Thực chất quan điểm “Quân đội là của dân tộc” của các thế lực thù địch
1. Chống phá quân đội ta, làm cho quân đội suy yếu và biến chất là một mũi nhọn trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch thực hiện chống phá quân đội ta một cách toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ những vấn đề cơ bản về chính trị, bản chất giai cấp, hệ tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, về cơ cấu tổ chức, công tác cán bộ, về con người; từ những vấn đề về lịch sử đến hiện tại, những vấn đề chính trị - tinh thần đến vũ khí trang bị, trong đó chống phá quân đội ta về chính trị là một nội dung cơ bản trọng yếu. Thực hiện nội dung cơ bản này, các thế lực thù địch dùng nhiều ngón đòn và các chiêu thức khác nhau, với nhiều giọng điệu khác nhau, khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức và trực diện chống phá, khi thì như là “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí” xây dựng quân đội, cố gắng “khuyên nhủ” chúng ta nên thế này, thế khác.
Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch ra sức rêu rao quan điểm rằng, “Quân đội và công an chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào, lực lượng chính trị nào”(1). Để nhấn mạnh thêm của các luận điểm của mình, các thế lực thù địch còn đặt vấn đề quân đội ta cần trung thành với lợi ích của quốc gia dân tộc, đề cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” trong mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của mình. Chúng còn “khuyên nhủ” chúng ta cần phải “chuyên nghiệp hóa” quân đội và công an càng sớm càng tốt”(2), “cần phải học tập kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang theo mô hình của quân đội tư sản”(3).
Thoảng qua, những quan điểm trên tưởng như vô hại, nhưng rõ ràng đây thực sự là một thủ đoạn thâm độc và là một ngón đòn rất nguy hiểm. Cần vạch rõ thực chất của cái gọi là “quân đội là của quốc gia, dân tộc”, đó là thủ đoạn lừa bịp, vô căn cứ, phản động về chính trị và phản khoa học cả về lý luận và thực tiễn.
2. Quan điểm “quân đội chỉ là của dân tộc” là quan điểm phản động về chính trị và đặc biệt nguy hiểm. Quan điểm này có vẻ như được dựa trên “cơ sở” thực tiễn rằng, quân đội ta là quân đội có một truyền thống anh hùng, gắn với vận mệnh của dân tộc, của đất nước, đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc; rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội có quan hệ máu thịt với nhân dân, là quân đội của dân, do dân và vì dân, vì thế, việc đặt vấn đề “quân đội chỉ là của dân tộc”, “của đất nước”, “của nhân dân” là “phù hợp”, chứ không cần thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái nào, một lực lượng chính trị nào!Cách lập luận đó dễ làm cho một số người thiếu cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin, lầm tưởng rằng các quan điểm đó là phù hợp, cần thiết, thiện chí, là hợp lý, khách quan và đúng với thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta!
Bản chất ngón đòn tinh vi này củacác thế lực thù địchlàlợi dụng và trực tiếp đánh vào tình cảm, lòngtự hào chính đáng của nhân dân tavề quân đội anh hùng,hòng khơi gợi, kích động, làm cho người dân nghĩ rằng “quân đội là chỉ của dân tộc" là “lôgích tự nhiên”.
“Quân đội là của quốc gia, dân tộc”, một giọng điệu tưởng như khách quan, không chính trị, không giai cấp, nhưng lại nằm trong âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch, thực chất là nhằm lái chính trị của quân đội ta sang chính trị tư sản. Bằng quan điểm đó, các thế lực thù địch âm mưu khéo léo loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp của quân đội, tiến tới làm biến chất quân đội ta. Đây mới là âm mưu đích thực của các thế lực thù địch trong mục tiêu chống phá quân đội ta, nhưng lại rất dễ làm cho nhiều người rơi vào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, khó nhận biết thực chất âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Các thế lực thù địch hy vọng rằng, thông qua quá trình "diễn biến hoà bình" chống phá Đảng và chống phá quân đội, thông qua việc “phi chính trị hoá” quân đội ta, tuyên truyền cho cái gọi là “quân đội là chỉ của dân tộc”, sẽ vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội ta mất phương hướng: "không biết bảo vệ ai", không biết "chống lại ai". Từ đó, biến công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước trở thành lực lượng, công cụ trực tiếp cho hành động chống Đảng và chống Nhà nước ta.
3. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã luận chứng một cách khoa học nguồn gốc ra đời của quân đội từ sự phân tích cơ sở kinh tế - xã hội, khẳng định quân đội là một hiện tượng lịch sử, ra đời trong một giai đoạn nhất định của lịch sử xã hội loài người, khi xuất hiện tư hữu và đối kháng giai cấp trong xã hội. Chính chế độ tư hữu và đối kháng giai cấp đã làm nảy sinh nhà nước của giai cấp thống trị; và để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp thống trị đã tổ chức ra quân đội thường trực làm công cụ bạo lực của nhà nước.
Bàn về quân đội, V.I.Lê-nin từng chỉ rõ: “Điều quan tâm đầu tiên của bất cứ cuộc cách mạng thắng lợi nào - như C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nhiều lần nhấn mạnh - là tiêu diệt, là giải tán quân đội cũ, thay nó bằng một quân đội mới; xây dựng “một đạo quân mới, một kỷ luật mới, tổ chức quân sự mới của giai cấp mới”(4). Trong nhiều bài viết, V.I.Lê-nin đã sử dụng các cách diễn đạt khác nhau về quân đội vô sản; các cụm từ “quân đội cách mạng”, “quân đội mới”, “đạo quân mới”, “tổ chức quân sự mới”, “đạo quân xã hội chủ nghĩa”(5), “Hồng quân xã hội chủ nghĩa của công nhân và nông dân”(6) được Người dùng nhiều lần trong thực tiễn lãnh đạo, tổ chức xây dựng quân đội, là các cách biểu đạt khác nhau về quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V.I.Lê-nin nhấn mạnh: “Quân đội chúng ta là quân đội giai cấp, chống lại giai cấp tư sản”(7). Về bản chất chính trị của quân đội, Người chỉ rõ: “Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được”(8); “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản”(9). Người viết: “Chúng ta đã thành lập một quân đội thống nhất hiện nay do một bộ phận tiên tiến những người cộng sản có kinh nghiệm lãnh đạo”(10); “Tất cả mọi người đều biết rằng cuộc Cách mạng Tháng Mười thực tế đã đưa lên hàng đầu những lực lượng mới, một giai cấp mới; rằng hiện giờ những người đại diện ưu tú nhất của giai cấp vô sản đang quản lý nước Nga; họ lập ra quân đội, họ đã chỉ huy quân đội”(11).
Trong các công trình nghiên cứu về quân đội, những luận điểm kinh điển trên của V.I.Lênin đã được bàn đến khá nhiều, tuy nhiên hiện nay cần phải làm rõ hơn ý nghĩa và giá trị to lớn của nó. Những luận điểm kinh điển trên toát lên những vấn đề lý luận chủ yếu sau:
Thứ nhất, không thể có thứ quân đội phi chính trị, phi giai cấp, quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”.
Thứ hai, bất cứ quân đội nào thì vấn đề chính trị của quân đội cũng đều là vấn đề quan trọng hàng đầu, đó thực chất là vấn đề bản chất giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội, do ai tổ chức và lãnh đạo, chiến đấu cho ai, vì ai.
Thứ ba, chính trị của quân đội vô sản là thực hiện chính trị của Đảng Cộng sản, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, phục vụ Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân, biểu hiện tập trung ở chiến đấu đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, xây dựng quân đội về chính trị là yêu cầu cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, để xây dựng “Hồng quân vững mạnh”.
Thứ năm, xem nhẹ, buông lỏng vấn đề xây dựng quân đội về chính trị là làm suy yếu, thậm chí làm biến chất quân đội.
Thứ sáu, quân đội vô sản “do một bộ phận tiên tiến những người cộng sản” lãnh đạo, Đảng Cộng sản là người “lập ra quân đội”, “chỉ huy quân đội”; phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, “thành lập các chi bộ cộng sản trong mỗi một đơn vị quân đội”(12).
Sáu vấn đề lý luận quan trọng trên hợp thành chỉnh thể thống nhất và toàn diện, phản ánh giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, dài lâu của tư tưởng xây dựng quân đội kiểu mới của V.I.Lê-nin, có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta hiện nay trong sự nghiệp xây dựng quân đội.
Làm sao có thể cho rằng, “quân đội là chỉ của dân tộc” một cách chung chung, không cần có sự lãnh đạo của một đảng phái, lực lượng chính trị nào. Quân đội là của dân tộc, nhưng quân đội “của dân tộc” ấy do ai lập nên, do ai tổ chức, rõ ràng là phải có một lực lượng chính trị nhất định nào đó. Lịch sử nhân loại cũng chứng tỏ rằng con phát triển của các quốc gia dân tộc, sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bao giờ cũng do một lực lượng chính trị đại biểu cho lợi ích quốc gia dân tộc dẫn dắt và lãnh đạo. Lực lượng chính trị lãnh đạo dân tộc ấy cũng đồng thời là lực lượng tổ chức và lãnh đạo “quân đội của dân tộc”. Quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định, của chính lực lượng chính trị đang đại biểu cho lợi ích quốc gia dân tộc, đang lãnh đạo và dẫn dắt dân tộc trên con đường phát triển. Dù có gọi là “của dân tộc” thì quân đội cũng phải do nhà nước, do một lực lượng chính trị nhất định tổ chức và nuôi dưỡng, chứ không thể “phi chính trị” được.
Bản chất chính trị - xã hội của quân đội “dân tộc” ấy nhất thiết phải mang bản chất của nhà nước, của lực lượng chính trị đã tổ chức ra nó, chịu sự lãnh đạo và phải trung thành với nhà nước và lực lượng chính trị tổ chức ra quân đội.
4. Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành hơn sáu thập kỷ qua đã chứng thực rằng, quân đội ta do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dân tộc Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sản sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam, một quân đội của dân, do dân và vì dân, chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngay từ khi mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã là đội quân mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong cuộc cách mạng của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II, tháng 4 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Quân đội ta có "lập trường chính trị vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo"(13). Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy rõ quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân; quân đội ấy là của nhân dân và do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó cũng là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ta. Hay nói cách khác, quân đội ta chiến đấu là nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của cách mạng trong từng giai đoạn. Đó là sự biểu hiện sâu sắc bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta, một tổ chức quân sự kiểu mới của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân Việt Nam.
Mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trong cách mạng Việt Nam được thể hiện sâu sắc trong bản chất chính trị - xã hội của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đưa ra luận điểm “quân đội là chỉ của dân tộc”, các thế lực thù địch cố tình làm cái việc “tách” vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trong bản chất, mục tiêu lý tưởng chiến đấu của quân đội ta. Đó là quan điểm vừa phản khoa học vừa phi lịch sử. Thực chất của âm mưu “tách” ra đó là nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, gắn quân đội ta với chính trị khác, chính trị tư sản.
Quân đội ta là của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam, cũng đồng thời là của giai cấp công nhân Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(14).
Trong quá trình xây dựng quân đội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng quân đội về chính trị, coi đó là gốc, là cơ sở để xây dựng quân đội ta vững mạnh về mọi mặt, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Nhờ vậy, quân đội ta luôn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đáng thắng”.
5. Đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá quân đội ta của các thế lực thù địch là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Mọi sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đều dẫn đến hậu quả nguy hại đối với bản chất chính trị và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Trong tình hình mới, để có thể làm thất bại âm mưu "phi chính trị hoá", làm thất bại luận điểm “quân đội chỉ là của dân tộc” do các thế lực thù địch tuyên truyền, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng: tích cực, chủ động tiến công. Phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện thụ động, bị động, hoặc chỉ hô hào chung chung, mà trên thực tế không đấu tranh. Cần tổ chức lực lượng đấu tranh với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ; bồi dưỡng lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh cả về phẩm chất chính trị, trình độ và năng lực đấu tranh; nâng cao tính Đảng, tính chiến đấu, tính khoa học, sự nhạy bén và sắc sảo trong đấu tranh.
Dù các thế lực thù địch có chống phá quyệt liệt với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc và tinh vi như thế nào chăng nữa, chúng vẫn sẽ bị thất bại nếu chúng ta mạnh lên, nếu quân đội ta thực sự vững mạnh. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng quân đội, đảm bảo quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân, có đủ sức mạnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng quân đội không chỉ giỏi đấu tranh vũ trang mà còn phải giỏi cả trong đấu tranh phi vũ trang, đáp ứng mọi yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; có khả năng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, đẩy lùi mọi nguy cơ chiến tranh; đặc biệt có khả năng giành thắng lợi trong điều kiện kẻ thù tiến hành chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao đối với nước ta. Đó là những vấn đề bức thiết, cơ bản trong sức mạnh chiến đấu của quân đội ta mà sự nghiệp xây đựng quân đội cần hướng tới và thực hiện hiệu quả.
Sự nghiệp xây đựng quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Vấn đề quan trọng hàng đầu là Đảng phải tự nâng mình lên ngang tầm với nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới đất nước và đủ sức lãnh đạo quân đội; đồng thời phải có nội dung và phương thức lãnh đạo phù hợp. Phải dành nhiều công sức tạo sự chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng, phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân, tính tiền phong của Đảng, của mọi cán bộ, đảng viên; đồng thời, kiên quyết đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên.
Đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng Đảng bộ quân đội, xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn quân; tăng cường rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội thực sự là “hạt nhân”, là “nòng cốt” trong xây dựng quân đội. Thực hiện có hiệu quả chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị; nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức, tác phong, tư cách của chính uỷ, chính trị viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, nhất là xây dựng quân đội về chính trị trong tình hình mới.
Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ mục tiêu lý tưởng chiến đấu, xây dựng ý chí quyết tâm, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho mọi quân nhân, tạo ra sự “miễn dịch” cần thiết, tăng sức “đề kháng” để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm thấu và xâm nhập của các tư tưởng phi vô sản vào quân đội. Quán triệt sâu sắc tư tưởng “tự bảo vệ” của Đảng, “Nâng cao khả năng tự bảo vệ của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị”(15); thực sự chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội “như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình”(16) như giáo huấn của V.I.Lê-nin./.
(1) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, H. 2005, tr. 74.
(2) Sđd H, tr. 74.
(3) Sđd, tr. 74.
(4) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, tr. 362.
(5) Sđd, tập 38, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tr. 60.
(6) Sđd, tập 35, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tr. 264.
(7) Sđd, tập 43, Nxb Tiến Bộ. M. 1978, tr. 227.
(8) Sđd, tập 43, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tr. 277.
(9) Sđd, tập 12, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr. 134.
(10) Sđd, tập 40, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr.210.
(11) Sđd, tập 44, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr.128.
(12) Sđd, tập 41, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, tr. 250.
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 464.
(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 350.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 109 -110.
(16) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb TB, M. 1978. tr. 368.
Phú Tân sau gần bốn năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (31/07/2010)
Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (31/07/2010)
Công tác tuyên giáo là vũ khí sắc bén trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc*  (31/07/2010)
Phú Tân sau gần bốn năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (31/07/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 206  (31/07/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên