Đổi mới có thể mang lại sự thay đổi cho những trẻ em thiệt thòi nhất
TCCSĐT - Ngày 04-12-2014 tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới - hình dung mới về tương lai: Đổi mới sáng tạo cho mọi trẻ em” nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra đời Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tham dự buổi công bố báo cáo có Thứ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội, Doãn Mậu Diệp.
Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới đề xuất một chương trình mang lại sự thay đổi: Cần khẩn trương hành động nhằm bảo đảm rằng hàng triệu trẻ em trên thế giới không bị lỡ mất cơ hội được hưởng những lợi ích do đổi mới sáng tạo mang lại. Theo đó, sự hợp tác và kết nối có thể tạo ra mạng lưới trên toàn cầu, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới cho mọi trẻ em.
Báo cáo nêu rõ, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Năm 1990, thế giới có 5 tỷ người và đến năm 2050 thế giới sẽ có 9 tỷ người, trong đó gần 2,7 tỷ là trẻ em dưới 18 tuổi. Nhiều trẻ em hôm nay sẽ được thụ hưởng những cơ hội to lớn mà 25 năm trước không có. Nhưng không phải tất cả trẻ em đều có cơ hội bình đẳng để được lớn lên khỏe mạnh, được giáo dục, được phát triển hết tiềm năng của mình và trở thành một công dân tích cực.
Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong các lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, giáo dục, tiếp cận nước sạch, vẫn còn rất nhiều trẻ em đang phải đối diện với một tương lai mà nhu cầu của các em chưa được đáp ứng, quyền của các em không được công nhận và tiềm năng của các em bị cản trở. Các nước có thu nhập thấp trên thế giới vẫn là nơi tập trung đói nghèo và thiệt thòi, nhưng nhiều trẻ em nghèo khổ nhất hiện nay lại đang sống ở các nước có thu nhập trung bình, nơi có sự bất bình đẳng về thu nhập sâu sắc nhất. Ở những quốc gia này, cũng như ở những nơi khác, sự nghèo khổ tập trung ở các khu ổ chuột, vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh và ở các nhóm thường bị đẩy ra ngoài lề như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Trên toàn thế giới, 79% trẻ em dưới 5 tuổi thuộc nhóm giàu nhất được đăng ký khai sinh nhưng chỉ có 51% trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất được hưởng quyền chính thức này. Trong khi 80% trẻ sống ở thành phố được đăng ký khai sinh thì ở nông thôn, tỷ lệ này chỉ là 51%. Tỷ lệ bị suy dinh dưỡng thấp còi và tử vong trước 5 tuổi trong nhóm 20% trẻ em nghèo nhất thế giới cao gấp hai lần so với 20% trẻ giàu nhất. Gần 90% trẻ trong nhóm 20% gia đình giàu nhất ở nước kém phát triển trên thế giới được đi học tiểu học so với khoảng 60% trẻ ở các gia đình nghèo nhất. Khoảng cách này ở các nước có thu nhập trung bình thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ví dụ ở Ni-giê-ri-a, 94% trẻ em ở gia đình giàu nhất được đi học, so với 34% trẻ em ở các gia đình nghèo nhất. Bất kể giàu hay nghèo, trẻ em gái vẫn bị hạn chế trong việc đi học. Cứ mỗi 100 trẻ em trai được ghi danh học tiểu học ở Tây và Trung Phi, thì chỉ có 90 trẻ em gái được đi học. Ở bậc trung học, tỷ lệ đi học của bé gái là 76/100 trẻ em trai. Tỷ lệ các em gái dưới 19 tuổi có tỷ lệ kết hôn hoặc có những quan hệ tương tự như hôn nhân nhiều hơn so với bạn nam đồng lứa và có ít kiến thức toàn diện về HIV hơn so với bạn nam.
Gần ¾ (khoảng 1,8 tỷ người) trong số 2,5 tỷ người sống ở nông thôn trên toàn thế giới không được tiếp cận điều kiện vệ sinh sạch sẽ. Số liệu từ một số quốc gia như Ấn Độ, Băng-la-đét và Nê-pan cho thấy, từ năm 1995 đến năm 2008, trong số 40% gia đình nghèo nhất, sự cải thiện vệ sinh môi trường tiến triển rất chậm.
Để giảm thiểu rủi ro từ những thay đổi và tối đa hoá lợi ích cho những trẻ em thiệt thòi nhất, cần có các phương thức và quy trình mới, đối tác và mô hình hợp tác mới. Cần bảo đảm cho những nhóm người thiệt thòi và dễ bị tổn thương có thể tiếp cận và có tiếng nói trong việc xây dựng những quy trình và mô hình đó, trên cơ sở nhận thức rõ hơn về thực tế và nhu cầu của họ. Vì đổi mới, sáng tạo là không đủ, bởi những đổi mới, sáng tạo đó phải vừa đem lại, vừa thúc đẩy sự tham gia và cơ hội cho tất cả trẻ em trên thế giới.
Do đó, đổi mới, sáng tạo không chỉ đem lại lợi ích cho những ai có khả năng chi trả tốt nhất, mà còn phải đáp ứng nhu cầu và nâng cao quyền của những ai ít có khả năng nhất. UNICEF gọi đây là sáng tạo đổi mới vì sự bình đẳng. Các nhà đổi mới, sáng tạo trên cơ sở những quy trình và cấu trúc cũ, sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách sáng tạo để đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm đem lại chất lượng cao hơn, tác động lớn hơn và với chi phí thấp hơn. Nhưng làm sao xác định được thành quả sáng tạo và kết quả của quá trình đổi mới, sáng tạo có phục vụ cho việc nâng cao cơ hội bình đẳng cho tất cả trẻ em ở bất kể hoàn cảnh mà em đó được sinh ra hay không?
Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước, các chuyên gia về phát triển, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng cùng chung tay để đưa ra những ý tưởng mới cho các giải pháp về những vấn đề nổi cộm mà trẻ em đang phải đối mặt và tìm ra những phương cách mới để có thể nhân rộng những giải pháp sáng tạo hiệu quả của địa phương.
Ông Y. A. Gie-li (Youssouf Abdel-Jelil), Đại diện UNICEF phát biểu: “Con người được sinh ra trong một thế giới ngày càng gắn kết hơn khi mà ranh giới giữa các vấn đề địa phương và toàn cầu trở nên mờ dần. Điều này đã mang lại cơ hội chưa từng có trong việc tạo ra những phong trào mới và những mối quan hệ đối tác mới, giúp thúc đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác và kết nối nhằm xây dựng một cộng đồng toàn cầu đổi mới sáng tạo vì sự bình đẳng”.
Tại buổi công bố báo cáo, Đại diện UNICEF ghi nhận những thành tựu Việt Nam đạt được trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Đó là, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước vào năm 1990. Kể từ đó, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện quyền của trẻ em. Tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm 75% và hầu hết trẻ em đều được đi học tiểu học. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000 và xóa bỏ bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005.
Đại diện UNICEF nhấn mạnh một số giải pháp sáng tạo mà Việt Nam đã thực hiện nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em, chẳng hạn như thực phẩm chức năng HEBI do Viện Dinh dưỡng sản xuất trên cơ sở phi lợi nhuận với sự hỗ trợ của UNICEF và Viện Nghiên cứu và Phát triển để điều trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng ở tỉnh Kon Tum; Trường phổ thông trung học bán trú do cộng đồng và cha mẹ trẻ em dân tộc thiểu số khởi xướng xuất phát từ thực tế đặc điểm địa lý của vùng núi xa xôi hẻo lánh. Sau một thời gian, mô hình này cho thấy đây là một giải pháp hiệu quả để tăng tỷ lệ trẻ em đi học và nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi trẻ em. Mô hình này hiện đang được Nhà nước công nhận, hỗ trợ và mở rộng. Ngoài ra, cuộc thi lập trình Hackathon trên thiết bị di động đầu tiên của UNICEF vào năm 2013 tập trung vào đề tài sáng tạo cho trẻ em. Trong bối cảnh mạng lưới viễn thông và in-tơ-nét phát triển nhanh ở Việt Nam, cuộc thi Hackathon là một nỗ lực nhằm phát triển ứng dụng phần mềm di động thử nghiệm để có thể phát hành rộng rãi miễn phí thông qua nền tảng mã nguồn mở cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên xã hội và những người sử dụng thiết bị di động.
Tuy nhiên, Việt Nam còn hạn chế trong việc đạt được những tiến bộ trong tăng trưởng công bằng và vẫn còn có những công việc chưa hoàn thành trong phát triển con người liên quan đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người di cư lên thành phố và những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nói: “Chúng ta đang sống trong xã hội thay đổi nhanh chóng và Việt Nam đang bước vào xây dựng kế hoạch chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và để giải quyết được những thách thức hiện nay, chúng ta cần có những suy nghĩ và tư duy mới, những biện pháp sáng tạo vượt ra khỏi những cách thức truyền thống”./.
Hiệu quả Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá ở Thành phố Hồ Chí Minh  (05/12/2014)
Một vài suy nghĩ về cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai của Quốc hội  (05/12/2014)
Giáo dục truyền thống trong quân đội đáp ứng nhiệm vụ cách mạng hiện nay  (05/12/2014)
Giáo dục truyền thống trong quân đội đáp ứng nhiệm vụ cách mạng hiện nay  (05/12/2014)
Việt Nam đăng cai Hội nghị hợp tác thanh niên Việt Nam - Lào - Campuchia  (05/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay