Tính biện chứng giữa mục tiêu và phương pháp cách mạng trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”
TCCSĐT - Phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa của mục tiêu và phương pháp cách mạng, được biểu hiện ở sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh cách mạng. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” chính là thể hiện phương pháp biện chứng của Người, là ý chí và khát vọng “hòa bình” của nhân dân Việt Nam.
Có thể thấy rằng, “hòa bình” là khát vọng có tính nhất quán lịch sử của dân tộc ta trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó còn là ý chí, là lý tưởng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước năm 1911.
Tạo ra tiền đề, giành thắng lợi
Trong suốt 30 năm bôn ba nước ngoài, với những hoạt động không mệt mỏi trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cùng thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú, tiếp thu ánh sáng của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga (năm 1917) cùng bản Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa (năm 1920), người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã biến khát vọng “hòa bình” thành mục tiêu chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, bắt đầu từ mục tiêu giải phóng dân tộc, sau đó là giải phóng giai cấp - xã hội và giải phóng con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy trong con đường của cách mạng tháng Mười Nga và ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin một phương pháp cách mạng đúng đắn để thực hiện công cuộc giải phóng cho nhân dân Việt Nam. Đó là phương pháp biện chứng mác-xít trong nhận thức, xem xét, phân tích lịch sử, đặc điểm của dân tộc và xã hội Việt Nam để tìm ra những mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn thứ yếu, và quan trọng hơn cả là những giá trị mà cuộc cách mạng và dân tộc Việt Nam cùng hướng tới. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những quan điểm, những giải pháp chính trị phù hợp với những cách thức, bước đi, cách làm có hiệu quả thực tế.
Giai đoạn cách mạng 1945 - 1946 là một giai đoạn có tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và là giai đoạn đánh dấu bước chuyển mình của xã hội Việt Nam trên con đường vừa tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vừa xác lập, xây dựng những nhân tố của một xã hội mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, tiếp tục hướng đến con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã xác định từ những năm 1930.
Với đặc điểm của một dân tộc phương Đông, với nếp sống khoan hòa và tính chất của một xã hội thuần nhất, chưa có nhiều biến đổi mạnh mẽ trong cơ cấu xã hội - giai cấp; mặt khác, sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội ở Việt Nam có tính đứt gãy, không liên tục, do đó, những mâu thuẫn xã hội chủ yếu và cơ bản là mâu thuẫn trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ và gìn giữ đất nước.
Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã mang trong mình những nhân tố mới mẻ, chưa từng có trong xã hội Việt Nam truyền thống. Đó là những giai cấp, những tầng lớp mới, theo đó là những mối quan hệ chính trị - kinh tế mới. Song song với những biến đổi ấy là sự xuất hiện cùng lúc của nhiều thế lực ngoại xâm trên đất nước ta. Vậy là, cùng lúc, cách mạng Việt Nam phải đương đầu với nhiều nhiệm vụ quan trọng: vừa tiếp tục đấu tranh cho độc lập thống nhất đất nước, vừa phải xây dựng những viên gạch đầu tiên cho một nhà nước dân chủ mới.
Phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh trong nhìn nhận và giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946 dựa trên quan điểm hệ thống ở cả phương diện lý luận và thực tiễn. Trong đó, thực tiễn chính là điểm tựa để Chủ tịch Hồ Chí Minh có những tư tưởng và cách thức sáng tạo, tiếp cận các mối quan hệ lý luận - thực tiễn phong phú của chính trường trong nước, cũng như quốc tế để có các giải pháp chính trị khôn ngoan cho cách mạng Việt Nam khi mà cuộc chiến tranh Đông Dương đã bắt đầu được nhen nhóm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này chứa đựng nhiều yếu tố và mâu thuẫn đan xen vô cùng phức tạp; hơn nữa, quan điểm và hành động của các nước đế quốc, thực dân với cách mạng Việt Nam và Đông Dương cũng tiềm ẩn những nhân tố khó lường. Vấn đề được đặt ra cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương trong giai đoạn này là hết sức khó khăn, để vừa giữ vững và củng cố độc lập dân tộc, vừa giải quyết hài hòa các mối quan hệ cả trong và ngoài nước với các chiến lược, âm mưu chính trị khác nhau của Pháp, Mỹ, Anh, quân đội Tưởng Giới Thạch trong vấn đề Việt Nam.
Có thể thấy rằng, Pháp tham gia cuộc chiến này với ý đồ ban đầu giữ Đông Dương là Liên bang Đông Dương tự trị trong Liên hiệp Pháp mới được thành lập. Động cơ thúc đẩy Pháp tham chiến mang tính chính trị và tâm lý hơn là kinh tế. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, của Việt Minh và các nhóm kháng chiến khác là giành độc lập cho dân tộc mình. Còn quan điểm của các nước Đồng Minh về tương lai Đông Dương lại có những biến đổi phức tạp, đặc biệt là ở phía Mỹ.
Chính phủ Pháp không muốn trao trả độc lập hoàn toàn cho các thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Đ. Rô-dơ-ven lại muốn Đông Dương không bị trao trả lại cho Pháp mà sẽ được cai quản bởi một chế độ quản trị quốc tế. Mỹ không có tuyên bố chính thức nào về chính sách của Mỹ đối với Đông Dương. Đến ngày 28-11-1943, tại Hội nghị Tê-hê-ran, Tổng thống Mỹ Đ. Rô-dơ-ven đã nêu ý kiến đặt Đông Dương dưới sự quản thác quốc tế với Xta-lin, Chớt-chin và Tưởng Giới Thạch. Xta-lin và Tưởng Giới Thạch ủng hộ Tổng thống Đ. Rô-dơ-ven trong vấn đề Đông Dương, nhưng Chớt-chin thì lẩn tránh. Không có một tuyên bố chính thức nào về chính sách của Mỹ hay một sự thỏa thuận nào của Đồng minh được chính phủ Mỹ hoặc Bộ Tổng tư lệnh Đồng minh công bố. Sau khi Tổng thống Đ. Rô-dơ-ven qua đời, Phó Tổng thống H. Tru-man lên thay. Phía Mỹ giữ im lặng và cho rằng, không có sự thay đổi cơ bản nào trong chính sách của Mỹ với các nước thuộc địa. Về phía Tưởng Giới Thạch, dù nhiều lần tuyên bố mong muốn thấy Đông Dương được trả lại cho Pháp nhưng không muốn điều đó được thực hiện mà không có sự bảo đảm nhằm ngăn chặn Pháp dùng Đông Dương vào những hoạt động có hại cho lợi ích của Trung Quốc sau này.
Như vậy, quan điểm và lực lượng của các nước đế quốc, thực dân và phía Đồng Minh về vấn đề Đông Dương sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và đặc biệt sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập là hết sức phức tạp. Cũng trong giai đoạn này, phong trào đòi trao trả độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới đang dâng cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ âm mưu và mâu thuẫn lợi ích của các lực lượng trên bàn cờ Đông Dương nên đã có những bước đi thông minh, chính xác trên cả mặt trận ngoại giao - tư tưởng và có những chiến lược quân sự phù hợp để có thể tạo ra tiền đề và giành thắng lợi từng bước trên bàn cờ chính trị ấy.
Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam, cũng như việc công nhận nước Việt Nam mới được thành lập. Người đã viết thư cho Xta-lin thông báo về sự ra đời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đề nghị Liên Xô đưa vấn đề độc lập của Việt Nam vào chương trình nghị sự của Liên hợp quốc. Không nản lòng và dừng lại ở đó, trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định mong muốn cuối cùng của nhân dân Việt Nam: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng ấy: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước” (1).
Trong suốt năm 1946, mặc dù hai bên cùng chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực thương lượng với Pháp để cứu vãn hòa bình, đẩy lui thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Pháp Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt (năm 1946), cho phép Pháp đưa quân vào miền Bắc; đổi lại, Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Liên bang Đông Dương thuộc khối Liên hiệp Pháp. Mặt khác, khi đó, Pháp ký Hiệp ước Hoa - Pháp thỏa thuận với Trung Hoa ngày 28-02-1946 để quân đội Trung Hoa rút khỏi vĩ tuyến 16 nhường chỗ cho Pháp, đại diện phe Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật. Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố, nếu Pháp cho Đông Dương tự trị thì kiên quyết đánh, nhưng nếu cho Đông Dương tự chủ thì hòa để phá tan âm mưu của “bọn Tàu trắng, bọn phản động Việt Nam và bọn phát xít Pháp còn lại”. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là muốn Pháp phải thừa nhận Việt Nam đã có một chính phủ, quốc hội, quân đội để đi đến một nền độc lập thực sự, trong khi phía Pháp có sự chia rẽ. Vì vậy, Hội nghị Phông-ten-blô sau đó diễn ra kéo dài hơn hai tháng, từ ngày 06-7 tới ngày 10-9-1946 nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào vì hai bên còn bất đồng trong việc thống nhất Nam Kỳ vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bao gồm Bắc Kỳ và Trung Kỳ), và vấn đề độc lập chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quan điểm của Pháp bác bỏ độc lập mà chỉ xét tự trị hay độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Hơn nữa, Pháp đòi phải tái lập trật tự trước tiên, rồi sau đó sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Kỳ về vấn đề thống nhất Nam Kỳ vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do đó, Hội nghị đã đi vào bế tắc. Đến ngày 14-09-1946, Tạm ước Việt - Pháp được ký kết là một bước nhượng bộ có nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục tranh thủ hòa hoãn, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến khốc liệt và lâu dài trước mắt. Với những giải pháp chính trị khôn khéo có nguyên tắc và sáng tạo, Người cùng Đảng Cộng sản Đông Dương đã thông qua Hiến pháp đầu tiên khẳng định nền độc lập ngày 08-11-1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kế thừa một cách xuất sắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong nhận thức và giải quyết các vấn đề của thực tiễn cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946 với quan điểm và phương pháp biện chứng khi tìm ra được quy luật và lời giải cho những biến thiên của thực tiễn, của các lực lượng và nhân tố khách quan để khẳng định một cách nhất quán mục tiêu có tính nguyên tắc, đó là: độc lập dân tộc và thống nhất, hòa bình cho đất nước. Đến ngày 19-12-1946, sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp (vào giữa năm 1946) để công nhận một nước Việt Nam độc lập không thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Với tư cách là chủ thể hoạt động chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của cách mạng là giữ vững nền độc lập dân tộc và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập. Phát động cuộc kháng chiến toàn dân năm 1946 không chỉ là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lựa chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đó là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc. Bởi: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa”. Nhưng: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (2).
Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946 chứa đựng trong đó nhiều mâu thuẫn xã hội đan xen, có đối kháng và không đối kháng, có mâu thuẫn cơ bản - chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu, nổi bật lên trong đó là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Tất cả tạo nên một bức tranh xã hội phức tạp, tiềm ẩn sự biến đổi khôn lường. Bằng một nhãn quan văn hóa rộng lớn cộng với phương pháp cách mạng phù hợp trong đấu tranh cách mạng với nhiều hình thức: ngoại giao cả trong và ngoài nước, đặc biệt là chiến lược ngoại giao nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể giải quyết nhanh gọn và chính xác những mâu thuẫn ấy để mang lại thắng lợi từng bước cho cách mạng; củng cố niềm tin của nhân dân vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Đó là sự kết hợp biện chứng của thế giới quan duy vật mác-xít trong nhận thức mâu thuẫn xã hội để có những giải pháp chính trị và bước đi khôn ngoan trong bối cảnh thời - thế - lực của cách mạng có sự dịch chuyển, vận động không ngừng.
Trong văn kiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao khát vọng, lý tưởng hòa bình, độc lập của dân tộc ta. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng lên một bức tường đại đoàn kết vững chắc để chống lại mọi âm mưu, thế lực của bọn thực dân, đế quốc đang nhăm nhe phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bài học về việc vận dụng thế - thời - lực trong những năm 1945 - 1946 là biểu hiện rõ ràng cho tư tưởng và phương pháp biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng cam go nhưng cũng đầy vẻ vang này.
Văn kiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là một trong những hợp phần đúc kết nên đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và nhân dân ta. Lịch sử dân tộc đã chứng minh những giá trị tư tưởng to lớn của tác phẩm này. Tác phẩm đã một lần nữa thức tỉnh đồng bào, nêu cao lý tưởng, khát vọng hòa bình chính đáng của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm là lời hiệu triệu, thôi thúc mạnh mẽ quần chúng đứng lên cùng Đảng và quân đội ta chiến đấu để chiến thắng mọi kẻ thù mưu mô và hung hãn nhất với dã tâm chống phá nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bằng ngòi bút của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết tinh được sức mạnh của cả một dân tộc luôn đoàn kết một lòng, dù phải gian khổ hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng phải bảo vệ cho bằng được độc lập dân tộc và tạo tiền đề cho kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Phương pháp biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện nổi bật trong tác phẩm lịch sử này. Đó là, phép biện chứng trong giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu và phương pháp cách mạng. Có thể khẳng định, phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh là thế giới quan duy vật biện chứng của Người trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cách mạng với quan điểm nhân dân và lợi ích dân tộc làm nền tảng. Phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh không thể tách rời với tư tưởng biện chứng của Người. Phép biện chứng ấy là các giải pháp chính trị mang tính đổi mới, luôn vận động để phù hợp với từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam; phép biện chứng ấy là kết quả của quá trình nhận thức quy luật và tính quy luật của xã hội Việt Nam, ở việc nắm bắt và giải quyết các mâu thuẫn của xã hội ấy bằng những biện pháp cụ thể, sát hợp với hoàn cảnh thực tế và thực lực của cách mạng nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phép biện chứng ấy chính là phương pháp luận của cách mạng Việt Nam trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, những giá trị và bài học của văn kiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn cần được tôn trọng và áp dụng để giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Đặc biệt, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mối tương quan về lợi ích địa - chính trị của các nước có liên quan như Trung Quốc, Việt Nam, Phi-líp-pin, Nhật Bản, Mỹ... cần hết sức được chú trọng và giải quyết một cách khéo léo trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc lợi ích dân tộc và bảo vệ sự thống nhất chủ quyền quốc gia. Hơn nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam cần nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương pháp luận đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh mới mẻ và nhiều thử thách này.
Còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh cần được nhìn nhận cụ thể hóa và xây dựng thành lề lối làm việc, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần học từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cách tư duy, làm việc biện chứng, luôn đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, trước hết; lấy việc phục vụ Tổ quốc và nhân dân làm phương châm sống cho mình. Đảng Cộng sản Việt Nam cần lấy việc củng cố và xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng và cách mạng làm nền tảng cho quá trình phát triển lực lượng, ổn định chính trị; góp phần vào giải quyết những mâu thuẫn trên con đường phát triển, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Có như vậy, Đảng và nhân dân mới tìm ra được phương thức đoàn kết sáng tạo để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; để giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc luôn soi sáng cho con đường phát triển của dân tộc ta./.
----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 522
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534
Nâng cao năng lực triển khai, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện Chiến lược và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới  (16/12/2016)
Công tác bảo đảm hậu cần trong 60 ngày đêm chống Pháp ở Hà Nội  (16/12/2016)
Triển lãm "Việt Nam - Con đường hội nhập quốc tế"  (16/12/2016)
Diễn đàn Mekong thường niên lần thứ 7 - năm 2016 được tổ chức thành công tại Campuchia  (16/12/2016)
Thị xã Quảng Yên tạo bước chuyển mới trong quản lý đô thị  (16/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay