Về các bảo đảm nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nhìn từ góc độ hệ thống cấu trúc, có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới hiệu lực và hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây gọi tắt là Mặt trận), có thể khái quát thành một số khía cạnh sau đây: Một là, năng lực và bản lĩnh của chủ thể phản biện; Hai là, sự thừa nhận và tạo môi trường, điều kiện tốt cho hoạt động phản biện xã hội của khách thể phản biện (hoặc chủ thể nhận sự phản biện); Ba là, cơ chế phản biện xã hội; Bốn là, môi trường chính trị và văn hóa mà trong đó hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận được tiến hành. Bài viết bước đầu phân tích về các nhân tố nói trên và cũng là những bảo đảm cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Năng lực và bản lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (chủ thể phản biện xã hội)
Để thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có đủ điều kiện và tố chất cần thiết để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của hoạt động phản biện xã hội. Vì thế những yêu cầu sau đây là rất cần thiết:
Một là, trên cơ sở trung thành với Đảng và nhân dân, đề cao ý thức trách nhiệm trước tương lai và vận mệnh của đất nước, chủ thể phản biện cần lấy khoa học (chân lý), pháp lý, đạo đức, nhân văn và lợi ích công cộng, lợi ích của nhân dân làm tiêu chuẩn (hoặc có thể nói là “đức”) để đánh giá các dự thảo quyết sách quan trọng do chủ thể nhận sự phản biện hoạch định.
Hai là, trong quá trình phản biện, Mặt trận cũng như những người tham gia phản biện cần có năng lực nhìn nhận vấn đề, năng lực phân tích, đánh giá và kết luận (hoặc có thể nói là “trí”). Nếu phản biện mà không đủ trí tuệ và năng lực thì ý kiến nêu ra cũng sẽ trở nên ít giá trị và đồng nghĩa với việc không có đóng góp đáng kể cho việc hoàn thiện dự thảo quyết sách. Vì thế, Mặt trận cũng như những người tham gia vào quá trình phản biện phải có năng lực lý luận và thực tiễn, nhất là sự am hiểu đối với vấn đề của quyết sách. Ở đây, Mặt trận cần tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, chú trọng hơn nữa việc tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia ở trên các lĩnh vực khác nhau (nhưng không thuộc cơ quan chủ trì soạn thảo quyết sách mà Mặt trận phản biện) vào hoạt động phản biện của Mặt trận, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chế trong tổ chức Mặt trận để có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành viên vào hoạt động phản biện.
Ba là, Mặt trận cần kiên trì, thẳng thắn, dũng cảm (hoặc có thể nói là “dũng”) trong việc bảo vệ chân lý, bảo vệ lợi ích công cộng, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, đại diện cho nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Tất cả những người tham gia phản biện đều cần có phẩm chất này, song đối với người lãnh đạo, tập thể lãnh đạo các cấp của Mặt trận càng đòi hỏi cao hơn. Thông qua quá trình phản biện, lãnh đạo và tập thể lãnh đạo các cấp của Mặt trận sẽ tiến hành trao đổi, làm việc hoặc trực tiếp đối thoại với các cơ quan xây dựng dự thảo quyết sách để nêu lên quan điểm, ý kiến và kiến nghị của mình. Việc tôn trọng tính “độc lập tương đối” của Mặt trận trong mối quan hệ giữa Mặt trận với chủ thể nhận sự phản biện cũng là một yêu cầu đặt ra.
Cơ chế phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận, đòi hỏi một hệ thống cơ chế (bao gồm cả cơ chế pháp lý) đầy đủ và có thể thực hiện. Nếu không có một hệ thống cơ chế thì phản biện xã hội của Mặt trận rất khó bảo đảm được tính hiệu lực và hiệu quả.
Xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ thể phản biện và chủ thể nhận sự phản biện, nội dung phản biện, phạm vi phản biện, trình tự phản biện... mới có thể làm cho hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận trở thành một hoạt động có tính hệ thống và cũng là yêu cầu cần thiết để ngăn ngừa hiện tượng “bỏ ngoài tai” hoặc coi nhẹ những ý kiến phản biện của Mặt trận.
Trên cơ sở xác định chức năng phản biện xã hội của Mặt trận vào Hiến pháp, cần đổi mới các văn bản pháp luật, các quy định hiện có, xây dựng Luật Phản biện xã hội của Mặt trận. Trên cơ sở này, chủ thể nhận sự phản biện xã hội cần tiến hành điều chỉnh, đổi mới thể chế xây dựng quyết sách hiện có trên cơ sở coi phản biện xã hội của Mặt trận là một khâu không thể thiếu trong quá trình xây dựng các quyết sách lớn, quan trọng. Về phần mình, Mặt trận cũng cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế hoạt động trong tổ chức mình, cũng như phối hợp với chủ thể nhận sự phản biện xây dựng, hoàn thiện các quy chế phối hợp trong xây dựng chính sách.
Sự thừa nhận, thái độ và hành vi đúng của chủ thể nhận sự phản biện
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận, bên cạnh sự thay đổi từ phía Mặt trận và việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế phản biện, thì thái độ và hành vi đúng đắn của chủ thể nhận sự phản biện là một bảo đảm không thể thiếu. Trên cơ sở đề cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, lấy khoa học, pháp lý, đạo lý, nhân văn và lợi ích công cộng, lợi ích nhân dân làm cơ sở và tiêu chuẩn, chủ thể nhận sự phản biện, cần thỏa mãn những yêu cầu sau:
Một là, cần phải thừa nhận dân chủ hóa là cơ sở của khoa học hóa quyết sách, cũng có nghĩa là muốn có quyết sách đúng thì đòi hỏi đầu tiên là cần phát huy dân chủ. Cũng xuất phát từ ý nghĩa này nên cần coi phản biện xã hội của Mặt trận là một mắt khâu không thể thiếu trong quá trình xây dựng các quyết sách lớn, quan trọng.
Hai là, tạo điều kiện tốt cho hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận, bao gồm: 1) Thông qua nguồn lực và ưu thế mà mình có đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ và nhân dân về tác dụng, tầm quan trọng của phản biện xã hội; 2) Chú trọng thực hiện công khai và minh bạch, nhất là công khai, minh bạch quá trình xây dựng quyết sách, cũng như dự thảo quyết sách; 3) Trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, tiến hành đổi mới và hoàn thiện thể chế quyết sách mà một trong những mục đích của nó là tạo điều kiện để nhân dân và Mặt trận tham gia một cách có hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng quyết sách, đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ điện tử, phát triển hệ thống truyền thông đại chúng.
Ba là, phản biện của Mặt trận là hướng đến một mục tiêu thống nhất trong quản lý công, đó là duy trì, thực hiện tốt hơn và tăng lên lợi ích công cộng; tin tưởng và lắng nghe ý kiến phản biện của Mặt trận là một yếu tố quan trọng để tránh sự sai lầm về quyết sách.
Bốn là, thông qua tiếp thu ý kiến phản biện của Mặt trận, chủ thể nhận sự phản biện cần xem xét lại dự thảo quyết sách, dũng cảm thừa nhận khuyết điểm và sai lầm, sửa chữa sai lầm để hoàn thiện quyết sách và vươn lên.
Môi trường chính trị và văn hóa
Phản biện xã hội của Mặt trận luôn chịu sự chi phối và ảnh hưởng của môi trường chính trị và văn hóa nhất định, do đó, hiệu lực và hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận trên một mức độ rất lớn phụ thuộc vào môi trường chính trị và văn hóa mà trong đó hoạt động này của Mặt trận được tiến hành.
Thứ nhất, về môi trường chính trị. Môi trường chính trị có nội dung rất phong phú, song, những vấn đề sau đây là rất quan trọng:
Một là, để phản biện xã hội có tính thực chất và trở thành một thói quen, đầu tiên đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần phát huy dân chủ và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực thi quyền làm chủ, thông qua việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội để phản biện xã hội thực sự đi vào cuộc sống.
Hai là, với tư cách đảng cầm quyền, Đảng phải là tấm gương về thực hành dân chủ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo để đủ sức lãnh đạo quá trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta; thông qua phương thức lãnh đạo của mình để nâng cao hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận, cán bộ, đảng viên cần thực sự “trọng dân” và “trọng pháp”. Quốc hội với chức năng của mình cần thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về dân chủ và phát huy dân chủ, về phản biện xã hội của Mặt trận thành các văn bản pháp luật, coi trọng hơn nữa vai trò giám sát, nhất là giám sát về quá trình xây dựng chính sách.
Ba là, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước. Bảo đảm công khai về thông tin vừa bắt nguồn từ yêu cầu bảo đảm quyền được biết của công dân, vừa là cơ sở để nhân dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước. Trong quá trình quản lý, nếu không thực hiện công khai hóa và minh bạch hóa thì nhân dân rất khó tham gia, cũng không thể biểu đạt và bày tỏ được cách nhìn nhận và nguyện vọng của mình. Phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách một hình thức phát huy dân chủ trong xây dựng chính sách của Nhà nước, hoặc là một hình thức phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước cũng khó mang lại hiệu quả như mong muốn nếu hoạt động của bộ máy công quyền thiếu tính công khai và minh bạch. Minh bạch đòi hỏi việc chế định quyết sách phải được công khai và giải trình, tuy nhiên, vấn đề không chỉ là đưa dự thảo quyết sách đăng lên báo, mà còn là làm rõ nội dung của các quyết sách. Cốt lõi của công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền chính là bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công chúng.
Bốn là, cần thừa nhận những tư tưởng và ý kiến khác nhau, đồng thời cho phép tranh luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”(1).
Năm là, tố chất văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ. Tố chất văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ có nhiều nội dung khác nhau, nhưng một số phương diện sau là rất cần thiết: 1) Họ nhận thức được rằng nhân dân mới thật sự là chủ thể của quyền lực, họ chỉ là người được nhân dân ủy quyền thực thi quyền lực mà thôi, vì thế, chức trách của họ là phục vụ nhân dân; 2) Họ nhận thức được rằng, mục đích của dân chủ không phải là đối kháng với quyền lực, mà là để giúp đỡ các cơ quan công quyền thực hiện nhiệm vụ một cách tốt hơn, có hiệu quả hơn, góp phần hạn chế hiện tượng lạm dụng quyền lực; dân chủ vừa là để giúp đỡ nhân dân, vừa là để giúp đỡ chính quyền; 3) Họ lấy khoa học, pháp lý, đạo đức, nhân văn và lợi ích công cộng làm tiêu chuẩn để thực thi chức trách của mình; coi trọng lắng nghe những ý kiến đến từ nhân dân và Mặt trận, những ý kiến và kiến nghị hợp lý thì cần tiếp thu; họ có tác phong dân chủ, không độc đoán, có thói quen lắng nghe những ý kiến khác nhau; 4) Họ phải dựa trên pháp luật và các quy định đã được thừa nhận khi thực hiện nhiệm vụ, cũng có nghĩa là, khi đã có các quy định có liên quan về phản biện xã hội thì cần phải chấp hành thực hiện một cách nghiêm túc.
Thứ hai, về môi trường văn hóa, môi trường văn hóa cũng có nhiều yếu tố cấu thành, song, ở đây có thể kể đến hai nhân tố cơ bản sau:
Một là, trình độ dân trí và văn hóa dân chủ của nhân dân. Về bản chất, phản biện xã hội của Mặt trận chính là sự phản biện của người dân, vì thế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận, bên cạnh sự thay đổi từ phía các cơ quan công quyền còn đòi hỏi sự thay đổi tích cực từ phía người dân. Trình độ dân trí càng cao thì người dân càng có điều kiện tham gia vào quá trình quản lý nhà nước, mới có đủ khả năng để đánh giá một cách khách quan các vấn đề chính sách cũng như các vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của mình. Bên cạnh trình độ dân trí là văn hóa dân chủ của nhân dân. Trong một xã hội, nếu người dân không hiểu được một cách đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình, có thái độ bàng quan đối với các vấn đề chính trị và quản lý nhà nước, nhận thức không đầy đủ về dân chủ, thiếu các cơ chế đầy đủ để thực thi dân chủ, không biết cách phát huy quyền làm chủ, không có bản lĩnh trong thực hiện quyền làm chủ... thì rất khó nói đến một đời sống chính trị tích cực và lành mạnh. Vì thế, cần tạo ra cơ chế thích hợp và điều kiện cần thiết để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Hai là, sự phát triển của hệ thống truyền thông đại chúng. Có thể nói, trong xã hội hiện đại, truyền thông đại chúng là kênh quan trọng để người dân thực hiện quyền giám sát, quyền phản biện một cách hiệu quả. Hệ thống truyền thông đại chúng có tác dụng thúc đẩy quan trọng đối với phản biện xã hội của Mặt trận cả hệ chiều rộng lẫn chiều sâu. Tác dụng và vai trò của truyền thông đại chúng đối với hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận được thể hiện ở chỗ: 1) Cung cấp cho công chúng các thông tin về hoạt động của các cơ quan công quyền, đặc biệt là hoạt động xây dựng quyết sách; 2) Là kênh phản ánh dư luận, thái độ, ý kiến và kiến nghị của nhân dân đối với các chính sách của các cơ quan công quyền, nhất là đối với các dự thảo quyết sách quan trọng liên quan trực tiếp tới lợi ích của đông đảo nhân dân; 3) Là kênh để tăng cường đối thoại và sự giải trình của các cơ quan công quyền với nhân dân, trong đó có sự giải trình về mặt chính sách; 4) Thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội theo hướng tiến bộ, có lợi cho sự phát triển của đất nước; đồng thời phê phán các quan điểm sai trái, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Do đó, một mặt cần chú trọng phát triển hệ thống truyền thông đại chúng, mặt khác, cần có sự phối hợp giữa Mặt trận và hệ thống truyền thông đại chúng trong hoạt động phản biện và giám sát./.
----------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 8, tr. 216
Về xây dựng văn hóa pháp quyền  (04/05/2013)
Trao cờ Tổ quốc cho ngư dân  (04/05/2013)
"Nỗ lực đưa quan hệ Việt - Nhật ngày càng phát triển"  (03/05/2013)
Thủ tướng tiếp Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc  (03/05/2013)
Việt Nam sáng chế thành công máy bay không người lái  (03/05/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên