Năm khó khăn của châu Á

Đoàn Thị Trung
13:14, ngày 27-12-2008
Khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, khủng bố, thiên tai, các cuộc xung đột trong nước, mâu thuẫn giữa các quốc gia..., tuy có le lói một vài mảng sáng như hội nhập sâu và hợp tác chặt chẽ, bức tranh châu Á năm 2008 vẫn mang gam tối là chủ đạo.
 
Năm 2008, châu Á, khu vực được cho là phát triển năng động nhất về kinh tế đã không thoát khỏi cơn bão tài chính bắt nguồn từ Phố Uôn. Thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản mất 1/3 giá trị kể từ ngày 1-9, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1/4. Suy thoái toàn cầu kéo theo sự “giảm tốc” tăng trưởng tại hàng loạt các nước châu Á. Xin-ga-po là nước đầu tiên trong khu vực rơi vào suy thoái với việc nền kinh tế giảm tới 6,3% trong quý 3 năm nay.
 
Trung Quốc, đang trên đường vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nhật Bản, thông báo tăng trưởng quý 3 năm 2008 giảm xuống mức 9% thay vì mức tăng trưởng liên tục 11% trước đây. Tại Nhật Bản, ngày 19-12, Chính phủ nước này đã dự báo về triển vọng kinh tế ngày càng ảm đạm, khi cho rằng GDP sẽ giảm 0,8% trong tài khóa 2008 (kết thúc vào tháng 3-2009) và tăng trưởng GDP trong tài khóa 2009 chỉ ở mức 0%. Tình hình suy thoái buộc chính phủ các nước châu Á thay đổi chính sách bằng cách giảm lãi suất ngân hàng, chi nhiều tỉ USD để kích cầu.

Châu Á cũng là nơi hứng chịu thiên tai nặng nề nhất trong năm 2008. Cơn bão Nargis ập xuống Mi-an-ma hồi đầu tháng 5 làm hơn 63.000 chết và mất tích. Chỉ hơn 1 tuần sau, một trận động đất cường độ 8,0 độ richter tàn phá tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, làm hơn 80.000 người chết, gần 375.000 người bị thương. Thiệt hại về vật chất từ 2 trận thiên tai này lên đến hàng nghìn tỉ USD.

Năm 2008, châu Á cũng là nơi xảy ra nhiều vụ khủng bố, trong đó phải kể đến vụ khủng bố kinh hoàng ở Mum-bai - Ấn Độ đêm 26-11, làm 172 người thiệt mạng. Sau vụ khủng bố này, tờ Telegraph công bố danh sách 20 địa điểm được cho là nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay, trong đó 1/3 là các nước ở châu Á.
 
Tại Pa-ki-xtan, các vụ tấn công khủng bố nhằm vào quan chức địa phương, người nước ngoài và các cuộc đọ súng giữa quân đội với lực lượng li khai nổ ra khắp nơi. Còn tại I-rắc, mối đe doạ tấn công khủng bố và khả năng người nước ngoài bị bắt cóc vẫn ở mức cao.
 
Tại Áp-ga-ni-xtan, không có nơi nào ở nước này không có bạo lực. Số vụ tấn công của phiến quân lên mức kỷ lục kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Ta-li-ban năm 2001, cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người kể từ đầu năm đến nay.
 
Còn khủng hoảng chính trị, có lẽ Thái Lan là nước có nhiều biến động chính trị nhất. Chỉ trong vòng vài tháng, đất nước này đã phải thay 3 Thủ tướng, kinh tế và du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng.
 
Năm 2008 cũng là năm của nhiều mâu thuẫn láng giềng. Vụ khủng bố Mum-bai khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Á là Ấn Độ và Pa-ki-xtan vốn đã bất hòa trở nên căng thẳng do Niu Đê-li cáo buộc I-xla-ma-bát chưa nỗ lực loại trừ các nhóm khủng bố.
 
Quan hệ Thái Lan và Cam-pu-chia cũng trở nên căng thẳng sau vụ đụng độ khu vực quanh ngôi đền cổ Preah Vihear.
 
Bán đảo Triều tiên bước vào chu kỳ căng thẳng mới khi tuyến đường sắt xuyên biên giới của hai miền Triều Tiên ngừng hoạt động, dẫn tới việc hạn chế đi lại tới khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương - vốn được coi là biểu tượng xích lại gần nhau của hai miền. Vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, những tưởng sang năm 2008 sẽ được khai thông, lại bất ngờ đảo cực. Nguyên nhân chính là những bất đồng liên quan đến vấn đề viện trợ mà các bên tham gia đàm phán cam kết với Bình Nhưỡng và phương thức thanh tra các hoạt động hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
 
Tuy  vậy, bức tranh châu Á 2008 cũng có những điểm sáng. Đó là sự liên kết và xích lại gần nhau của các quốc gia. Có lẽ, sắc màu rực rỡ nhất chính là Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ ngày 15-12, đánh dấu tiến trình hội nhập, liên kết sâu rộng của khu vực Đông Nam Á. Hiến chương là khung pháp lý để các nước ASEAN có thể phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nhằm đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, gia tăng liên kết khu vực nhằm tiến tới mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
 
Một điểm sáng nữa chính là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới đã làm các nước châu Á bỏ qua bất đồng, đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn. Điển hình là kế hoạch thiết lập hệ thống hối đoái đa phương trị giá 80 tỉ USD cho khu vực châu Á của ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao ba nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đề ra các biện pháp hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Năm 2008 cũng chứng kiến mối quan hệ xích lại gần nhau giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Quốc Dân Đảng Wu Poh-Hsiung tại Bắc Kinh./.