"Tiếng cồng định mệnh"(1) là bộ phim sử thi - anh hùng ca, đề cập đến những sự kiện lịch sử lớn, những kỳ tích chiến đấu và sự nghiệp của các nhân vật anh hùng. Với "Tiếng cồng định mệnh", Hãng phim Quân đội nhân dân Việt Nam có thêm một tài sản sáng giá, điện ảnh phim truyện Việt Nam có thêm một thành tựu đáng kể.

Đặt vào vị trí một phim sử thi - anh hùng ca, có thể thấy ngay thành công nổi bật của phim "Tiếng cồng định mệnh" là ở sự lựa chọn đề tài: nắm bắt đúng mắt xích trọng yếu nhất của cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam là chiến trận đầu tiên đánh vào Buôn Ma Thuột làm nền cho bối cảnh bộ phim. Thành công của "Tiếng cồng định mệnh" cùng với nhiều phim sử thi - anh hùng ca Việt Nam đã có trước đây như một chùm tín hiệu dự báo rằng, trong tương lai điện ảnh Việt Nam sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh trọng đại mà lịch sử giao phó: thể hiện thành công đề tài về chiến dịch Hồ Chí Minh và về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Tổng thể hài hòa giữa cấu trúc hai mạch chuyện...

Có thể thấy, khó khăn trong xây dựng một phim sử thi - anh hùng ca là việc thể hiện đan xen cấu trúc hai mạch chuyện: một về sự kiện lịch sử xã hội và một về tính cách, số phận, vận mệnh của các nhân vật trong phim. Nhà biên kịch và đạo diễn phải làm thế nào để hai mạch chuyện này quyện kết với nhau một cách hợp lý, chặt chẽ, tạo thành một bộ sườn cân đối, vững chắc, mang tính cốt lõi cho một bộ phim truyện. Trong "Tiếng cồng định mệnh" các nhà làm phim đã làm được điều đó. Mạch sự kiện lịch sử xã hội ở đây được xây dựng khá chỉn chu. Những diễn biến của trận chiến ở thời điểm ác liệt, căng thẳng cực độ ấy được thể hiện chủ yếu thông qua một hàm lượng thông tin từ các bộ chỉ huy thuộc nhiều cấp đến tận bộ chỉ huy tối cao của cả hai bên. Cuộc chiến từ bộ chỉ huy đó được chuyển thành các trận chiến dữ dội trên những đại cảnh trận mạc với gần như đầy đủ các khí tài kỹ thuật chiến tranh hiện đại thời Việt Nam đánh Mỹ. Các đại cảnh dữ dội này được thể hiện xen kẽ và kết quyện chặt chẽ với những cuộc chiến đấu trong những chiến hào, trong núi rừng, trong các thị tứ của Tây Nguyên và trên đường tháo chạy "tùy nghi" của đám tàn quân ngụy cùng cố vấn Mỹ từ cao nguyên về miền duyên hải. Chắt lọc từ muôn vàn chi tiết để chọn cho đúng, cho đủ nhằm đưa vào mảng hiện thực vô cùng xô bồ, hỗn độn này là cả một hoạt động nghệ thuật kỳ công của người biên kịch và đạo diễn. Phải nói ngay rằng, kỳ công đó đã là thành công - một thành công rất đáng quý và cũng thuộc loại hiếm thấy.

Bên cạnh đó, trong loại phim sử thi - anh hùng ca này, việc xây dựng mạch chuyện về tính cách, số phận, vận mệnh các nhân vật cũng phải đạt tới một độ sâu, một tầm cao tương xứng với mạch sự kiện. Nếu thực hiện quá sơ lược mạch chuyện này phim dễ bị sa vào đối tượng chê bai của công luận, cho rằng đó chỉ là phim tài liệu chứ không phải, hoặc chưa phải là phim truyện. Đương nhiên phim tài liệu mà lớn, hay và sâu sắc thì vẫn có giá trị cao, nhưng chỉ là giá trị trong phạm vi phim tài liệu. Còn đã là phim truyện sử thi - anh hùng ca thì trong nó phải có mạch chuyện về hệ thống các nhân vật với đầy đủ tính cách, số phận, vận mệnh của mỗi một nhân vật trong hệ thống đó.

Hệ thống nhân vật xuất hiện trực tiếp trên phim "Tiếng cồng định mệnh" có một kết cấu khá chặt. Quan hệ bộ ba nhân vật Hoàng Lâm -Phạm Ngọc Tuấn - Huyền Trang trở nên phong phú hơn, éo le, ly kỳ hơn khi được bồi đắp thêm bởi những mối quan hệ họ hàng khác: Hùng (con trai của Lâm và Huyền Trang); Dung (con gái của Tuấn và Huyền Trang); Oánh (con riêng của Lâm với vợ trước)... Quan hệ bộ ba nhân vật này lại được liên kết với mạch chuyện của già làng Y Blim cùng con của ông là Y Tắc và cháu của ông là H Krol. Tất cả đều có tác dụng làm tăng thêm tính phong phú của nội dung cùng chất ly kỳ của cốt truyện. Bên cạnh đó còn có những nhân vật phụ dù chỉ xuất hiện thoáng qua hoặc chỉ qua lời kể, qua giọng nói... như viên cố vấn Mỹ, bố của Tuấn, bà mẹ của Lâm, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu..., nhưng các nhân vật này đã mở ra thêm một phạm vi nhận thức sâu rộng về lai lịch, tính cách, số phận, vận mệnh của các nhân vật chính trong phim. Các nhân vật chính hoạt động, hành động, nói năng, suy nghĩ trong cùng một phức hợp các nhân vật phụ cũng được xây dựng theo đúng bài bản, đúng luận lý cần có của nhiều phía, trong nhiều tình huống khác nhau đã tạo cho phim có một tổng thể mạch chuyện về tính cách, số phận, vận mệnh nhân vật một bề dày rất xứng tầm với mạch sự kiện.

...Và sự kết hợp giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật.

Giải quyết đúng, hài hòa mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật là một trong những tiêu chí cơ bản để xác định giá trị cho một phim truyện sử thi - anh hùng ca. Có thể nói, những người làm phim "Tiếng cồng định mệnh" tỏ ra đã chú ý đúng mức đến vấn đề này. Xác định đúng vị trí lịch sử của mặt trận Tây Nguyên trong toàn cục chiến dịch tổng tấn công giải phóng miền Nam, những người làm phim "Tiếng cồng định mệnh" đã đưa vào tác phẩm của mình một loạt các địa danh có thật, ấn định các thời điểm đúng với các thời điểm mà các sự kiện thật đã diễn ra; đồng thời, chắt lọc để đưa vào phim một loạt những chi tiết như các chỉ thị, nghị quyết của các bộ chỉ huy, các cơ quan điều hành chiến tranh cao nhất của ta trong chỉ đạo cụ thể cho mặt trận này. Về phía đối phương cũng vậy, các tác giả, đạo diễn đã đưa vào nội dung phim những gì là có thật trong các lệnh lạc, các phương hướng chỉ huy của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với chiến trận này. Nhưng thực hiện những chỉ thị, nghị quyết, những phương hướng, những quyết lệnh này thì lại là những con người không phải có tên tuổi đã được in hình vào lịch sử - tức là những nhân vật nằm gọn trong phạm vi hư cấu nghệ thuật của người làm phim. Về phía bên ta, thi hành các chỉ thị, nghị quyết, quân lệnh của Bộ chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy toàn mặt trận... là sư trưởng Hoàng Lâm cùng các đồng chí, đồng đội thuộc nhiều cấp bậc của anh và cũng là những nhân vật như anh - nghĩa là những nhân vật do hư cấu nghệ thuật mà có. Về phía đối phương cũng tương tự: Các lệch lạc, các quyết định chỉ huy của các nhân vật có thực như Đại sứ Mỹ Mác-tin, như Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đều được thực thi bởi thiếu tướng ngụy tên Hùng cùng các cộng sự cấp tướng, tá tại vùng Tây Nguyên và tại Bộ chỉ huy tiền phương của Hùng. Tất cả những người này cũng đều là những nhân vật do hư cấu nghệ thuật mà có. Hình thành một mạng lưới nhân vật theo cách như vậy là rất thuận tiện cho phát triển, đào sâu, mở rộng mạng lưới các mạch chuyện mà phim "Tiếng cồng định mệnh" cần có để trình diện trước người xem với đầy đủ tư cách là một phim truyện - một phim truyện sử thi - anh hùng ca thuộc vào hàng thành công bậc nhất trong việc giải quyết đúng đắn, hài hòa, đầy sáng tạo mối quan hệ giữa sự thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật.

Thực tế cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam giai đoạn sau có thêm một ý nghĩa sâu sắc hơn - đó là tấn công của quân đội cách mạng luôn luôn được kết hợp với nổi dậy của nhân dân. Hẳn là do ý thức được điều này nên những người làm phim "Tiếng cồng định mệnh" đã tạo nên mạch chuyện về hoạt động cách mạng của già làng Y Blim, con ông, cháu ông và đồng bào các dân tộc trong vùng. Đặc biệt là hoạt động của Y Blim trong đợt vận động nhân dân ủng hộ các phương tiện di chuyển cho quân đội cách mạng truy kích địch trên đường tháo chạy từ Tây Nguyên về miền duyên hải. Thời lượng mà phim dành cho hành động nổi dậy này mặc dù không nhiều, sự gia công sáng tác và dàn dựng cho các trường đoạn này tuy còn ở dạng sơ lược, nhưng, dẫu sao mảng thực tế này cũng đã phần nào góp sức tạo nên tính toàn diện cần có cho bộ phim.

Dấu ấn của bộ ba hình tượng nhân vật

Trong mạch nhân vật của phim "Tiếng cồng định mệnh", tất cả, kể cả ba nhân vật chính, có được đều là kết quả của nghệ thuật hư cấu. Và, khác với hầu hết các phim truyện sử thi - anh hùng ca về thời hiện đại của Việt Nam, "Tiếng cồng định mệnh" xây dựng nhân vật trung tâm số một là nhân vật phản diện Tuấn - tướng của quân đội ngụy quyền. Dường như cả nhà biên kịch Chu Lai, cả các đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, Lê Thi và cả nghệ sĩ Hoàng Dũng - người thủ vai Tuấn, đều đã bỏ ra một phần rất lớn công sức sáng tạo cho nhân vật này; cố sao xóa đi những lối mòn sơ lược, giản đơn trong việc xây dựng loại nhân vật này mà rất nhiều người làm phim truyện trước đây đã mắc phải, và những cố gắng này đã mang lại những kết quả khả quan. Tuấn hiện lên trong phim gây ấn tượng mạnh đối với người xem về nhiều mặt: nơi nhân vật này bản chất "người" gắn kết với bản chất "lính ngụy cực đoan"; bản chất "người chỉ huy tuân thủ nghiêm túc quân lệnh" gắn kết với bản chất "người chỉ huy tuân thủ quân lệnh một cách máy móc của người ra lệnh đã vơi hết trí khôn, đã cạn sạch mưu lược"... Bộ phim đã khá thành công trong việc khéo léo giới thiệu nguồn gốc của Tuấn - người nguyện lấy binh nghiệp làm mục đích của cả cuộc đời - chỉ bằng mấy dòng tự sự của Tuấn về sự thất tình oái oăm, bí hiểm của mình; giới thiệu nguồn gốc giai cấp của Tuấn chỉ bằng một thoáng viếng thăm của người cha - tư sản mại bản "bắt cá hai tay"; giới thiệu quan điểm chính trị - tư tưởng của Tuấn chỉ bằng một thái độ chấp nhận hay khước từ bản lý lịch của một nhân viên được gửi đến từ tòa giám mục; giới thiệu bản lĩnh và lòng tự tôn dân tộc của Tuấn qua thái độ và hành vi ứng xử quyết đoán, tự tin đối với viên cố vấn trong thời kỳ Mỹ đã cuốn cờ chạy khỏi Việt Nam... Sự giới thiệu theo cách này đã đạt được những thành công rõ rệt, có tác dụng mạnh trong việc gây ấn tượng, tạo ra những góc cạnh sắc nhọn cần phải có cho nhân vật phản diện này. Giới thiệu viên tướng này như là một thông báo rằng: sự tha hóa của cả một lớp người như Tuấn là cả một quá trình dài, có nguồn gốc sâu xa, trải qua nhiều thử thách ác liệt, cam go trong hoàn cảnh của họ. Vì vậy, những người cách mạng Việt Nam muốn chiến thắng phải hiểu thật sâu về họ, phải tự tạo cho mình một tầm cao hơn hẳn về nhiều mặt. Thành công trong việc xây dựng nhân vật tướng Tuấn còn có thể thấy ở nhiều chi tiết khác trong phim: những nút thắt đầy kịch tính và éo le trên mọi nẻo đường tình của Tuấn như chi tiết sợi dây chuyền mặt ngọc nơi cô thư ký Dung được tháo gỡ đã vén lên tấm màn cách ngăn sự nhận biết quan hệ cha con của Tuấn - Dung, chi tiết về những phút sững sờ, bối rối của Huyền Trang để quyết định khước từ tình yêu trở lại của Tuấn... là những chi tiết đã được đặt vào mạch chuyện phim rất đúng chỗ, tạo ra được những xung đột kịch cao, thật cao cho tới cực điểm... một phát súng tự tử của Tuấn(!)... Có thể thấy, từ nhà biên kịch, các đạo diễn cho đến diễn viên trong "Tiếng cồng định mệnh" đều đã hoàn thành xuất sắc vai của mình, tạo nên những thành công không thể phủ nhận cho bộ phim.

Trong một phim truyện sử thi - anh hùng ca Việt Nam thời hiện đại với đề tài chiến tranh vệ quốc, với chủ đề nêu cao tinh thần yêu nước, chí khí chiến đấu giành độc lập tự do như "Tiếng cồng định mệnh" thì nhân vật chính phải là người anh hùng cách mạng, mà cụ thể trong phim là nhân vật sư trưởng Hoàng Lâm. Sự dốc công xây dựng nhân vật này cũng đã có được những kết quả nhất định, tuy nhiên sự dốc công này chưa thật cân xứng với tầm cỡ cần phải có. Mạch chuyện liên quan đến bản lĩnh chiến đấu, đến tri thức chỉ huy, đến quá trình rèn luyện để trở thành một chiến sĩ cách mạng, đến sự từng trải trong đối nhân xử thế, đến sức năng động sáng tạo, quyết đoán trong đối phó với những tình huống gay cấn của chiến trường, của từng chiến trận đều được xây dựng cho nhân vật Hoàng Lâm. Nhưng hầu hết các mặt đó dường như chỉ được xây dựng một cách quá chân phương và chỉ tới mức trung bình để có thể chấp nhận được mà thiếu vắng những sự dốc công sắc sảo, đột biến thuộc tầm cỡ cao để có thể nâng lên đúng mức mà nhân vật chính số một trong phim cần phải có. Điều hơi đáng tiếc này có lẽ không do nơi nghệ sĩ biểu diễn Trọng Trinh mà do từ bước khởi đầu: từ kịch bản văn học, từ kịch bản phân cảnh (!?). Điều này còn trở nên đáng tiếc nhiều hơn khi đem so sánh nó với sự thành công lớn trong xây dựng nhân vật phản diện Tuấn -nhân vật chỉ ở vị trí số hai của phim.

Huyền Trang là nhân vật chính số ba - nhân vật trung gian xét trên bình diện lịch sử xã hội và cũng là nhân vật trung gian giữa Lâm và Tuấn. Huyền Trang xuất hiện ít, chiếm một thời lượng rất ngắn của phim, nhưng trong tâm trí Huyền Trang chứa đựng cả một trời bi kịch và bí ẩn về ái tình; cả một biển mâu thuẫn và giằng xé nội tâm. Và tất cả những cái đó lại gắn liền với nhiều biến động dữ dội của lịch sử xã hội, được nén chặt trong lòng, được nung nấu lâu ngày trong tâm trí của Huyền Trang, để chờ dịp là nổ tung như những tiếng sét. ý đồ đó của kịch tác gia, của đạo diễn đã được nghệ sĩ Lê Khanh thực hiện thành công mỹ mãn. Với một vai diễn không lớn, nhưng Lê Khanh - Huyền Trang đã để lại trong ký ức của khán giả một ấn tượng đẹp và có chiều sâu.

Có thể nói thêm nhiều điều hay về phim "Tiếng cồng định mệnh", đồng thời cũng có thể đặt ra với những người làm phim "Tiếng cồng định mệnh" những câu hỏi, những băn khoăn. Chẳng hạn: cách xử lý vấn đề ngôn ngữ trong một phim có sự giao lưu giữa người Kinh với người Thượng, giữa người Mỹ với người Việt Nam như vậy đã được chưa? Yếu tố ngẫu nhiên được đưa vào phim "Tiếng cồng định mệnh" như thế có đứng được ở cái ngưỡng giữa lợi dụng và lạm dụng?... Tuy nhiên, dù nói thêm gì chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận những thành công căn bản của "Tiếng cồng định mệnh". "Tiếng cồng định mệnh" là một bộ phim truyện sử thi - anh hùng ca hay, tầm cỡ lớn, nội dung sâu. Thêm phim "Tiếng cồng định mệnh", Hãng phim Quân đội nhân dân Việt Nam có thêm một tài sản sáng giá, điện ảnh phim truyện Việt Nam có thêm một thành tựu đáng kể. Thêm phim "Tiếng cồng định mệnh" là thêm một căn cứ để khẳng định rằng: sứ mệnh thể hiện lên phim đề tài tổng thể về chiến dịch Hồ Chí Minh, sứ mệnh thể hiện lên phim đề tài về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam chỉ có nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam mới có thể hoàn thành đúng nhất và tốt nhất./.
 

 
 (1) Biên kịch: Chu Lai, đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Lê Thi; quay phim: Trần Quốc Dũng; diễn viên chính: Hoàng Dũng, Trọng Trinh, Lê Khanh, Đức Trung; Hãng phim Quân đội nhân dân Việt Nam - 2004