Doanh nghiệp góp phần nâng sản xuất nông nghiệp ở Sa Pa lên chất lượng cao
TCCS - Vươn lên sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp là đòi hỏi khách quan của quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông thôn hiện nay. Tuy vậy, đó không phải là bước chuyển thẳng tắp, nhất là với khu vực miền núi. Doanh nghiệp thuê đất của nông dân để làm cây hàng hóa là phương thức đang được triển khai có hiệu quả ở Sa Pa.
Có ưu thế là vùng khí hậu á nhiệt đới và ôn đới, có quần thể cảnh quan cùng với bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, từ lâu Sa Pa đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Và, cũng do lợi thế khí hậu, đất đai nên từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Sa Pa được chọn làm vùng sản xuất su hào giống với diện tích hàng trăm ha, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn hạt cung cấp cho cả miền Bắc. Nhân dân Sa Pa cũng đã trồng và phát triển nhiều loại rau truyền thống như su su, cải xoong, cải mèo... với sản lượng tương đối lớn, có uy tín về chất lượng. Ngoài ra, thiên nhiên ưu đãi cho Sa Pa nhiều loại rau tự nhiên như các loại măng trúc (với hàng ngàn ha), rau rừng... được xem là rau đặc sản của vùng núi Hoàng Liên Sơn. Tất cả đã tạo nên lợi thế cho huyện miền núi Sa Pa.
Đến năm 2005, sản xuất nông nghiệp Sa Pa so với năm 2000 đã có những bước tiến đáng kể: giá trị sản xuất toàn huyện đạt 66.041 triệu đồng, tăng 2,18 lần; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 12.387,7 tấn, tăng 5.087 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 277 kg/năm, tăng 87kg/người/năm. Do đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xấp xỉ 90% giống mới được đưa vào gieo trồng nên năng suất lúa tăng 9,26 tạ/ha. Diện tích các loại cây trồng luôn tăng, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất góp phần nâng giá trị canh tác từ 6,8 triệu đồng /ha/năm 2000, lên 9,08 triệu đồng/ha/năm 2005. Rừng không những được bảo vệ mà hàng năm diện tích trồng mới đều được mở rộng. Đàn gia súc, gia cầm tăng đáng kể, sản lượng thịt hơi đạt 570 tấn, tăng 1,7 lần. Đặc biệt năm 2005, giống cá nước lạnh được đưa vào nuôi thí điểm, bước đầu có nhiều triển vọng, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực phát triển thủy sản của huyện. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư hơn; thu nhập của người dân nông thôn đạt 2,4 triệu đồng/người năm 2005, (tăng 1,03 triệu đồng/người/năm, so với năm 2000). Tỷ lệ đói ngèo giảm 29% so với năm 2000, còn 7,6% theo tiêu chí cũ và 48,73% theo tiêu chí mới.
“Để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, trong đó coi sản xuất nông nghiệp chất lượng cao là bước đột phá... nhằm nâng cao giá trị diện tích canh tác...”
Tuy vậy, nông nghiệp nông thôn Sa Pa còn nhiều vấn đề cần tiếp tục khắc phục như, hệ số sử dụng đất thấp, mới đạt 1,06 lần; công tác quy hoạch sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo được những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa; việc thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mới chỉ tập trung vào cây lúa và một phần cây ngô mà chưa chú trọng đến các loại cây trồng khác; cơ cấu giống cây trồng còn nghèo, chưa đa dạng, chủ yếu mới tập trung vào cây lương thực; chăn nuôi mới tăng đàn còn chất lượng chưa được cải thiện, dẫn tới tình trạng nguồn thực phẩm tại chỗ không đủ cung cấp cho thị trường địa phương mà vẫn phải nhập; nhận thức của nông dân còn thấp và chưa đồng đều, chưa biết hạch toán trong sản xuất hàng hóa, thậm chí một bộ phận còn ỷ lại vào nhà nước; dịch vụ chế biến và bảo quản nông sản vẫn thủ công, quy mô nhỏ, chất lượng thấp...
Có thể nói, đến năm 2005, sau ngót 20 năm đổi mới, nông nghiệp Sa Pa vẫn ở trong tình trạng chậm phát triển, chưa có sự hơn hẳn so với phương thức canh tác truyền thống, chưa phát huy được lợi thế khí hậu, chất đất vào sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Sa Pa vẫn là huyện nghèo, cơ bản số dân chủ yếu sống bằng nghề nông (17 trong tổng số 18 xã và thị trấn).
Từ năm 2006, song song với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII đề ra, Sa Pa đã đồng thời triển khai chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn toàn huyện giai đoạn 2006 - 2010 với 4 đề án: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; quy hoạch sản xuất gắn với sắp xếp dân cư; phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và Đề án xóa đói giảm nghèo. Đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Sa Pa giai đoan 2006 - 2010 nêu rõ quan điểm: “Để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, trong đó coi sản xuất nông nghiệp chất lượng cao là bước đột phá; cải tạo tập quán canh tác lạc hậu, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất để tăng vụ nhằm nâng cao giá trị trên diện tích canh tác...”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010 là: “Tận dụng triệt để lợi thế của Sa Pa về tài nguyên đất đai, khí hậu để phát triển các sản phẩm hàng hóa có chất lượng và quy mô: 100 ha hoa, 150 ha rau an toàn, 100 ha chè Ô long, 300 ha lúa đặc sản...”. Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã đề cập một cách toàn diện từ quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập cơ sở nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức thăm quan, học tập, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước...
Những năm qua, trong việc triển khai quyết liệt các đề án này, phương án vùng chuyên canh rau được mở rộng với những phương thức linh hoạt, năng động, đa dạng, hướng tới hiệu quả toàn diện hơn được ủy ban nhân dân huyện Sa Pa thúc đẩy triển khai. Đến hết tháng 6-2010, diện tích rau an toàn theo quy mô tập trung của huyện có 230 ha, trong đó có 110 ha rau su su, còn lại 70 ha của 3 doanh nghiệp (Công ty Hữu hạn xí nghiệp Nông Liên, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Cát Lợi Lai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mường Hoa) và của hộ gia đình. Diện tích hoa toàn huyện Sa Pa hiện có 105 ha, trong đó chủ yếu là hoa hồng của 7 tổ chức và 32 cá thể (trong đó có nhiều người từ tỉnh ngoài). Trong số các chủ thể đang sản xuất rau hàng hóa đó có mô hình doanh nghiệp thuê đất của nông dân để kinh doanh sản phẩm nông nghiệp là phương cách mới trong quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Sa Pa đang mang lại hiệu quả kinh tế và sự hứng khởi cho bà con nông dân, chính quyền địa phương đang đặc biệt quan tâm.
Dựa trên các nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện và sòng phẳng, các doanh nghiệp Nông Liên, Mường Hoa, Cát Lợi Lai thuê quyền sử dụng đất có thời hạn của nông dân để trồng các loại rau cao cấp như: bắp cải, cải thảo, đậu hòa lan, xà lách, súp lơ xanh, hành, tỏi; cùng các loại rau truyền thống như: rau cải xanh, cải mèo, cải xoong... Phương thức làm ăn này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và nhiều lợi ích đối với nông dân, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đối với huyện miền núi nghèo như Sa Pa:
Thứ nhất, về kinh tế, cho doanh nghiệp thuê đất trồng cây hàng hóa, người nông dân Sa Pa có hai khoản thu ổn định: một là, định kỳ đầu hằng năm, doanh nghiệp trả tiền thuê đất (tiền mặt hay thóc tùy yêu cầu của nông dân) với giá thỏa thuận bằng hoặc cao hơn sản lượng thóc mà nông dân thực thu 1 năm trên diện tích cho thuê (hiện nay doanh nghiệp trả cho nông dân 4.500 kg/ha/năm). Khoản thứ hai là, sau khi cho thuê đất, nông dân được doanh nghiệp mời vào lao động ổn định trên chính những mảnh ruộng mà mình đã cho thuê (nếu nông dân có nhu cầu), với mức lương dao động từ 800.000 đến 2.000.000 đồng/người/tháng, tùy theo chất lượng từng lao động.
Như vậy, về hiệu quả kinh tế, cho doanh nghiệp thuê đất trồng cây hàng hóa, nông dân Sa Pa đã nâng thu nhập của mình lên ít nhất là gấp hơn 2 lần so với tự mình canh tác.
Thứ hai, về kỹ thuật và công nghệ sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Vào làm việc trong các doanh nghiệp thuê đất, nông dân được tiếp cận với phương thức, quy trình, kỹ năng áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hoàn toàn mới đối với mình. Trước đây, ruộng của nông dân manh mún, lệ thuộc vào thời tiết, canh tác một vụ lúa, một vụ màu, chủ yếu tự cấp, tự túc cho cuộc sống gia đình. Do vậy, giống cây trồng, cách trồng chủ yếu vẫn được lựa chọn theo phương thức truyền thống. Nay trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa an toàn theo quy trình nghiêm ngặt do các kỹ thuật viên của doanh nghiệp hướng dẫn, điều hành, người nông dân đã tiếp thu được kỹ thuật và kinh nghiệm quý ở các công đoạn của quá trình sản xuất hàng hóa, biết lựa chọn cây trồng nào có hiệu quả kinh tế cao trong tình hình hiện nay...
Như vậy, từ hợp tác sản xuất hàng hóa nông nghiệp với kỹ thuật và công nghệ mới đã góp phần làm phát triển các nguồn lực ở cơ sở, kể cả công tác quản lý, tổ chức, điều hành sản xuất lẫn kỹ thuật canh tác cụ thể đối với từng loại sản phẩm, nhất là ở khu vực dân trí chưa cao, chưa quen với kinh tế hàng hóa như đồng bào các dân tộc ở Sa Pa.
Thứ ba, nhận thức của nông dân về những nguyên tắc sống còn của sản xuất hàng hóa bước đầu được hình thành và từng bước nâng cao. Từ lối mòn sản xuất nhỏ, manh mún, tự cấp, tự túc; sang phương thức sản xuất hàng hóa theo quy trình nghiêm ngặt, người nông dân làm hàng hóa đã ý thức sâu sắc hơn về nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm, nhất là với cây thực phẩm, tức là trách nhiệm của người sản xuất hàng hóa về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng; về tiết kiệm trong lao động sản xuất mà vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng để hạ giá thành, nâng tính cạnh tranh của sản phẩm; về xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thương trường... Người nông dân Sa Pa làm cây hàng hóa, hơn lúc nào hết đã nhận thức đầy đủ hơn thế nào là thương tín, xa lạ với gian thương. Đây là điều kiện căn bản để sản xuất hàng hóa trở nên bền vững trong nền kinh tế thị trường hội nhập thế giới ngày nay.
Thứ tư, về tâm lý. ở miền núi như Sa Pa, nguồn sống chủ yếu của nông dân là từ ruộng đất. Không có đất đồng nghĩa với không có công ăn việc làm, không có nguồn sống. Đất canh tác ở đây còn là của hồi môn thể hiện trách nhiệm của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Vì vậy, giữ đất là giữ tư liệu chủ yếu bảo đảm cuộc sống cho thế hệ mình và các thế hệ tương lai là nguyên tắc sống đã tồn tại hàng ngàn đời nay của đồng bào nơi đây. Lo mất đất là tâm lý thường trực, tạo nên rào cản lớn trong việc huy động nguồn đất cho sản xuất hàng hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay. Khi doanh nghiệp thuê đất, tùy vào vòng đời của cây trồng mà doanh nghiệp và nông dân thỏa thuận độ dài thời gian thuê đất. ở khâu này, bà con nông dân có quyền chi phối, không lo phụ thuộc vào doanh nghiệp. Cả hai phía, doanh nghiệp và nông dân đều tự nguyện thuê và cho thuê quyền sử dụng đất với những điều khoản cụ thể, có văn bản ký kết được chính quyền địa phương giám sát và bảo hộ. Như vậy, về tâm lý, người dân hoàn toàn thoải mái và yên tâm khi cho thuê đất, vì mọi quyền lợi, trong đó có quyền sử dụng đất, cả trước mắt và lâu dài được bảo đảm bằng pháp lý vững chắc. Cho doanh nghiệp thuê đất nhưng nông dân không sợ mất đất.
Thứ năm, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất cây hàng hóa dưới sự điều hành của doanh nghiệp, người nông dân dần dần hình thành tác phong lao động sản xuất hàng hóa, làm quen với các đối tác từ cung cấp vật tư kỹ thuật, kiểm định sản phẩm đến mua sản phẩm. Đây là vấn đề quan trọng từng bước hình thành những tố chất của người kinh doanh, để nông dân vươn lên sản xuất hàng hóa độc lập khi có điều kiện.
Chủ trương đưa sản xuất nông nghiệp lên chất lượng cao của Đảng bộ huyện Sa Pa đã đi vào cuộc sống. Việc các doanh nghiệp thuê đất của nông dân để sản xuất cây hàng hóa trong những năm gần đây đang mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, cải thiện đáng kể đời sống của nông dân, trong đó có cả việc góp phần nâng cao dân trí, một lần nữa khẳng định vai trò khởi xướng, dẫn dắt nông nghiệp, nông dân, nông thôn của doanh nghiệp trên bước đường chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là hết sức to lớn./.
Về bảo hiểm cây trồng, vật nuôi cho nông dân  (09/08/2010)
Kết luận của Bộ Chính trị về Tập đoàn Vinashin  (08/08/2010)
Đi bộ vì một Cộng đồng ASEAN hòa bình, năng động, hợp tác, đoàn kết, phát triển và thịnh vượng  (08/08/2010)
Chung tay bảo vệ môi trường: “Hà Nội – Ngày chủ nhật không túi nylon”  (08/08/2010)
Kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN và 15 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN  (08/08/2010)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên