Côn Đảo - hòn đảo khát vọng

Hoàng Nghĩa Doãn
14:58, ngày 04-07-2007

Côn Đảo, hòn ngọc của vùng đất phương Nam gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc trong hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Ngày nay, phát huy truyền thống quật cường của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Côn Đảo đang tỏa sáng cùng sánh vai với cả nước trên con đường đổi mới.

Huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý về hướng Đông Nam, gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km2; dân cư sống tập trung ở đảo lớn Côn Sơn, diện tích 52 km2, các hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của huyện từ trước đến nay đều diễn ra trên đảo này. Trải qua 113 năm (1862 - 1975), Côn Đảo được mệnh danh là "địa ngục trần gian", nơi đã có trên hai vạn chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước vĩnh viễn yên nghỉ. Côn Đảo gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trở thành nơi ngưỡng mộ và tưởng nhớ của đồng bào, đồng chí trong cả nước.

Từ ngày 1-5-1975, Côn Đảo được giải phóng, trải qua nhiều lần thay đổi cấp hành chính, từ tháng 8-1991 đến nay là huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Côn Đảo hiện được tổ chức chính quyền một cấp, không có thị trấn hoặc xã; huyện quản lý hành chính trực tiếp 9 khu dân cư.

Giai đoạn 1975 đến 1986 nhiệm vụ chủ yếu của Côn Đảo là xây dựng hệ thống chính trị, làm tốt công tác quốc phòng - an ninh, ổn định đời sống nhân dân, bảo quản di tích lịch sử cách mạng, phát triển sản xuất, vì thế tốc độ phát triển kinh tế rất hạn chế. Sau Đại hội VI của Đảng, thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, nhất là Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 6-5-1993 của Bộ Chính trị "Về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt", Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 6-5-1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trên địa bàn tỉnh năm 2000 - 2010, Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; từ một hòn đảo điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng chỉ có tháp canh và trại lính, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Côn Đảo đã ra sức khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu xây dựng Côn Đảo theo cơ cấu kinh tế: hải sản - dịch vụ - công nghiệp, đến giai đoạn 2001 - 2005 cơ cấu kinh tế là: "dịch vụ - công nghiệp"; ổn định về chính trị, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Năm 1997, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể của Côn Đảo, được trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Côn Đảo đã có bước phát triển về chất. Tính từ năm 1998 đến 2005, nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân 18% năm; GDP bình quân đầu người đạt 561USD/năm; năm 2001 đạt chuẩn giáo dục phổ cập trung học cơ sở; năm 2002 được tỉnh công nhận đạt huyện văn hóa và năm 2003 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.

Ngày 25-10-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 264/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020. Theo đó, quan điểm phát triển, xây dựng Côn Đảo trở thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo; xây dựng Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển cả vùng phía Nam của Tổ quốc; phát triển Côn Đảo hướng tới hiện đại và trong thế ổn định, bền vững, có hiệu quả với những bước đi thích hợp, tạo thế đột phá ngay từ giai đoạn đầu, tạo điều kiện khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của Côn Đảo.

Để phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, mục tiêu đề ra đến năm 2010 tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 1.000 USD, năm 2015 đạt từ 1.350 - 1.500 USD, đến năm 2020 đạt 2.000 USD. Phấn đấu đến năm 2010 đón từ 200 - 250 ngàn khách/năm, năm 2015 có từ 350 - 475 ngàn khách, năm 2020 đón từ 500 - 700 ngàn khách du lịch/năm đến với Côn Đảo. Quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 50 ngàn người. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 8,67%.

Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm sự cân bằng hài hòa và bền vững; làm tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, huy động mọi tiềm lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi Đề án phát triển kinh tế - xã hội Côn Đảo được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban quản lý phát triển Côn Đảo trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh nhằm tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Bộ Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo làm cơ sở để trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Côn Đảo đến năm 2020; Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đang chuẩn bị Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng và phát triển Côn Đảo đến năm 2015 có tính đến năm 2020", sau đó ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn với Đề án phát triển Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong những công việc trọng tâm trước mắt, cần khẩn trương thực hiện việc hoàn thành công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình phát triển Côn Đảo theo đề án được duyệt. Đó là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo, quy hoạch chi tiết 3 khu vực: Cỏ ống, Bến Đầm và trung tâm huyện; quy hoạch phát triển du lịch Côn Đảo. Mặt khác, việc xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho Côn Đảo để thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư vốn nước ngoài là rất cần thiết để tạo một bước đột phá đưa Côn Đảo phát triển kinh tế - xã hội lên tầm cao mới với quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn; rà soát điều chỉnh quy hoạch, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo; điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Côn Đảo.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Côn Đảo cần nhận thức rõ những khó khăn thách thức nỗ lực phấn đấu vượt qua. Về giao thông, tuy được cải thiện, có sân bay và tàu thủy nhưng tần suất bay còn thưa, sân bay chưa đáp ứng loại máy bay lớn, tàu thủy còn phụ thuộc vào thời tiết. Một số những quy định hiện nay đang rất hạn chế đến phát huy giá trị của Vườn quốc gia Côn Đảo trong đầu tư du lịch sinh thái cần được các cấp xem xét; kết cấu cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, phía Tây và Tây Bắc của trung tâm huyện và các đảo chưa có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nên khó khăn trong kêu gọi đầu tư; từ trước đến nay với vốn đầu tư của toàn xã hội, chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước mới ở mức hơn 300 tỉ đồng, như vậy còn quá ít, cộng với nguồn nhân lực thiếu và chất lượng không cao, chưa tạo điều kiện để phát huy tiềm năng, lợi thế của Côn Đảo...

Để thực hiện tốt Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo, cần có sự phân cấp mạnh cho ủy ban nhân dân tỉnh và ủy ban nhân dân huyện ở một số lĩnh vực, nhằm phát huy tính chủ động của địa phương, giải quyết nhanh để rút ngắn thời gian cũng như tạo thuận lợi nhất cho đầu tư, phát triển Côn Đảo. Đề nghị Chính phủ thành lập Tổ chuyên viên giúp việc Thủ Tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án; đề nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách tập trung vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong danh mục đầu tư từ nay đến năm 2010, nhằm sớm hoàn thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút đầu tư, đồng thời thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển với lãi suất ưu đãi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào Côn Đảo trong giai đoạn khó khăn, chậm thu hồi vốn hiện nay; xem xét phần diện tích vùng đệm của di tích lịch sử cách mạng, diện tích rừng không có giá trị đặc dụng của Vườn quốc gia để tạo thuận lợi cho đầu tư xây dựng. Đề nghị xem xét chuyển phần diện tích rừng thích hợp sang mục đích phát triển du lịch sinh thái, khắc phục được tình trạng "xin - cho" từng dự án. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ diện tích được đầu tư xây dựng tạo nên sự thống nhất chung. Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là dấu ấn đấu tranh giành độc lập lâu dài của dân tộc suốt 113 năm, qua hai thời kỳ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và thực dân kiểu mới; cùng với thiên nhiên tuyệt vời của Côn Đảo cần được xem xét để đề nghị UNESCO công nhận di sản đa dạng.

Tập trung hoàn thành sớm các quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; tận dụng phát huy chủ trương của Chính phủ cho mời chuyên gia tư vấn nước ngoài; tiếp thu tư vấn nước ngoài tham gia với quy hoạch du lịch để đạt "tầm cỡ khu vực và quốc tế".

Những năm đầu cần tập trung vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu Cỏ ống, trung tâm và hướng Tây Bắc. Trong đó ưu tiên cho phát triển giao thông, điện, nước. Lấy khu Cỏ ống, Hòn Tre cho ưu tiên phát triển trung tâm du lịch, có quy chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tạo nên những khu du lịch có quy mô, dịch vụ cao cấp ngay từ những dự án ban đầu.

Xây dựng quy hoạch làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng kịp thời cho sự phát triển. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ, lao động có kỷ luật cao, chăm lo giải quyết tốt lao động việc làm cho nhân dân.

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước khi đến thăm và làm việc với Đảng bộ huyện Côn Đảo đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Côn Đảo về những cố gắng bước đầu mang tính đột phá cho sự phát triển và chỉ đạo trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt cho cán bộ và nhân dân về mục tiêu phát triển; cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp sân bay, bến cảng để tiếp nhận ở tầm cao hơn, phục vụ cho du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế; quản lý tốt các di tích, Vườn quốc gia, đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương để phát triển bền vững; môi trường sinh thái phải giữ nghiêm, môi trường xã hội phải lành mạnh, trong sạch, có văn hóa; các nguồn năng lượng cần phải tính đến nhiều loại khác nhau; nước là yếu tố quan trọng, cần tính toán kỹ để không khai thác quá mức quy định; khai thác tiềm năng kinh tế biển cần chú ý hiệu quả nhiều mặt và tính bền vững.

Với chiến lược kinh tế biển của Đảng và Nhà nước ta, Côn Đảo ở vị trí có lợi thế về phong cảnh và môi trường thiên nhiên; có di tích lịch sử cách mạng mang tầm vóc quốc gia và tính chất quốc tế. Vùng biển xung quanh Côn Đảo là một ngư trường rộng lớn, sát đường hàng hải quốc tế. Côn Đảo đã và đang trở thành một địa danh cần được tổ chức và khai thác tiềm năng, thế mạnh của biển đảo để góp phần phát triển kinh tế đất nước, tạo tiền đề vật chất để củng cố và tăng cường quốc phòng an ninh, khẳng định vững chắc chủ quyền quốc gia trên vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc.