Cái thế sợi tóc treo nổi nghìn cân

Hà Đăng
17:34, ngày 28-08-2010

Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của ta trong thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tạo ra cái thế chuyển xoay toàn bộ vận mệnh của đất nước và dân tộc - từ thuộc địa trở thành độc lập tự do, từ nô lệ trở thành người chủ.

 
Nhưng trong những ngày đầu còn trong trứng nước, Nhà nước ta đã phải đương đầu với những khó khăn chồng chất. Sự tàn phá, cướp bóc trong 80 năm thống trị của Pháp rồi đến Nhật đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Hơn hai triệu người chết đói. 95% dân số mù chữ. Nhà nước mới phải gánh vác những nhiệm vụ  to lớn nhưng ngân khố trống rỗng.

Bên ngoài: Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng do Mỹ giật dây vào tước vũ khí quân đội Nhật, thật ra là xâm lược nước ta và quyết tâm đánh đổ Chính phủ Việt Minh, cho một chính phủ bù nhìn thân Mỹ-Tưởng lên thay. Ở miền Nam, Anh ủng hộ thực dân Pháp đánh chiếm lại Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, đồng thời có kế hoạch chiếm lại cả Ðông Dương. Dựa vào thế chủ, bọn phản cách mạng trong nước, bọn thân Mỹ, thân Tưởng, thân Pháp ra sức phá hoại, hoành hành. Có bọn đã cướp chính quyền ở địa phương, lập căn cứ địa chống Việt Minh, chống Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Có bọn tiến hành phá hoại ở các thành phố và xí nghiệp.

Tình thế lúc bấy giờ quả là nghìn cân treo sợi tóc. Nhưng sợi tóc có treo nổi nghìn cân không? Ðó là câu hỏi đặt ra và chỉ có lịch sử mới trả lời nổi.

Bằng một sự lãnh đạo kiên quyết, bình tĩnh, sáng suốt và đặc biệt sáng tạo trong vận dụng sách lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng ta đã thực hiện mọi biện pháp để giữ vững chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và đưa nước ta ra khỏi hiểm nghèo.

Chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm là ba nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Ngày 3-9-1945, đúng một ngày sau Tuyên ngôn Ðộc lập, Hồ Chủ tịch đã đề nghị Chính phủ thực hiện ngay sáu nhiệm vụ cấp bách nhất về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ba nhiệm vụ trước tiên là: Phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói. Mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu và lập ra Hiến pháp dân chủ.

Liền đó, đã xuất hiện khắp các tỉnh, thành các phong trào cứu đói, các lớp bình dân học vụ, quỹ Ðộc lập và Tuần lễ Vàng...

Ngày 23-9. Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ngang nhiên đánh úp Ủy ban Nhân dân thành phố Sài Gòn. Hồ Chủ tịch gửi thư "tin chắc vào lòng ái quốc của đồng bào Nam Bộ" và khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương, Chính phủ và đồng bào cả nước ta. Từ khắp các địa phương ở Bắc Bộ và Trung Bộ, các đội quân Nam tiến nối tiếp nhau lên đường vào Nam giết giặc, cứu nước.

Ngày 6-1-1946, trong khói lửa chiến tranh lan rộng ở miền Nam, cả nước vẫn tiến hành thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội dân chủ đầu tiên. Những đại biểu của Mặt trận Việt Minh ra ứng cử đều được nhân dân tín nhiệm tuyệt đối. Hai tháng sau, Quốc hội họp kỳ thứ nhất, bầu ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đứng đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lập Tiểu Ban Dự thảo Hiến pháp. Một thông điệp không gì rõ ràng hơn cho kẻ thù biết rằng, dân tộc Việt Nam ta kiên quyết đấu tranh cho độc lập, thống nhất và dân chủ.

Ta biết đáp trả kẻ thù bằng súng đạn. Ta cũng biết nói chuyện với họ bằng ngoại giao.

Ngày 6-3-1946, ta và Pháp ký  Hiệp định sơ bộ. Theo đó, Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Việt Nam có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Sự thống nhất đất nước sẽ do trưng cầu ý dân quyết định. Chính phủ ta đồng ý cho 15.000 quân Pháp được vào thay thế quân Tưởng rút về nước.

Có người nghĩ, vậy là ta đã mở cửa cho giặc tràn từ miền Nam ra Bắc. Thật ra, ngày 28-2-1946, Chính phủ Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh đã ký với Pháp một bản hiệp ước, cho quân Pháp vào thay quân Tưởng ở Bắc Ðông Dương. Mặc dù vậy, bọn quân phiệt Tưởng đóng ở miền Bắc nước ta vẫn tiếp tục âm mưu phá hoại cách mạng Việt Nam, không chịu rút quân theo hiệp ước Hoa - Pháp, hòng ép chính phủ ta phải cải tổ để đưa bọn tay sai của chúng vào.

Ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, ta bắn một mũi tên nhằm hai đích: loại bớt một kẻ thù nguy hiểm ở phía Bắc và tranh thủ thời gian để củng cố, phát triển lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Pháp ký hiệp định nhưng không nghiêm chỉnh thi hành. Chúng rải truyền đơn đòi quân ta ở Nam Bộ phải nộp vũ khí, liên tiếp mở những cuộc đánh úp và trái phép chuyển quân.

Cuộc đấu tranh kiên quyết của Chính phủ và nhân dân ta đòi Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định sơ bộ và sớm mở cuộc đàm phán chính thức với ta tại Pa-ri, như đã nêu trong Hiệp định, đã tạo nên một sức ép lớn cho đối phương.

Tháng 4 năm 1946, Pháp buộc phải chấp nhận họp Hội nghị trù bị tại Ðà Lạt. Họ vẫn giữ lập trường ngoan cố, đòi lập lại chế độ toàn quyền Pháp ở Ðông Dương, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam và tước bỏ quyền ngoại giao độc lập của ta. Hội nghị bế tắc và tan vỡ ngày 12-5-1946 sau hơn ba tuần họp. Trưởng đoàn đại biểu ta Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Chúng tôi tuyên bố kết liễu chế độ các vị toàn quyền".

Ngày 31-5-1946, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Hồ Chủ tịch lên đường sang thăm với tư cách thượng khách, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới. Cuộc hành trình kéo dài trong bốn tháng. Vị thượng khách đã được đón tiếp trọng thể với nghi thức cao, đã có những cuộc tiếp xúc rộng rãi với những người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội Pháp, thủ lĩnh các chính đảng lớn, với chính giới và các nhà quân sự cấp cao, với đủ các giới nhân dân, giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, kiều bào ta ở Pháp... Cũng trong thời gian này, từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1946, Ðoàn đại biểu Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Ðồng dẫn đầu đã sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô nhằm giải quyết các mối quan hệ giữa hai nước. Nhưng phía Pháp vẫn chứng nào tật ấy, khăng khăng đòi duy trì chế độ thực dân ở Ðông Dương. Hội nghị thất bại.

Ngày 14-9, với sách lược cực kỳ mềm dẻo và khôn khéo, Hồ Chủ tịch đã dàn xếp ký với Pháp một bản Tạm ước, thỏa thuận tạm thời về một số vấn đề bức thiết có tính chất bộ phận, nhằm trước mắt, "hai bên đình chỉ hết mọi xung đột và vũ lực", "cùng tìm cách ký kết những bản thỏa thuận riêng về bất cứ vấn đề nào có thể thắt chặt dây liên lạc thân thiện và dọn đường cho một hiệp ước chung dứt khoát".

Ký Tạm ước 14-9, cũng như Hiệp định sơ bộ 6-3 trước đó, không phải ta không thấu hiểu tâm địa của bọn thực dân, không phải ta không lường trước được rằng rồi đây họ sẽ bội ước. Ðiều ta cần là giảm bớt đổ máu ngày nào tốt ngày ấy, hòa hoãn càng dài càng có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng, hòa để tiến.

Cho đến tháng 12 năm 1946, khi kẻ thù xé bỏ những điều cam kết, đánh ta trước ở Hải Phòng, Lạng Sơn (19-11-1946) và ngay ở Hà Nội (17-12-1946) thì lực lượng của ta đã lập tức giáng trả một cách dũng mãnh. Ngày 19-12 năm 1946 trở thành một ngày lịch sử. Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn dân kháng chiến:

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

"Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

"Hỡi đồng bào!

 Chúng ta phải đứng lên!.

"Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

Lời kêu gọi của Bác Hồ đã trở thành mệnh lệnh chiến đấu trong trái tim của mỗi người.

Từ Cách mạng Tháng Tám thành công và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập đến nay, 65 năm đã trôi qua với biết bao điều kỳ diệu.

Hai cuộc kháng chiến cứu nước kéo dài suốt 30 năm đã đưa đến hai chiến công vĩ đại của thế kỷ: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975. Ðộc lập và thống nhất của dân tộc ta đã được thực hiện trọn vẹn. Công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Nhớ lại "cái thuở ban đầu dân quốc ấy", dễ ai quên được rằng ta đã từng làm nên câu chuyện mà ngay những kẻ thù chống phá ta quyết liệt nhất  cũng phải kinh ngạc: chuyển từ cái thế nghìn cân treo sợi tóc thành cái thế sợi tóc treo nổi nghìn cân. Ðể rồi tiến lên và chiến thắng.

Ðó là gì, nếu không phải là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam?.