TCCSĐT - Hiến pháp nước ta quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thống nhất công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đường lối, chủ trương và Điều lệ của Đảng từ trước đến nay cũng quy định như vậy. Theo đó, quy hoạch cán bộ là một khâu cơ bản trong công tác cán bộ, nhằm chủ động tạo nguồn nhân sự trẻ, tập hợp được nhiều nhân tài; làm cơ sở cho việc đào tạo, bố trí, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị bảo đảm về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý và sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.

Tầm quan trọng, vai trò của công tác quy hoạch cán bộ đã được Đảng ta khẳng định trong “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (năm 1997). Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”(1). Quan điểm này được rút ra từ thực tiễn và lý luận của công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời (năm 1930) đến nay, và xa hơn nữa là sự kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các triều đại phong kiến Việt Nam đã xây dựng chế độ tuyển chọn, bổ dụng quan lại dựa vào thành tích khoa cử; đánh giá quan lại theo quy chế khảo khoá - khảo công; điều động, luân chuyển theo yêu cầu của nhà nước, và quyết định thăng, giáng chức căn cứ vào mức độ đức, tài trong kết quả cai trị cũng như công trạng cá nhân. Cùng với việc xây dựng chế độ quản lý và làm việc theo quy chuẩn chung, cũng không thể bỏ qua vai trò và trách nhiệm cá nhân của mỗi người cầm quyền đối với công việc phát triển và quy hoạch đội ngũ quan. Nguyên tắc của Binh pháp Tôn Tử “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng” đã được cha ông ta bổ sung, phát triển bằng nguyên tắc “Tùy người mà bổ chức và xếp việc” trong công tác tổ chức, quản lý quan lại. Trong cuốn “Binh thư yếu lược”, Trần Hưng Đạo đã rút ra những tri thức quý giá cho công tác đánh giá, dự trù bố trí, sử dụng quan lại mà ngày nay chúng ta gọi là công tác quy hoạch cán bộ.

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, ngoài cách thức đào tạo - thi cử - bổ dụng, còn có một cách thức khác để bổ sung cho đội ngũ quan lại là thông qua tiến cử hay bảo cử. Các triều đại phong kiến đều có quy định về việc tiến cử người tài, đức vào đội ngũ quan lại, trong đó có tự tiến cử. Nhờ vậy, một người dân có thực tài có thể được bổ dụng ngay vào ngạch quan, tướng, và quan lại bậc thấp có thể được bổ nhiệm vào chức cao hơn vài bậc mà không cần qua con đường trường quy, thi cử.

Trước khi thành lập Đảng, trong phong trào cách mạng vô sản ở nước ta, hình thức quy hoạch - đào tạo cán bộ đầu tiên được thực hiện bằng phong trào vô sản hoá (năm 1928-1929), do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo. Phong trào này đã đưa hàng trăm thanh niên trí thức theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa gia nhập đội ngũ giai cấp công nhân và thực hiện “bốn cùng” với họ: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và cùng đấu tranh. Qua đó, tôi luyện, thử thách và sàng lọc nguồn cán bộ, tạo ra những nhà lãnh đạo xuất sắc cấp tỉnh, thành và cấp trung ương khi mới ở độ tuổi hai mươi.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ (từ năm 1945 đến năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra một hệ thống các quan điểm, đường lối, chủ trương và phương pháp về công tác cán bộ của Đảng, tập trung chủ yếu trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” (viết năm 19470). Trong tác phẩm này, Người nhấn mạnh: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta”(2). Người đã quy tụ và sử dụng được nhiều loại nhân tài làm cán bộ, và nguồn cán bộ đã mở rộng trong toàn xã hội, đến cả những người tài, đức ở ngoài Đảng.

Một hình thức quy hoạch cán bộ tầm xa được Đảng ta đã sử dụng thành công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là lựa chọn thanh niên có triển vọng, cử ra nước ngoài du học để trở thành nguồn cán bộ - nhân tài của đất nước. Nguồn sinh viên du học là những học sinh tốt nghiệp phổ thông loại khá, giỏi, trong đó có sự ưu tiên con em của những người đang chiến đấu và có công với cách mạng. Chính sách quy hoạch - đào tạo từ xa của Đảng thời kỳ kháng chiến đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ chủ chốt trong nhiều lĩnh vực công tác, vừa có lòng trung thành cao với Đảng và dân tộc, vừa có năng lực chuyên môn.

Trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (năm 1997) và Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị “Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” (năm 2004) là những văn kiện quan trọng của Đảng về quy hoạch cán bộ, công chức. Mục đích và tư tưởng chủ đạo của các nghị quyết trên là nhằm tạo ra sự đột phá trong quá trình đổi mới công tác cán bộ của Đảng, trước hết là bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ.

Thành tựu của công tác quy hoạch cán bộ, công chức thời kỳ đổi mới là làm cho công tác cán bộ của các cấp ủy có sự chủ động và nề nếp hơn, có tầm nhìn xa hơn. Qua đó, tập hợp, đào tạo và bố trí sử dụng một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị cao hơn; cơ cấu giới, chuyên ngành... tiến bộ hơn.

Bên cạnh đó, vẫn còn có những khuyết điểm, hạn chế như: chưa tạo ra sự đột phá trong đổi mới chất lượng công tác cán bộ; độ tuổi bình quân của nhân sự trong diện quy hoạch còn cao, chưa bảo đảm sự kế tiếp ba độ tuổi cho một chức danh quy hoạch; chưa thực sự tập hợp và sử dụng được nhiều người tài, đức vào hệ thống chính trị; tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa đạt mức kế hoạch đề ra; quan điểm hẹp hòi, khép kín, cục bộ vẫn còn phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương, khiến họ không cần và không muốn sử dụng người ngoài vào; các quy định, quy trình hiện có chưa nâng cao được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và cấp ủy có thẩm quyền duyệt quy hoạch.

Trên cơ sở nội dung Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị và các hướng dẫn thực hiện của Ban Tổ chức Trung ương (số 47, 50, 22...), chúng tôi kiến nghị: Công tác quy hoạch - đào tạo cán bộ, công chức không nên bó gọn trong bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý mà cần mở rộng phạm vi áp dụng sang các loại cán bộ khác trong hệ thống chính trị, như cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ chuyên môn, chuyên gia... Việc tổ chức thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, công chức nên xuất phát từ các quan điểm, nguyên tắc sau đây:

Một là, Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức theo cơ chế tập thể cấp uỷ quyết định trên cơ sở đề xuất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và sự đề cử của nhân viên cấp dưới; có tham khảo ý kiến đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Quy trình thực hiện quy hoạch cán bộ, công chức nên tuân theo các bước: dân chủ trước, tập trung sau; trước khi cấp uỷ bàn bạc và quyết định tập trung, cần mở rộng dân chủ để phát hiện, giới thiệu nguồn cho quy hoạch. Mặt khác, trước khi mọi người đề cử thêm, người đứng đầu cần nhận xét, đánh giá các ứng cử viên do mình đề cử một cách công khai trong cuộc họp cơ quan, đơn vị.

Theo chúng tôi, trong công tác quy hoạch cán bộ, công chức cần bổ sung các hình thức tự ứng cửtiến cử, trong đó, việc tiến cử phải được bảo đảm bằng trách nhiệm, danh dự cá nhân của cán bộ trong tập thể lãnh đạo.

Hai là, có quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất trong tập thể lãnh đạo về kết quả và chất lượng của công tác quy hoạch cán bộ, công chức nói riêng, công tác cán bộ nói chung. Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu là lớn nhất so với các thành viên trong tập thể lãnh đạo, nên cũng cần có hệ số trách nhiệm cao nhất trong tập thể lãnh đạo đó. Chẳng hạn, hệ số ủy viên cấp ủy là 1, phó bí thư và trưởng ban tổ chức cấp ủy là 2, bí thư cấp ủy là 3. Đối với những người vừa đứng đầu cấp uỷ, vừa đứng đầu hành chính thì sẽ dễ đánh giá, quy trách nhiệm cá nhân cho họ.

Ba là, chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch cán bộ, công chức phụ thuộc vào việc thực hiện một cách đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trong đó khâu bố trí sử dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức là quan trọng nhất. Quy hoạch không gắn liền với đào tạo và sử dụng là “quy hoạch treo”, cần phòng tránh. Mặt khác, muốn thu hút và sử dụng được người giỏi, hạn chế nạn tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, phải có chế độ lương bổng thích hợp và môi trường làm việc lành mạnh. Tuy nhiên, thực hiện điều này là khó nhất trong công tác cán bộ, vì nó liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành và đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao.

Có ý kiến cho rằng, đánh giá cán bộ, công chức vẫn là khâu khó nhất hiện nay, nhưng thực tế không phải như vậy. Thủ trưởng, người đứng đầu cấp ủy, nếu thực sự công tâm và sâu sát thì có thể đánh giá đúng những cán bộ, công chức mà họ phụ trách, nhưng họ lại không đủ thẩm quyền để quyết định chế độ lương bổng và đãi ngộ. Chế độ lương hiện nay chưa thực sự bảo đảm cuộc sống và chưa tạo ra sự chuyên tâm, phấn khởi cho đội ngũ cán bộ, công chức trong công việc. Bởi vậy, cần tiếp tục đổi mới tư duy về tiền lương và cách thức trả lương cho cán bộ, công chức, coi đó cũng là sự đầu tư cho phát triển đất nước, là điều kiện thiết yếu để tạo động lực công tác cho cán bộ, công chức.

Bốn là, thực hiện đúng phương châm động, mở” và “mềm” trong quy hoạch cán bộ, công chức. Một chức danh cần quy hoạch nhiều người (tốt nhất là từ 3 đến 5 người); một người có thể được dự trù vào 2-3 chức danh. Hằng năm, cấp ủy cần rà soát, bổ sung quy hoạch. Trong đó, bảo đảm sự liên thông quy hoạch của khóa trước với khóa sau; không bó gọn nguồn quy hoạch trong một địa phương, một ngành, một cơ quan, đơn vị...

Cần có nhiều loại quy hoạch cán bộ, công chức; không nên chỉ có một loại quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Một số cán bộ, công chức có tài năng nhưng không muốn hoặc không có sở trường làm lãnh đạo, quản lý thì cần quy hoạch, bồi dưỡng họ trở thành các chuyên gia giỏi.

Cần khắc phục quan điểm máy móc, giản đơn và chủ nghĩa cơ cấu trong dự trù, bố trí sử dụng cán bộ, công chức, chẳng hạn như quan điểm cho rằng, đã vào cấp uỷ thì làm lãnh đạo ngành nghề gì cũng được. Cần ưu tiên cán bộ, công chức được quy hoạch, nhưng nếu quy định cứng rằng, cán bộ, công chức được cử đi đào tạo hay được bổ nhiệm, bố trí phải là người “trong diện quy hoạch” thì có thể làm máy móc hóa công tác cán bộ, dẫn đến việc bỏ sót nhân tài và gây mất công bằng trong đánh giá và sử dụng người. Vì vậy, quan điểm về quy hoạch và sử dụng cán bộ, công chức cần phải mềm. Trong giải quyết vấn đề này, cần nhớ đến chính sách tiến cử, bảo cử, thăng chức vượt cấp của ông cha ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm trọng dụng, không bỏ sót người tài. Chính sách này đã được thực tiễn lịch sử chứng minh là đúng đắn và có hiệu quả.

Năm là, bảo đảm sự dân chủ, công bằng, công khai trong quy hoạch cán bộ, công chức. Nguyên tắc công khai trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là một nội dung mới trong Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu công khai danh sách quy hoạch thì cán bộ sẽ bị “lộ”, quy hoạch dễ bị hỏng, “thối”. Thực tế cho thấy, việc công khai quy hoạch là đúng đắn, có nhiều ưu điểm hơn so với việc không công khai, bởi nó động viên tinh thần và tạo cơ sở có tính pháp lý để cán bộ, công chức cố gắng phấn đấu, trưởng thành.

Trong công tác cán bộ của chúng ta, có sự ưu tiên một số đối tượng, song cần làm rõ ưu tiên theo những tiêu chí nào và với mức độ là bao nhiêu? Những ưu tiên như cán bộ nữ, con em gia đình có công với cách mạng, thành phần xuất thân (giai cấp)... nếu không lượng hóa được thì sẽ dễ dẫn đến đối xử bất bình đẳng giữa các ứng cử viên. Ngay cả việc ưu tiên cán bộ trong diện quy hoạch cũng cần có sự hạn chế mức độ, bởi nếu không sẽ vi phạm nguyên tắc công bằng trong lựa chọn nhân tài (giữa các ứng cử viên, nhân sự trong và ngoài quy hoạch).

Sáu là, bảo đảm cạnh tranh công bằng trong công tác bổ dụng những cán bộ, công chức được quy hoạch. Chúng ta cần thừa nhận nguyên tắc cạnh tranh để lựa chọn nhân tài, để bổ nhiệm và sử dụng được những cán bộ xứng đáng nhất, ưu tú nhất. Ở đây, cạnh tranh chủ yếu là thông qua hình thức đánh giá kết quả, thành tích công tác của nhân sự, và coi năng lực, hiệu quả hoạt động thực tiễn là cơ sở quan quan trọng nhất để xét duyệt quy hoạch, bố trí sử dụng và bổ nhiệm cán bộ, công chức. Cần tạo điều kiện và cơ hội cho cán bộ, công chức thăng tiến bằng thi tuyển cạnh tranh ở một số chức danh lãnh đạo, quản lý, tạo ra những “sân chơi” rộng mở, công bằng để tuyển chọn nhân tài, nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch - đào tạo, bố trí sử dụng và quản lý cán bộ, công chức./.
 

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr 88

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t 5, tr 273