệu quả tài nguyên thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm, phát thải của ngành, lĩnh vực này là tài nguyên đầu vào cho các ngành, lĩnh vực khác sẽ giúp hạn chế phát thải ra môi trường, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm và các sự cố môi trường biển. Tăng cường đầu tư vào giá trị tự nhiên, bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học thông qua mở rộng diện tích và lập mới các khu vực bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, ngập lụt, xâm nhập mặn do triều cường, nước biển dâng cho các vùng duyên hải.
Đồng thời phải tiến hành cơ cấu lại các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên. Trong đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng biển) từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế truyền thống như kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản; nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu.
Một trong những hạn chế khiến trong những giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới của các địa phương có biển, đó là do chúng ta chưa tạo được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương không có biển, giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế, kết cấu hạ tầng. Chính vì vậy, chúng ta chưa phát triển được các cảng biển mang tầm cỡ quốc tế; một số ngành kinh tế mũi nhọn như hàng hải, dầu khí, công nghiệp đóng tàu chưa tận dụng được cơ hội, các tiềm năng lợi thế để phát triển.
Khắc phục hạn chế nêu trên đặt ra yêu cầu phải đổi mới từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội theo hướng phát triển kinh tế biển xanh tiếp cận quản lý tổng hợp, kết nối đồng bộ, hữu cơ như hệ sinh thái tự nhiên: cộng sinh, không làm suy yếu và loại trừ lẫn nhau, vừa hỗ trợ vừa làm động lực thúc đẩy lẫn nhau. Các địa phương có biển cần phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới, trong khi các địa phương không có biển đóng vai trò hỗ trợ thông qua việc tăng cường phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Ngược lại, các địa phương có biển đóng vai trò tạo động lực cho phát triển sản xuất của các địa phương không có biển bằng cách cung cấp các dịch vụ cảng, logistics cho xuất khẩu hàng hóa.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, chúng ta cần một quy hoạch mang tính tổng thể, toàn diện, phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính kết nối, tránh tình trạng các địa phương, các vùng tự phát cạnh tranh và làm suy yếu lẫn nhau. Có như thế, mới tăng cường được sự gắn kết, tạo thành chuỗi kết nối khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh cho các ngành, các địa phương và các vùng trong cả nước.
Một trong những nguyên nhân khiến cho phát triển kinh tế biển ở nước ta trong giai đoạn trước đây còn hạn chế là do chúng ta chưa phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa biển; chưa quan tâm đúng mức xây dựng thiết chế văn hóa các vùng biển và ven biển, cũng như chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.
Phát triển kinh tế biển xanh phải dựa trên nền tảng phát huy hiệu quả bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam gắn với biển tại các vùng, miền kết hợp đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa các vùng biển và ven biển, thay đổi hành vi ứng xử với biển của toàn xã hội. Theo đó, cần tăng cường nâng cao nhận thức và hành động về ứng xử thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai thông qua chuyển đổi các hoạt động liên quan đến xâm hại, tác động đến biển sang bảo vệ, bảo tồn.
Để thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, chúng ta cần bảo đảm quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng và có trách nhiệm của người dân với biển, đề cao vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững biển. Điều đó phải được thể hiện qua việc tạo sinh kế, phúc lợi cho mọi tầng lớp nhân dân từ biển; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch sinh thái, thám hiểm - khoa học, du lịch cộng đồng, gắn với nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân trong phát triển bền vững biển Việt Nam.
Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế biển Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng to lớn của mình là do nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng; trình độ, năng lực khoa học - công nghệ và điều tra cơ bản về biển còn hạn chế so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Do đó, khoa học - công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực biển chất lượng cao chính là nhân tố đột phá để phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể là: Để vươn ra biển và làm chủ biển, cần phải dựa trên phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp tăng cường điều tra cơ bản biển, đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật; ưu tiên đầu tư đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế như hàng hải, chế biến hải sản, nuôi trồng thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số biển, nano biển, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm…
Đồng thời phải có nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ cần phải chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho người dân, bảo đảm nhu cầu lao động của các ngành kinh tế biển khi tiến hành cơ cấu lại các ngành này.
Để hoàn thành mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó, kinh tế biển xanh đóng vai trò chủ đạo; xây dựng văn hóa sinh thái biển, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng trên nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0, cần có sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Phát triển bền vững biển Việt Nam phải được coi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc  (01/10/2018)
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh dại  (01/10/2018)
Lãnh đạo Cuba tin tưởng tiềm năng phát triển hợp tác với Việt Nam  (30/09/2018)
Tài liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà hoạt động Hàn Quốc  (30/09/2018)
Đồng chí Trần Quốc Vượng tiếp xúc cử tri tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái  (30/09/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên