Việc làm và phân hóa giàu nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn
TCCS - Việt Nam là nước nông nghiệp có gần 72% dân số sống ở nông thôn, chủ yếu làm nông - lâm - ngư nghiệp. Mặc dù đã qua hàng chục năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng đến nay, lao động trong khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao, hằng năm còn được bổ sung thêm gần 1 triệu lao động đến tuổi chưa có việc làm.
Vấn đề cấp bách về lao động, việc làm của nông dân hiện nay
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, lượng doanh nghiệp của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng, đã làm cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế của đất nước mở rộng, tạo cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động... Cơ hội việc làm rộng mở cùng với sự trả công hấp dẫn hơn tạo ra sự di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, từ nơi có thu nhập thấp đến nơi có thu nhập cao hơn; nguồn lực lao động được sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn.
Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào, tính đến thời điểm trước khi gia nhập WTO, số lao động đang làm việc là 43,4 triệu người, trong đó lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là hơn 24,1 triệu người, chiếm khoảng 57%. Cơ cấu lao động còn đang rất bất hợp lý, lao động nông nghiệp vẫn là chủ yếu (55,2% trên tổng số lao động đang làm việc), cơ cấu đào tạo theo tỷ lệ: 1 đại học, 0,8 trung chuyên nghiệp, 2,9 nghề. Trong khi cơ cấu tối ưu của các nước trong khu vực là tỷ lệ: 1 - 4 - 10(1)...
Với dân số trên 85 triệu người, trong đó khoảng 72% số dân sống ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm gần 53%(2) trong cơ cấu lao động của nền kinh tế, Việt Nam rất cần lao động kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp để phát huy tối đa lợi thế của mình. Nhưng hiện nay, kinh tế nông nghiệp đang thiếu hụt nhiều lao động kỹ thuật, trong khi lao động phổ thông, không có tay nghề lại dư thừa. Phần lớn lao động đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn chưa qua đào tạo về chuyên môn kỹ thuật và nghiệp vụ hoặc mới chỉ được đào tạo một cách chắp vá trong thời gian rất ngắn. Vốn đầu tư để trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất và chế biến nông sản còn rất hạn chế. Vì vậy, năng suất và chất lượng hàng nông sản Việt Nam còn kém so với nhiều nước thành viên của WTO.
Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng là vấn đề lớn ảnh hưởng tới nhiều hộ nông dân nghèo ở vùng nông thôn và ven đô. Quá trình chuyển đổi này làm thu hẹp đất nông nghiệp, tác động tiêu cực tới các hộ nông dân do họ bị mất đất dẫn đến bị phá vỡ sinh kế và phải thay đổi môi trường văn hóa - xã hội. Vấn đề an ninh lương thực hiện cũng cần được quan tâm khi một diện tích lớn đất trồng lúa chuyển đổi sang xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, hay phục vụ quá trình đô thị hóa; chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được các cấp chính quyền chuẩn bị kỹ, nhất là đào tạo nghề và bố trí việc làm mới cho nông dân, đã tạo ra không ít các hộ nông dân tái nghèo.
Đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, trong khi tăng trưởng dân số tự nhiên ở khu vực nông thôn lại cao hơn so với khu vực thành thị, vấn đề dư thừa lao động nông nghiệp ngày càng nổi cộm do khả năng tạo ra việc làm mới rất hạn chế, lực lượng lao động này phải di cư vào thành phố, phần đông là giới trẻ. Dẫn đến, lao động nông nghiệp trở nên già nua, hoạt động kinh tế ở nông thôn kém hiệu quả.
Tác động nhiều chiều đến sản xuất và thu nhập của nông dân
Đầu ra của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có lợi thế như cao-su, cà- phê, hạt điều, hoa quả, thủy sản... gia tăng do thị trường được mở rộng. Đầu vào, thuế nhập khẩu các vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp được cắt giảm theo lộ trình cam kết với WTO. Người nông dân có nhiều cơ hội sử dụng các biện pháp kỹ thuật mới, các giống cây trồng năng suất cao, phân bón với giá rẻ, công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Như vậy, doanh thu tăng, chi phí đầu vào giảm, thu nhập lao động từ nông nghiệp cũng tăng lên.
Đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, trong khi tăng trưởng dân số tự nhiên ở khu vực nông thôn lại cao hơn so với khu vực thành thị, vấn đề dư thừa lao động nông nghiệp ngày càng nổi cộm do khả năng tạo ra việc làm mới rất hạn chế, lực lượng lao động này phải di cư vào thành phố, phần đông là giới trẻ.
Với 13,2 triệu hộ gia đình, trong đó có 11 triệu hộ chuyên sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp đã đóng góp cho nền kinh tế của đất nước trên 21% GDP. Sau khi gia nhập WTO, nông sản nước ta có nhiều cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường nông sản thế giới, người nông dân ngày càng được tiếp cận thị trường nhiều hơn do nắm bắt được nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước thông qua định hướng sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu và các phương tiện thông tin đại chúng. Qua lộ trình cắt giảm thuế các mặt hàng xuất khẩu, giúp người nông dân có điều kiện, kế hoạch phát triển sản xuất trong tương lai có tính cạnh tranh về chất lượng và giá cả cao.
Mặt tích cực của lao động nông thôn di cư ra thành thị tìm việc nhiều hơn sẽ làm tăng mạnh nguồn cung cho thị trường lao động thành thị, thu hẹp nguồn cung trong thị trường lao động nông thôn, dẫn đến thu nhập tương đối của lao động còn lại ở nông thôn tăng lên.
Thực hiện cam kết với WTO, Nhà nước phải cắt bỏ trợ cấp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đây là nhân tố tiềm ẩn có nhiều khả năng tác động tiêu cực đến đời sống của người nông dân nước ta hiện nay. Khi nghề nông đang là nguồn sinh kế chính của trên 72% dân số cả nước, có ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 2/3 hộ gia đình ở nông thôn trong đó có 44% số hộ thuộc diện còn khó khăn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không được hưởng lợi từ việc trợ cấp của Nhà nước như trước đây cũng có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hạ giá thu mua nông sản. Trong khi chi phí sản xuất của người nông dân còn cao có thể dẫn đến tình trạng nếu không bán thì không có đầu ra cho sản phẩm mà bán thì bị doanh nghiệp ép giá. Hệ quả là, người nông dân sẽ bị thiệt thòi. Minh chứng cho việc này được thể hiện ở việc ép giá thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp trong các vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa và các mặt hàng tôm vào thị trường Mỹ, đã làm cho không chỉ doanh nghiệp thủy sản bất lợi mà những người nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long cũng bị thua thiệt nhiều trong thời gian qua.
Miễn, giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ các nước khác khi vào thị trường nước ta buộc hàng nông sản trong nước phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt đối với hàng nông sản nhập khẩu. Để các mặt hàng nông sản có sức cạnh tranh cao, cần phải sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường với chất lượng cao... Thực trạng hiện nay, nông nghiệp nước ta là sản xuất manh mún, chất lượng còn kém và một số mặt hàng nông sản đã bị lấn sân bởi hàng nhập khẩu.
Là thành viên của WTO, nông nghiệp nước ta có thêm nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng có không ít những tác động tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của nông nghiệp, cuộc sống người nông dân, đặc biệt là người nông dân nghèo.
Mặt khác, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế không trực tiếp gây nên sự nghèo đói, nhưng lại làm tăng khoảng cách giàu – nghèo, đẩy nhanh tốc độ phân cực giữa các nhóm lao động khác nhau. Việc phân cực này có nhiều nguyên nhân của nền kinh tế thị trường, một trong những nguyên nhân cơ bản là do sự phát triển mất cân đối giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn, giữa các ngành nghề kinh tế và giữa cung và cầu lao động.
Tự do hóa thương mại mang lại những cơ hội tăng việc làm và thu nhập cho toàn bộ xã hội nhưng không phải là những cơ hội ngang bằng cho tất cả người lao động, bởi điều kiện tiếp cận cơ hội ở các nhóm dân cư khác nhau. Đối với lao động nông thôn, do trình độ văn hóa thấp, tay nghề kém, thiếu vốn và kinh nghiệm nên khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động, hàng hóa bị hạn chế. Khi sản phẩm nông nghiệp bị cạnh tranh gay gắt chỉ các hộ có vốn, có tri thức, nhanh nhạy với thị trường mới có thể tạo ra các hàng hóa có sức cạnh tranh với hàng ngoại, còn nông dân là không thể. Mặt khác, nông sản được nhập khẩu tự do làm cho sản xuất nông sản trong nước bị dư thừa khiến thu nhập của nông dân bị giảm sút. Điều này không chỉ tạo ra sự phân hóa giàu - nghèo trong nội bộ nông thôn, mà còn khoét sâu thêm sự bất bình đẳng về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn.
Những giải pháp chủ yếu góp phần giải quyết tình hình hiện nay
Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến thời kỳ 2011 - 2020 là 7% - 8%/năm, tốc độ tăng xuất khẩu 11% - 12%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 3.000 - 3.500 USD/năm, nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, trong rất nhiều vấn đề cấp bách, cần có các chính sách hỗ trợ và đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo đảm cho nông nghiệp phát triển về năng suất - chất lượng - hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao, giúp nông dân vượt qua thách thức trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu vào thị trường nông sản thế giới. Trước mắt, cần chú trọng những vấn đề sau:
Một là, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Tăng vốn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là cho các vùng sâu, vùng xa, hạ tầng thương mại phục vụ lưu thông hàng hóa nông - lâm - thủy sản.
Hai là, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chính sách hỗ trợ nông nghiệp và nông dân. Các chính sách về quyền sử dụng đất; chính sách kết hợp giữa kinh tế nhỏ “hộ gia đình” với các doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; cụ thể hóa chính sách phối hợp 4 nhà (nhà sản xuất, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học); chính sách an sinh xã hội cho nông dân như bảo hiểm y tế, hỗ trợ con em nông dân nghèo trong giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm, bảo hiểm cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào những mục đích khác...
Ba là, hoàn chỉnh hệ thống luật pháp tạo hành lang pháp lý thông thoáng để khuyến khích mạnh hơn nông dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đầu tư tăng cường năng lực thông tin và xúc tiến thương mại.
Bốn là, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng lao động thuần nông, tăng tỷ trọng lao động làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm trong và ngoài khu vực nông thôn, kể cả ra nước ngoài.
Năm là, tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo và có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, nhất là thanh niên; triển khai rộng hệ thống khuyến nông, tăng cường đào tạo kỹ năng nông nghiệp.
Sáu là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học. Tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng, quản lý hệ thống thủy lợi...
Bảy là, tiếp tục đầu tư mạnh hơn cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Đoàn cán bộ liên cơ quan thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và hai xã biên giới tỉnh Cao Bằng  (01/02/2010)
Gặp mặt 1.000 đảng viên trẻ tiêu biểu và tuyên dương 80 đảng viên trẻ tiêu biểu xuất sắc  (01/02/2010)
Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2009 và triển vọng 2010  (01/02/2010)
Hỗ trợ lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp đến hết năm 2010  (31/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên