SCO - tầm ảnh hưởng và triển vọng hợp tác chiến lược
TCCSĐT - Trong hai ngày 15-6 và 16-6-2009, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức thành công tại Ê-ca-tê-ren-bua (Nga) với bản “Tuyên ngôn Ê-ca-tê-ren-bua” hàm chứa nhiều nội dung quan trọng: khẳng định tính chất không đảo ngược của xu thế tiến tới một thế giới đa cực và vai trò của các tổ chức khu vực trong quá trình giải quyết các vấn đề toàn cầu.
SCO - một trong những trung tâm của thế giới đa cực
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải gồm các nước Trung Quốc, Nga, Ca-dắc-xtan, Ki-rơ-gi-xtan, Tat-gi-ki-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan được thành lập chính thức năm 2001 với tiền thân Nhóm Thượng Hải được thành lập năm 1996 (khi đó chưa có U-dơ-bê-ki-xtan). SCO có tiềm lực mọi mặt và phạm vi rất lớn, chiếm 25% dân số thế giới, 60% diện tích lãnh thổ của hai châu lục Á, Âu. Chỉ tính riêng điều này, SCO đã có thể là một đối trọng mới của NATO sau khi Khối Hiệp ước Vác-sa-va tan rã.
Tại hội nghị của Nhóm Thượng Hải vào tháng 8-1999, lãnh đạo hai nước thành viên chủ chốt là Nga và Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn xây dựng một thế giới đa cực, thay vì thế giới đơn cực sau khi kết thúc “chiến tranh lạnh”. Với mong muốn đó, năm 2003, SCO đã quyết định tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn các công ty dầu lửa của Mỹ và các nước phương Tây xâm nhập vào Trung Á.
Với vị thế và ảnh hưởng ngày càng tăng, SCO đã góp phần nhất định vào việc đảm bảo an ninh quốc tế trong các lĩnh vực chống buôn bán ma túy, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia, chống ly khai và chia rẽ sắc tộc.
Năm 2005, thông qua việc phê chuẩn "Quy chế quan sát viên" cho các nước gồm Ấn Độ, Pa-ki-xtan, I-ran và Mông Cổ, SCO đã mở rộng được ảnh hưởng của mình không chỉ ở Trung Á mà còn cả ở một số nước Nam Á. Hiện nay, I-ran, Ấn Độ và Pa-ki-xtan đều mong muốn trở thành thành viên của tổ chức này. Mỹ cũng đã từng đề nghị được làm quan sát viên của SCO nhưng không được chấp nhận.
Trong bài trả lời phỏng vấn của Đài "Tiếng nói nước Nga", ông Đê-nít Tuy-rin, người lãnh đạo Đề án Info-SCO, nhận xét: “Hiện nay SCO đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trên vũ đài quốc tế, có ảnh hưởng nhất định và có thể đóng góp thiết thực vào việc hoá giải tình hình căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, SCO có vai trò hết sức to lớn trong nhiều tiến trình đang diễn ra trên thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế.
Hội nghị Thượng đỉnh của SCO ở Ê-ca-tê-ren-bua
Tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 15-6 và 16-6-2009 ở Ê-ca-tê-ren-bua, lãnh đạo các nước SCO bàn thảo về các biện pháp cùng nhau đấu tranh với những xu thế tiêu cực trong kinh tế, nỗ lực phát triển và củng cố các mối quan hệ khu vực trong lĩnh vực quan trọng này. Trong đó, phải kể đến việc thành lập các cơ chế liên kết để chống lại diễn biến khủng hoảng một cách hiệu quả hơn. Theo hướng đó, Hội nghị Ê-ca-tê-ren-bua thông qua quyết định thành lập Quỹ đầu tư chung của các nước SCO.
Kết thúc Hội nghị, nguyên thủ các nước SCO ký Tuyên bố chung, trong đó đưa ra đánh giá về tình hình quốc tế hiện nay, xu hướng không thể đảo ngược hướng tới trật tự thế giới đa cực và vai trò ngày càng tăng của các trung tâm khu vực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố cơ sở pháp lý của các quan hệ quốc tế, nâng cao vai trò điều phối của Liên hợp quốc trong các công việc quốc tế, tôn trọng nguyên tắc duy trì hoà bình trong điều kiện an ninh công bằng cho tất cả các quốc gia, giải quyết các cuộc xung đột quốc tế và khu vực thông qua các biện pháp chính trị - ngoại giao và hoà bình.
Các nước thành viên SCO ủng hộ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, tích cực thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát và quản lý tài chính quốc tế nhằm phát triển kinh tế bền vững. Sự hợp tác quốc tế là công cụ không thể thay thế được trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của thế giới như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính v.v. Các bên thống nhất ký kết Công ước của SCO chống khủng bố - một văn bản pháp lý cho SCO đối phó với những thách thức và nguy cơ mới; thống nhất quyết định cho phép Bê-la-rút và Xri Lan-ca được hưởng quy chế đối thoại với SCO, chính thức khẳng định tính mở của tổ chức này.
Vai trò ngày căng gia tăng của SCO
Vai trò ngày càng gia tăng của SCO là do lợi ích của các nước thành viên SCO gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo ra sự tương tác và hợp tác rất đặc thù, trong đó có hai nhân tố quan trọng nhất là Nga và Trung Quốc.
Trong tương lai không xa, không loại trừ khả năng sẽ có sự tham gia của Ấn Độ, I-ran và Pa-ki-xtan. Hiện nay, chỉ riêng sự có mặt của Nga và Trung Quốc trong SCO đã gây sự chú ý đặc biệt của Mỹ và phương Tây.
Trong nửa đầu những năm 2000, động lực của sự xích lại gần nhau về chính trị trong khuôn khổ SCO chính là các quốc gia thành viên muốn xác định rõ giới hạn hiện diện của Mỹ, chẳng hạn, rõ ràng nhất là các nước SCO yêu cầu các lực lượng vũ trang Mỹ chấm dứt sự hiện diện ở Trung Á sau khi đã hoàn thành sứ mạng lật đổ chính quyền của Ta-li-ban ở Ap-ga-ni-xtan và mời I-ran tham gia SCO với tư cách là quan sát viên.
Hiện nay, sứ mệnh của Mỹ ở Trung Đông và Ap-ga-ni-xtan còn chưa rõ hồi kết. Mỹ và NATO khó có thể hoá giải được tình hình bế tắc ở Ap-ga-ni-xtan nếu không có sự trợ giúp của Nga, Trung Quốc, các nước Trung Á, Pa-ki-xtan, Ấn Độ và cả I-ran nữa. Trong tình thế đó, vai trò của SCO càng trở nên nổi bật.
Có lẽ đây là một trong những lý do khiến trong thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Mỹ bắt đầu nhìn nhận SCO với quan điểm thực tế hơn, không còn ứng xử với nó như một liên kết “không thân thiện” nữa.
Để SCO tiếp tục lớn mạnh
Nếu như trên phạm vi toàn cầu, lợi ích của các nước thành viên là trùng hợp về cơ bản, thì trong nội bộ Tổ chức này, lợi ích quốc gia của các nước thành viên lại không trùng hợp như vậy. Để tăng cường sức mạnh hơn nữa trên thế giới, các nước trong đội hình SCO còn nhiều vấn đề không hề đơn giản cần được giải quyết, thỏa thuận.
Chẳng hạn, đó là việc tìm ra lời giải thỏa đáng cho vấn đề: khả năng tiếp cận các thị trường khu vực và mở rộng khả năng tiếp cận tới các nguồn tài nguyên năng lượng của các nước thành viên; tiềm năng kinh tế và sự ảnh hưởng của mỗi quốc gia thành viên đối với các nước khác và đối với thế giới; vấn đề cam kết bảo đảm an ninh cho các quốc gia...
Như vậy, cùng với quá trình phát triển SCO từ một tổ chức có xu hướng chống lại sự bành trướng của Mỹ, thành cơ chế hướng tới các mục tiêu cụ thể trong không gian Á - Âu, các nước thành viên còn rất nhiều việc phải làm. Thực tế và thời gian sẽ kiểm nghiệm sự lớn mạnh và tính vững chắc của tổ chức được coi là một cực của thế giới đa cực này./.
BRIC và tác động đối với thế giới  (19/06/2009)
Bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (19/06/2009)
Diễn văn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (19/06/2009)
Châu Á cần hướng tới những động lực tăng trưởng mới  (19/06/2009)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay