Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 16-3-2009 đến 22-3-2009)
TCCS ĐT - 1. EC gác lại dự án đường ống dẫn khí Nabucco
Ngày 17-3-2009, Ủy ban châu Âu EC cho biết, dự án đường ống dẫn khí đầy tham vọng Nabucco nối vùng Trung Á với châu Âu đã bị loại ra khỏi các dự án ưu tiên của EC hiện nay. Đường ống dẫn khí trong dự án Nabucco sẽ đi qua một loạt các nước Trung Á, nơi có trữ lượng khí đốt dồi dào tới châu Âu, đặc biệt, đường ống này sẽ bỏ qua qua lãnh thổ nước Nga. Dự án này nhận được sự ủng hộ của 27 thành viên EC, các nước có đường ống đi qua và cả Mỹ. Một số quốc gia châu Âu cũng đồng ý tham gia vào dự án này. Theo ước tính, tổng giá trị của dự án khi nó bắt đầu vào năm 2010 là 10 tỉ USD. Bước đầu, dự án sẽ cần 332 triệu USD khi bắt đầu khởi công, nhưng đã bị cắt 64,5 triệu USD vì khủng hoảng kinh tế. Dự án Nabucco được coi như là một sự cạnh tranh với đường ống Nam của Nga nối Nga, các nước TrungÁ qua Ban-căng vào châu Âu, mỗi năm cung cấp cho châu Âu 31 tỷ mét khối khí hóa lỏng.
2. Cục Dự trữ liên bang bơm thêm 1,2 nghìn tỉ USD vào kinh tế Mỹ
Ngày 18-3-2009, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ mua các khoản nợ trị giá gần 1,2 nghìn tỉ USD nhằm tăng cho vay và thúc đẩy kinh tế hồi phục. Theo đó, Fed sẽ bắt đầu mua các khoản nợ dài hạn của chính phủ và mở rộng việc mua các khoản nợ liên quan tới thế chấp. Quy mô của động thái này khiến chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng gần 200 điểm. Fed hy vọng những biện pháp trên, được thực hiện bằng cách duy trì mức lãi suất thấp đối với thế chấp và những dạng nợ tiêu dùng khác, sẽ đẩy mạnh cho vay thế chấp và chống đỡ cho thị trường nhà đất đang gặp khó khăn. Sau cuộc họp bàn về chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng quyết định giữ tỷ lệ lãi suất ở mức không thay đổi, gần 0. Những biện pháp chưa từng có của Fed được đưa ra khi các ngân hàng trung ương khắp thế giới đang vật lộn tìm cách chống lại cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
3. Biểu tình phản đối chiến tranh ở Mỹ
Ngày 19-3-2009, nước Mỹ "ngập" trong dòng người tham gia biểu tình chống chiến tranh nhân kỷ niệm 6 năm ngày Mỹ phát động cuộc chiến I-rắc (20-3-2003). Sáng ngày 19-3-2009,các thành viên củanhóm "Các cựu binh I-rắc" đã tổ chức cuộc biểu tình ở gần Nhà Trắng và cho biết họ sẽ tiến hành một buổi lễ kéo dài 3 ngày tại đây để kêu gọi chấm dứt "chiếm đóng ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma là người phản đối cuộc chiến I-rắc, nhưng gần đây, ông đã khiến nhiều người ủng hộ thất vọng khi không thực hiện đúng cam kết rút toàn bộ lính chiến Mỹ trong vòng 16 tháng sau khi nhậm chức. Trong một thông báo hồi tháng trước, ông đã đưa ra khung thời gian 18 tháng để làm giảm bớt sự phản đối của các tướng tá quân đội. Quyết định của Ba-răc Ô-ba-ma duy trì sự hiện diện của 50.000 binh sĩ "phi chiến đấu" từ sau tháng 8-2009 cũng không làm hài lòng nhiều thành viên đảng Dân chủ. Theo các cựu chiến binh, chính sách thay đổi trọng tâm chiến tranh từ I-rắc sang Áp-ga-ni-xtan của ông B.Ô-ba-ma không phải là một lựa chọn tốt.
4. Diễn đàn Nước thế giới tại I-xtan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ
Sau 7 ngày họp, Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 5 đã kết thúc ngày 22-3 tại I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ). Diễn đàn đã ra tuyên bố với cam kết của đại diện hơn 100 quốc gia tham dự về quản lý tốt nguồn nước, phấn đấu cung cấp nước sạch và hệ thống vệ sinh tiêu chuẩn cho hàng tỉ người đang có nhu cầu, cũng như tăng cường các biện pháp phòng chống hạn hán và lũ lụt. Tuyên bố nêu rõ thế giới đang đối mặt với những thay đổi nhanh chóng và không lường trước được như sự tăng trưởng về dân số, tình trạng di cư, thành thị hóa, biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, hạn hán, sự thoái hóa và sử dụng đất, những biến động về kinh tế... Diễn đàn đã đưa ra một số khuyến nghị về hành động, trong đó có tăng cường hợp tác để giảm những tranh cãi về nước, tập trung các biện pháp khắc phục tình trạng lũ lụt và hạn hán, quản lý tốt hơn các nguồn nước, hạn chế việc để ô nhiễm sông, hồ, ao... Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố tại Diễn đàn, hiện có khoảng 880 triệu người trên thế giới chưa được tiếp cận các nguồn nước uống hợp vệ sinh và khoảng 2,5 tỉ người chưa được tiếp cận hệ thống vệ sinh tiêu chuẩn. OECD cho rằng, vào năm 2030, số người sống trong tình trạng căng thẳng về nước có thể lên tới 3,9 tỉ người, đó là chưa tính đến những tác động của tình trạng ấm lên trên toàn cầu.
5. EU “đồng thuận” không tăng quy mô kích thích kinh tế.
Ngày 20-3-2009, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc tại Brúc-xen (Bỉ) với những kết quả được giới quan sát đánh giá là "khá tích cực". Cụ thể là: đạt được sự đồng thuận trong một loạt vấn đề nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 về khủng hoảng tài chính diễn ra tại Luân Đôn (Anh) vào tháng 4-2009; không tăng quy mô hơn nữa các kế hoạch kích thích kinh tế; tiếp tục bảo vệ quan điểm về các gói kích thích đã tiến hành; sẽ cùng đóng góp thêm 100 tỉ USD cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để củng cố thêm sức mạnh cho định chế tài chính quốc tế này; kêu gọi G-20 tăng gấp đôi nguồn tài chính cho IMF lên 500 tỉ USD nhằm giúp đỡ các quốc gia gặp khó khăn; ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc tăng gấp đôi quỹ hỗ trợ khủng hoảng EU lên 50 tỉ ơ-rô để hỗ trợ nền kinh tế các nước Đông Âu. Do bất đồng, tại hội nghị lần này, EU đã không thông qua quyết định chi bao nhiêu tiền cho các nước nghèo và các nước đang phát triển, nhằm thuyết phục các nước này tham gia kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Quyết định trên của EU bị coi là "cú đòn" nữa giáng vào các cuộc đàm phán của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Ki-ô-tô về cắt giảm khí thải, sẽ hết hạn vào năm 2012.
6. Quân đội Nga xây dựng xong hai căn cứ quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a
Ngày 20-3-2009, theo tuyên bố của Tư lệnh binh chủng lục quân Nga Vla-đi-mia Bôn-đư-rép, quân đội Nga đã lập xong hai căn cứ quân sự số 4 tại Nam Ô-xê-ti-a và số 7 tại Áp-kha-di-a, đồng thời bắt đầu quá trình xây dựng các công trình hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho hai căn cứ này. Tướng Bôn-đư-rép cho biết, căn cứ quân sự số 4 và số 7 của Nga tại Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a sẽ tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật vào mùa Hè tới tại khu vực Cáp-ca-dơ. Hiện nay hai căn cứ quân sự số 4 và số 7 đều có khả năng thực hiện những nhiệm vụ đề ra như bảo đảm an ninh và tính bất khả xâm phạm biên giới của Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a cũng như vô hiệu hóa mọi mối đe dọa từ phía Gru-di-a.
7. Tổng thống B.Ô-ba-ma đề nghị “một khởi đầu mới” trong quan hệ ngoại giao với I-ran
Ngày 20-3-2009, trong một thông điệp video chưa từng có tiền lệ được công bố Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã đề nghị “mộtkhởi đầu mới” trong quan hệ ngoại giao với I-ran với cam kết dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ với I-ran, bày tỏ mong muốn “nói chuyện trực tiếp với người dân và các nhà lãnh đạo Cộng hoà Hồi giáo I-ran”, theo đuổi những mối quan hệ xây dựng giữa Mỹ, I-ran và cộng đồng quốc tế. Trước đó, ông B.Ô-ba-ma từng đề cập tới sự thay đổi trong quan hệ với I-ran nhưng chưa đưa ra tuyên bố rõ ràng. Sau khi nhậm chức hồi tháng 1-2009, ông B. Ô-ba-ma nhấn mạnh, nếu một đất nước như I-ran sẵn sàng chìa tay ra, họ cũng sẽ tìm thấy một bàn tay mở rộng từ Mỹ.
8. Chính phủ Thái Lan vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngày 21-3-2009, Thủ tướng Thái Lan A-bị-xịt Vây-gia-i-va và tất cả 5 bộ trưởng trong nội các của ông đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức sau hai ngày chất vấn nóng bỏng tại Hạ viện. Bỏ phiếu bắt đầu muộn khoảng 15 phút sau khi các nghị sĩ đối lập chỉ trích Chủ tịch Hạ viện quá vội vã và không tiến hành cuộc bỏ phiếu theo Hiến pháp. Trong tổng số 449 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, ông A-bị-xịt Vây-gia-i-vat nhận được 176 phiếu bất tín nhiệm và 246 phiếu tín nhiệm. 12 nghị sĩ bỏ phiếu trắng trong khi 15 người khác không bỏ phiếu. Ngoại trưởng Ka-xịt nhận được 184 phiếu bất tín nhiệm và 237 phiếu tín nhiệm.
9. Bạo lực bùng phát mạnh tại Áp-ga-ni-xtan
Một sự thất vọng lớn  (22/03/2009)
Cần phối hợp chặt chẽ các lực lượng chống buôn lậu  (21/03/2009)
Kinh tế thế giới lún sâu hơn vào suy thoái  (21/03/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên