Không gian kinh tế thống nhất Á-Âu nhìn từ APEC 20
TCCSĐT - Tại Diễn đàn APEC 20 diễn ra ở thành phố Vla-đi-vô-xtốc, Mát-xcơ-va giới thiệu Đề án Không gian kinh tế thống nhất Á-Âu để các nước tham gia. Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang cùng với Tổng thống Nga V. Pu-tin đã đàm phán về việc Việt Nam ký kết Hiệp định tự do thương mại với Liên minh thuế quan - cơ sở quan trọng của Không gian kinh tế thống nhất Á-Âu.
Đề án đầy tham vọng và mang tính khả thi
Đề cập đến chủ đề quan trọng và có tính thời sự cấp thiết là các vấn đề tự do hóa thương mại và bãi bỏ một số rào cản hợp tác kinh tế, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm nay, Liên bang Nga đã đề xuất quan điểm chung thống nhất của tất cả các thành viên tham gia Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất Á-Âu.
Đề án Không gian kinh tế thống nhất Á-Âu giữa Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan chính thức khởi động từ tháng 1-2012, đánh dấu cột mốc lịch sử không chỉ đối với 3 nước mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên lục địa Á-Âu, trong đó có các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trước hết là các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết.
Đề án này được hình thành từ Liên minh thuế quan hoạt động từ ngày 01-6-2011, theo đó trên biên giới 3 nước Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan đã bãi bỏ sự kiểm soát đối với hoạt động di chuyển hàng hóa; hoàn tất việc xây dựng một khu vực có chế độ thuế quan thống nhất nhằm thực hiện những sáng kiến kinh doanh đầy tham vọng. Từ Liên minh thuế quan, các nước tạo ra thị trường rộng lớn với hơn 165 triệu người tiêu dùng dựa trên hệ thống luật pháp thống nhất, tạo điều kiện tự do di chuyển vốn, dịch vụ và lực lượng lao động.
Đề án Không gian kinh tế thống nhất Á-Âu, hay Liên minh Á-Âu, có 4 đặc điểm quan trọng.
Một là, đây là sự liên kết chặt chẽ trên cơ sở kinh tế, chính trị và các giá trị đáp ứng yêu cầu của một thế giới mới đang thay đổi nhanh chóng. Liên minh Á-Âu có khả năng trở thành một trong các cực của thế giới hiện đại và đóng vai trò như mối liên kết có hiệu quả giữa châu Âu với khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Việc phối hợp tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, vốn và nhân lực cho phép Liên minh Á-Âu cạnh tranh trong cuộc chạy đua về công nghiệp và công nghệ, thu hút các nhà đầu tư, tạo việc làm mới và các nền sản xuất tiên tiến, góp phần tạo ra sự ổn định cho sự phát triển toàn cầu.
Hai là, Liên minh Á-Âu sẽ là một trung tâm của các quá trình liên kết trong tương lai ở trên lục địa Á-Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ba là, Liên minh Á-Âu không mâu thuẫn với các thể chế của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Hiện nay, Nga cùng với các đối tác khác đang hoàn thiện các thể chế của SNG và mở rộng nội dung hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ cao và phát triển xã hội, mở ra nhiều triển vọng hợp tác lớn trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, giáo dục, điều phối thị trường lao động, tạo môi trường văn minh cho sự di chuyển lực lượng lao động. Theo sáng kiến của Nga, các nước SNG đã xây dựng Đề án Hiệp định mới về khu vực thương mại tự do dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới.
Bốn là, Liên minh Á-Âu là một đề án mở có thể kết nạp các đối tác khác, trước hết là các nước châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc liên kết thống nhất. Nga và EU đã từng đạt được thỏa thuận sẽ xây dựng không gian kinh tế chung từ Li-xbon đến Vla-đi-vô-xtốc, trước hết là xây dựng chính sách phối hợp trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, năng lượng, giáo dục và khoa học, bãi bỏ hàng rào xuất nhập cảnh, tiến tới xây dựng hệ thống đối tác cân bằng và hơp lý về mặt kinh tế giữa Liên minh Á-Âu và EU, tạo điều kiện thực tế để thay đổi cơ cấu địa - chính trị và địa - kinh tế trong không gia Á-Âu, góp phần phát triển kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Sự tham gia của các nước châu Á-Thái Bình Dương
Trước thềm Diễn đàn APEC 20 lần này ở Vla-đi-vô-xtốc, Nga đã nhận được lời đề nghị của 35 nước về việc xây dựng Khu vực tự do thương mại với Liên minh thuế quan theo Đề án Không gian kinh tế thống nhất Á-Âu. Ngày 8-9-2012, tại Diễn đàn này, Thủ tướng Niu Di-lân (New Zealand) Giôn Ki (John Key) đã thảo luận với Tổng thống Nga V. Pu-tin về các vấn đề liên quan tới việc xây dựng Khu vực tự do thương mại với Liên minh thuế quan.
Sự kiện này được các chuyên gia phân tích nhìn nhận như là bước ngoặt lớn theo xu hướng tổ chức lại “ngôi nhà châu Á-Thái Bình Dương” bởi hiện tại, các đối tác thương mại chủ yếu của Niu Di-lân là Ô-xtrây-li-a (trên 6 tỷ USD), Mỹ (4,2 tỷ USD), Nhật Bản (3,3 tỷ USD). Còn trao đổi thương mại giữa Nga với quốc gia này chỉ mới đạt 224 triệu USD. Ngoài ra, tổng khối lượng đầu tư của Ô-xtrây-li-a, Mỹ và Nhật Bản vào nền kinh tế Niu Di-lân là 110 tỷ USD, còn đầu tư của Nga vào nền kinh tế Niu Di-lân gần như chưa đáng kể.
Nguyên nhân của sự dịch hiện nay trong chiến lược phát triển kinh tế của Niu Di-lân là các nước phát triển cao trong nhóm G7 hiện đang áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch do tác động của cuộc khủng hoảng đồng thời cũng là vật cản đối với sự phát triển của Niu Di-lân. Trong khi đó, hàng hóa của Niu Di-lân đang có nhu cầu cao trên thị trường các quốc gia trong Liên minh thuế quan. Ngoài ra, Niu Di-lân có tiềm năng rất lớn về vốn và công nghệ để có thể dầu tư có hiệu quả cao vào nhiều dự án kinh tế, trước hết là các sự án hạ tầng cơ sở của Nga ở khu vực Xi-bê-ri và Viễn Đông.
Cùng tại Diễn đàn APEC 20 lần này, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Nga V. Pu-tin, trong đó có nội dung hoàn tất chủ trương để hai nước có thể khởi động đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh thuế quan vào quý I/2013 nhằm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015 và tiến tới 10 tỷ USD vào năm 2020.
Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình "Nước Nga 24", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa ra nhận định về những kỳ vọng đối với Diễn đang APEC 20 và triển vọng của Hiệp định tự do thương mại với Nga và Liên minh hải quan. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế và chính trị thế giới, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các nền kinh tế mới nổi mà Việt Nam là một thành viên.
Không có sự thay đổi định hướng địa - chính trị của Nga
Nhận định về những nỗ lực của Nga tại Diễn đàn APEC 20, nhiều người nhận định dường như Nga đã thay đổi định hướng chính sách đối ngoại từ Tây sang Đông. Về động thái này, Bộ trưởng Ngoại giao Xéc-gây La-vrốp (Xergey Lavrov) khẳng định, hoàn toàn không có chuyện Nga thay đổi định hướng chiến lược.
Tại cuộc họp báo ngày 5-9-2012 trong khuôn khổ “Tuần lễ Hội nghị thượng đỉnh APEC 20”, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp cho biết, Mát-xcơ-va luôn quan tâm khai thác sử dụng vị thế địa - chính trị và địa - kinh tế của mình đến mức tối đa, trong đó có việc khai thác tiềm năng to lớn còn tiềm ẩn của khu vực Xi-bê-ri và Viễn Đông tiếp giáp với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng như thế không có nghĩa là Nga coi nhẹ quan hệ với các đối tác châu Âu và Nam Á.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp nhấn mạnh:”Xét từ lăng kính vị trí địa lý, lịch sử và truyền thống, ngay từ xa xưa, nước Nga đã hướng về phía tây, phía đông, phía bắc và phía nam. Nên không thể có chuyện Nga định hướng lại ưu tiên của mình. Cũng không có chuyện liên kết Liên minh thuế quan với Diễn đàn APEC”. Hợp tác đề phát triển - đó là hướng ưu tiên của Nga trong việc khái thác tiềm năng to lớn của khu vực Xi-bê-ri và Viễn Đông.
Trong khi tờ "The American Interest" của Mỹ, trong bài viết số ra ngày 6-9-2012, đưa ra nhận xét: “Nga chỉ muốn thông qua APEC để nhấn mạnh thông điệp rằng, quốc gia này mong muốn là một cầu nối trong không gian kinh tế Á-Âu. Thật đáng hoan nghênh nếu Nga thực sự muốn xây dựng một hành lang trung chuyển từ Viễn Đông tới châu Âu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm mối đe dọa đối với các đường biển phía Nam. APEC là cơ hội để Nga thể hiện tham vọng này./.
Hội nghị Cấp cao APEC thứ 20 ra Tuyên bố chung  (10/09/2012)
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm an ninh lương thực tại APEC  (10/09/2012)
Vị thế, hình ảnh Việt Nam được nâng cao tại APEC 20  (10/09/2012)
Việt Nam điện thăm hỏi vụ động đất ở Trung Quốc  (10/09/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên