Văn phòng Chủ tịch nước là cơ quan giúp việc Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp và pháp luật; là cơ quan nhà nước cấp Bộ, nhưng không phải là cơ quan Bộ hay cơ quan ngang Bộ theo Luật Tổ chức Chính phủ.

Đội ngũ cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước là một bộ phận cán bộ của Đảng, gồm những người có chức vụ lãnh đạo, quản lý (do bầu cử, được bổ nhiệm), hoặc có chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chủ tịch nước, có trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch nước chỉ đạo những vấn đề ở tầm vĩ mô. Do đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, công tác nghiên cứu, tham mưu, giúp việc chiếm 96,29% nhiệm vụ của cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước, trong khi số lượng cán bộ tham mưu chỉ có 56,6% số biên chế hiện có và được tiếp nhận từ nhiều nguồn, được đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) khẳng định: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”[1]. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) kết luận: “Trên cơ sở quy hoạch, đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ theo chức danh và cán bộ dự nguồn”[2]. Nghị quyết số 42 – NQ/TW của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá IX) đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ. Trong những năm qua, Đảng uỷ, Lãnh đạo Văn phòng đã quan tâm xây dựng quy hoạch và tạo được sự chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước trên nhiều mặt.

Về trình độ học vấn: 100% số cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước có trình độ đại học và trên đại học (trong đó trình độ trên đại học đạt 44,7%).

Về trình độ lý luận chính trị: số cán bộ tham mưu có trình độ cao cấp lý luận chính trị và tương đương đạt tỷ lệ 36,2%, trung cấp lý luận chính trị là 63,8%.

Về trình độ ngoại ngữ, tin học: số cán bộ tham mưu có chứng chỉ ngoại ngữ từ A đến C là 89,36% (với 26% đạt trình độ cử nhân ngoại ngữ); 97,9% cán bộ tham mưu có chứng chỉ tin học văn phòng (trong đó đạt trình độ kỹ sư là 2,1%).

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận cán bộ tham mưu chưa được đào tạo cơ bản hoặc chưa có chuyên môn phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm nhưng chưa được đào tạo, đào tạo lại. Công tác quy hoạch của một số đơn vị vẫn còn bị động, chất lượng và hiệu quả chưa cao, bởi, cách hiểu và cách làm chưa thống nhất. Có suy nghĩ coi quy hoạch chỉ là sự dự kiến bố trí đối với một số cán bộ có triển vọng vào các chức danh theo nhu cầu thực tế. Có quan niệm lại coi quy hoạch cán bộ là toàn bộ các công việc chuẩn bị một đội ngũ cán bộ đáp ứng mọi nhu cầu về các vị trí chức danh nên diện đưa vào quy hoạch rất rộng. Cả hai cách hiểu như trên đều không hợp lý. Cách thứ nhất tuy cụ thể, rõ người, rõ việc nhưng ở diện hẹp nên dễ nảy sinh vấn đề phức tạp; cách thứ hai tạo được thế ổn định, đồng bộ nhưng dễ trở thành vừa như có quy hoạch lại vừa như không.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ tham mưu ở cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước càng đặc biệt quan trọng. Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu giúp việc Chủ tịch nước - Người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội, đối ngoại trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế thế giới, Lãnh đạo Văn phòng phải đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch - khâu tạo nguồn, có liên quan chặt chẽ đến tất cả các khâu của công tác cán bộ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, tham mưu có đạo đức tốt, có phẩm chất chính trị vững vàng, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu khách quan và là tiền đề để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ ở Văn phòng Chủ tịch nước.

Chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác tham mưu của Văn phòng đối với các hoạt động của Chủ tịch nước. Có làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu mới từng bước nâng cao được chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ; bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước là một quá trình. Do vậy, cần đổi mới căn bản quan niệm, nhận thức và mục tiêu, yêu cầu, cũng như cách thức thực hiện quy hoạch cán bộ một cách thiết thực và hiệu quả.

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bộ phận chuyên môn về trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch phải thường xuyên quán triệt quan điểm, giữ vững nguyên tắc tổ chức của Đảng, gắn quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu với kiện toàn cấp ủy và phải chú trọng tạo nguồn từ những cán bộ đã được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Mục tiêu, yêu cầu cần đạt của quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu là hình thành được những lớp kế tiếp, là tập thể cán bộ tham mưu đoàn kết thống nhất, bổ sung cho nhau, bảo đảm tính kế thừa, sự phát triển liên tục, vững chắc của cả đội ngũ. Vì vậy, chi ủy, lãnh đạo các vụ chuyên môn cần xác định rõ trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu của đơn vị mình.

Thứ hai, công tác quy hoạch cán bộ tham mưu hiện nay cần phải bao quát được cả lớp đương nhiệm và lớp dự nguồn. Lớp đương nhiệm cần tiến hành phân loại theo các hướng: hướng thứ nhất, đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu chức danh, phát triển tốt, còn thời gian làm việc trên 5 năm; hướng thứ hai, đủ tiêu chuẩn hiện tại, song cần bồi dưỡng thêm, còn đủ tuổi làm việc từ 4 đến 5 năm; hướng thứ ba, đủ tiêu chuẩn hiện tại, song khó phát triển, cần điều chỉnh vị trí khác hoặc giải quyết chính sách. Lớp dự nguồn gồm những cán bộ còn phải đào tạo bổ sung một số yếu tố mới đủ tiêu chuẩn (trẻ hơn lớp đương nhiệm từ 5 đến 7 tuổi).

Công tác quy hoạch cán bộ ở Văn phòng Chủ tịch nước cần được hiểu là xây dựng quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, trên cơ sở vừa sử dụng, vừa tạo nguồn, sử dụng đi đôi với thử thách và rèn luyện, bảo đảm vừa đủ số lượng vừa đạt tiêu chuẩn trình độ, năng lực và chất lượng công tác, làm cho các lớp cán bộ kế tiếp nhau với chất lượng ngày càng cao hơn. Quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu không những là sản phẩm trí tuệ của tập thể các đơn vị chuyên môn mà còn là trách nhiệm của Lãnh đạo Văn phòng trong quá trình hướng dẫn, giúp đỡ và chỉ đạo thực hiện. Để có được đội ngũ cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước có chất lượng cao, cần phải mở rộng phạm vi tạo nguồn từ nhiều hướng nhằm lựa chọn những cán bộ đủ tiêu chuẩn đưa vào quy hoạch. Cần mạnh dạn tìm nguồn cán bộ từ học sinh, sinh viên có năng lực nghiên cứu để có cơ sở lựa chọn và đào tạo cơ bản tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ tham mưu từ sớm.

Thứ ba, xây dựng quy hoạch cán bộ phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, dự kiến nhu cầu và khả năng phát triển đội ngũ cán bộ. Quy hoạch cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước nằm trong quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ của Văn phòng. Căn cứ vào tiêu chuẩn chung về cán bộ trong thời kỳ mới được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) để xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi chức danh cán bộ tham mưu phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chuẩn bị cho việc tiến hành quy hoạch cán bộ đòi hỏi nhiều công phu và sự thận trọng, chính xác trong khảo sát, đánh giá lớp cán bộ đương nhiệm, xác định bước phát triển các chức danh, phát hiện, thăm dò, tuyển chọn nguồn kế cận, nguồn dự bị, định rõ bước đi cần thiết cho quy hoạch. Việc lựa chọn cán bộ tham mưu đưa vào diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị nghiên cứu, tham mưu là khâu rất quan trọng trong quy hoạch cán bộ ở Văn phòng Chủ tịch nước. Muốn lựa chọn đúng cán bộ đưa vào diện quy hoạch cần rà soát, đánh giá đúng cả đội ngũ và từng cán bộ; phải nhìn nhận thật khách quan, công tâm cả quá khứ, hiện tại và tương lai của cán bộ. Phải nắm vững tiêu chuẩn cán bộ, đặc biệt chú ý tiêu chuẩn người cán bộ tham mưu phải có bản lĩnh chính trị tốt, dù tình huống nào cũng vững vàng, kiên định với quan điểm đường lối, có tính trung thực và khả năng nghiên cứu, tư duy độc lập. Vì vậy, khi xem xét, đánh giá phải đặt cán bộ trong những điều kiện cụ thể, môi trường hoàn cảnh cụ thể, xem xét cả quá trình, đồng thời tham khảo đầy đủ những ý kiến của các tổ chức, của cán bộ và quần chúng để kết luận được chính xác. Để quy hoạch cán bộ có chất lượng tốt cần có sự chỉ đạo của các cấp ủy, nắm được dự kiến của cấp trên, phối hợp với đề xuất của các tổ chức có liên quan và ý kiến của cơ quan chức năng về công tác cán bộ. Trong thảo luận và thông qua quy hoạch phải thật sự dân chủ, công khai.

Thứ tư, khi đã lựa chọn được nhân sự đưa vào quy hoạch thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, kiểm tra, quản lý cán bộ lại là khâu quyết định. Do đó, xây dựng, thực hiện quy hoạch phải gắn chặt với lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chất lượng và tiến độ thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò trực tiếp quyết định kết quả thực hiện quy hoạch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bao gồm đào tạo cơ bản tại trường và bồi dưỡng tại cơ quan, đơn vị để nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu. Đối với cán bộ dự nguồn, cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một cách khoa học, chỉ rõ nhân sự cụ thể ở loại hình đào tạo hay bồi dưỡng. Phải dựa vào đánh giá cán bộ đương nhiệm, dự kiến bước đi trong khoảng 1 đến 5 năm với các biến động: phát triển lên, đi học, luân chuyển, điều chỉnh... để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dự nguồn, đáp ứng đòi hỏi phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ. Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, cần làm tốt khâu quản lý, kiểm tra cán bộ trong diện quy hoạch; phải trực tiếp, thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, đánh giá mức độ trưởng thành của cán bộ, thông báo kịp thời cho cán bộ biết về những mặt tốt để phát huy và mặt hạn chế để khắc phục. Thực hiện tốt khâu quản lý, kiểm tra sẽ góp phần nâng cao chất lượng phấn đấu của cán bộ, hạn chế được sự “thất thoát” cán bộ trong diện quy hoạch. Bởi, quy hoạch không phải chỉ là việc bố trí, sắp xếp, mà mục tiêu chính, trực tiếp của quy hoạch là để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách cán bộ. Quy hoạch cán bộ tham mưu phải mang tính khoa học và thực tiễn, vừa tạo nguồn cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị tham mưu, vừa tạo động lực thúc đẩy, phát huy nhân tố chủ quan, phấn đấu vươn lên của cán bộ tham mưu, đảm bảo sự đoàn kết trong sự phát triển của toàn đội ngũ cán bộ ở Văn phòng Chủ tịch nước.

Để quy hoạch bảo đảm tính khoa học và đáp ứng với những biến đổi về tổ chức, về nhân sự, thì việc xây dựng và quản lý quy hoạch phải thật chặt chẽ, thống nhất từ dưới lên, phải dự kiến các bước đi của quy hoạch để chủ động thực hiện quy hoạch, phải làm rõ quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ nghiên cứu, tham mưu. Việc xây dựng quy hoạch dù là khoa học đến mấy cũng chỉ là bước khởi đầu. Vấn đề quan trọng là triển khai thực hiện quy hoạch. Trước những biến động phức tạp hiện nay, dù có cố gắng đến đâu cũng khó có ngay một quy hoạch đội ngũ cán bộ tham mưu ở Văn phòng Chủ tịch nước hoàn chỉnh, vì vậy, phải chủ động xây dựng quy hoạch, kết hợp giữa việc đánh giá cán bộ và bổ sung quy hoạch; phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, đưa ra hoặc bổ sung cán bộ thuộc diện quy hoạch; định kỳ tổng kết rút kinh nghiệm việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
 

[1] Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm1997, tr. 43.

[2] Kết luận số 15 – KL/TW của Hội nghị lần thứ s¸u Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII về công tác tổ chức và cán bộ (bản sao, ban hành ngày 26/7/2002), tr. 4.