Tìm hiểu quan điểm của các nhà kinh điển Mác-xít về vấn đề phụ nữ

Nguyễn Tiến Nghĩa Tạp chí Cộng sản
23:40, ngày 03-03-2017

TCCSĐT - Là người phê phán hình thức tư sản của những mối quan hệ về giới và địa vị của người phụ nữ trong xã hội tư sản, S. Phu-ri-ê (1772 - 1837) - một trong những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng người Pháp, theo đánh giá của Ph. Ăng-ghen, cũng là nhà tư tưởng đầu tiên tuyên bố rằng, “trong một xã hội nhất định, trình độ giải phóng phụ nữ là cái thước đo tự nhiên của sự giải phóng chung” (1).

Tiếp tục tư tưởng của S. Phu-ri-ê, các nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học không chỉ phân tích, khắc họa một cách sâu sắc về thân phận ngày càng tồi tệ của người phụ nữ trong các xã hội có đối kháng giai cấp, những nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới, mà còn chỉ ra những điều kiện, con đường giải phóng phụ nữ khỏi sự bất bình đẳng này. Tuy không viết một tác phẩm nào bàn riêng về vấn đề phụ nữ, song những quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen xung quanh những nội dung nêu trên đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm lớn của các ông, như “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh”; “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”; “Tư bản”; “Chống Đuy-rinh”; “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”,…

Kế thừa và vận dụng những quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về con đường giải phóng phụ nữ khỏi mọi sự bất công, bất bình đẳng vào thực tiễn cách mạng ở nước Nga, V.I. Lê-nin đã tiếp tục phát triển, làm sâu sắc và phong phú thêm những quan điểm mác-xít về vấn đề phụ nữ. Trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười Nga, tình cảnh lầm than của phụ nữ dưới chủ nghĩa tư bản và những luận điểm có tính cương lĩnh của đảng cộng sản về đấu tranh đòi quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ được V.I. Lê-nin bàn tới ở nhiều tác phẩm, như “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga”; “Dự thảo cương lĩnh của Đảng ta”; “Dự thảo cương lĩnh của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga”; “Chủ nghĩa tư bản và lao động nữ”; “Các Mác”; “Giai cấp vô sản cách mạng và quyền dân tộc tự quyết”; “Nhiệm vụ giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng của chúng ta”;…Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, từ thực tiễn nước Nga Xô-viết lúc bấy giờ, những nội dung xung quanh vấn đề phụ nữ, như tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị - xã hội trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa,…đã được V. I. Lê-nin bàn đến nhiều không chỉ ở các tác phẩm được viết trong năm 1919, như “Sáng kiến vĩ đại”; “Bàn về nhiệm vụ của phong trào nữ công nhân nước cộng hòa Xô-viết”; “Chính quyền Xô-viết và địa vị của phụ nữ”; …mà còn trong nhiều bài viết ngắn đăng trên báo Sự thật, trong các diễn văn, thư hay lời chào mừng gửi tới các hội nghị phụ nữ hoặc nhân ngày quốc tế phụ nữ, như “Diễn văn tại Đại hội I toàn Nga các nữ công nhân” ; thư “Gửi nữ công nhân”; “Kỷ niệm ngày phụ nữ quốc tế lao động”; “Lời chào mừng Hội nghị toàn Nga các ban phụ vận tỉnh” ; “Ngày quốc tế của nữ công nhân”;…

Khái quát dưới đây đề cập đến một số nội dung cơ bản về vấn đề phụ nữ trong di sản lý luận của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Bất bình đẳng giới trong xã hội tư bản chủ nghĩa

Trong các tác phẩm của C.Mác và Ph. Ăng-ghen, các ông đã luận giải sự thay đổi cơ bản địa vị của người phụ nữ từ xã hội cộng sản nguyên thủy sang các xã hội có giai cấp đối kháng, cũng tức là khi chế độ mẫu quyền dần bị thay thế bởi chế độ phụ quyền. Địa vị của người phụ nữ dần thay đổi theo hướng trở nên thấp kém và ngày càng tồi tệ hơn, không chỉ trong hôn nhân và cuộc sống gia đình, mà còn cả trong đời sống xã hội. Ph.Ăng-ghen trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” đã viết: “Chế độ mẫu quyền bị lật đổ, đó là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của phụ nữ. Ngay cả ở trong nhà, người đàn ông cũng nắm quyền cai quản, còn người đàn bà thì bị hạ cấp, bị nô dịch,…” (2). Và Ph.Ăng-ghen cũng đã giải thích thêm: “Sự đối lập giai cấp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ trong hôn nhân cá thể, và sự áp bức giai cấp đầu tiên là trùng với sự nô dịch của đàn ông đối với đàn bà” (3).

Từ nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội loài người, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã kết luận: Sự thay đổi các hình thức hôn nhân trong các chế độ xã hội từ cộng sản nguyên thủy sang chiếm hữu nô lệ, rồi phong kiến và đến chế độ tư bản chủ nghĩa, một mặt, thể hiện sự tiến bộ của nhân loại; mặt khác, cũng cho thấy một thực tế là phụ nữ ngày càng mất dần các quyền tự do của mình. Các ông đã phân tích vai trò của người phụ nữ và mối quan hệ nam nữ trong xã hội tư bản từ hai phương diện: trong gia đình và trong hoạt động sản xuất xã hội. Trong thời kỳ đầu của xã hội tư bản chủ nghĩa tồn tại hai kiểu gia đình: Một là, ở các gia đình tư sản sự “áp bức đàn bà về mặt kinh tế” là phổ biến. Gia đình tư sản chủ yếu dựa trên cơ sở quan hệ kinh tế bất bình đẳng nam nữ, chứa đựng và bộc lộ rõ mối quan hệ thống trị bóc lột của người chồng đối với người vợ. Khái quát thực tế phổ biến này, Ph. Ăng-ghen ví: “Trong gia đình, người chồng là nhà tư sản, người vợ đại biểu cho giai cấp vô sản” (4). Hai là, ở các gia đình vô sản, xét dưới góc độ kinh tế, đành rằng hôn nhân không còn bị chi phối bởi những tính toán kinh tế vụ lợi, bởi người phụ nữ cũng phải làm việc trong các công xưởng, nhà máy và trở thành một nguồn chính kiếm tiền nuôi gia đình, song điều đó không có nghĩa là người phụ nữ được bình đẳng hoàn toàn với người đàn ông. Thực tế này vẫn hiện hữu ngay cả khi chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn phát triển mới - chủ nghĩa tư bản độc quyền. V. I. Lê-nin đã vạch trần sự thật rằng, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, phụ nữ, tức một nửa nhân loại luôn bị hai tầng áp bức, thậm chí ngay tại những nước cộng hòa tư sản dân chủ nhất thì họ vẫn ở trong tình cảnh “bị hai tầng áp bức”: “Một là, họ hoàn toàn không có quyền gì cả, vì pháp luật không cho họ có quyền bình đẳng với nam giới; hai là, và đây là điều chủ yếu, họ bị giam hãm trong “chế độ nô lệ gia đình”, họ là những “nô lệ cho gia đình”, bị nghẹt thở dưới cái gánh những công việc bếp núc nhỏ nhặt nhất, lam lũ nhất, khổ cực nhất và làm cho mụ người nhất, và nói chung, dưới cái gánh những công việc nội trợ - gia đình cá thể (5).

Khắc họa địa vị của người phụ nữ trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã tố cáo kiểu bóc lột tư bản chủ nghĩa đối với lao động nữ. Ngay từ những năm 1844-1845 C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã phát hiện một kiểu sử dụng lao động của giới chủ tư bản, đó là tăng cường tuyển dụng lao động nữ vào làm việc trong các nhà máy, công xưởng. Lý giải điều này, Ph. Ăng-ghen trong tác phẩm: “Tình cảnh giai cấp lao động ở Anh” đã chỉ ra rằng: vì lao động của phụ nữ dưới chủ nghĩa tư bản là thứ lao động rẻ mạt, việc sử dụng nguồn lao động này khiến nhà tư bản thu được món lợi kếch sù. Vậy nên, giới chủ tư bản luôn tìm cách thải hồi nam công nhân để thu hút lao động nữ và buộc họ phải làm việc đến kiệt sức trong điều kiện không bảo đảm cho sức khỏe, từ đó khiến họ bị mắc nhiều căn bệnh nan y. Trong bộ “Tư bản”, C.Mác đã dẫn ra các số liệu rất cụ thể về tình trạng phụ nữ chết vì bệnh tật do phải làm việc quá sức trong những điều kiện không bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động ở những loại công việc mà phụ nữ tham gia, như sản xuất bông, len, lụa và đồ gốm,… Tại Uy-gân, tỷ lệ bình quân nữ công nhân chết vì bệnh phổi trên 100 nghìn người là 644 người, nhiều hơn so với tỷ lệ nam công nhân chết vì căn bệnh này là 559 người; tại Blac-bơn và Ha-li-phắc-xơ các con số tương ứng là 734 và 708; 564 và 547;…(6). Giới chủ tư bản bóc lột sức lao động của phụ nữ bằng cách kéo dài thời gian lao động của họ trung bình 16,5 giờ mỗi ngày và trong mùa may mặc thì thời gian làm việc kéo dài tới 30 giờ không nghỉ (7). Hậu quả của sự bóc lột trên dẫn đến tình trạng người phụ nữ bị suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí không ít nữ công nhân đã tử vong vì phải làm việc quá sức. C. Mác cũng dẫn lại kết quả nghiên cứu của bác sĩ Ri-sác-xơn tại một bệnh viện ở Luân-đôn về tình trạng lao động của các nữ công nhân may mặc, dù là công nhân may thời trang hay may thông thường, thì họ đều phải chịu 3 thứ tai họa, đó là lao động quá sức, thiếu không khí và thiếu ăn hoặc rối loạn tiêu hóa… Ngoài ra, phụ nữ còn phải làm những công việc nặng nhọc khác, như “để kéo thuyền dọc sông đào, thỉnh thoảng người ta vẫn còn dùng phụ nữ thay cho ngựa” (8). Không những vậy họ còn phải sống trong những điều kiện cùng cực. C.Mác đã trích dẫn nhận xét của bác sĩ Xai-mơn để miêu tả điều kiện sống của những người công nhân, như sống “chen chúc chật chội đến cao độ hầu như nhất định phải dẫn đến chỗ bỏ hết mọi thứ lịch sự, chung đụng một cách bẩn thỉu về thân thể và về những chức năng của cơ thể,…đến nỗi tất cả đều giống như thú vật hơn là giống người” (9).

So với giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, địa vị người phụ nữ vẫn không hề thay đổi trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền. Họ cũng vẫn chỉ là nô lệ trong gia đình, vẫn là “công cụ lao động” của giới tư sản mà thôi. Nghiên cứu tình cảnh của người phụ nữ vào những thập niên cuối thế kỷ XIX và thập niên đầu thế kỷ XX, V.I. Lê-nin đã làm rõ cảnh ngộ cơ cực, bị áp bức, phải chịu nhiều bất công của phụ nữ thuộc các tầng lớp dưới của xã hội không chỉ trong gia đình, mà còn cả trong hoạt động sản xuất ngoài xã hội mà một trong những biểu hiện của sự bất công đối với nữ công nhân trong nền sản xuất tư bản chính là đồng lương ít ỏi mà họ được nhận so với nam công nhân làm cùng công việc trong cùng thời gian như nhau. Trong tác phẩm “Vấn đề ruộng đất và những kẻ phê phán Mác”, V.I.Lê-nin dẫn lại kết quả điều tra khảo sát của M.Hê-khtơ - nhà kinh tế tư sản người Đức, rằng “…họ (nữ công nhân) cũng làm ở công xưởng 10 giờ một ngày, nhưng chỉ được tất cả có 1,10-1,50 mác (nam giới thì được 2,50 - 2,70 mác)” (10).

Nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới

Nhiều nhà tư tưởng trong lịch sử đã từng đưa ra quan niệm, rằng sự lệ thuộc của phụ nữ vào đàn ông, thậm chí trở thành nô lệ của đàn ông là một lẽ hoàn toàn tự nhiên, bởi theo họ, “giá trị” của người phụ nữ thấp hơn “giá trị” của người đàn ông, thậm chí không là gì cả. Quan niệm này đã bị các nhà triết học thời kỳ khai sáng, nhất là những đại diện của chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, như Đ. Đi-đơ-rô, Gi.Ru-xô và đặc biệt là S. Phu-ri-ê phê phán. Song, do hạn chế bởi lập trường duy tâm trong giải quyết các vấn đề xã hội nói chung nên sự lý giải của các nhà tư tưởng Pháp về nguyên nhân dẫn đến địa vị thấp kém của người phụ nữ nhìn chung vẫn mang tính phiến diện, một chiều.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, từ lập trường duy vật lịch sử, đã đưa ra sự lý giải có căn cứ khoa học và đúng đắn về nguồn gốc của sự bất bình đẳng nam nữ. Ngay từ buổi bình minh của xã hội loài người, khi con người đang dần tách ra khỏi các động vật khác thì cũng là thời kỳ hình thành chế độ cộng sản nguyên thủy với phương thức sản xuất chủ yếu là hái lượm và săn bắn. Với phương thức sản xuất này, người phụ nữ giữ địa vị quan trọng trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Phân tích điều này, Ph.Ăng-ghen đã viết: “kinh tế gia đình cộng sản… là cơ sở hiện thực của quyền thống trị của người đàn bà, cái quyền thống trị phổ biến khắp mọi nơi trong thời nguyên thủy” (11). Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm cho phương thức sản xuất xã hội chuyển dần từ hái lượm, săn bắn sang trồng trọt và chăn nuôi với năng suất lao động cao hơn trước. Con người đã bắt đầu biết tích trữ của cải, những người có quyền điều hành trong cộng đồng đã dựa vào quyền lực của mình để chiếm đoạt của công thành của riêng. Cũng từ đó dần hình thành chế độ tư hữu và đây cũng là thời kỳ mà chế độ phụ quyền bắt đầu sự thống trị của mình, đánh dấu sự thất bại có tính chất toàn thế giới của phụ nữ. Từ việc xác định đúng nguồn gốc nảy sinh và phát triển của sự bất bình đẳng trong quan hệ giới, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã chỉ ra chính xác nguyên nhân của sự bất bình đẳng nam nữ, đó là sự áp bức của đàn ông đối với đàn bà về mặt kinh tế. Ph.Ăng-ghen viết: “tình trạng không bình quyền giữa đôi bên, do những quan hệ trước kia để lại cho chúng ta, tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của việc áp bức đàn bà về mặt kinh tế” (12), và “sự thống trị của đàn ông trong hôn nhân chỉ đơn thuần là kết quả của sự thống trị của họ về mặt kinh tế, và sẽ tiêu vong cùng với sự thống trị về kinh tế” (13). Như vậy, khi cơ sở kinh tế của xã hội biến đổi thì tính chất của mối quan hệ nam nữ về mặt xã hội cũng biến đổi theo. Sự xuất hiện chế độ tư hữu dẫn đến sự phụ thuộc về mặt kinh tế của người phụ nữ vào người đàn ông, và trong các giai cấp bị bóc lột thì nó đồng thời dẫn đến sự nô dịch người phụ nữ về mặt giai cấp. Người phụ nữ bị tước mất những quyền về kinh tế và chính trị, bị nô dịch về tinh thần thì cũng bị cô lập với xã hội, phạm vi hoạt động của họ bị giới hạn chỉ trong công việc nội trợ gia đình.

Việc nhấn mạnh vai trò quyết định của cơ sở kinh tế không có nghĩa là các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác xem nhẹ các yếu tố phi kinh tế, như trình độ nhận thức, truyền thống, phong tục tập quán, thành kiến tôn giáo,… đối với sự bất bình đẳng nam nữ. Các ông đã nêu rõ: điều kiện kinh tế là cái cuối cùng quyết định sự phát triển lịch sử, nhưng sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật đều dựa trên sự phát triển kinh tế. Đến lượt mình, tất cả những sự phát triển đó đều tác động lẫn nhau và cũng tác động ngược lại đến cơ sở kinh tế. Bởi vậy, ngoài nguyên nhân kinh tế của sự bất bình đẳng giới, thì trình độ nhận thức, thói quen suy nghĩ và các phong tục tập quán phản ánh sự bất bình đẳng nam nữ về mặt kinh tế cũng đã góp phần “đóng đinh” trong suy nghĩ của con người ta tư tưởng coi thường phụ nữ. Những phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ, thành kiến tôn giáo…được duy trì không ngoài mục đích trói buộc, chà đạp nhân phẩm của người phụ nữ, dần dần trở thành thói đối xử thô bạo của người đàn ông đối với phụ nữ. Đó cũng chính là nguồn gốc phi kinh tế của sự bất bình đẳng nam nữ, thậm chí ngay cả khi cơ sở kinh tế của sự bất bình đẳng nam nữ đã bị phá bỏ, thì như Ph. Ăng-ghen lưu ý: “Tính ràng buộc vĩnh viễn của hôn nhân, một phần là kết quả của các điều kiện kinh tế, trong đó chế độ một vợ một chồng phát sinh, và phần nữa là một truyền thống của thời kỳ trong đó mối liên hệ giữa những điều kiện kinh tế ấy với chế độ một vợ một chồng còn chưa được người ta hiểu một cách đúng đắn và đã bị tôn giáo thổi phồng lên” (14). Không chỉ bị “tôn giáo thổi phòng lên” mà cả tư tưởng và luật pháp của giai cấp tư sản cũng ra sức bảo vệ cho sự bất bình đẳng nam nữ, làm tăng thêm mức độ áp bức đối với phụ nữ. Về điều này, trong “Diễn văn tại Đại hội I toàn Nga các nữ công nhân” (tháng 11-1918) V. I. Lê-nin cũng vạch rõ tình trạng: “Cho đến nay… hôn nhân có tính chất tôn giáo vẫn thịnh hành, Phụ nữ phải chịu như vậy là do ảnh hưởng của cha cố…” (15). V. I. Lê-nin còn nhấn mạnh, chính bản thân người phụ nữ với bản tính cam chịu, nhẫn nhục, kém hiểu biết càng làm cho sự bất bình đẳng giới trở càng nên trầm kha trong xã hội có giai cấp đối kháng.

Giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền bình đẳng giới - một mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã vạch rõ xu hướng thay đổi địa vị người phụ nữ theo hướng tiến tới sự bình đẳng nam nữ trong xã hội gắn với sự tất yếu tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng toàn thể nhân loại khỏi sự áp bức, bất công. Để xu hướng đó trở thành hiện thực, theo các ông, đòi hỏi phải tiến hành: Thứ nhất, thủ tiêu chế độ bóc lột của tư bản, tức phải xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và từng bước thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Đây chính điều kiện đầu tiên nhằm thủ tiêu sự lệ thuộc kinh tế của người phụ nữ vào người đàn ông. Điều này sẽ tạo ra cơ sở quan trọng nhất để thực hiện bình đẳng giới. Trong Thư gửi Gertrud Guillaume - Schack ở Beuthen (tháng 7-1885), Ph. Ăng-ghen đã viết: “Một sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới chỉ có thể trở thành hiện thực khi đã thủ tiêu được chế độ bóc lột của tư bản đối với cả hai giới” (16). Thứ hai, xác lập sự bình đẳng nam nữ về mặt pháp lý trong đời sống xã hội cũng như trong gia đình. Khẳng định điều này, Ph. Ăng-ghen viết: “…Đặc tính của sự thống trị của người chồng đối với người vợ trong gia đình hiện đại, và sự tất yếu phải xác lập sự bình đẳng xã hội thật sự giữa hai bên, cũng như phương thức xác lập sự bình đẳng ấy, chỉ bộc lộ ra hoàn toàn rõ ràng một khi cả vợ lẫn chồng đều hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật”. Thứ ba, giải phóng người phụ nữ khỏi gánh nặng công việc gia đình. Việc phụ nữ tham gia hoạt động sản xuất xã hội được Ph. Ăng-ghen coi là “điều kiện tiên quyết để giải phóng phụ nữ”. Phân công lao động trong xã hội và trong gia đình theo hướng giảm nhẹ gánh nặng công việc gia đình cho người phụ nữ bằng việc xã hội hóa một phần công việc đó và lao động gia đình phải trở thành bộ phận của lao động xã hội, hay nói theo Ph. Ăng-ghen là “phải làm cho gia đình cá thể không còn là một đơn vị kinh tế của xã hội nữa” (17), phải làm cho “công việc nội trợ riêng trong gia đình trở thành một nền công nghiệp xã hội” (18). Ngoài ra, khắc phục và xóa bỏ những tàn tích tồn tại với tư cách như là các “điều kiện xã hội” quan trọng khác cản trở quá trình giải phóng phụ nữ, như phong tục tập quán lạc hậu, thành kiến tôn giáo, tâm lý gia trưởng, coi thường phụ nữ...

Tiếp tục quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, V. I. Lê-nin khẳng định: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng tất cả những người lao động khỏi mọi sự áp bức, bóc lột là con đường duy nhất giải phóng phụ nữ khỏi mọi sự bất công, bất bình đẳng. Trong thời kỳ đầu hoạt động cách mạng, mặc dầu khi Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga còn chưa giành được chính quyền, thậm chí có lúc phải lui vào hoạt động bí mật, nhưng V. I. Lê-nin luôn quan tâm đến vấn đề đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong cuộc đấu tranh chung vì quyền tự do, dân chủ cho các tầng lớp bị áp bức, bóc lột. Sự quan tâm đó được thể hiện rõ qua những luận điểm có tính cương lĩnh của Đảng về quyền bình đẳng nam nữ và bảo hộ lao động nữ mà V. I. Lê-nin thường xuyên đưa ra, như các yêu sách “Phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới về mọi mặt” trong bản “Dự thảo Cương lĩnh của Đảng ta” (1899); “Thủ tiêu chế độ đẳng cấp; quyền bình đẳng hoàn toàn của mọi công dân, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, chủng tộc” và “Tăng số lượng nhân viên thanh tra của công xưởng, bổ nhiệm nữ thanh tra trong các ngành mà lao động nữ chiếm số đông” trong “Dự thảo Cương lĩnh của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga” (1902) “thành lập chế độ cộng hòa, tổ chức dân cảnh, thực hiện chế độ nhân dân bầu cử quan chức, nam nữ bình đẳng, quyền dân tộc tự quyết” trong “Giai cấp vô sản cách mạng và quyền dân tộc tự quyết” (1915); “Hủy bỏ tất cả sự hạn chế, không trừ sự hạn chế nào, đối với các quyền chính trị của phụ nữ so với các quyền của nam giới. Cấm dùng phụ nữ lao động trong các ngành mà lao động ấy có hại cho cơ thể phụ nữ; cấm dùng phụ nữ lao động ban đêm;…” trong “Những tài liệu về sửa đổi Cương lĩnh của Đảng” (1917);…

Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Một trong những thành quả vĩ đại mà cuộc Cách mạng Tháng Mười mang lại cho các tầng lớp cần lao ở nước Nga Xô-viết đó là nỗ lực xóa bỏ hết thảy mọi dấu vết bất bình đẳng nam nữ về mặt luật pháp, bảo đảm cho phụ nữ được thực sự bình đẳng với nam giới trước pháp luật. Nhấn mạnh thành quả này, trong tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại”, V. I. Lê-nin khẳng định: “Các đồng chí hãy xem tình trạng của phụ nữ. Về mặt này, trong suốt hàng chục năm, không có một đảng dân chủ nào trên thế giới, trong một nước cộng hòa tư sản tiên tiến nhất nào, đã làm được dù chỉ một phần trăm cái mà chúng ta đã thực hiện được ngay trong năm đầu tiên của chính quyền chúng ta. Chúng ta đã hoàn toàn phá bỏ những luật lệ nhơ nhớp về tình trạng không bình đẳng của phụ nữ, về việc cản trở ly dị, về những thủ tục xấu xa trong việc ly dị,…” (19).

Xóa bỏ sự bất bình đẳng giới về mặt pháp lý, theo V.I. Lê-nin, mới chỉ là bước đầu tiên tiến tới giải phóng phụ nữ. Bước tiếp theo và là bước chủ yếu, đó là từng bước tiến hành hàng loạt những biện pháp nhằm hiện thực hóa quyền bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ trên thực tế, thu hút và phát huy hết thảy những đóng góp của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực kinh tế, sau khi xóa bỏ chế độ tư hữu về ruộng đất và công xưởng, nhà máy, Chính quyền Xô-viết đã nỗ lực thu hút tất cả những người lao động tham gia sự nghiệp kiến thiết kinh tế đất nước. Hơn thế nữa, “Sự nghiệp mà Chính quyền Xô-viết bắt đầu đó chỉ có thể tiến lên, nếu ở nước Nga, không phải chỉ có mấy trăm phụ nữ mà có hàng triệu phụ nữ tham gia” (20). Thu hút phụ nữ tham gia kiến thiết kinh tế đất nước, vào hoạt động lao động sản xuất trong nền kinh tế chung của xã hội chính là một nhiệm vụ hàng đầu phải thực hiện để giải phóng phụ nữ, làm cho phụ nữ thật sự bình đẳng với nam giới trên thực tế. V. I. Lê-nin kêu gọi phụ nữ cần phải tham gia việc xây dựng và trông nom những công tác kinh tế quy mô lớn, làm cho công việc đó không trở thành một công việc riêng rẽ đơn độc. Để không chỉ tạo những điều kiện thuận lợi cho phụ nữ hoàn thành tốt công việc được xã hội phân công, mà còn phải tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ của mình, V. I. Lê-nin đã yêu cầu ở tất cả các nhà máy, công xưởng và các xí nghiệp khác có phụ nữ làm việc đều phải thành lập các nhà trẻ; phụ nữ có con nhỏ được nhận một số tiền phụ cấp và chế độ làm việc sáu giờ một ngày,…

Trong lĩnh vực chính trị, V. I. Lê-nin khẳng định: “Không thể thu hút được quần chúng tham gia sinh hoạt chính trị nếu không lôi cuốn phụ nữ tham gia sinh hoạt chính trị” (21). Khi bàn về nhiệm vụ của phong trào nữ công nhân nước Cộng hòa Xô-viết, V. I. Lê-nin chỉ rõ: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho chính trị trở thành công việc mà mỗi phụ nữ lao động đều có thể tham dự…Về mặt này, không những phải có những người nữ công nhân đảng viên và giác ngộ, mà còn phải có những công nhân ngoài đảng và giác ngộ thấp nhất tham gia. Về mặt này, Chính quyền Xô-viết đã mở cho phụ nữ lao động một địa bàn hoạt động rộng rãi” (22). Trong lĩnh vực chính trị, V. I. Lê-nin quan tâm trước hết đến việc làm cho phụ nữ tham gia nhiều hơn nữa vào công cuộc bầu cử vì đó là cơ hội tốt nhất để phụ nữ lựa chọn những người đại diện cho quyền lợi của mình, nhất là bầu những người đại diện là phụ nữ vào các Xô-viết. V. I. Lê-nin kêu gọi bầu nhiều nữ công nhân hơn nữa, cả đảng viên lẫn người không đảng phái, vào Xô-viết. Miễn sao họ là những nữ công nhân trung thực, biết làm việc có tình có lý và tận tâm,… Đối với những lĩnh vực trước đây, như tòa án, thẩm phán, mà phụ nữ ít được tham gia bởi những thành kiến lạc hậu của xã hội cản trở, V. I. Lê-nin yêu cầu: Trong khi bầu vào toà án những đại biểu công nông…Đảng cộng sản không phân biệt đối xử với phụ nữ, coi nam nữ hoàn toàn có quyền như nhau, kể cả công việc bầu cử các thẩm phán, cũng như trong công việc thừa hành những nhiệm vụ của thẩm phán. Và tại Đại hội III Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I. Lê-nin đã nêu rõ Chính quyền Xô-viết “đã thiết lập được những cơ quan tư pháp, trong đó không chỉ những nam giới, mà cả phụ nữ…đều có thể tham gia” (23).

Trong lĩnh vực công tác đảng, công tác quản lý nhà nước, khi chiến tranh vừa chấm dứt và khi công tác tổ chức trong điều kiện hòa bình được đặt lên hàng đầu thì sự tham gia của phụ nữ, như sự nhấn mạnh của V. I. Lê-nin trong “Lời chào mừng Hội nghị toàn Nga các ban phụ vận tỉnh”, vào công tác của Đảng và của các xô-viết có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận xét và bổ sung các bản dự thảo “Quy chế về Ban thanh tra công nông”, V. I. Lê-nin nhấn mạnh mục đích của Ban này là “thu hút toàn bộ quần chúng lao động, nam giới và đặc biệt là phụ nữ, để họ tham gia Ban thanh tra công nông” và đặc biệt chú ý là “nhất thiết phải thu hút phụ nữ - và hơn nữa, thu hút toàn thể phụ nữ - tham gia… việc kiểm kê sản phẩm, hàng hóa, kho tàng, công cụ, vật liệu, chất đốt,...đặc biệt là các nhà ăn” (24).

Trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V. I. Lê-nin luôn đánh giá cao tinh thần đấu tranh kiên quyết của phụ nữ, sự hy sinh to lớn của họ trong cuộc đấu tranh vì tiến bộ xã hội và cho quyền tự do, bình đẳng của chính bản thân mình. Để thu hút đông đảo các tầng lớp người lao động vào công cuộc phòng thủ đất nước trước sự tấn công của bọn côn-tsắc vào những tháng đầu năm 1919, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga đứng đầu là V.I. Lê-nin đã yêu cầu các tổ chức đảng phải đem toàn lực thực hiện các biện pháp mà một trong số các biện pháp đó là “Phải dùng phụ nữ để thay thế tất cả các nhân viên nam giới” (25). Khi bàn về nhiệm vụ của phong trào nữ công nhân nước Cộng hòa Xô-viết, V. I. Lê-nin kêu gọi “Trong điều kiện chiến tranh, phụ nữ…giúp đỡ quân đội, làm công tác tuyên truyền cổ động trong quân đội. Phụ nữ phải tích cực tham gia tất cả các công tác đó…” (26), hay như trong Diễn văn về cuộc đấu tranh chống côn-tsắc đọc tại Hội nghị các ủy ban công xưởng - nhà máy và các công đoàn Mát-xcơ-va (tháng 4-1919), V. I. Lê-nin một lần nữa kêu gọi: “Tất cả các nam nữ công nhân giác ngộ cần phải dùng những ngày rỗi, giờ rỗi vào công tác cổ động cá nhân” (27).

Phát biểu nhân “Kỷ niệm ngày phụ nữ lao động quốc tế”, V. I. Lê-nin khẳng định lại một quan điểm chung: “địa vị của phụ nữ về mặt pháp lý là cái tiêu biểu nhất cho trình độ văn minh” và cũng nhấn mạnh rằng, để xóa bỏ vĩnh viễn tình trạng bất bình đẳng đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội, nhưng trước hết và quyết định nhất phải là sự nỗ lực của chính bản thân phụ nữ. Bởi như V. I. Lê-nin từng nhấn mạnh: “Việc giải phóng phụ nữ lao động….phải là việc của bản thân phụ nữ lao động” (28).

Những biện pháp hữu hiệu và mau chóng xóa bỏ khoảng cách giữa “bình đẳng về mặt pháp luật” và “bình đẳng trong thực tế đời sống” không chỉ được V.I.Lê-nin đưa ra mà còn quyết tâm thực hiện khi trên cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô-viết, đó là thu hút sự tham gia của phụ nữ ngày càng nhiều hơn vào đời sống chính trị của đất nước, vào việc quản lý các xí nghiệp công cộng, vào việc quản lý nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với việc thực hiện những biện pháp này V. I. Lê-nin hoàn toàn tin tưởng rằng: “ phụ nữ sẽ học tập nhanh chóng và đuổi kịp được nam giới” (29).

Trên đây mới chỉ là khái quát một số, chứ chưa phải đã là tất cả những nội dung thể hiện được đầy đủ các quan điểm của C. Mác. Ph. Ăng-ghen và V. I. Lê-nin về vấn đề phụ nữ - một vấn đề lớn và quan trọng trong di sản lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học mà các ông là những người sáng lập. Những quan điểm cơ bản của các ông xung quanh vấn đề phụ nữ, như khẳng định quyền bình đẳng nam nữ không chỉ trên phương diện luật pháp mà còn cả trên thực tế, những điều kiện bảo đảm thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ, phát huy vai trò to lớn và quan trọng của phụ nữ trong xã hội, thu hút phụ nữ tham gia mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội… vẫn là những quan điểm đúng đắn, có ý nghĩa thời sự và cần được vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, nhất là khi chúng ta đang tích cực triển khai công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay./.

-----------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr. 361

(2), (3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.93, 104

(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.116

(5) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.42, tr.464

(6), (7), (8) , (9) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.23, tr.428, 373, 568, 926 - 927

(10) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.198

(11) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.83

(13) (14) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr. 127

(15) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.37, tr.221

(16) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.36, tr.341

(17) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.116

(18) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t.36, tr.341

(19), (20) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.27, 234

(21) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.463

(22) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.232

(23) V. I .Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.204

(24) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.40, tr.76

(25) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.38, tr.327

(26) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.233

(27) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.38, tr.328

(28) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.232

(29) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.40, tr.182 - 183