Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng (*)
TCCSĐT - Kỷ niệm 73 năm ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu tiên (5-8-1930 - 5-8-2003) và đón nhận Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã có bài viết "Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng" trên Tạp chí Cộng sản. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu, Tạp chí Cộng sản Điện tử trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Tôi có vinh dự được công tác ở Tạp chí Học tập - Tạp chí Cộng sản gần 30 năm (từ 1967 đến cuối năm 1996) ; đã kinh qua nhiều công việc, từ một cán bộ tập sự cho đến giữ cương vị cao nhất của Tạp chí. Đã viết và biên tập nhiều bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực... Qua những công việc thực tế đó, tuy đã từng bước hiểu biết, từng bước tiến bộ, nhưng đến nay tôi vẫn thấy trình độ của mình còn rất hạn chế, năng lực có nhiều bất cập ; trong công việc có không ít khuyết điểm.
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu (5-8-1930 - 5-8-2003) và đón nhận Huân chương Sao Vàng, theo yêu cầu của Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, tôi xin nêu lại một đôi điều suy nghĩ từ thực tế công tác của tạp chí lý luận chính trị của Đảng (cả việc thành công và việc chưa thành công) có tính chất như là những tâm sự, những kinh nghiệm, có thể còn chưa chín, để bạn đọc (nhất là các bạn trẻ) tham khảo. Đây cũng là định hướng để tôi tiếp tục học tập, tiếp tục phấn đấu.
1- Nếu như hồi trẻ tôi thích nghề làm báo chỉ đơn giản là do cảm tính, thích được "bay nhảy", được "đi đây đi đó" thì càng về sau này, qua thực tế công việc, tôi càng hiểu nghề làm báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn : Nghề báo thật sự là một nghề cao quý, một nghề cực kỳ quan trọng trong xã hội.
Không phải chỉ trên lý thuyết mà chính là từ thực tiễn cuộc sống, tôi càng ngày càng nhận thức được rằng, báo chí là phương tiện thông tin, là phương tiện giao tiếp xã hội hết sức cần thiết. Trong xã hội có giai cấp, báo chí thật sự là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy mà còn có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp nhân dân. Trên thế giới, dù nói ra hay không, các thế lực chính trị, các tổ chức xã hội, các tập đoàn kinh tế đều sử dụng báo chí như những công cụ phục vụ lợi ích của mình. Dù các nhà tư tưởng phương Tây có nói nhiều đến tính "khách quan", "dân chủ", "tự do", "giải trí"... của báo chí thì thực tế họ vẫn sử dụng báo chí vào mục đích chính trị, coi đây là vũ khí rất lợi hại, "là cây cầu dẫn vào trận địa", "là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người", như họ thừa nhận.
Ai cũng biết, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã sáng lập và hoạt động tích cực cho báo Rê-na-ni như thế nào. V.I. Lê-nin đã lập tờ báo Tia lửa và đã viết bài "Bắt đầu từ đâu ?" để chỉ ra rằng phải bắt đầu từ việc lập ra một tờ báo chính trị mác-xít để tiến tới thành lập đảng cách mạng. Bác Hồ của chúng ta là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc cũng đồng thời là nhà báo vĩ đại. Bác sáng lập ra nhiều tờ báo và đã viết hàng nghìn, hàng nghìn bài báo để tuyên truyền giác ngộ nhân dân, giáo dục cán bộ, tập hợp quần chúng, tổ chức lực lượng đấu tranh cách mạng. Bác cũng chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ việc ra tờ báo cách mạng (báo Thanh Niên năm 1925) và xuất bản cuốn Đường Kách mệnh (năm 1927). Nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta đều là những nhà báo nổi tiếng.
Chỉ nói riêng lĩnh vực báo lý luận, Đảng ta cũng quan tâm từ rất sớm và đã đầu tư không ít công sức cho lĩnh vực này. Ngay trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc đấu tranh cách mạng, của cuộc kháng chiến, Đảng ta vẫn vượt mọi khó khăn, cố gắng xuất bản tạp chí lý luận. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng trực tiếp làm Tổng Biên tập, chỉ đạo viết bài và trực tiếp viết rất nhiều bài. Tại Hội nghị thành lập Đảng, ngày 3-2-1930, cùng với việc thông qua các văn kiện quan trọng của Đảng (như Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của các đoàn thể quần chúng), Đảng ta quyết định "xuất bản một tạp chí lý luận chung của toàn Đảng".
Thực hiện quyết định đó, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã xuất bản tạp chí Đỏ, số đầu tiên ra ngày 5-8-1930. Tuy nội dung và hình thức còn đơn giản nhưng tạp chí Đỏ đã có tác dụng hướng dẫn nhận thức, hướng dẫn công tác cho cán bộ, đảng viên và đã thể hiện rõ nét là một tạp chí lý luận và chính trị của Đảng.
Từ đó đến nay, tròn 73 năm, gắn chặt với sự phát triển của cách mạng, sự trưởng thành của Đảng, dù qua nhiều lần đổi tên, từ tạp chí Đỏ tới Cộng sản, Bôn-sơ-vic, Sinh hoạt nội bộ, Học tập, Tạp chí Cộng sản luôn xứng đáng là tạp chí lý luận và chính trị của Đảng.
Trong thư gửi Bộ Biên tập Tạp chí, ngày 3-12-1985, đồng chí Trường Chinh, người đã từng nhiều năm làm Tổng biên tập hoặc Chủ nhiệm Tạp chí, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đã chỉ rõ : "Tạp chí là tài liệu tin cậy để học tập, nghiên cứu đường lối, chính sách và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Tạp chí Cộng sản xứng đáng là ngọn cờ lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Tạp chí Cộng sản là cơ quan báo chí đầu tiên ở nước ta được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (ngày 28-11-1985).
Trong những năm đổi mới gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cả nước, Tạp chí Cộng sản cũng ngày càng đổi mới và phát triển. Từ tháng 7-1995, Bộ Chính trị đã quyết định cho Tạp chí Cộng sản xuất bản 2 kỳ một tháng ; và từ tháng 1-2002, Tạp chí Cộng sản ra 3 kỳ (Tạp chí in) và 2 kỳ (Tạp chí điện tử) một tháng để đáp ứng yêu cầu mới của công tác tư tưởng lý luận.
Nói như thế để thấy rằng, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, báo chí là một mặt trận đấu tranh cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Không phải như có ai đó, có lúc nào đó mơ hồ, tự hạ thấp vai trò của báo chí, tưởng đâu như đó chỉ là phương tiện giải trí đơn thuần, là phương tiện thương mại kiếm tiền, rồi chạy theo những "mốt" giật gân, câu khách, rẻ tiền, thậm chí làm những việc trái cả với tôn chỉ, mục đích hoặc đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.
2- Điều thứ hai tôi rút ra được là, nhà báo trước hết phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác.
Muốn hành nghề, trước hết phải hiểu nghề. Đó là lẽ thường tình. Mỗi tờ báo có một tôn chỉ, mục đích, một đối tượng độc giả, một chức năng nhiệm vụ và có yêu cầu riêng, phong cách riêng. Tạp chí Cộng sản là tạp chí lý luận chính trị ; hơn nữa, là tạp chí lý luận chính trị của Trung ương Đảng. Người làm ở Tạp chí phải hiểu tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí là gì ? Tạp chí khác báo hằng ngày ở chỗ nào ? Khác tạp chí khác ở chỗ nào ? Vì sao nói Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng? Đối tượng của Tạp chí là những ai ? Tạp chí sử dụng những thể loại gì ? Nội dung và hình thức thể hiện ra sao ? Một bài như thế nào thì đăng được trên Tạp chí ? ... Những vấn đề đó tưởng như đơn giản, dễ hiểu, nhưng thực ra không đơn giản chút nào, và không phải ngay một lúc nhận thức hết được. Có đồng chí đã mấy chục năm trong nghề, đã dày dạn kinh nghiệm công tác ở Tạp chí Cộng sản, cũng có lúc tâm sự tự thấy mình chưa hiểu sâu sắc và đầy đủ chức năng của Tạp chí. Có khi vẫn lúng túng trong việc xác định chương trình, phạm vi nghiên cứu, biên tập, không biết một bài như thế nào thì đăng được ở Tạp chí, một bài như thế nào thì nên chuyển đăng ở báo khác, tạp chí khác. Tôi nói điều này không hề cường điệu. Không phải ngẫu nhiên có tác giả viết bài gửi khắp các báo, tưởng như bài của mình có thể đăng báo nào cũng được (tất nhiên, ở đây không nói trường hợp đặc biệt là bài của các đồng chí lãnh đạo, những bài mang tính chất văn kiện, ở tầm cỡ chỉ đạo chung). Thực tế hiện nay, có không ít trường hợp báo này làm lẫn chức năng của báo kia, báo này lấn sân sang báo khác, xa rời cả tôn chỉ, mục đích của mình.
Tạp chí Cộng sản là tạp chí lý luận và chính trị của Đảng, có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích những vấn đề lý luận và thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta. Tạp chí "đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, chính sách và các quan điểm của Đảng một cách sâu sắc"(1).
Tính lý luận của tạp chí thể hiện ở chỗ, nó luôn luôn vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phân tích, làm sáng tỏ đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng ; đồng thời, góp phần tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từng bước hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng ; đấu tranh chống các trào lưu lý luận sai trái, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng.
Tính lý luận là điểm khác biệt cơ bản giữa Tạp chí với các báo hằng ngày, là một tiêu chí quyết định đánh giá chất lượng bài vở đăng trên Tạp chí. Nhưng lý luận đề cập trên Tạp chí Cộng sản không phải là lý luận kinh viện, lý luận trừu tượng, mà là lý luận gắn liền với đường lối chính trị, thấm sâu vào thực tiễn. Tạp chí dùng lý luận để phân tích, cắt nghĩa, giải thích những vấn đề thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, từ đó lại bổ sung lý luận, đúc kết, khái quát thành lý luận. Tạp chí Cộng sản cũng nghiên cứu lý luận nhưng không đi sâu vào các lĩnh vực có tính học thuật như ở các viện nghiên cứu, các học viện, các trường. Tính lý luận của tạp chí toát ra chủ yếu từ sự phân tích thực tiễn, làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, phục vụ sát sườn cho đường lối chính trị của Đảng. Không phải cứ trích dẫn kinh điển nhiều hoặc nêu ra được nhiều vấn đề học thuật phức tạp mới là lý luận.
Nói cách khác, tính lý luận của tạp chí là tính lý luận chính trị, gắn liền với chính trị, làm cơ sở cho chính trị.
Tính chính trị của Tạp chí Cộng sản biểu hiện ở chỗ, nó luôn luôn lấy việc tuyên truyền, giải thích đường lối quan điểm của Đảng, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị làm mục đích. Tính chính trị là linh hồn, là cốt lõi của bài vở trên Tạp chí. Tạp chí Cộng sản không phải là một diễn đàn thảo luận các vấn đề mang tính học thuật thuần tuý, hay thảo luận những ý kiến, những quan điểm khác nhau, nhất là những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng. Nếu có thảo luận, có tranh luận, có giới thiệu những ý kiến khác nhau thì cũng là nhằm làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng, gợi mở những suy nghĩ, tìm tòi, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng.
Tính lý luận và tính chính trị là hai mặt cơ bản trong chức năng của Tạp chí Cộng sản. Nó khác với nhiều tạp chí chuyên ngành khác ở chỗ : Tạp chí Cộng sản đề cập những vấn đề lý luận gắn với đường lối chính trị ; hoặc tuyên truyền cho đường lối chính trị một cách có lý luận. Hai mặt lý luận và chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau, xoắn xuýt vào nhau, gắn bó và tác động lẫn nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia.
Lý luận là cơ sở của chính trị, đến lượt nó chính trị là linh hồn của lý luận. Tạp chí không viết lý luận trừu tượng và cũng không viết chính trị nông cạn, thô thiển. Tạp chí không đơn thuần là tạp chí lý luận và cũng không đơn thuần là tạp chí chính trị.
Có nhận thức đầy đủ và sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản mới thấy rõ phương hướng, nội dung, yêu cầu nghiên cứu và biên tập, xác định đúng chương trình biên tập, lựa chọn đúng bài để đăng, tránh được các khuynh hướng sa vào nghiên cứu những vấn đề lý luận thuần tuý, thích đăng những bài có tính học thuật, hoặc ngược lại, nhấn mạnh quá đáng yêu cầu phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, hạ thấp chất lượng lý luận của bài vở, đăng cả những bài mà lẽ ra thuộc chức năng của báo hằng ngày.
Có lẽ do tính chất và chức năng như vậy mà Tạp chí Cộng sản được xác định là tạp chí hàng đầu, có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống báo chí ở nước ta. Nhiều người đã nói vui rằng Tạp chí Cộng sản là "vũ khí hạng nặng", là "đại bác tầm xa" trên mặt trận tư tưởng, mặt trận báo chí. Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và bạn bè ở nước ngoài coi Tạp chí Cộng sản là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói chính thức của Đảng. Còn các thế lực thù địch thì theo dõi sát sao, triệt để khai thác các bài vở trên Tạp chí để nghiên cứu chúng ta và tìm cách phản kích chúng ta về phương diện lý luận chính trị.
3- Công việc của tạp chí lý luận chính trị có những yêu cầu cao như vậy, khó như vậy cho nên những người làm ở tạp chí lý luận chính trị phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thật sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi.
Như trên tôi đã nói, nghề làm báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Làm báo nào cũng khó, mỗi báo có một yêu cầu riêng, có cái khó riêng. Làm báo hằng ngày đã rất khó, nhưng phải thừa nhận rằng làm báo lý luận lại càng khó. Trong một dịp đến thăm Tạp chí, đồng chí Phạm Văn Đồng căn dặn : "Nghề làm báo rất khó, khó lắm ; viết một bài lý luận lại càng khó. Vì vậy, phải lo rèn luyện, rèn luyện công phu. Phải công phu nhiều lắm. Mỗi người phải công phu tự rèn luyện mình". Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng nhắc nhở : "Làm lý luận là một công tác thầm lặng mà anh dũng. Đó là một công tác rất phức tạp".
Lúc mới về cơ quan, anh em trẻ chúng tôi thường được nhắc nhở điều này và càng về sau càng thấy thấm thía. Phải làm sao để vừa có phẩm chất chính trị vững, có đạo đức nghề nghiệp tốt, vừa có đủ trình độ, năng lực nghiên cứu và biên tập được, viết bài được, nhất là nghiên cứu và biên tập những vấn đề lý luận và thực tiễn mà cuộc sống đặt ra, sao cho không sáo mòn mà cũng không chệch choạc.
Làm cán bộ biên tập ở Tạp chí Cộng sản là vừa làm công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, vừa làm công tác sáng tạo, tuyên truyền, hướng dẫn thực tiễn. Viết cho được một bài báo lý luận hay, có giá trị, quả là không đơn giản. Đó phải thật sự là một công trình khoa học nghiêm túc, công phu, có sáng tạo. Nếu không yêu nghề, không hứng thú say mê thì không thể làm được.
Có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, nhưng lại phải chịu khó học tập, kiên trì rèn luyện. Học tập bao nhiêu, hiểu biết bao nhiêu cũng là không đủ đối với người làm báo, nhất là những người làm báo lý luận. Tôi thấy các anh chị làm ở Tạp chí Cộng sản phải học nhiều lắm. Học lý luận, học đường lối, quan điểm của Đảng, học văn hóa, học ngoại ngữ, học thực tiễn, học nghiệp vụ... Cái gì cũng phải biết, có cái nông, có cái sâu, nhưng nói chung là không thể hời hợt. Mình viết bài đi tuyên truyền cho người khác mà bản thân mình chưa hiểu hoặc hiểu chưa sâu thì làm sao viết một cách sâu sắc, viết có hồn, có sức thuyết phục được. Đối với những anh em trẻ, như tôi, từ một học sinh ra trường về đây công tác, lại càng phải học tập, rèn luyện nhiều mặt. Cũng may là cơ quan đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Nhưng học thế nào cũng luôn luôn thấy thiếu hụt. Nhiều khi trong thực tế công tác, mình vẫn cảm thấy không đủ kiến thức và kinh nghiệm để phân tích, lý giải vấn đề, không đủ trình độ để đánh giá chính xác một công trình nghiên cứu, một bài viết. Đó là chưa kể nếu lý luận cơ bản nắm không chắc, hiểu không sâu thì rất dễ dẫn đến không phân biệt được đúng sai, lúc có vấn đề gì thì dễ mơ hồ, ngả nghiêng, dao động.
Nói rằng phải yên tâm, kiên trì, bền bỉ học tập, rèn luyện, nhưng không phải vì thế mà thụ động, tự ti, không dám lao vào công việc. Kinh nghiệm của nhiều anh chị em làm ở Tạp chí cho thấy, chỉ có mạnh dạn lao vào công việc mới có thể tiến bộ, trưởng thành nhanh. Không chờ học xong mới làm ; trái lại, phải vừa học vừa làm, tranh thủ sự giúp đỡ của những người đi trước và anh chị em xung quanh. Có kết hợp học với làm mới có điều kiện thấm sâu những kiến thức đã học, làm cho việc học có kết quả thiết thực, và mặt khác mới kịp thời rút được những kinh nghiệm tốt. Đương nhiên, phải biết chọn vấn đề, đi từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ việc đơn giản đến việc phức tạp. Đặc biệt, cần luôn luôn chú trọng rèn luyện ngòi bút, tức là phải thường xuyên tự viết. Tự viết là sử dụng tổng hợp tất cả các kết quả nghiên cứu, làm tư liệu, đi thực tế, rèn luyện nghiệp vụ,... Viết được thì sửa bài cho người khác được, nhận xét góp ý kiến với bài của người khác được.
Cố gắng nắm vững các vấn đề chung về nghiệp vụ báo chí, nhất là những yêu cầu về nghiệp vụ của tạp chí. Ví dụ : phải biết rõ các thể loại mà Tạp chí sử dụng. Xã luận là gì ? Chuyên luận là gì ? Bình luận là gì ? Xã luận của Tạp chí khác xã luận của báo hằng ngày ở chỗ nào ? Bình luận của Tạp chí khác bình luận của báo hằng ngày ở chỗ nào ? Thế nào là một bài điều tra ? Cách thể hiện của mỗi loại thế nào ? Từ việc chọn đề tài, xác định chủ đề, chuẩn bị nội dung, xây dựng kết cấu, đến việc chọn lọc chi tiết, dàn dựng, thể hiện thành bài văn (...) đều có yêu cầu riêng của nó, không dễ dãi, tầm thường, không nhạt nhẽo, khô khan. Vấn đề này quan trọng lắm, không thể coi thường. Bởi vì, đích cuối cùng của người làm báo, của một bài báo là phải đưa được tư tưởng, quan điểm mà mình định nói đến với người đọc một cách có hiệu quả nhất. Đối với tạp chí lý luận chính trị, văn phong càng phải đĩnh đạc, trong sáng ; lập luận càng phải chặt chẽ, rõ ràng ; dẫn chứng càng phải sắc sảo, chính xác và có sức thuyết phục cao. Phải cẩn trọng trong từng câu, từng chữ. Viết báo hằng ngày đã như vậy, viết cho Tạp chí lý luận chính trị lại càng phải như vậy.
4- Một vấn đề nữa tôi rất thấm thía là, cần xây dựng cho mình một phương pháp thích hợp.
Mỗi người tuỳ hoàn cảnh, điều kiện, đặc tính, phong cách mà có thể có những phương pháp riêng, không có một công thức nào cứng nhắc. Nhưng thực tế tôi thấy có một số điểm chung rất quan trọng :
- Phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy : Làm cán bộ nghiên cứu lý luận, biên tập những vấn đề lý luận, trước hết cần thấm nhuần sâu sắc phương pháp duy vật biện chứng của Mác. Tức là phải có cách suy nghĩ, cách nhìn toàn diện, hệ thống, cụ thể, lịch sử, theo quan điểm phát triển ; tuyệt đối tránh phiến diện, cực đoan, thoát ly thực tiễn, thoát ly hoàn cảnh lịch sử cụ thể, cứng nhắc, giáo điều. Trong nghiên cứu và trình bày vấn đề thì đặc biệt chú ý phương pháp tổng hợp, khái quát hóa. Bên cạnh việc phân tích cụ thể, phải chú ý phương pháp khái quát. Nếu tư duy văn học là tư duy hình tượng thì người làm lý luận phải có tư duy lô-gích và lịch sử ; nếu tác phẩm văn học cần ngồn ngộn các chi tiết sinh động của cuộc sống thì bài viết lý luận lại cần có sự khái quát hóa rất cao, khái quát trên cơ sở chắt lọc một khối lượng thông tin lớn và lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất để chứng minh cho lập luận của mình. Không quá sa đà vào những hiện tượng vụn vặt, sự kiện cụ thể, mà phải từ những cái cụ thể sinh động phong phú ấy để rút ra vấn đề, phát hiện được vấn đề có tính quy luật. Phương pháp tư duy đúng, phương pháp khái quát tốt giúp người cán bộ nghiên cứu và biên tập nhận thức đúng vấn đề, phát hiện trúng vấn đề từ trong bộn bề của cuộc sống với biết bao sự kiện, hiện tượng ; đồng thời, giúp trình bày vấn đề một cách có tính lý luận, có lô-gích chặt chẽ, có lập luận rõ ràng, khúc chiết và trong sáng. Không có trình độ khái quát hóa thì nhiều khi tài liệu, tư liệu rất nhiều mà không biết khai thác, sử dụng, không làm chủ được các tài liệu, tư liệu đó.
Muốn khái quát đúng lại phải có sự độc lập suy nghĩ và sáng tạo, suy nghĩ cẩn trọng và sâu sắc. Suy nghĩ trên cơ sở những tư liệu, tài liệu mình thu thập được, đồng thời xuất phát từ thực tế cuộc sống, không sa vào sự kiện, nhưng cũng không thoát ly sự kiện. Nếu khái quát vội, khái quát không đủ căn cứ dữ liệu, sự kiện thì còn nguy hiểm hơn.
Ở đây, có vấn đề tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và công bố thông tin. Ai cũng biết, thông tin là chức năng cơ bản của báo chí. Trách nhiệm của nhà báo là đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, thông tin càng nhanh nhạy, phong phú càng tốt. Nhưng thông tin phải trung thực, chính xác. Thông tin toàn diện chứ không phiến diện, không thổi phồng, tô hồng hoặc bôi đen ; thông tin có phân tích, có bình luận, có định hướng, chứ không phải cứ tung ra ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Nói cách khác, thông tin phải đúng sự thật, tức là nói đúng bản chất sự việc, hiện tượng, thông tin có cân nhắc hiệu quả xã hội, vì lợi ích chung, sự nghiệp chung. Tạp chí lý luận chính trị của Đảng có lợi thế và có điều kiện rất nhiều trong việc này.
- Phương pháp nghiên cứu : Do tính chất và chức năng của mình, nói chung công tác nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản không đi quá sâu vào những chuyên ngành cụ thể, những vấn đề học thuật có tính kinh viện, tuy những kiến thức chuyên môn đó là rất cần thiết cho người nghiên cứu. Nghiên cứu lý luận ở Tạp chí Cộng sản là tập trung khai thác các khía cạnh lý luận cơ bản đồng thời bám sát đường lối, bám sát thực tiễn đời sống, nhằm làm cơ sở cho việc biên tập, viết bài về các vấn đề lý luận chính trị đó.
Có thể nói, có ba loại nghiên cứu : nghiên cứu tổng hợp, nghiên cứu chuyên đề và nghiên cứu biên tập. Nghiên cứu tổng hợp là nghiên cứu tình hình chung cả về lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực. Đây còn gọi là nghiên cứu cơ bản. Trên cơ sở các nghiên cứu cơ bản, người nghiên cứu sẽ chọn ra các chuyên đề nhỏ để nghiên cứu sâu hơn. Còn nghiên cứu biên tập là nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho việc biên tập một bài cụ thể nào đó.
Muốn nghiên cứu có hiệu quả cao, người nghiên cứu phải có chương trình, xác định rõ chủ đích nghiên cứu, có hướng tập trung, không tràn lan, miên man. Kinh nghiệm cho thấy, nếu nghiên cứu tràn lan, nghiên cứu không có chủ đích rõ rệt thì hiệu quả rất thấp. Ngay trong một công trình nghiên cứu cũng phải có yêu cầu cụ thể, có đề cương rõ ràng. Đọc sách, đọc tài liệu phải có suy nghĩ, nghiền ngẫm, có ghi chép, có phân tích, phân loại. Có thể ghi chép theo kiểu bút ký, thu hoạch ; có thể trích dẫn nguyên văn ; có thể viết lại thành chuyên đề làm tài liệu dùng lâu dài. Đọc, ghi chép, nhưng thỉnh thoảng phải xem lại để bổ sung, điều chỉnh và làm cho kiến thức, tài liệu không bị "chết". Phải thổi vào đó sức sống của cuộc sống hiện thực, phải xử lý tư liệu đó và khai thác tư liệu đó. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, có rất nhiều sách, nhiều tài liệu cần đọc, cho nên càng cần phải có phương pháp, biết chọn lọc tài liệu và bố trí chương trình nghiên cứu hợp lý.
- Phương pháp làm việc : Do khối lượng công việc rất nhiều, thời gian có hạn, cho nên phải cần cù, chịu khó, tranh thủ thời gian, biết quý thời gian, đồng thời phải có phương pháp làm việc thông minh nhất. Cố gắng làm chủ được kế hoạch, làm chủ được công việc và thời gian của mình, không lăng quăng, sa vào những việc không thật cần thiết. Đối với những việc đã có điều kiện thì kiên quyết tập trung dứt điểm, không nóng vội nhưng cũng không dây dưa. Luôn luôn nắm vững trọng tâm công tác trong từng thời kỳ, thậm chí từng ngày, kiên quyết không để mất thời gian vào những việc phụ chưa phải là trọng tâm lúc đó. Điều tối kỵ đối với một cán bộ nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học là làm việc không có chương trình kế hoạch, làm việc không sâu, việc gì cũng chàng màng, hời hợt.
Mấy vấn đề rút ra trên đây có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, mỗi vấn đề đều có ý nghĩa riêng của nó. Nói chung, bất cứ làm việc gì, nếu hiểu rõ công việc của mình, có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, ham học hỏi và có một phương pháp làm việc đúng thì chắc chắn sẽ thành công.
Mấy vấn đề về công tác lý luận  (02/08/2010)
Truyền thống vẻ vang, phần thưởng cao quý, trách nhiệm lớn lao  (02/08/2010)
Về định hướng hoạt động chính của Tạp chí Cộng sản hiện nay  (02/08/2010)
Kinh tế trang trại ở Đồng Nai - khởi sắc, nhưng chưa hết khó khăn  (02/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên