Tham vấn cộng đồng khi xây dựng kế hoạch - một cách tiếp cận mục tiêu phát triển con người
Việc chấm dứt cơ chế kế hoạch hoá tập trung không có nghĩa là phủ định hoạt động kế hoạch. Trong giai đoạn mới, khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hình thức kế hoạch hoá tập trung được thay thế bằng một hệ thống kế hoạch mới, đó là, kế hoạch hoá gián tiếp hay kế hoạch hoá phát triển phù hợp với kinh tế thị trường. Tham vấn cộng đồng là hoạt động không thể thiếu khi hoạch định kế hoạch và chiến lược quốc gia.
Trong hệ thống kế hoạch mới, vai trò của các chủ thể có những biến đổi nhất định. Quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể xã hội được thể hiện trong công tác kế hoạch. Nhà nước tiếp tục quản lý và điều tiết các lĩnh vực kinh tế - xã hội một cách gián tiếp thông qua công cụ, chính sách, các nguồn lực để đạt được những mục tiêu phát triển đã đề ra, không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hoàn chỉnh nội dung của Chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, theo hướng thực thi hơn và phản ánh được nguyện vọng của mọi tầng lớp xã hội, đợt tham vấn cộng đồng về kế hoạch 5 năm 2006-2010 của quốc gia đã được thực hiện tại 15 tỉnh/ thành phố trên phạm vi cả nước. Đây không chỉ là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai các bước trong tiến trình đổi mới công tác lập kế hoạch mà hơn thế, đó là một biện pháp quan trọng trong tiếp cận mục tiêu phát triển con người trên cơ sở nâng cao vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với việc xây dựng kế hoạch cũng như các cơ chế, chính sách của Nhà nước; từng bước thực sự đưa con người vào vai trò chủ thể của công tác kế hoạch, tăng cường tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, từ khâu xây dựng đến các bước thực hiện kế hoạch và thụ hưởng thành quả.
Chương trình đã thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp dân cư và các cấp lãnh đạo địa phương tại 15 tỉnh, thành phố vào bản Dự thảo. Mỗi nhóm đối tượng tham vấn có quy mô từ 8-10 người, bao gồm nhóm dân cư tại cộng đồng; nhóm cán bộ lãnh đạo; nhóm doanh nhân, được phân chia theo giới tính, nghề nghiệp, chức vụ. Ước tính có khoảng 7.500 người được huy động tham gia hoạt động tham vấn đợt đầu tiên. Khung tham vấn cơ bản gồm 8 chủ đề: việc làm, các dịch vụ xã hội, xoá đói giảm nghèo, dân tộc thiểu số, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường, năng lực của cán bộ cơ sở; môi trường kinh doanh và môi trường kêu gọi đầu tư. Đối với các vấn đề mang tính vĩ mô thì tập trung tham vấn đối tượng lãnh đạo.
Quá trình tham vấn người dân trong xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 đã khép lại, nhưng kết quả tham vấn đã làm sáng tỏ một số vấn đề, đồng thời mang lại những kinh nghiệm bước đầu góp phần nâng cao hiệu quả các đợt tham vấn xây dựng kế hoạch trong thời gian tới.
1. Một số vấn đề rút ra qua quá trình tham vấn:
- Có sự chuyển biến trong nhận thức về tham vấn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các đối tượng dân cư. Đối với người dân, hoạt động tham vấn bước đầu tạo được sự thay đổi trong cách nghĩ, trong nhận thức về cách làm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo phương pháp mới; người dân có cơ hội tích cực, chủ động tham gia vào toàn bộ quy trình của công tác kế hoạch, từ xây dựng đến giám sát và đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch tại địa phương mình. Do được thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình đối với những vấn đề trọng đại của đất nước, nên sự đồng thuận, nhất trí trong dân rất cao. Người dân đánh giá cao phương pháp tham vấn này và mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa vào việc góp ý kiến trong quá trình lập kế hoạch và các cuộc họp cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ mong muốn các ý kiến đóng góp của họ được “cấp trên” xem xét, không chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến mang tính hình thức.
Đối với các cấp lãnh đạo, hoạt động tham vấn có ý nghĩa tích cực đối với các chủ thể của công tác kế hoạch và thực thi chính sách (cán bộ lãnh đạo các cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành ở trung ương)... Đây là cơ sở để chỉnh sửa và bổ sung bản kế hoạch dự thảo cho sát thực với thực tế và mong muốn của người dân, nhằm đạt tính khả thi cao trong hiện thực. Thông qua hoạt động tham vấn, cán bộ lãnh đạo có nhiều nguồn thông tin và cách nhìn tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở địa phương mình mà trên phạm vi cả nước. Từ đó, đưa ra việc xếp hạng ưu tiên các giải pháp tuỳ theo tính cấp bách và cần thiết của từng giải pháp.
Đối với các doanh nghiệp, hoạt động tham vấn tạo cơ hội để các doanh nghiệp đưa ra những đề xuất, giải pháp, kiến nghị cụ thể tháo gỡ những khó khăn, bức xúc từ thực tiễn hoạt động của mình. Các doanh nghiệp đã có những ý kiến đóng góp có giá trị trong việc huy động nguồn lực cho phát triển của địa phương. Cũng như người dân /cộng đồng, nhóm các doanh nghiệp đánh giá cao việc đổi mới trong lập kế hoạch và mong muốn các ý kiến đóng góp của họ được ghi nhận và xem xét một cách nghiêm túc.
Bên cạnh những yếu tố tích cực trên, cũng vẫn còn những băn khoăn, lo ngại khi triển khai hoạt động tham vấn như: trình độ dân trí thấp tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sẽ khó thu được ý kiến đóng góp sát thực; liệu ý kiến của mình có được xem xét nghiêm túc trong quá trình chỉnh sửa bản kế hoạch hay không... Ở một số địa phương, vẫn còn tâm lý thụ động, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ cấp trên.
- Huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng kế hoạch. Phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng dân cư đã thực sự phát huy được trí tuệ của các tầng lớp dân cư, tạo nguồn lực đa dạng, phong phú hơn cho quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những khiếm khuyết của kế hoạch, những “lỗ hổng” trong các cân đối khi tính toán trên lý thuyết đã được phát hiện và điều chỉnh qua những ý kiến đóng góp từ cấp cơ sở, từ người dân và các doanh nghiệp. Hoạt động tham vấn đã giúp cho các đối tượng người dân và doanh nghiệp thực sự vừa là người xây dựng, vừa là người thực hiện kế hoạch. Phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia đã tỏ rõ tính hiệu quả, sức thuyết phục, giúp cho công tác lập kế hoạch trở nên bao quát và mang tính khả thi cao hơn.
- Hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn trong công tác kế hoạch, đổi mới phương pháp lập kế hoạch. Qua triển khai hoạt động tham vấn cộng đồng đã bộc lộ một số khiếm khuyết trong năng lực làm kế hoạch của cán bộ cần được nhanh chóng khắc phục. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hạn chế đó là: các chuyên gia làm kế hoạch của nước ta từ lâu đã quen với cách lập kế hoạch truyền thống, ít được cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Đó là những trở ngại, ảnh hưởng tới hiệu quả của các hoạt động lập kế hoạch. Vẫn còn có những chuyên gia kế hoạch chưa phân định rõ ràng sự khác biệt giữa mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch và chỉ số giám sát đánh giá. Trình độ của đội ngũ cán bộ làm kế hoạch càng xuống cấp cơ sở càng thấp, càng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một số địa phương không có cán bộ chuyên trách về kế hoạch, ngay cả khi có thì hầu hết không được đào tạo bài bản và ít được cập nhật kiến thức chuyên môn.
Quá trình tham vấn này cũng cho thấy thêm một thực tế là quan điểm về phát triển con người, về đo lường phát triển con người chưa đến được các chuyên gia làm kế hoạch ở tất cả các cấp. Trong khi cốt lõi của việc lập kế hoạch theo phương pháp mới hiện nay chú trọng đến việc xác lập định hướng chiến lược gắn với nguồn lực và các mục tiêu ưu tiên trong phát triển, lấy việc nâng cao phúc lợi dân cư (mục tiêu xã hội) là trọng tâm và mục tiêu cuối cùng cho kế hoạch, thì hầu hết các chuyên gia làm kế hoạch tại các địa phương vẫn quen với việc chú trọng các chỉ tiêu định lượng về tăng trưởng và cơ cấu, muốn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, cho dù nguồn lực và các điều kiện khách quan chưa cho phép.
2. Những nhiệm vụ cấp thiết
Để tiếp cận quan điểm về phát triển con người, về đo lường phát triển con người trong công tác kế hoạch, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Triển khai tích cực khâu tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm kế hoạch tại địa phương. Trang bị kiến thức cho cán bộ tham gia tham vấn tại địa phương để họ hiểu rõ phương pháp và công cụ mới áp dụng trong việc xây dựng kế hoạch và tiến hành tham vấn. Thông qua hoạt động tham vấn, năng lực của người dân và cán bộ các cấp sẽ được nâng lên khi tiếp xúc với các công cụ, các thông tin về phương pháp lập kế hoạch.
- Tăng cường vai trò tham gia trực tiếp của người dân vào công tác kế hoạch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu đây là cơ hội để họ thực hiện quyền làm chủ của mình đối với cộng đồng, khắc phục tâm lý ỷ lại vào các cấp chính quyền. Cung cấp cho người dân thông tin chân thực về tình hình thực hiện kế hoạch để nâng cao chất lượng tham gia của người dân. Người dân không chỉ dừng lại ở việc đóng góp ý kiến, mà cần trực tiếp tham gia thực hiện và giám sát thực hiện kế hoạch ở cấp thôn, xã nơi họ sinh sống. Khi Xây dựng kế hoạch cấp thôn, xã đạt sự đồng thuận cao, việc triển khai thực hiện, tuân thủ đúng những mục tiêu đề ra, sẽ là bằng chứng thuyết phục nhất để dần dần nâng cao chất lượng tham gia của người dân và biến sự tham gia trở thành một yêu cầu không thể thiếu trong quản lý của chính quyền cơ sở. Những ý kiến đóng góp của người dân cần được xử lý thoả đáng và phải được phản hồi minh bạch để việc thu hút sự tham gia của họ trong những lần tham vấn sau thuận lợi hơn.
- Mở rộng đối tượng tham vấn đến mọi công dân, tới cả những người đã qua độ tuổi lao động, chú trọng hơn tới vấn đề giới. Chẳng hạn: hiện nay tuổi lao động của phụ nữ chỉ tính đến 55, nhưng tuổi lao động của nam giới là 60. Nếu chọn đối tượng tham gia tham vấn theo độ tuổi lao động thì vô hình trung tạo nên một rào cản cho nhóm phụ nữ được tham gia vào quá trình tham vấn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ hội tham gia vào một công việc có ý nghĩa, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống của họ.
- Đưa các nội dung quan điểm về phát triển con người, về đo lường phát triển con người vào chương trình hoạt động trong những chu kỳ kế hoạch mới. Đưa các chỉ số đánh giá phát triển con người (HDI, GDI, HPI) thành các chỉ tiêu pháp lệnh từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố. Quan điểm về phát triển con người, về đo lường phát triển con người phải được đưa vào chương trình các lớp tập huấn. Đối tượng tham dự các chương trình các lớp tập huấn không chỉ có cán bộ kế hoạch mà nhất thiết phải có thành phần lãnh đạo cấp ủy, ủy ban nhân dân các cấp./.
Lịch sử biên niên Đảng cộng sản Việt Nam  (23/10/2007)
Quan điểm của Nhật Bản về liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế  (23/10/2007)
Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam  (23/10/2007)
Phát triển nhân tài chấn hưng đất nước  (23/10/2007)
Bàn về nghệ thuật quân sự  (23/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay