Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển ở nước ta hiện nay
TCCSĐT - Đổi mới là tất yếu trong quá trình vận động của xã hội. Ngay từ năm 1986, Đảng ta đã đề xướng đường lối đổi mới, coi đổi mới là phương thức để phát triển đất nước ở tầm cao mới. Tuy nhiên, để quá trình đổi mới thành công, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển. Bởi ba yếu tố này có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển của đất nước.
Quan niệm của Đảng về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển trong những năm qua
Từ Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “... tất yếu và bức xúc phải đổi mới” để ra khỏi khủng hoảng, xác lập ổn định và hướng tới phát triển. Khâu đột phá đầu tiên trong quá trình đổi mới là đổi mới kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa gồm nhiều thành phần kinh tế. Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn đó mà nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng, phục hồi được sản xuất, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, góp phần vào công cuộc ổn định và phát triển đất nước. Đây được đánh giá là thành công bước đầu trong quá trình đổi mới đời sống kinh tế - xã hội và bước đầu giải phóng được lực lượng sản xuất, xã hội ổn định, tạo ra động lực phát triển mới.
Trên cơ sở thành công của đường lối đổi mới năm 1986, tại Đại hội lần thứ VII, Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đường lối đổi mới và khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”(1). Kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, về cơ bản, thời kỳ này “Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(2).
Từ thành công trong đổi mới kinh tế giai đoạn (1986 - 1991), Đại hội VII của Đảng rút ra một trong những kinh nghiệm là: “đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp... Về quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế... Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Việc đổi mới trong hệ thống chính trị nhất thiết phải trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị rất nghiêm túc, không cho phép gây mất ổn định chính trị, dẫn đến sự rối loạn. Nhưng không vì vậy mà tiến hành chậm trễ đổi mới hệ thống chính trị, nhất là về tổ chức bộ máy và cán bộ, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân”(3). Tuy nhiên, chính trị là lĩnh vực rộng lớn, đụng chạm đến các mối quan hệ đặc biệt phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến ổn định chính trị và an ninh quốc phòng nên phải có sự cân nhắc. Đổi mới nhưng phải giữ vững ổn định, đặc biệt là ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên cơ sở đó tạo đà cho phát triển.
Đến Đại hội VIII, xuất phát từ thực tiễn đổi mới, ổn định và phát triển đất nước những năm cuối thế kỷ XX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(4). Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành quả này đã chứng minh cho việc đổi mới phải gắn liền với ổn định, an dân để phát triển là đúng đắn.
Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở tổng kết thành tựu 5 năm của Đại hội VIII, đã bổ sung lý luận phát triển kinh tế: “Thực hiện nhất quán lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(5). Đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được duy trì đến hiện nay, bởi nó vẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế nước ta. Sự nghiệp đổi mới ở giai đoạn này đi vào chiều sâu, việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 và Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 mà Đại hội IX của Đảng thông qua đã đạt được những kết quả nhất định. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, theo hướng tích cực, năm sau cao hơn năm trước. Năng suất lao động tăng được thể hiện: GDP tăng bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%. GDP bình quân đầu người khoảng 10 triệu đồng (tương đương 640 USD), vượt mức bình quân của các nước đang phát triển có thu nhập thấp (500 USD)(6). Từ một nước thiếu ăn, mỗi năm phải nhập khẩu từ 5 trăm nghìn đến 1 triệu tấn lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Năm 2005, Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu hạt tiêu; đứng thứ hai về các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều và đứng thứ tư về xuất khẩu cao su;…
Năm 2014, GDP tăng 5,98% so với năm 2013, đây là mức tăng cao so với khu vực và các nước trên thế giới. Điều đặc biệt là, trong điều kiện thế giới và khu vực Đông Nam Á, khủng hoảng chính trị, có nhiều bất ổn thì Việt Nam vẫn được đánh giá là nước ổn định, nhất là ổn định về mặt chính trị. Theo các nhà nghiên cứu thế giới, sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần giúp Việt Nam kiên trì chính sách phát triển kinh tế.
Để có được những thành tựu nêu trên, trong từng điều kiện cụ thể và ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng ta đã tập trung giải quyết mối quan hệ đổi mới, ổn định và phát triển phù hợp. Nếu những năm đầu đổi mới, Đảng nhấn mạnh hơn tới nhiệm vụ đổi mới đất nước, đặc biệt là đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới mô hình phát triển kinh tế thì sang tới Đại hội VII, Đảng tập trung đổi mới chính trị mà cơ bản là đổi mới hệ thống chính trị. Yêu cầu tất yếu khách quan để phát triển lúc bấy giờ là đổi mới kinh tế - chính trị nhằm ổn định đất nước hướng tới phát triển. Từ sau Đại hội VII, kinh tế - chính trị của nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là kinh tế phát triển đã tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, tại Đại hội VIII, Đảng ta đã chỉ đạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển kinh tế tạo tiền đề cho phát triển chính trị, văn hóa và các mặt khác của đời sống xã hội.
Một số biểu hiện mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển ở nước ta hiện nay
Sau 30 năm đổi mới, về cơ bản Việt Nam đã luôn giữ được sự ổn định và phát triển với tốc độ khá cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xã hội Việt Nam đã xuất hiện những bất ổn, xung đột, tiềm ẩn khủng hoảng mô hình phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm và có biểu hiện không bền vững. Điều đó được thể hiện trên một số lĩnh vực cơ bản sau:
Một là, trong lĩnh vực kinh tế
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, quá trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang bộc lộ một số xung đột, bất ổn là:
- Bất ổn trong lĩnh vực thu hồi, đền bù đất. Có thể nói đây là lĩnh vực diễn ra nhiều bất ổn, xung đột xã hội phức tạp và hệ trọng nhất, thu hút nhiều sự quan tâm đặc biệt của xã hội trong những năm qua. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh đã dẫn tới việc thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp với quy mô lớn, làm chuyển đổi mạnh mẽ cấu trúc lao động của các hộ gia đình. Người nông dân không còn đất nông nghiệp nên không thể sản xuất nông nghiệp và phải chuyển sang các việc làm phi nông nghiệp, vốn không phải là lĩnh vực chuyên môn của họ. Trong thực tế, nhiều lao động nông nghiệp, đặc biệt là những lao động trẻ không thể tìm được việc làm ổn định, do đó họ không có thu nhập và thiếu nguồn sống. Tất cả những điều đó đã dẫn người nông dân đến việc chống đối, khiếu kiện, gây rối mất trật tự an ninh đối với chính quyền và các doanh nghiệp. Điển hình là các xung đột ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Thái Bình (1997), Tây Nguyên (2001 - 2004), Hải Phòng,... Những năm gần đây, số lượng các vụ mất trật tự, gây mất ổn định do đất đai không có biểu hiện giảm mà thậm chí còn gia tăng. Tình hình này cho thấy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến các vụ rối loạn, gây mất ổn định xã hội từ đó tìm ra những biện pháp giải quyết tình trạng rối loạn, bất ổn.
- Mâu thuẫn về lợi ích của người lao động dẫn đến đình công. Nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay đã thúc đẩy lực lượng sản xuất ngày càng tăng về lượng và chất, góp phần phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do việc giải quyết lợi ích của công nhân trong các doanh nghiệp chưa được bảo đảm nên số cuộc đình công tăng lên nhanh chóng làm mất ổn định, trật tự an ninh trong các doanh nghiệp. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 4.100 cuộc đình công. Riêng năm 2011, cả nước xảy ra 857 cuộc đình công, tăng gấp đôi so với năm 2010. Số cuộc đình công hầu hết vẫn diễn ra ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 72,6%. 100% các cuộc đình công ở Việt Nam là tự phát và bất hợp pháp.
Hai là, trong lĩnh vực chính trị - xã hội
Hiện nay, những thành tựu của đổi mới trên mọi lĩnh vực đã đưa nước ta lên vị trí mới trên chính trường quốc tế, xong những mâu thuẫn, bất ổn trong lĩnh vực chính trị không phải là không còn, mà thậm chí còn biểu hiện tinh vi hơn, dưới tác động của “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến” trong nội bộ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do âm mưu chống phá, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong nội bộ một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các biểu hiện khác nhau như: thờ ơ, dao động về tư tưởng chính trị, bàng quan trước vận mệnh của Đảng, của dân tộc, trước khó khăn của đất nước, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người trước đây đã từng giữ cương vị, trọng trách trong các cơ quan đảng, chính quyền có những ý kiến lệch lạc, nhìn nhận phê phán lịch sử thiếu khách quan, toàn diện, đòi đa nguyên, đa đảng, công khai đả kích, phủ nhận những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, cộng tác với thế lực thù địch, phản bội lại lợi ích dân tộc.
Ba là, trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc
Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Nhìn chung các tôn giáo ở Việt Nam có truyền thống đoàn kết, hòa đồng, gắn bó với dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Thực tiễn đã chứng minh, đại đoàn kết toàn dân, trong đó có đoàn kết dân tộc và tôn giáo là yếu tố cơ bản đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong lịch sử.
Nhưng từ sau ngày 30-4-1975, đặc biệt từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng chiêu bài “nhân quyền”, “tôn giáo” để tung ra những luận thuyết hết sức phi lý, xuyên tạc trắng trợn quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nhân quyền, phủ nhận những thành tựu về thực hiện quyền con người ở Việt Nam, phủ nhận những nỗ lực trong giải quyết vấn đề tôn giáo ở nước ta. Các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” là ngòi nổ để gây mâu thuẫn nội bộ, phá vỡ sự đồng thuận xã hội và khi có thời cơ lôi kéo một bộ phận quần chúng vào các cuộc bạo loạn chính trị nhằm gây mất ổn định.
Thời gian qua đã xảy ra một số vụ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây rối trật tự công cộng, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng; muốn tách khỏi sự quản lý của nhà nước trong các lĩnh vực: xây dựng, sửa nơi thờ tự, hoạt động lễ hội, quan hệ với các tổ chức, cá nhân, tôn giáo nước ngoài; tranh chấp, khiếu kiện đòi lại nhà, đất và cơ sở thờ tự... Một số hoạt động và hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện, như phát triển đạo Tin lành trái pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành lập hội đoàn, dòng tu... không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Một số đối tượng tổ chức tuyên truyền đạo trái pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan. Việc khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất của tôn giáo ở một số nơi tăng lên, có nơi gay gắt, phức tạp. Một số địa phương, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống đối, kích động tín đồ, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị. Điển hình, trên địa bàn Tây Nguyên, qua đấu tranh, các lực lượng chức năng của ta đã làm rõ “Tin lành Đề ga” thực chất là một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo để lừa bịp, tập hợp lực lượng, phục vụ âm mưu thành lập “Nhà nước Đề ga”.
Bốn là, trong lĩnh vực môi trường
Trong những năm gần đây, vấn đề tranh chấp, xung đột môi trường đang nổi lên như một hiện tượng bức bách của đời sống xã hội. Tại Việt Nam, chất lượng môi trường đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống của con người, bên cạnh những vấn nạn ô nhiễm môi trường, suy giảm tầng ôzôn, cạn kiệt các nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học... là sự xuất hiện ngày càng nhiều xung đột, tranh chấp về môi trường, thậm chí nó đang là nguyên nhân gây mất ổn định chính trị - xã hội, ảnh hưởng đến ổn định và phát triển đất nước.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (IPSI) - Bộ Công Thương (IPSI), số vụ tranh chấp môi trường hiện nay chỉ đứng sau tranh chấp đất đai. Đặc thù của các vụ tranh chấp môi trường tại Việt Nam là xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho nhiều người. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có ý thức giải quyết triệt để vấn đề môi trường mà mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết ổn định an ninh trật tự.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những tranh chấp, xung đột môi trường của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp đã tăng lên nhanh chóng. Điển hình là vụ nông dân sống dọc theo sông Thị Vải kiện Công ty Vêdan phải bồi thường cả trăm tỷ đồng. Ngày 03-7-2006, người dân 3 xã của huyện Tây Sơn (Bình Định) đã kéo thành đoàn, tập trung trước công ty trách nhiệm hữu hạn rượu Bình Định để phản đối việc công ty này sản xuất cồn, xả nước thải làm ô nhiễm môi trường. Ngày 22-9-2008, hàng trăm người dân vây kín, không cho xe chở nguyên liệu vào công ty Kỹ nghệ sinh hóa Quốc Thành, Cà Mau vì quá trình sản xuất đã gây mùi hôi thối, xả nước ô nhiễm xuống kênh, rạch làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí qua khu vực công ty. Ngoài ra còn rất nhiều vụ xung đột môi trường của người dân với các khu công nghiệp như: Vụ nông dân Hà Nội kiện nhà máy sữa, vụ kiện nhà máy đường Quảng Ngãi, vụ kiện công ty San Miguel Fure Foods Việt Nam ở Bình Dương... cho thấy phạm vi và mức độ của xung đột môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Từ những bất ổn và tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội đang có biểu hiện chậm lại trong những năm gần đây cho thấy, Việt Nam cần phải có những biện pháp đồng bộ hơn nữa nhằm tiếp tục đổi mới để giữ vững ổn định và là cơ sở để phát triển.
Quá trình đổi mới của Việt Nam sau 30 năm cũng đang phát sinh nhiều vấn đề trong cả thực tiễn và lý luận như: đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sẽ như thế nào? Có điểm giống và khác nhau gì so với kinh tế thị trường trên thế giới; Làm thế nào để tái cấu trúc nền kinh tế hiệu quả? Làm thế nào để kinh tế nhà nước cùng với kinh tế hợp tác xã nắm vai trò chủ đạo trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay làm ăn không hiệu quả và kinh tế hợp tác xã phát triển chưa xứng tầm; Làm thế nào để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, làm ăn chính đáng mà hạn chế được sự phân hóa giàu nghèo và bảo đảm được công bằng xã hội? Làm thế nào để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà phải bảo vệ được môi trường và hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu? Làm thế nào để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân? Cơ chế nào để quản lý và giám sát quyền lực nhà nước, làm giảm tình trạng tham nhũng, giảm tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi... để lấy lại lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, để đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu về mặt kinh tế... Những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây bất ổn trong xã hội, khó khăn cho việc phát triển kinh tế, đánh mất lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, để giữ vững ổn định, phát triển ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển trên cơ sở thực tiễn đất nước. Do các yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau nên trong điều kiện hiện nay, để ổn định chúng ta cần phải đổi mới và xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của đổi mới. Từ những thành công của đổi mới sẽ là tiền đề cho ổn định và ổn định lại là tiền đề để phát triển đất nước trong những năm tiếp theo./.
------------------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2001, tr.9 - 10
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 1996, tr.12
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 1991, tr.53-54
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 1996, tr.91
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2001, tr.86
(6) Võ Hồng Phúc: Những thành tựu về kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới (1986 - 2005), trong Việt Nam 20 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2006, tr. 146
Kiểm điểm cuối năm  (26/04/2016)
Kỷ niệm 22 năm Ngày Nam Phi Tự do  (26/04/2016)
Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm thương mại - dịch vụ vùng đồng bằng sông Cửu Long  (25/04/2016)
Xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm thương mại - dịch vụ vùng đồng bằng sông Cửu Long  (25/04/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ  (25/04/2016)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên