Về nhóm xã hội trung lưu ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thanh Tuấn
12:50, ngày 12-02-2007

 
Sự nghiệp đổi mới ở nước ta coi dân giàu, nước mạnh là mục tiêu phấn đấu, thì hiển nhiên, phải coi việc trung lưu hóa để cho "người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu..." (Hồ Chí Minh) là biểu hiện của công bằng dân chủ, văn minh. Trong điều kiện là thành viên của WTO và hội nhập kinh tế quốc tế, để ổn định và phát triển, xã hội nước ta phải cơ bản phát huy vai trò của nhóm xã hội trung lưu hay nhóm hộ gia đình khá giả đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư.

1. Sự hình thành, phát triển của nhóm xã hội trung lưu ở Việt Nam hiện nay

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đã và đang diễn ra các mối quan hệ liên kết, chuyển hóa giữa các nhóm xã hội trong nội bộ mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội nói riêng và trong cơ cấu xã hội - dân cư nói chung. Thực trạng và xu hướng liên kết, chuyển hóa các nhóm xã hội trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, một mặt, thể hiện rõ trong việc định hình các nhóm xã hội giáp ranh giữa hai hay nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội; mặt khác, cũng dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều các hộ trung bình và khá giả, trước hết và chủ yếu, về mức sống.

Trong thời kỳ đổi mới đã có không ít công trình khoa học phân tích, đánh giá về sự phát triển của các nhóm xã hội giáp ranh và nhóm các hộ trung bình, khá giả trong quá trình phân hoá giàu nghèo - phân hoá xã hội.

Về các nhóm xã hội giáp ranh có thể kể: nhóm lao động công nghiệp và lao động dịch vụ nhập cư vào các đô thị là nhóm xã hội giáp gianh giữa nông dân hoặc cư dân nông thôn với công nhân hoặc cư dân đô thị; nhóm hộ cá thể, tiểu chủ ở nông thôn, đô thị là nhóm xã hội giáp ranh giữa công nhân hoặc thợ thủ công với tầng lớp doanh nhân. Mức sống của đa số người lao động thuộc nhóm xã hội giáp ranh, đặc biệt của hơn 2,2 triệu hộ cá thể, tiểu chủ, là đủ ăn hay khá giả. Một cuộc khảo sát 800 hộ thuộc bốn quận nội thành của Hà Nội vào năm 1992, tức là vào thời gian đầu của phân hoá giàu nghèo - phân hoá xã hội dưới sự tác động của quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, cho thấy, nhóm có mức sống trung bình khá (đủ sống) chiếm tỷ lệ 30%; nhóm có mức sống trung bình (tạm đủ), chiếm 49,3% đối tượng khảo sát (xem bảng 1).

Bảng 1: Kết quả khảo sát về phân hoá giàu nghèo
ở nội thành Hà Nội vào năm 1992(*)

STT

Các tên gọi của nhóm

Tỷ lệ (%)

1

Nhóm giàu có và khá giàu

4,9

2

Nhóm có mức sống trung bình khá (khá giả)

30,0

3

Nhóm có mức sống trung bình (tạm đủ)

49,3

4

Nhóm có mức sống trung bình kém (chật vật)

11,9

5

Nhóm có mức sống thấp (nhóm nghèo)

4,0

* Nguồn: Trịnh Duy Luân - Vấn đề phân tầng xã hội Việt Nam hiện nay, nhìn lại một số khía cạnh phương pháp luận từ cách tiếp cận xã hội học, xã hội học, số 3-2004, tr. 14-24.

Kết quả khảo sát trên đây được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và mức độ phân hoá giàu nghèo còn chưa sâu sắc.

Vào năm 1998, tức là thời điểm Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng (1996), thì mức độ phân hoá giàu nghèo - phân hoá xã hội đã diễn biến ở mức cao hơn so với năm 1992. Kết quả khảo sát vẫn ở nội thành Hà Nội cho thấy, nhóm có mức sống trung bình khá (đủ sống) chiếm tỷ lệ 36,0% những người được hỏi; còn nhóm có mức sống trung bình (tạm đủ) là 35,3% (Xem bảng 2)

Bảng 2: Kết quả khảo sát về phân hoá giàu nghèo
ở nội thành Hà Nội vào năm 1998(*)

STT

Các tên gọi của nhóm

Tỷ lệ (%)

1

Nhóm giàu có và khá giàu

13,0

2

Nhóm có mức sống trung bình khá (khá giả)

36,0

3

Nhóm có mức sống trung bình (tạm đủ)

35,3

4

Nhóm có mức sống trung bình kém (chật vật)

9,2

5

Nhóm có mức sống thấp (nhóm nghèo)

5,5

* Nguồn: Trịnh Duy Luân, tlđd.

Tỷ lệ chung của hai nhóm trung bình, khá giả (tạm đủ, đủ sống) vào năm 1992 là 79,3%; vào năm 1998 là: 71,3%. Cần lưu ý là: nhóm giàu có và khá giàu vào năm 1992 chỉ là 4,9%; còn vào năm 1998 đã tăng lên 13%. Nếu gộp cả 3 nhóm đầu (1, 2, 3) thì năm 1992 tỷ lệ chung của ba nhóm là 84,2%; còn vào năm 1998 là 84,3%; tức là tỷ lệ tương đương. Nếu chỉ tính riêng nhóm có mức sống khá giả, mà các nhà xã hội học thường gọi là nhóm trung lưu, thì vào năm 1992 và 1998 tỷ lệ đó lần lượt là 30% và 36%.

Còn hiện nay (năm 2006), theo Báo cáo của Chính phủ về "tình hình kinh tế - xã hội năm 2006 và nhiệm vụ năm 2007"(1) thì tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 19%. Như vậy số hộ từ trung bình trở lên chiếm 81% tổng số hộ; trong đó hộ khá giả chiếm khoảng hơn 30%. Sở dĩ các nhà xã hội học gọi nhóm hộ gia đình khá giả là "nhóm trung lưu", vì nhóm này đã giành một tỷ lệ lớn thu nhập cho các nhu cầu tinh thần - văn hoá. Mức chi cho các nhu cầu dinh dưỡng để tái sản xuất lao động ở họ chỉ chiếm khoảng 35 - 40% thu nhập. Việc giành tỷ lệ 60 - 65% thu nhập cho các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và giao tiếp xã hội..., tức là cho nhu cầu tinh thần - văn hoá, chứng tỏ mức sống của nhóm này đã không còn bó hẹp ở nhu cầu vật chất. Qua đó cũng chứng tỏ khả năng cân bằng của họ trong các hoạt động sinh sống và trong các quan hệ xã hội.

2. Vai trò của nhóm xã hội trung lưu ở Việt Nam hiện nay

Kết quả của quá trình phân hoá giàu nghèo nói riêng và phân hoá xã hội nói chung trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế là sự phân tầng cơ cấu xã hội - dân cư thành các tầng lớp xã hội. Khái niệm phân tầng xã hội (Sozial Stratification) có nguồn gốc từ tiếng Latinh là Stratum (tầng lớp) và facio (phân chia), do đó có nghĩa chung là phân chia xã hội thành tầng lớp. Các nhà xã hội học sử dụng khái niệm này để chỉ sự phân chia xã hội thành các tầng lớp xã hội có tính đẳng cấp như là kết quả của quá trình phân hoá xã hội trong điều kiện bất bình đẳng xã hội.

Chúng tôi cho rằng, thuật ngữ này là phiến diện, vì nó chỉ nhấn mạnh trạng thái "tĩnh", trạng thái "kết quả" trong khi xã hội luôn vận động, phát triển. Thực tế rất khó xếp hạng một cách ổn định các vị trí có tính đẳng cấp trong xã hội, dù chỉ theo tiêu chí thu nhập hay rộng hơn chút là mức sống... Hơn nữa, trong xã hội không thể có sự phân biệt rạch ròi giữa các nhóm xã hội, mà chủ yếu chỉ có thể phân biệt một tập hợp các quan hệ xã hội nền tảng của các tập đoàn lớn trong xã hội là các giai cấp(2). Mặc dù vậy, có thể vẫn sử dụng thuật ngữ phân tầng xã hội, để bổ sung và góp phần tiếp cận biện chứng trạng thái "động" và "tĩnh" của quá trình vận động, phát triển của cơ cấu xã hội - dân cư trong điều kiện có sự phân hoá giàu nghèo và phân hoá xã hội nói chung.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể sử dụng khái niệm phân tầng xã hội, để tiếp cận các quan hệ bất bình đẳng xã hội, nhằm điều tiết các quan hệ này theo hướng thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, nhưng phải gắn với công bằng dân chủ, văn minh. Ở đây cần khẳng định rằng, khi dùng thuật ngữ "nhóm hộ gia đình khá giả" hoặc "nhóm xã hội trung lưu" thì không đồng nhất nó với một nhóm xã hội trong nội bộ một giai cấp, tầng lớp xã hội; và lại càng không thể gọi nó là giai cấp trung lưu hay "giai cấp trung sản". Nhóm xã hội trung lưu có ở tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội. Nhóm này được phân biệt với hai nhóm xã hội khác là nhóm giàu và nhóm nghèo. Tỷ lệ nhóm này càng lớn thì càng giữ vai trò trung hoà tốt hơn sự phân hoá xã hội theo hai cực đối lập; tức là hạn chế sự phân hoá xã hội theo hướng tiêu cực.

Sự ổn định và tăng dần tỷ lệ nhóm xã hội trung lưu cũng có thể được xem là một biểu hiện của sự ổn định không chỉ về kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, sự phát triển của nhóm xã hội trung lưu là chỉ tiêu tổng hợp của quá trình xoá đói, giảm nghèo, tăng giàu giảm nghèo trong quá trình kết hợp tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội và giải quyết nhiều vấn đề xã hội cũng như bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh không thể thực hiện ngay được nếu không qua nấc thang "người đủ ăn thì khá hơn" như Hồ Chủ tịch đã quan niệm.

Hiện nay, vai trò liên kết, hợp tác của các hộ gia đình khá giả hay nhóm xã hội trung lưu trong cơ cấu xã hội - dân cư cơ bản được thực hiện thông qua vai trò liên kết chuyển hoá các giai cấp, tầng lớp xã hội bởi các nhóm giáp ranh như: công nhân nông nghiệp (công nhân - nông dân), thợ thủ công nhận ruộng khoán (thợ thủ công - nông dân), lao động công nghiệp nhập cư từ nông thôn (nông dân - công nhân), viên chức - trí thức v.v...

Nhóm trung lưu ở nước ta cơ bản là nhóm lao động có trình độ học vấn và chuyên môn cao trong giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp thợ thủ công, tầng lớp tri thức và viên chức. Nhóm này cũng gồm những hộ kinh doanh nhỏ và vừa, chủ các gia trại và trang trại. Một bộ phận lớn trong số họ làm việc trong khu vực nhà nước. Lợi ích của họ gắn liền với lợi ích của Nhà nước. Kể cả những lao động cá thể, tiểu chủ cũng có lợi ích gắn với đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tất nhiên trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện, một bộ phận nhóm trung lưu cũng tìm cách giành đặc lợi trong thu nhập từ những "lỗ hổng" của cơ chế, chính sách. Nhưng cơ bản, mức sống của họ được cải thiện chủ yếu là thông qua lao động.
 
Với cơ cấu xã hội như vậy, có thể nói, nhóm xã hội trung lưu chủ yếu bao gồm những thành phần ưu tú của các giai cấp, tầng lớp cơ bản trong xã hội. Họ là những công nhân có tay nghề cao, những nhà nông và thợ thủ công giỏi, những nhà khoa học có công trình được đánh giá cao, những doanh nhân nhỏ và vừa năng động v.v... Do đó, họ đóng vai trò khá quan trọng vào quá trình định hình địa vị kinh tế - xã hội của các giai cấp, tầng lớp xã hội cũng như mối liên hệ trên nhiều phương diện trong cơ cấu xã hội - dân cư.

3. Để đi đến một quan niệm về nhóm xã hội trung lưu ở Việt Nam hiện nay

Là thành viên WTO, Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế đã được "khởi động" lại từ vài năm nay, sau sự gián đoạn do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế trong khu vực vào những năm bản lề giữa hai thế kỷ. Nhưng là thành viên WTO, không có nghĩa là nước ta sẽ né tránh được tác động tiêu cực của những biến động có khi đến mức khủng hoảng trong nền thương mại - kinh tế toàn cầu.

Để có thể chủ động giữ vững đà tăng trưởng kinh tế lâu dài và né tránh, hay giảm thiểu tác động tiêu cực của các quá trình toàn cầu hoá thương mại - kinh tế thế giới trong khuôn khổ WTO, không có cách gì khác là phải dựa vào cơ cấu xã hội của những người sản xuất - tiêu dùng theo hướng cân bằng về vật chất và tinh thần. Bởi chỉ như vậy, mới tạo lập được điều kiện, môi trường cân bằng giữa quá trình sản xuất, tích luỹ các giá trị vật chất đang và sẽ tăng lên nhanh chóng với quá trình sản xuất, tích luỹ các giá trị tinh thần thường đi sau và diễn ra chậm hơn so với sự tăng tốc của giá trị vật chất. Nhóm hộ khá giả hay nhóm xã hội trung lưu - sở dĩ có thể trung hoà được sự phân hoá theo hướng tiêu cực (hay phân cực) giữa giàu - nghèo, giữa vật chất - tinh thần trong cơ cấu xã hội - dân cư là do các nguyên nhân sau:

- Nhóm này hiện diện trong tất cả các giai tầng xã hội. Nó là kết quả và biểu hiện cho sự trung hoà quá trình phân hoá xã hội ngay trong nội bộ mỗi giai tầng xã hội và sự điều hòa nói chung trong cơ cấu xã hội - dân cư.

- Thu nhập của nhóm này chủ yếu là từ lao động chuyên môn - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh.

- Cơ cấu tiêu dùng có tính cân bằng giữa hưởng thụ vật chất và tinh thần.

- Nhóm xã hội trung lưu là sản phẩm và chủ thể của sự tác động tổng hoà thể chế kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá. Trong nền kinh tế, nhóm xã hội trung lưu là kết quả của việc điều tiết chế độ phân phối sản phẩm xã hội. Nếu chỉ dựa vào một loại phân phối nhất định sẽ làm mất cân bằng không chỉ về thu nhập. Chẳng hạn, nếu chỉ thực hiện phân phối theo sở hữu thì sẽ tạo ra những nhóm có sở hữu hay nhóm không có hoặc có rất ít sở hữu tư liệu sản xuất; nếu chỉ dựa vào phân phối theo tài sản sẽ không tránh khỏi tình trạng phân cực về thu nhập và theo đó là phân cực về mức sống.

Phân phối theo lao động là loại hình phân phối tích cực để điều tiết thu nhập. Song loại hình phân phối này chỉ thực hiện được và phát huy tác dụng tích cực khi người lao động có địa vị như nhau trong nền sản xuất xã hội (vật chất, tinh thần và sản sinh ra bản thân con người). Vì thế, trong điều kiện chưa thể tạo được sự bình đẳng về địa vị của người lao động trong nền sản xuất xã hội thì bên cạnh việc thực hiện phân phối theo lao động phải thực hiện các hình thức phân phối khác nhau để có thể chi phối và điều tiết thu nhập, mà C.Mác (1818-1883) gọi là "đặc quyền tự nhiên" trong tác phẩm "Phê phán Cương lĩnh Gota". Ngoài ra, điều kiện hình thành, phát triển nhóm xã hội trung lưu ngày càng đông đảo là trình độ sản xuất phải tương đối phát triển, để tạo ra nguồn của cải vật chất khá dư dật; nhờ đó, sẽ ngày càng có nhiều người lao động có "cốt vật chất" cần thiết để hướng đến nhu cầu tinh thần. Nói khác đi, xét về mặt kinh tế, nhóm xã hội trung lưu là sản phẩm và chủ thể của một trình độ sản xuất vật chất tương đối phát triển với cơ chế đa dạng hoá chế độ phân phối thu nhập theo hướng công bằng.

Về chính trị - xã hội và văn hoá, các thể chế đều hướng các luồng dư luận xã hội vào ủng hộ và khuyến khích hiện tượng làm giàu có đạo đức trong khuôn khổ luật pháp; và gắn liền với hiện tượng này là hiện tượng trung lưu hoá cùng với việc đề cao lối sống truyền thống dựa vào giá trị tinh thần, hướng đến giá trị tinh thần thông qua phương tiện vật chất, và phát triển các phong trào từ thiện song song với các phong trào lập thân, lập nghiệp để làm giàu cho bản thân và cho xã hội v.v...

Như vậy, nhóm xã hội trung lưu, về khách quan là kết quả chung của việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá. Về chủ quan, những hộ gia đình khá giả, như thực tế cho thấy, cơ bản là những hộ có lao động chuyên môn - kỹ thuật cao, có năng lực sản xuất, kinh doanh trong các ngành kinh tế. Thực tế này chứng tỏ nguyên tắc phân phối theo lao động được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa điều tiết đã phát huy tác dụng tích cực.

Trong thành phần của nhóm xã hội trung lưu có nhiều người gắn với khu vực nhà nước. Do đó, lợi ích cũng như địa vị kinh tế - xã hội và cả chính trị - xã hội của nhóm xã hội trung lưu cho đến nay cơ bản gắn với Nhà nước. Nhưng trong những năm gần đây với xu hướng gia tăng viên chức, lao động kỹ thuật cao ở khu vực dân doanh, đặc biệt tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đã bước đầu diễn ra sự biến đổi cơ cấu xã hội trong nhóm xã hội trung lưu. Những hộ gia đình khá giả tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tỏ rõ tính năng động, tính hiện đại trong lối sống trên cơ sở mức sống khá cao. Và những biến đổi này còn đang tiếp diễn, không chỉ trong mức sống, lối sống.

Điều kiện kinh tế - xã hội thúc đẩy phát triển nhóm hộ gia đình khá giả hay nhóm xã hội trung lưu, rõ ràng đã và sẽ còn biến đổi với việc nước ta đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế trong tư cách thành viên WTO. Một số địa phương, như Hà Nội chẳng hạn, đã chuyển từ phương châm "xoá đói giảm nghèo" sang "giảm nghèo, tăng giàu". Quá trình đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã và sẽ làm tăng số lượng người lao động có cổ phần, cổ phiếu. Sự gia tăng mạnh mẽ các luồng đầu tư nước ngoài trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng... sẽ thúc đẩy tập trung, tích tụ sản xuất, mà hệ quả là làm sâu sắc hơn sự phân hoá xã hội thành những tầng lớp khác nhau về thu nhập, mức sống, lối sống và thậm chí cả tư tưởng.

Cơ cấu xã hội - dân cư nói chung và cơ cấu nhóm xã hội trung lưu nói riêng, sẽ biến đổi và biến động. Nếu vào thập niên 1990, nhóm hộ gia đình khá giả cơ bản là thành quả của xoá đói, giảm nghèo, thì ngày nay nó là thành quả của việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Nhóm xã hội trung lưu, ngày nay được coi là "van xả áp lực xã hội"; là kết quả của sự liên kết, chuyển hoá giữa các giai tầng xã hội trong cơ cấu xã hội - dân cư; do đó có thể coi là "một chiếc neo" bảo đảm ổn định xã hội trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.

Đối với một nhóm xã hội có vai trò quan trọng như vậy, dĩ nhiên, phải có những chính sách kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá phù hợp; mà tiền đề là phải có quan niệm đúng về nhóm xã hội đang biến đổi, biến động này.

Về mặt thuật ngữ, nhóm này đang được định danh bằng các khái niệm "nhóm hộ gia đình khá giả", "nhóm xã hội trung lưu", "tầng lớp trung lưu", và cả "giai cấp trung lưu" hay "giai cấp trung sản"(3). Theo chúng tôi, nên dùng khái niệm "nhóm xã hội trung lưu", để bao hàm thuộc tính khá giả về cả vật chất và tinh thần. Nhóm này không phải là một tầng lớp trong một giai cấp, không phải là một tầng lớp xã hội độc lập, càng không phải là một giai cấp. Nó hiện diện ở hầu hết các giai tầng xã hội, và thể hiện mối liên kết ngang hay mối quan hệ chuyển hoá giữa các giai tầng xã hội.

Nhóm xã hội trung lưu trước tiên, được xác định cơ bản ở tiêu chí mức sống. Tiêu chí mức sống lại được xác định bằng một hệ thống chỉ số: điều kiện nhà ở, tiện nghi trong nhà, các nguồn thu nhập (ổn định và bất ổn định), tổng bình quân thu nhập trong gia đình, hạng mục và cách thức chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu. Tiêu chí mức sống chủ yếu được thể hiện ở các chỉ số vật chất(4).

Nhóm xã hội trung lưu sau nữa còn được xác định ở tiêu chí lối sống gồm các nhóm chỉ số: điều kiện sống hay mức sống về vật chất - tinh thần và về giáo dục - văn hoá, cách thức (khuôn mẫu) ứng xử với tự nhiên, xã hội và với bản thân. Đó là hai nhóm chỉ số cơ bản, trong mỗi nhóm lại có một vài chỉ số, ví dụ trong điều kiện sống có các chỉ số về học vấn, nghề nghiệp, việc làm...(5) .

Như vậy, tiêu chí xác định nhóm xã hội trung lưu có tính co giãn khá cao. Cách thức xác định các hộ gia đình khá giả đơn giản là đầu tiên so sánh mức thu nhập của nhóm này với nhóm nghèo và nhóm giàu; đồng thời chú ý đến điều kiện sống, cách thức sống của những hộ gia đình thuộc nhóm này.

Về thu nhập, có thể xác định mức khởi điểm của nhóm này phải bằng mức thu nhập bình quân theo đầu người của cả nước. Trong năm 2005, GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam là trên 10 triệu đồng (khoảng 640 USD); và trong năm 2006 ước đạt hơn 11,5 triệu đồng, (khoảng 720 USD)(6). Mức khởi điểm này tất nhiên hàng năm sẽ tăng tương ứng với mức tăng GDP bình quân theo đầu người của cả nước. Mức trần trong thu nhập của nhóm trung lưu là mức khởi điểm của nhóm khá giàu. Theo ước tính của chúng tôi mức trần này hiện nay có thể là hơn 1000 USD/người/năm.

Về điều kiện sống và cách thức ứng xử, điều dễ nhận thấy là nhóm xã hội trung lưu, ở cả nông thôn và đô thị, phải có nhà riêng (mái bằng, nhà ngói chắc chắn ở nông thôn, nhà tầng hay căn hộ chung cư hiện đại ở đô thị); có học vấn từ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên; có trình độ chuyên môn - kỹ thuật; có việc làm ổn định trong và ngoài quốc doanh, (tốt nhất là cả vợ và chồng đều đạt tiêu chí này); và một số chỉ báo về thực hiện nhu cầu tinh thần - văn hoá (treo tranh trong nhà, phương tiện thông tin hiện đại, du lịch; các con học tại các trường chính quy...).

Cuối cùng có thể quan niệm: Nhóm xã hội trung lưu là tập hợp những hộ gia đình có mức thu nhập khá giả trong các giai tầng xã hội, có điều kiện tinh thần - văn hoá ở mức trung bình của xã hội có cách thức ứng xử điều hoà giữa sản xuất với tiêu dùng, vật chất với tinh thần; có xu hướng phát triển về lượng và chất, và giữ vai trò trung hoà quá trình phân hoá xã hội, cũng như sự phát triển năng động có khi biến động trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế.

* PGS.TS, Viện phó Viện Kinh điển Mác - Lê-nin

(1) Xem báo Nhân dân, ngày 18-10-2006, tr. 3.
(2) Xem Nguyễn Thanh Tuấn Báo cáo tổng quan đề tài cấp Bộ “Cơ cấu xã hội - giai cấp ở nước ta...” Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh, 2005.
(3) Tập thể tác giả, "Tư duy lại tương lai" Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ấn hành, 2002, tr. 327.
(4) Xem Huỳnh Khái Vinh (chủ biên), Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 26-38.
(5) Xem Huỳnh Khái Vinh (chủ biên), Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 26-38.
(6) Xem Báo Nhân dân, ngày 10-10-2006, tr3.