Dân số và vấn đề môi trường rừng ngập mặn ven biển châu thổ sông Hồng
TCCS - Trong các chương trình của quốc gia hướng tới phát triển bền vững cho vùng biển, đảo và ven biển, vấn đề dân số và môi trường vùng rừng ngập mặn ven biển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu được quan tâm và tạo ra sự cân bằng đúng thì cộng đồng cư dân biển đảo và ven biển sẽ giảm thiểu tối đa được tình trạng nghèo đói. Và, họ sẽ không còn là những nhóm cư dân yếm thế và nghèo khổ. Cơ cấu “dân số vàng” mà trong nhiều năm qua Việt Nam đạt được sẽ tạo nên những thành tựu mới trong các lĩnh vực của nền kinh tế...
Sức ép của vấn đề dân số vùng biển và rừng ngập mặn
Mật độ dân số cao nhất nước ta hiện nay vẫn là ở các tỉnh vùng ven biển châu thổ sông Hồng, khoảng trên 3.000 người/km2 (trung bình cả nước là 1.100người/km2). Một số dân rất nghèo ở vùng nông thôn thiếu đất đã chuyển tới vùng ven biển, sống ngay gần đê biển, và hoàn toàn phụ thuộc vào việc khai thác nguồn tài nguyên ở vùng đất và rừng ngập mặn.
Nếu 40 năm trước đây, 400.000 ha đất ven biển nước ta được bao phủ bởi rừng ngập mặn, thì nay chỉ còn lại khoảng 200.000 ha. Rừng ngập mặn không thể chống lại sự tấn công dữ dội của việc khai thác gỗ, củi không có kiểm soát, việc mở rộng diện tích trồng lúa, định cư không có tổ chức và nghiêm trọng nhất là việc phá rừng để xây dựng các đầm nuôi tôm. Trong hai thập kỷ qua, có khoảng 500.000 ha rừng ngập mặn bị chuyển sang làm đầm nuôi thủy sản. Rừng ngập mặn trưởng thành rộng lớn ở vùng châu thổ sông Hồng thì hầu như đã bị tàn phá: Qua hơn 20 năm từ 150.000ha rừng tập trung nay chỉ còn 46.400 ha, giảm khoảng 70%. Mười năm tiếp theo, đến năm 2005 chỉ còn hơn 8.200 ha, trong đó chỉ có 800 ha rừng 30 năm tuổi. Hệ lụy kéo theo là sự giảm sút rất nhiều năng suất của nghề nuôi trồng thủy sản ven biển và sự cân bằng môi trường sinh thái.
Ngân hàng Thế giới xác định: Sự phát triển kinh tế và môi trường vùng biển là một vấn đề đặc biệt quan trọng của Việt Nam, bởi vì không giống như phần lớn các nền kinh tế châu Á khác vẫn còn thời gian để giảm thiểu sự mâu thuẫn giữa tốc độ phát triển kinh tế và sự khai thác môi trường nhằm đạt được sự phát triển bền vững hơn cho vùng ven biển - một phương diện đáng chú ý nhất của môi trường và phát triển. Những thử thách về phát triển đối với Việt Nam là "những khu vực rừng còn lại, với sự đa dạng hóa cao, đặc biệt ở những vùng ven biển cần phải được bảo vệ; những rừng đầu nguồn dễ tổn thương và rừng ngập mặn ven biển/ đất ngập nước trong đất liền cần phải được ổn định và/ hoặc phục hồi; và cần đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng đất thích hợp. Với diễn biến trên, tính chất đa chiều của việc bảo vệ môi trường kết hợp với các hoạt động trên cần phải được xem xét. Vấn đề là làm thế nào để đạt được sự cân bằng đúng?".
Rừng ngập mặn cung cấp những lợi ích phong phú cho nền kinh tế của cư dân biển. Những sản phẩm trực tiếp từ rừng ngập mặn gồm các sản phẩm gỗ khác nhau và sự đa dạng của các sản phẩm khác như thức ăn và các vật liệu, cây làm thuốc, mật ong và là môi trường thuận lợi cho các loài thủy sản... ít nhất 80% số sản phẩm biển ở Việt Nam có từ vùng biển sâu 30 mét, nên rừng ngập mặn còn đóng vai trò gián tiếp hỗ trợ cho ngành đánh cá qua việc cung cấp nguồn giống, thức ăn và bãi nuôi trồng cho những hoạt động kinh doanh kinh tế biển quan trọng. Đồng thời đóng vai trò là vùng đệm chống lại sự tàn phá của bão/ lụt và sự xâm nhập của nước mặn. Tuy vậy, mức độ nhận thức thấp của người dân và chính quyền cùng với sự yếu kém của nguồn lực địa phương đối với tầm quan trọng của đất ngập nước ven biển và giá trị sinh thái của nó vẫn là những tồn tại đối với sự phát triển bền vững ở các tỉnh vùng ven biển.
Những ưu tiên và sự nỗ lực của Chính phủ
Chiến lược của Chính phủ đối với quản lý tài nguyên thiên nhiên được luật pháp hóa. Văn kiện quan trọng nhất đó là Kế hoạch hành động của Nhà nước về môi trường từ 1995, trong đó đưa ra một khung chiến lược đối với việc bảo tồn rừng và hệ sinh thái ở trên cạn và vùng ngập nước. Việc bảo vệ và quản lý các lưu vực dựa trên nghiên cứu khoa học của tổ chức phát triển Việt Nam và quốc tế về Chương trình môi trường và những chính sách ưu tiên cho kinh tế. Một kế hoạch hành động về đa dạng hóa sinh học đã phân loại các loại rừng trong diện sử dụng đặc biệt dựa trên những giá trị sinh học và tính tổn thương (khu vườn, khu bảo tồn đời sống động vật hoang dã).
Một số điều luật quy định về sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng được thực hiện như: Luật Bảo vệ và Phát triển tài nguyên rừng cùng một loạt Nghị định đã đưa ra nhằm quy định các nguyên tắc quản lý đối với từng loại rừng; sự tách biệt giữa bảo vệ và sản xuất; sự tách rời vai trò của lâm trường; việc phân bổ đất rừng cho những người sử dụng địa phương; thỏa thuận hợp đồng với người dân; và các hình thức xử lý đối với việc sử dụng rừng sai quy định; đồng thời nó cũng hướng đến mục đích trợ giúp hiệu quả hơn và kỹ lưỡng hơn đối với các hoạt động liên quan trực tiếp đến những khu vực rừng được bảo vệ. Những hoạt động này hiện nay đã trở thành một phần quan trọng của Chương trình trồng mới 5 triệu héc-ta rừng.
Phát triển nông thôn ở các tỉnh ven biển
Đối với kinh tế nông thôn vùng ven biển châu thổ sông Hồng, ngoài sản xuất muối, trồng lúa và nuôi thủy sản, đa dạng hóa cần được tập trung, lồng ghép hơn nữa trong nông nghiệp (rau, cây ăn quả, chăn nuôi vịt, gà, lợn và các vật nuôi khác), và nuôi thủy sản bán thâm canh (đầm tôm, cua), nuôi vạng và thu nhặt hải sản. Đáng tiếc là, những người nông dân làm muối hoặc trồng lúa cổ truyền và những người dân chuyển vào sống ở vùng ven biển đang thiếu kiến thức, kỹ năng, sự tiếp cận các dịch vụ xã hội và nguồn tài chính để có thể hưởng lợi từ một nền kinh tế đa dạng hơn hiện đang xuất hiện tại các tỉnh ven biển miền Bắc.
Ở những tỉnh ven biển của châu thổ sông Hồng, đất bị nhiễm mặn, không phù hợp cho việc phát triển nhiều hình thức nông nghiệp khác nhau và đất cày cấy cũng hạn chế (một hộ gia đình chỉ được cấp 500m2 đất nông nghiệp). Ở những vùng này, sản xuất muối và thu nhặt hải sản vẫn là những hoạt động thu nhập truyền thống. Với nghề nuôi thủy sản, nhìn chung thu nhập của những huyện ven biển cũng tăng lên; tuy nhiên, sự phân chia giữa những gia đình giàu và nghèo càng lớn do sự chênh lệch và những khả năng đầu tư khác nhau.
Những đợt bão và lụt ảnh hưởng hầu hết các vùng ven biển. Thêm vào đó, vì áp lực dân số, nguy cơ ảnh hưởng thường xuyên của bão lụt tới dân cư ở đồng bằng sông Hồng cao hơn bất kỳ những khu vực nào khác trong nước. Việc giảm nhẹ thảm họa về thiên tai trước đây, thậm chí cả hiện nay, hầu hết dựa vào các phương tiện là những con đê đắp bằng đất để bảo vệ khỏi lũ lụt. Về mặt lịch sử, những con đê này đã được xây dựng từ hơn 1.000 năm, sự tu bổ hằng năm là vấn đề cần phải quan tâm (vùng châu thổ sông Hồng có 3.000km đê sông và 1.500km đê biển và đê cửa sông).
Qua một số dự án cho cư dân ven biển đã đem lại những kết quả và bài học bổ ích. Tuy nhiên, để tiếp tục lại đang là những trở ngại. Chẳng hạn: dự án do chính phủ Nhật Bản tài trợ cho 6 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Hải Phòng, Quảng Ninh). Kết quả có hơn 5.000 ha bãi bồi đã được trồng mới bởi cây ngập mặn, chủ yếu là cây Trang, trồng xen một số cây Bần (sonneratia) và cây Đước (rhizophora). Tham gia dự án có 49 xã và 17 huyện ven biển. Dự án này bước đầu nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của cây ngập mặn đối với bảo vệ và cải tạo môi trường sống; Dự án rừng ngập mặn của Quỹ bảo vệ trẻ em là dự án phục hồi rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam với sự tham gia của nhà tài trợ nước ngoài đã trồng khoảng 300 ha cây ngập mặn gồm cây Trang và cây Đước. Những hiệu quả đáng kể đối với cư dân biển thể hiện qua sự phát triển của nghề đánh cá và thủy sản và giảm mất mát các sản phẩm nông nghiệp trước thiên tai bão lụt. Đời sống cư dân ven biển được cải thiện. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ, trẻ em.. trong lĩnh vực y tế được gia tăng. Dân số đã gần đạt tới cân bằng tỷ suất sinh."Dự án bảo vệ và phát triển đất ngập nước ven biển" của Ngân hàng Thế giới cũng đem lại hiệu quả tương tự và có ý nghĩa như: sự giảm tối thiểu việc mất đất và sự tăng tối đa của diện tích bãi bồi ven biển thông qua việc giảm xói lở và tăng bồi đắp; sự giảm đi của những vùng đất cằn cỗi trong vành đai bảo vệ, và sự tăng lên của hải sản vùng ven biển.
Để đạt được mục tiêu phát triển cho cư dân ven biển trên một vùng bảo vệ toàn phần và một vùng đệm ngay sát đó, sẽ phải có một vành đai bảo vệ ven biển được thiết lập. Ở trong vùng bảo vệ toàn phần, cây ngập mặn phải được trồng lại, các hoạt động kinh tế và định cư cần được hạn chế và có quy hoạch. Những cư dân đang sinh sống với những hoạt động kinh tế nếu ảnh hưởng đến sự duy trì của hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ được tái định cư. Ở trong vùng đệm, các kỹ thuật nông nghiệp cần được đa dạng hóa và duy trì, cùng với các hoạt động trợ giúp xã hội để được hỗ trợ nâng cao thu nhập và điều kiện sinh sống, đặc biệt đối với những nhóm dân nghèo nhất trong cộng đồng dân số vùng biển, những người được coi là có áp lực chính đến rừng ngập mặn ở trong vùng bảo vệ toàn phần, hướng tới các nguyên tắc bảo vệ môi trường và giảm nghèo. Trong tất cả các chương trình tại vùng biển, đảo và ven biển hướng tới một cộng đồng cư dân được hưởng lợi từ các chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay cần có sự tập trung cao vào giảm thiểu tối đa tình trạng nghèo đói, đặc biệt quan tâm tới những nhóm dân yếu thế nhất, nghèo khổ nhất.
Người dân các địa phương đến nay đã có thể hiểu hơn về ưu điểm của rừng ngập mặn. Tất cả các hộ gia đình đều nói rằng, rừng ngập mặn là rất quan trọng trong việc bảo vệ đê biển và họ giải thích rằng, đây không chỉ là những gì họ học được từ các kênh thông tin mà quan trọng hơn là thực tế đã giúp họ nhìn thấy lợi ích của bảo vệ môi trường rừng ngập mặn ven biển. Từ đó, ý thức trách nhiệm cộng đồng đã được xây dựng. Tình hình kinh tế cư dân ven biển châu thổ sông Hồng bây giờ đã khá hơn, thứ nhất là do thu nhập của họ từ việc trồng cây ngập mặn và thứ hai là do việc thu nhặt, bắt hải sản, nguồn hải sản ngày càng dồi dào hơn có ý nghĩa rất lớn và lâu dài. Các giá trị của việc bảo vệ và môi trường sống của rừng ngập mặn cũng giúp cho việc gìn giữ những mối liên hệ khác nhau trong nền kinh tế địa phương.
Tóm lại, chương trình bảo vệ môi trường là cần thiết cho việc phòng chống thiên tai, cải thiện đời sống cư dân ven biển, ổn định dân số, nhất là đối với những gia đình nghèo thuộc vùng biển đảo và ven, đồng thời cũng thúc đẩy trách nhiệm để đạt hiệu quả cao hơn với những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác ở địa phương mà mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một Đề án rất quan trọng: Đề án kiểm soát dân số biển đảo và ven biển được Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế) đang triển khai ở 28 tỉnh, thành phố vùng biển đảo./.
Mục lục chuyên đề cơ sở số 37 (1-2010)  (26/01/2010)
Ba vấn đề lớn trong xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình  (26/01/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên